Trang Chủ > Suy Niệm > Thường Niên 13-25 > Tuần 20

SUY CHIÊM LỜI CHÚA

Thứ Năm sau Chúa Nhật XX Thường niên B

 Mt 22, 1-14

Nhập nguyện:

300px-Diya.jpgTìm những điều kiện tốt nhất để vào giờ suy chiêm: nơi chốn- thời gian- tư thế, tư cách, thái độ.

Định tâm – Nhận diện : Để tâm hồn lắng xuống khỏi những dao động của cuộc sống. Nhận diện ra được sự hiện diện của Ba Ngôi Thiên Chúa đang ở trước mặt.

Xin giúp- Xin ơn :

Xin Chúa Thánh Thần giúp con có nhận ra được giá trị tuyệt vời của tiệc cưới mà con đã được Chúa mời đến tham dự. Để từ đó, con không thể không đến dự bàn tiệc mà Chúa đã dành cho con trong tâm tình của người con mong được đến và ở lại trong Tiệc Cưới muôn đời.

Suy chiêm:

Đọc kỹ :  Mt 22,1-14

Đọc lần 1 : Đọc chậm – đọc thành tiếng, để Lời Chúa khắc ghi, thấm sâu vào tâm hồn. Đọc Lời Chúa với con tim khát khao muốn nghe Chúa nói.

  1 Đức Giê-su lại dùng dụ ngôn mà nói với họ rằng: 2 "Nước Trời cũng giống như chuyện một vua kia mở tiệc cưới cho con mình. 3 Nhà vua sai đầy tớ đi thỉnh các quan khách đã được mời trước, xin họ đến dự tiệc, nhưng họ không chịu đến. 4 Nhà vua lại sai những đầy tớ khác đi, và dặn họ: "Hãy thưa với quan khách đã được mời rằng: Này cỗ bàn, ta đã dọn xong, bò tơ và thú béo đã hạ rồi, mọi sự đã sẵn. Mời quý vị đến dự tiệc cưới! " 5 Nhưng quan khách không thèm đếm xỉa tới, lại bỏ đi: kẻ thì đi thăm trại, người thì đi buôn, 6 còn những kẻ khác lại bắt các đầy tớ của vua mà sỉ nhục và giết chết. 7 Nhà vua liền nổi cơn thịnh nộ, sai quân đi tru diệt bọn sát nhân ấy và thiêu huỷ thành phố của chúng. 8 Rồi nhà vua bảo đầy tớ: "Tiệc cưới đã sẵn sàng rồi, mà những kẻ đã được mời lại không xứng đáng. 9 Vậy các ngươi đi ra các ngã đường, gặp ai cũng mời hết vào tiệc cưới." 10 Đầy tớ liền đi ra các nẻo đường, gặp ai, bất luận xấu tốt, cũng tập hợp cả lại, nên phòng tiệc cưới đã đầy thực khách.

11 "Bấy giờ nhà vua tiến vào quan sát khách dự tiệc, thấy ở đó có một người không mặc y phục lễ cưới, 12 mới hỏi người ấy: "Này bạn, làm sao bạn vào đây mà lại không có y phục lễ cưới? " Người ấy câm miệng không nói được gì. 13 Nhà vua liền bảo những người phục dịch: "Trói chân tay nó lại, quăng nó ra chỗ tối tăm bên ngoài, ở đó người ta sẽ phải khóc lóc nghiến răng! 14 Vì kẻ được gọi thì nhiều, mà người được chọn thì ít."

Buông sách – không suy nhưng lắng nghe những lời ấy vang vọng vào long mình nhiều lần. Lắng nghe cho tới lúc lời ấy mờ đi.  

Đọc lần 2: Đọc lại bản văn, lắng nghe Lời bằng cả con tim, bằng trọn trí tuệ, bằng cả con người.

Đọc lần 3: Đọc lại bản văn, lắng nghe Lời bằng cả con tim, bằng trọn trí tuệ, bằng cả con người.

Suy sâu.

Sau khi đọc, suy theo các câu hỏi:

Nghĩa là gì ? ( Câu này có nghĩa là gì ? Nói câu này để làm gì ? Tại sao?)

Chúa dạy gì ?( Chúa muốn dạy tôi điều gì ?)

Chúa bảo gì ?( Chúa bảo tôi làm gì ?)

