CHỦ NHẬT 5 CHAY A
Ta là sự sống lại và là sự sống
Giữa cuộc sống đầy khó khăn nầy, thỉnh thoảng chúng ta nghe tiếng rủa mình: “Thà chết cho xong”. Ít nhiều tất cả chúng ta đều là tù nhân trong một thế giới giam hãm chúng ta. Chúng ta là tù nhân của chính mình, tù nhân của các ước muốn, của thói quen, và tệ hơn hết là tù nhân các nỗi sợ hãi. Như Chúa Giê su đã mở huyệt cho ông Ladarô, Ngài muốn giải thoát chúng ta và làm cho chúng ta Sống đúng ý nghĩa của sự Sống.
Sách tiên tri Êdêkiên 37, 12-14
Năm 586 trước Công Nguyên Giê ru sa lem rơi vào tay người Ba lylon. Mọi sự dường như tiêu tan đối với dân Thiên Chúa trong kiếp lưu đày. Mặc cho tình thế có vẻ tuyệt vọng, Tiên tri Êdê kiên loan báo rằng Thiên Chúa sẽ mở cửa mồ, sẽ giải thóat họ khỏi cảnh nô lệ và Thần khí của Thiên Chúa sẽ ngự trong họ. Đó là ơn Cứu thoát của Gia vê.
Thánh Vịnh 129
Vâng, Chúa sẽ nghe tiếng kêu Hi vọng mà người tín hữu kêu lên Ngài từ vực sâu khốn cùng. Người canh đêm chờ đợi sẽ được Ngài nhậm lời bởi vì Ngài là Đấng yêu thương và tha thứ. Người sẽ cứu chuộc Israen và giải thoát họ khỏi sự chết.
Thư gửi Rôma 8, 8-11
Thánh Phao lô vui mừng nhắc lại Tin mừng là chúng ta đã được Thần khí của Chúa ngự trị. Ngài còn nhấn mạnh rằng: Với thần khí, sự Sống đã ở trong chúng ta. Ngay cả khi chúng ta biết mình sẽ chết, Thiên Chúa sẽ phục sinh chúng ta như chính Người đã cho Con của Người từ cõi chết sống lại.
Tin mừng:Ga 11,1-45
NGỮ CẢNH
Xét về nhiều khía cạnh, việc phục sinh ông La da rô là một trong những trình thuật quan trọng nhất của tin mùng Gioan.
Xét theo cuộc đời Chúa Giê su, thì phép lạ nầy có tính cách quyết định việc Ngài phải bị kết án tử hình.
Xét theo bố cục tin mừng, thì đây là giáo huấn được đặt đúng chỗ trước trình thuật khổ nạn. Đây không chỉ là một dấu chỉ lớn nhất của Chúa Giê su, mà là dấu chỉ có nhiều ý nghĩa nhất. Nó cắt nghĩa những gì Chúa Giê su đã nói về quyền năng ban sự sống của Ngài, cho thấy ý nghĩa cái chết của chúng ta và mang theo lời hứa của chính sự phục sinh nhờ vào quyền năng của Chúa Giê su chết và sống lại.
Có thể đọc theo bố cục sau đây:
1. Nhập đề: (11,1-3)
2. Chúa Giê su hướng các môn đệ đến mầu nhiệm (11,4-16)
3. Chúa Giê su dẫn dắt Mát ta tuyên xưng đức tin (11,17-37)
4. Chúa Giê su thực hiện dấu chỉ phục sinh (11,38-45)
TÌM HIỂU
Đau nặng: trong hai câu trước, ông La da rô được giới thiệu như là nhân vật ít được biết đến. Để nói về ông, người ta phải nhắc đến hai chị em ông mà chắc chắn cộng đoàn Ki tô hữu tiên khởi đã biết đến. Lu ca nói đến hai chị em trong đoạn 10,38-42 nhưng không nói đến Bê ta ni a và La da rô.
Maria: trong phần kế tiếp, Mát ta chiếm một vị trí nổi bật hơn, được nói đến trước tiên trong Luca, vì có lẽ cô lớn tuổi hơn và là chủ nhà. Còn ở đây, Maria được nhắc đến trước với qui chiếu đến việc xức dầu ở Bê ta ni a, rồi chỉ được nói tới ở trình thuật ở chương sau. Câu chuyện khổ nạn và đặc biệt, việc xức dầu ở Bê ta ni a có lẽ đã được nhiều tín hữu biết đến trước khi trình thuật về sự phục sinh ông La da rô có chỗ đứng trong việc soạn tác tin mừng.
Người Thầy thương mến: tình cảm của Chúa Giê su đối với ông La da rô được nhấn mạnh bốn lần trong trình thuật nầy: bởi hai chị em (11,3), bởi tác giả tin mừng (11,5), bởi Chúa Giê su (11,11) và bởi người Do thái (11,36).
Bị đau nặng: người ta thường so sánh lời nầy với lời của Đức Maria mẹ Chúa Giê su: “Họ hết rượu rồi!” (2,3). Người nầy không xin nhưng chỉ báo tin cho Chúa Giê su, hay đúng hơn, anh ta đến gặp một người đã biết điều đó rồi.
Bệnh nầy không đến nỗi chết đâu: lời nói nầy vừa trấn an (bệnh không nặng lắm đâu) vừa hướng đến vinh quang Thiên Chúa.
Mát ta cùng hai người em là cô Maria và anh Ladarô: theo những gì tin mừng cho biết thì gia đình Bê ta ni a nầy là mái nhà duy nhất mà Chúa Giê su được đón tiếp như một người bạn. Tuy nhiên nó không thuộc loại gia đình bình thường: không thấy có vợ chồng, cha mẹ, con cái. Gia đình chỉ có hai chị em đón tiếp Chúa Giê su (Lc 10,38) và được Ngài yêu mến khiến ta nghĩ tới Hội Thánh và các mối tương quan trong cộng đoàn anh chị em của Chúa Giê su.
Người còn lưu lại: Chúa Giê su hành động y như là hiểu sai tin tức Maria chuyển tới. Đây là một thử thách cho đức tin đối với những ai mong chờ Ngài can thiệp. Niềm tin đúng nghĩa chỉ có thể biểu hiện ngang qua sự thử thách nầy.
Tại nơi đang ở: ở bên kia sông Gio đan, khoảng một ngày đi đường.
Thưa Thầy: các môn đệ cảm thấy trước các nguy cơ đối đầu, nên họ tỏ ra lo sợ.
Ban ngày chẳng có mười hai giờ đó sao ?: Chúa Giê su lặp lại câu ví ở 9,4 “Chúng ta phải thực hiện công trình của Đấng đã sai Thầy khi trời còn sáng; đêm đến không ai có thể làm việc được”. Ban ngày là thời gian của Chúa Giê su vốn là “ánh sáng cho trần gian” (9,5), và Ngài cần đến để tự do hoạt động hầu làm trọn kế hoạch của Thiên Chúa (x.8,12 và 12,35-36). Còn ban đêm là giờ hoạt động của thù địch (13,30), giờ của “vương quyền bóng tối” (Lc 33,53). Đối đầu với những kẻ chống đối Chúa Giê su xem ra ít nguy hiểm hơn là đi không có Ngài.
Đang yên giấc: trong mọi ngôn ngữ, thì “giấc ngủ” là hình ảnh chỉ cái chết. Từ nầy có cái hay là hàm chứa sự đánh thức, hình ảnh của sự sống lại.
Yên giấc-khoẻ lại: động từ thứ hai có thể được dịch theo nghĩa mạnh là “được cứu thoát”. Câu trả lời của các môn đệ dựa theo kinh nghiệm thông thường có thể mang một ý nghĩa trong tương quan với công cuộc do Chúa Giê su thực hiện là ai an nghỉ trong sự chết và liên kết với Chúa sẽ “được cứu độ” qua sự sống lại. Lời nói có giá trị cho tất cả những ai “an nghỉ trong Chúa”.
Ladarô đã chết: Chúa Giê su cho thấy rõ rằng cả khi ở xa Ngài cũng biết điều gì xảy ra cho bạn mình. Lời nói đầy khích lệ cho các ki tô hữu đang bị bách hại, có thể nghĩ rằng Chúa Giê su đang ở xa họ.
Thầy mừng cho anh em: Chúa Giê su không mừng vì sự thử thách cũng như vì cái chết, nhưng mừng vì sự tiến bộ mà sự thử thách và sự im lặng bề ngoài của Thiên Chúa đã mang lại cho đức tin, nhờ dấu chỉ sự sống lại. X. 16,33; 20,31.