 Ở Mt 21, Đức Giê su đang phải đối đầu với các thượng tế và người Pha-ri-sêu bằng một số dụ ngôn để nói về những người không làm theo ý muốn của Thiên Chúa. Các thượng tế và những người  Pha-ri-sêu cảm thấy rất khó chịu, bực mình vì những dụ ngôn Đức Giê-su dùng để giảng dạy nên họ “ tìm cách bắt Người” ( Mt 21,46). Nhưng sự căm ghét, hay ý muốn bắt Đức Giê-su của họ không làm Ngài dừng lại, Đức Giê-su tiếp tục với các dụ ngôn của Ngài:

Mt 22,1-2 : 1Đức Giê-su lại dùng dụ ngôn mà nói với họ rằng: 2 "Nước Trời cũng giống như chuyện một vua kia mở tiệc cưới cho con mình.”

Ở đây, chúng ta thấy lời mời của Tin Mừng được so sánh với lời mời dự tiệc cưới hoàng tử của nhà vua. Các thiệp mời đã được gởi đi, chỉ rõ thời gian tiệc cưới, nhưng, các khách được mời đã” từ chối không đến dự”. Dụ ngôn này, một lần nữa, chỉ đích danh các thượng tế và người Pha-ri-sêu, nói đến cách hành xử của dân tộc họ, con cái nhà Is-ra-en. Họ đã được mời gọi để trở thành dân của Thiên Chúa chọn lựa, và Đấng Mê-si-a của dân đã đến để gọi mời con cái đến dự tiệc cưới của chính họ. Nhưng rút cục, họ đã phớt lờ lời mời và “ từ chối đến” tiệc cưới.

Mt 22,3-6 : “ 3 Nhà vua sai đầy tớ đi thỉnh các quan khách đã được mời trước, xin họ đến dự tiệc, nhưng họ không chịu đến. 4 Nhà vua lại sai những đầy tớ khác đi, và dặn họ: "Hãy thưa với quan khách đã được mời rằng: Này cỗ bàn, ta đã dọn xong, bò tơ và thú béo đã hạ rồi, mọi sự đã sẵn. Mời quý vị đến dự tiệc cưới! " 5 Nhưng quan khách không thèm đếm xỉa tới, lại bỏ đi: kẻ thì đi thăm trại, người thì đi buôn, 6 còn những kẻ khác lại bắt các đầy tớ của vua mà sỉ nhục và giết chết”

Nhà vua trong dụ ngôn đã biểu lộ sự kiên nhẫn, sự trọng đãi có một không hai của mình đối với các khách mời, bằng việc tiếp tục nài nỉ những khách từ chối đến dự tiệc Nhà vua lại sai những đầy tớ khác đi, và dặn họ: "Hãy thưa với quan khách đã được mời rằng: Này cỗ bàn, ta đã dọn xong, bò tơ và thú béo đã hạ rồi, mọi sự đã sẵn. Mời quý vị đến dự tiệc cưới!”.  Có lẽ, trong thế gian này, sẽ chẳng có thần dân nào dám từ chối lời mời dự tiệc của vua mình, vì lời mời của vua như là một lệnh truyền đối dân trong vương quốc, và nhà vua có quyền trừng trị những kẻ chống đối lời mời đó. Nhưng với lòng từ bi, nhà vua lại tiếp tục gởi lời mời, thậm chí năn nỉ khách đến dự tiệc. Một số khách mời quá thờ ơ với lời mời, quá bận rộn với những việc trần gian cần phải quan tâm đến. Lời mời của nhà vua xem ra chẳng quan trọng gì so với những gì tâm trí họ đang bận tâm“Nhưng quan khách không thèm đếm xỉa tới, lại bỏ đi: kẻ thì đi thăm trại, người thì đi buôn. Số khác lại đón nhận lời mời bằng sự hung bạo còn những kẻ khác lại bắt các đầy tớ của vua mà sỉ nhục và giết chết”. Đây là điều ám chỉ đến sự đáp trả của con cái dân Is-ra-en đối với các ngôn sứ được Thiên Chúa sai đến. Tất cả điều này của dân sẽ lên đến đỉnh điểm không hơn không kém khi họ ngược đãi và giết chết Con Thiên Chúa.