Tôma: bí danh là Đi đi mô có nghĩa là sinh đôi theo nghĩa chính xác của từ Tô ma trong tiếng A ra mê ô. Ngoài bảng liệt kê danh sách Nhóm mười hai thì các sách Tin mừng nhất lãm không nói tới ông Tô ma. Trong khi đó thì Tin mừng Gioan còn nhắc đến ông trong bửa Tiệc li (14,5) sau phục sinh (20,24-29), sau cùng trong trình thuật về mẻ cá lạ lùng (21,2).
Cùng chết với Thầy: xem 11,8. Phản ứng của Tô ma có ý nghĩa: lần nầy trở lại Giu đê, Chúa Giê su đi đến cái chết.
Không đầy ba cây số: dịch sát chữ là “mưòi lăm dặm”. Một dặm dài khoảng 185 thước, do đó khoảng cách độ 3 cây số. Bê tha nia ở trên sườn phía Tây núi Ô liu, gần Giê ru sa lem. Gioan muốn nhấn mạnh sự kiện “nhiều người Do Thái” chứng kiến phép lạ.
Ra đón Người: theo Lc thì chị Mát ta linh hoạt hơn, còn Gioan thì muốn cho thấy một Maria tích cực hướng về Chúa Giê su, chị là người ra đón trước và tiếp chuyện với Chúa Giê su lâu hơn.
Nếu có Thầy ở đây, em con đã không chết: cho thấy một niềm tin mãnh liệt vào quyền năng chữa bệnh của Chúa Giê su.
Nhưng bây giờ con biết: lời biểu hiện một niềm hi vọng rằng mọi lời cầu nguyện của Chúa Giê su vẫn có thể được Thiên Chúa chấp nhận. Maria hi vọng gì? Chúng ta thấy rằng cả Maria cũng không biết chính xác, khá giống như Đức Maria ở Cana (2,3-5). Nhưng trước mặt Chúa Giê su, niềm tin của chị không đặt ra giới hạn.
Sẽ sống lại trong ngày sau hết: trừ phe Sa đu kê ô, thì nói chung, vào thời Chúa Giê su, hầu hết người Do thái đều tin mọi người sẽ được phục sinh vào thời sau hết.
Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống: lại một câu khẳng định khởi đầu bằng kiểu nói Ta là. Chúa Giê su nối kết niềm hi vọng mà Maria vừa nói với bản thân Ngài.
Chúa Giê su là sự sống, đó là chủ đề rất quan trọng của Gioan. Không chỉ Ngài có sự sống, mà còn ban sự sống cho những ai kết hợp với Ngài qua đức tin. Việc đó sẽ không có thật nếu Ngài không làm cho kẻ chết sống lại. Ở đây, Chúa Giê su không chỉ giới hạn trong việc khẳng định rằng Ngài ban sự sống lại, nhưng còn khẳng định rằng Ngài là sự sống lại. Điều đó không có nghĩa nào khác hơn là: sở dĩ Ngài có thể phục sinh kẻ chết ấy là vì Ngài là Đấng Phục sinh tuyệt hảo, người đầu tiên sống lại từ cõi chết. Sự sống lại là sự biểu hiện của chính bản thể của Ngài, của bản tính sâu xa của Ngài. Nó là đỉnh cao và là lời giải thích sứ mạng của Ngài. Về điểm nầy, Gioan và Phao lô gặp nhau: x. Rm 8,29; 1Cr 15,20-22; cũng như Cl 1,18; Kh 1,5.
Ai tin vào Thầy cũng sẽ được sống: lời hứa tổng quát ở câu 6, 40 giờ đây mang tính cá nhân, vì cái chết vừa xảy ra của La da rô. Gioan đặt trong miệng Chúa Giê su công thức của niềm hi vọng Ki tô giáo và câu chất vấn gửi đến cho mọi người tín hữu trong giờ thử thách: “Con có tin điều ấy không?”.
Thưa Thầy, có: Mát ta không trả lời thẳng câu hỏi mà Chúa Giê su đặt ra về sự sống lại, nhưng đề cập đến điều thiết yếu. Như Phê rô, theo Mt 16,16, chị nói lên niềm tin của mình vào Chúa Giê su bằng công thức tương ứng với chính niềm tin của Giáo hội. Cuộc đối thoại đưa chúng ta đến một trong những đỉnh cao của sách Tin Mừng. Chúa Giê su đã dạy và thánh Gioan đã viết để gợi lên một câu trả lời tương tự: “Để anh em tin rằng Đức Giê su là Đấng Ki tô, Con Thiên Chúa, và để nhờ tin anh em được sự sống nhờ danh Ngài” (20,31).
Cô đi gọi em là Maria: chuyển động tự nhiên của đức tin: mời gọi người khác đến gặp gỡ Chúa Giê su.
Cô Maria: Khác với Lc 10,38-42, ở đây, Mát ta là người sẵn sàng nghe lời Chúa Giê su hơn. Maria vội vàng chạy đến, nhưng phải đợi chị gọi mình. Lúc đó cô đang ở nhà với người Do thái. Kiểu nói có thể có nghĩa là cô ít nhiều vẫn còn ở trong thế giới người Do thái.
Nếu có Thầy ở đây: Maria cũng nói giống như Mátc ta, do đó, cũng có một niềm tin vào Chúa Giê su như Mát ta, nhưng Maria không nói thêm: “Ngay cả bây giờ con biết..” (11,22).
Thấy cô khóc: Maria khóc cùng với những người Do thái đứng chung quanh đó. Động từ ở đây chỉ sự than khóc đau buồn sâu sắc.
Chúa Giê su thổn thức trong lòng và xao xuyến: có lẽ Ngài xúc động vì đau buồn. Nhưng hai động từ dùng ở đây có nghĩa rất mạnh. Động từ thứ nhất thường chỉ một chuyển động mạnh mẽ, và động từ thứ hai tăng cường cho mạnh thêm. Có lẽ lúc đó Chúa Giê su giận dữ trước sự cứng lòng, trước mãnh lực của sự chết khiến cho người Do thái không thể vượt qua bằng đức tin.
Chúa Giê su liền khóc: động từ dùng ở đây khác với động từ ở câu 33, gợi ý khóc thầm.
Lại không thể làm cho anh ấy khỏi chết ư ?: câu nầy cho thấy người Do thái như các môn đệ ở đầu trình thuật chỉ tỏ ra quan tâm đến người chết.
Chúa Giê su lại thổn thức trong lòng: tác giả mô tả bằng từ giống như ở câu 33. Một lần nữa, Chúa Giê su cho thấy cơn giận dữ của Ngài, hoặc vì thấy người ta tiếp tục than khóc, hoặc vì Ngài đã đến gần ngôi mộ, cảm nhận rõ ràng hơn quyền lực của sự chết trên người mà Ngài thương mến.
Đem phiến đá này đi: chúng ta có thể đối chiếu lệnh truyền nầy với điều mà Maria Mađalêna khám phá buổi sáng Phục sinh. Tảng đá không cần nhờ ai đẩy qua cả, vì tự nó “đã lăn qua một bên ngôi mộ” (20,1).
Nếu chị tin: Chúa Giê su lặp lại với Mát ta rằng niềm tin cũng chiến thắng được sự chết và mọi biến cố đều nhằm bảy tỏ vinh quang của Thiên Chúa. Ngài nói về sự phục sinh ông La da rô, và cũng nói về sự phục sinh của chính Ngài (11,4).
Chúa Giê su ngước mắt lên: khác hẳn với các bức tranh mà ta thường thấy, các tác giả tin mừng ít khi cho thấy Chúa Giê su ngước mắt lên trời. Gioan chỉ nói ở đây và trong đoạn 17,1, và trong cả hai trường hợp Chúa Giê su ngỏ lời với Cha mình.
Lạy Cha: Chúa Giê su cầu xin quyền năng ban sự sống cho người chết, nhưng tất cả những gì mà Ngài làm, Ngài luôn luôn hoàn thành trong sự lệ thuộc đối với Cha. Lời cầu nguyện của Ngài tương ứng với những gì Ngài đã tuyên bố trong đoạn 5,19-30.
Con cảm tạ Cha: có ít lời cầu nguyện của Chúa Giê su được các tác giả Tin mừng kể lại nội dung như ở đây. Ngoài lời nầy, chỉ có ở Mt 11,25-27 (song song trong Lc 10,21); trong Ga 17; lời cầu nguyện ở vườn Giệt sê ma ni và trên cây thánh giá.