Câu chuyện dụ ngôn dường như nói một cách rõ ràng về cách phản ứng của con cái Is-ra-en đối với việc Đức Giê-su đến họ, đồng thời câu chuyện cũng vang dội những câu trả lời khác nhau đối với việc rao giảng sứ điệp Tin Mừng của ngày hôm nay. Hàng ngày, trên tất cả thế giới, qua những tôi tớ của Thiên Chúa, lời mời gọi của Tin Mừng được rộng mở đến với những tâm hồn đang lạc hướng. Trong đó, một số người đã đáp trả sứ điệp Tin Mừng một cách tận tụy, nhưng số khác lại khước từ, không đón nhận. Số khác lại quá thờ ơ, lãnh đạm với sứ điệp, quá lo lắng với những chuyện thế gian và bỏ qua lời mời gọi của Tin Mừng “kẻ thì đi thăm trại, người thì đi buôn”. Số khác lại đáp trả lời mời gọi của Tin Mừng bằng sự quá khích, đôi khi còn hung bạo. Đáng buồn thay, họ không nhận ra rằng lời rao giảng của Tin Mừng là một hành động của tình yêu cao vời nhất.

Mt 22, 7: Nhà vua liền nổi cơn thịnh nộ, sai quân đi tru diệt bọn sát nhân ấy và thiêu huỷ thành phố của chúng.

Trước hành vi vô tâm, tàn bạo của người được mời, Nhà vua liền nổi cơn thịnh nộ, sai quân đi tru diệt bọn sát nhân ấy và thiêu huỷ thành phố của chúng. Một cuộc tàn sát khó hiểu. Phản ứng của nhà vua trước sự từ chối của khách mời là điều ngạc nhiên. Làm thế nào có thể giải thích được phản ứng mạnh mẽ dữ dội như thế của nhà vua được? Dụ ngôn được ám chỉ đến các tư tế và các nhà lãnh đạo Do Thái ( Mt 22,1) thay cho trách nhiệm của họ đối với dân tộc mình. Đã nhiều lần, Đức Giê-su đã nói với họ về sự cần thiết để trở lại, hối cải. Thậm chí, Đức Giê-su đã khóc thương thành Giê-ru-sa-lem và nói "Phải chi ngày hôm nay ngươi cũng nhận ra những gì đem lại bình an cho ngươi! Nhưng hiện giờ, điều ấy còn bị che khuất, mắt ngươi không thấy được. 43 Thật vậy, sẽ tới những ngày quân thù đắp luỹ chung quanh, bao vây và công hãm ngươi tư bề. 44 Chúng sẽ đè bẹp ngươi và con cái đang ở giữa ngươi, và sẽ không để hòn đá nào trên hòn đá nào, vì ngươi đã không nhận biết thời giờ ngươi được Thiên Chúa viếng thăm." (Lc 19,41-44). Phản ứng mạnh mẽ, dữ dội của nhà vua trong dụ ngôn có lẽ ngụ ý, ám chỉ đến việc đoán  trước của Đức Giê-su về Giê-ru-sa-lem sẽ bị phá hủy (Lc 19,41-44;21,6). Và câu chuyện lịch sử về Giê-ru-sa-lem bị phá hủy được xem như là ứng đáp chống lại con cái Is-ra-en, khi quân đội Rô-ma bao vây Giê-ru-sa-lem, phá hủy thành và nhiều nơi ở của dân cư vào năm 69 sau Công nguyên. Josephus, một sử gia Do Thái, người đã sống qua thời Giê-ru-salem bị phá hủy, nhận định rằng “ Thiên Chúa là tác giả của sự phá hủy đó”[1]. Thật trớ trêu khi một số người Do Thái bị bắt và bị đóng đinh do quân đội Rô-ma “ Với sự giận dữ và căm ghét, những người lính đã khoan qua tay chân, đóng đinh những người Do Thái mà họ bắt được, từng người một lên cây thập giá, bằng sự chế giễu…[2]

Mt 22, 8-10: Rồi nhà vua bảo đầy tớ: "Tiệc cưới đã sẵn sàng rồi, mà những kẻ đã được mời lại không xứng đáng. Vậy các ngươi đi ra các ngã đường, gặp ai cũng mời hết vào tiệc cưới." Đầy tớ liền đi ra các nẻo đường, gặp ai, bất luận xấu tốt, cũng tập hợp cả lại, nên phòng tiệc cưới đã đầy thực khách.