Người kêu lớn tiếng: Gioan để khung cảnh tạo nên sức mạnh cho lời Chúa Giê su: “Thật, tôi bảo thật các ông: giờ đã đến và chính là lúc nầy đây, giờ các kẻ chết nghe tiếng Con Thiên Chúa; ai nghe thì sẽ được sống”(5,25).
Cởi khăn và vải cho anh ấy: hai phép lạ phục sinh mà Tin mừng nhất lãm thuật lại đều kết thúc bằng một cử chỉ hoăc một lời nói đơn giản và cụ thể của Chúa Giê su. Ngài hành động một cách uy quyền cho thấy sự cao cả của Ngài. X Mt 9,23-26; Mc 5,35-43; Lc 7,11-17;8,39-56.
Lệnh cuối cùng của Chúa Giê su có một ý nghĩa thiêng liêng: đã đến lúc giải thoát chúng ta khỏi xiềng xích của sự chết và trả lại cho chúng ta sự tự do.
Nhiều kẻ: cuộc phục sinh ông La da rô có nhiều chứng nhân. Sự tỏ mình của Chúa Giê su trở thành một sự kiện diễn ra công khai. Và cũng vì thế, địch thủ của Ngài quyết định giết chết Ngài.
SỨ ĐIỆP
Các bài đọc chủ nhật hôm nay nói với chúng ta về việc chuyển biến từ đời sống trần gian nầy sang một đời sống hoàn toàn khác: Thiên Chúa phán trong sách tiên tri Êdêkiên: “Ta sẽ mở mồ cho các ngươi”. Thánh Phao lô viết trong thư Rôma: “Nếu Thần khí của đấng đã phục sinh Chúa Giê su trong kẻ chết ở trong anh em, Người sẽ ban sự sống cho thân xác hay chết của anh em”. Và sau cùng Thánh Gioan ghi lại lời Chúa Giê su: “Ta là sự sống lại và là sự sống, ai tin ta dù có chết, cũng sẽ được sống”.
Các lời Kinh thánh trên cũng trùng khớp với ước muốn được sống của mọi người. Xã hội chúng ta càng ngày càng được bảo vệ kỹ hơn vì được bảo hiểm. Người ta tìm cách kéo dài tuổi trẻ càng lâu càng tốt, và bằng mọi cách chống lại tất cả các bệnh tật. Ngày nay có nhiều người nghĩ đến thuyết luân hồi càng ngày phổ biến, nhất là trong giới trẻ nhưng không thuộc thành phần đức tin ki tô giáo. Tất cả sứ điệp của tin mừng đều được xây dựng trên sự sống lại của Chúa Giê su. Không có Chúa Giê su sống lại, đức tin của chúng ta trở nên vô ích. Đó là con đường mà chúng ta được mời gọi để tiến bước.
Có một từ có thể tóm tắt các bản văn Kinh Thánh mà chúng ta đã nghe cách đây vài tuần, đó là từ “vượt qua”. Chủ nhật trước nữa, chúng ta đã thấy người phụ nữ Samari từ nước giếng đã đi đến nước hằng sống, từ một cuộc sống không mấy tốt đẹp đến một cuộc sống được biến đối nhờ cuộc gặp gỡ với Đức Ki tô, từ một đức tin vô vọng đến một đức tin thờ phượng Thiên Chúa trong tinh thần và chân lí. Và chính Chúa Giê su đã hướng dẫn chị trên con đường vượt qua đó. Chủ nhật vừa qua, chúng ta đã nghe chứng từ của người mù từ thuở mới sinh. Chúng ta đã thấy từ bóng đêm đến ánh sáng, từ chỗ không nhận biết Chúa Giê su đến niềm tin vào Con Thiên Chúa.