Tiệc cưới không bị hủy dù khách được mời không đến. Việc từ chối Đấng Mê-si-a của dân Do Thái, đã mở ra một “ tiệc cưới” cho hết thảy mọi người, mọi dân nước. Không còn giới hạn về khách mời. Sứ điệp Tin Mừng loan đi khắp nơi, được công bố trên khắp mọi nẻo đường và được tất cả mọi người lắng nghe , cả người tốt và người xấu. Người xấu bị loại trừ bởi lẽ họ bị xem như là tội lỗi khi tham gia vào việc phụng tự của người Do Thái, nhưng bây giờ lại được mời, đặc biệt là do chính nhà vua cho phép được tham dự tiệc. Trong bản văn thời đó, những người xấu ở đây là những người ngoại. Họ cũng đã được mời tham dự tiệc cưới.

Mt 22, 11-14: "Bấy giờ nhà vua tiến vào quan sát khách dự tiệc, thấy ở đó có một người không mặc y phục lễ cưới, 12 mới hỏi người ấy: "Này bạn, làm sao bạn vào đây mà lại không có y phục lễ cưới? " Người ấy câm miệng không nói được gì. 13 Nhà vua liền bảo những người phục dịch: "Trói chân tay nó lại, quăng nó ra chỗ tối tăm bên ngoài, ở đó người ta sẽ phải khóc lóc nghiến răng! 14 Vì kẻ được gọi thì nhiều, mà người được chọn thì ít.".

Dù được ưu đãi trong lời mời dự tiệc, nhưng cả người tốt lẫn người xấu phải xuất hiện trong tiệc cưới thế nào để xứng với tư cách khách mời của nhà vua? Họ không thể đến dự tiệc cưới của con vua với bộ quần áo lao động hàng ngày,  hay bộ trang phục tầm thường, rách nát... "Này bạn, làm sao bạn vào đây mà lại không có y phục lễ cưới?. Và người không mặc y phục lễ cưới ấy đã bị loại ra khỏi tiệc cưới.

Với “bữa tiệc” Tin Mừng, tôi nên chuẩn bị thế nào? “ Hãy tin vào Chúa Giêsu, ông và cả nhà ông  sẽ được cứu độ” ( Cv 16,31); “ Nếu miệng bạn tuyên xưng Đức Giê su là Chúa, và long bạn tin rằng Thiên Chúa đã làm cho Người sống lại từ cõi chết, bạn sẽ được cứu độ” ( Rm 10,9). Như thế, những ai tin vào Chúa Giêsu  là được khoác áo công chính của Ngài và được coi trọng nơi tiệc của Vua. Họ sẽ có thể nói như Isaia “ Tôi mừng rỡ muôn phần nhờ Đức Chúa, nhờ Thiên Chúa tôi thờ. Vì Người mặc cho tôi hồng ân cứu độ, choàng cho tôi đức chính trực công minh” (Is 61,10)

Ở phần cuối, số người được khoác áo công chính, xứng đáng trong bữa tiệc lại ít hơn so với con số lẽ ra được hy vọng “  Kẻ được gọi thì nhiều, mà người được chọn thì ít”.

 Lời mời được thông báo, gọi vang khắp đường phố. Sứ điệp Tin Mừng cũng vang lên và đi tới khắp miền, đến tất cả các dân tộc trên thế giới và đó là “ số được gọi”. Và lúc này, chỉ có số ít đáp trả lời gọi mời của Tin Mừng “...nhưng người được chọn thì ít”. Đức Giê su rất chủ ý khi dùng từ “ được chọn” vì sợ chúng ta quên rằng Thiên Chúa có toàn quyền trên tất cả mọi sự. Dẫu rằng, từ  chính bản thân mỗi người, chúng ta phải đáp trả lại sứ điệp Tin Mừng, phải “ tin vào Đức Giêsu” và “ tuyên xưng rằng Đức Giêsu là Chúa”, nhưng Thiên Chúa, chính Ngài mới có toàn quyền trong quyết định cứu độ chúng ta. Có thể chúng ta thật khó hiểu với điều này vì tâm trí hạn hẹp của mình. Làm thế nào chúng ta có thể chịu trách nhiệm về lời đáp trả của chúng ta đối với Tin Mừng, và trong những hoàn cảnh tương tự,  khi mà Thiên Chúa là Đấng toàn quyền trên tất cả những phán quyết được làm ra? Có lẽ, chúng ta sẽ hiểu điều này thật đầy đủ sau khi chúng ta được cư ngụ, ở với Thiên Chúa chúng ta trong căn nhà mà Ngài đã chuẩn bị cho mỗi người chúng ta.

Thật tốt cho mỗi người chúng ta, nếu tất cả chúng ta thật sự quan tâm đến chuyện chúng ta phải chịu trách nhiệm cho những quyết định của mình trong việc lắng nghe- đáp trả Tin Mừng. Khi lắng nghe sứ điệp Tin Mừng, Chúa Thánh Thần đã nung đốt tâm hồn bẳng ngọn lửa của Ngài, nên đòi buộc chúng ta phải chọn lựa để đáp trả và thay đổi lối sống quy hướng về Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Khi đó, chúng ta mới có thể đi tới tiệc cưới, không phải là tiệc cưới của một hoàng tử trên trần gian, nhưng là của Con Chiên Thiên Chúa, Chúa của tất cả trời đất ( x. Kh 21,2). Ở tiệc cưới đó, chúng ta không chỉ là khách mời, nhưng chúng ta, Giáo Hội, sẽ là tân nương của Đức Kitô. Vinh dự và vinh quang biết bao trong ngày đó!

Cầu xin. Thinh lặng nghe Chúa nói và để tâm hồn, lòng mình dâng lên những cảm xúc, phản ứng... Sau đó, thưa chuyện với Chúa về những cảm xúc, tình cảm đang có, về quyết tâm thực hiện điều Chúa bảo làm.

Kết nguyện:

Tâm sự với Chúa về những tâm tình đang có ở cuối giờ suy chiêm.

Kết thúc bằng Kinh Lạy Cha.

Nt. Têrêsa Ngọc Lễ, OP



[1] Josephus, Wars, 5:1:3 (19). 

[2]  [Josephus, Wars, 5:11:1 (451)].

 


Các bài viết mới hơn
     Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật Tuần XX Thường Niên Năm C_Lm Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật Tuần XX Thường Niên Năm C_Lm Đan Vinh - HSTM
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần XX Thường Niên - Lm. Duy Khang
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần XX Thường Niên - Lm Giuse Nguyễn Duy Khang
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần XX Thường Niên - Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần XX Thường Niên - Thiên Thảo SJP
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần XX Thường Niên - Đaminh Trần văn Tân, SJ
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Hai Tuần XX Thường Niên - Nt. Anna Kim Luyến SSS
     Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật Tuần XX Thường Niên Năm A-Lm.Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần XX Thường Niên- Lm. Duy Khang

Các bài viết cũ hơn
     TIẾP NHẬN LỜI MỜI. Nt. Maria Trần thị Phượng
     SUY NIỆM LỜI CHÚA THỨ TƯ TUẦN XX THƯỜNG NIÊN B. Nt. Maria Martin Hồ Thị Thu Thảo. OP
     CẦU NGUYỆN BẰNG KINH THÁNH: Thứ Hai sau Chúa Nhật XX Thường niên B. Nt. Têrêsa Ngọc Lễ, OP
     SUY NIỆM TIN MỪNG THỨ HAI TUẦN XX THƯỜNG NIÊN NĂM B. Nữ Tỳ Thánh Thể.
     BÀI SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT XX THƯỜNG NIÊN NĂM B: ĐỂ CÓ SỰ SỐNG ĐỜI ĐỜI. Lm.Paul Nguyễn Nguyên
     BÀI SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT XX THƯỜNG NIÊN NĂM B: TÌNH YÊU TẬN HIẾN. Lm.Jos Tạ Duy Tuyền.
     SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT XX THƯỜNG NIÊN NĂM B: ĂN THỊT UỐNG MÁU.Lm. Giuse Đỗ Đức Trí
     SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT XX THƯỜNG NIÊN NĂM B. Lm. Phao Lô Nguyễn Văn Đông
     SUY NIỆM THỨ SÁU TUẦN XX THƯỜNG NIÊN NĂM A. Nt. Maria Chinh Anh OP.
     MỈM CƯỜI