Thế nhưng ở chủ nhật thứ năm mùa chay nầy, sự vượt qua còn vĩ đại hơn và căn bản hơn nữa. Đó là việc ông La da rô từ cõi chết vượt qua cõi sống mà tác giả tin mừng giúp chúng ta khám phá qua lộ trình đức tin của Mát ta. Chị vừa nói: “Tôi biết rằng anh ấy sẽ sống lại trong ngày sau hết” . Nhưng Chúa Giê su mời gọi chị tiến thêm một bước nũa: “Ta là sự Sống lại và là Sự sống. Ai tin ta, dù có chết cũng sẽ sống”. Tin vào sự sống lại trong ngày sau hết, điều đó không sai, nhưng với tin mừng hôm nay, chị được mời gọi đi xa hơn: Sự sống lại nơi Chúa Giê su. Theo chân Mát ta, chúng ta được mời gọi tin vào lời Ngài.
Phần kế tiếp chúng ta đã rõ: “Hãy lấy tảng đá ra. La da rô hãy đi ra ngòai !”. Ông Lada rô thực sự đã chết. Chúa Giê su không che dấu sự buồn bã của Ngài. Ngài khóc thương bạn mình như chúng ta khóc thương cho một trong những người thân chúng ta vừa ra đi. Nhưng Ngài đã xác định rằng bệnh ấy được hướng đến vinh quang Thiên Chúa. Cái chết ấy sắp là cơ hội để mạc khải vinh quang của Người. Đồng thời chúng ta thấy Mát ta thực hiện một cuộc vượt qua quan trọng: Chị đi từ “Tôi biết” đến “Tôi tin”. Chị đi từ niềm xác tín lí thuyết đến sự nhận ra đấng là sự sống lại.
Đó là tin mừng khiến chúng ta hi vọng: Ai tin vào Chúa Giê su sẽ ngạc nhiên khám phá rằng sự chết không phải là tiếng nói cuối cùng. Từ nay, cuộc sống của chúng ta có một ý nghĩa. Từ nay, điều quan trọng là đi theo Chúa Giê su và trung thành với Ngài. Ngài đoan chắc với chúng ta rằng không gì có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Ngài: “Ta ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế”. Tạm thời lúc nầy, cuộc đời có những niềm vui nỗi buồn đáp đổi. Nhưng Chúa luôn hiện diện để ban cho chúng ta sức mạnh và sự can đảm để chúng ta có thể đứng vững cho đến cùng.
Ngang qua dấu chỉ ấy, Chúa Giê su nhắc chúng ta nhớ đến ý nghĩa sứ mạng của chúng ta: loan báo tin mừng sự sống cho mọi người, làm phát sinh niềm hi vọng cho tất cả những ai để mình giam hãm trong tội lỗi, đau khổ, lo âu và sự chết. Đức Ki tô đã đến đem lại cho chúng ta một cuộc sống hoàn toàn khác, chính sự sống của Thiên Chúa. Đó là điều mà Ngài đã khởi sự làm trong suốt cuộc sống công khai của Ngài qua các phép lạ và sứ điệp hạnh phúc và tinh yêu.
Chúng ta được mời gọi sống mùa Chay nầy như một cuộc Vượt qua, một cuộc vượt qua đi đến một sự sống đúng nghĩa hơn, liên đới hơn, rộng mở hơn cho Thiên Chúa và tha nhân. Và khi trả lại sự sống cho ông Ladarô, rồi chính Ngài sẽ sống lại buổi sáng Phục sinh, Chúa Giê su cho thấy rằng chúng ta có thể luôn luôn được sống lại. Với Ngài, chúng ta có thể luôn luôn chiến thắng những nỗi sợ hãi, tìm lại can đảm và hi vọng để tiếp tục tiến về phía trước. Nghĩa là chúng ta phải cùng sống lại với Ngài mỗi ngày.
Đọc các dấu chỉ phục sinh không thôi chưa đủ. Chúng ta cần phải trở thành những dấu chỉ của sự phục sinh trong mọi hành vi cuộc sống, trong mọi thái độ và cả khi chúng ta gặp thất bại, đau khổ và chết chóc. Đức tin ki tô giáo là gắn bó với Thiên Chúa Sự sống, Thiên Chúa làm cho sống, cả bên kia sự chết.
ĐÀO SÂU
1. HỎI: Tiên tri Ê dê ki ên là ai?
THƯA: Tiên tri sinh vào khoảng năm 622, được Chúa mời gọi thi hành sứ vụ tiên tri năm 592, trước Công Nguyên. Ê dê ki ên lớn lên tại Giêrusalem và được huấn luyện trong đền thờ để làm tư tế. Ông đã sống trong thời kỳ khủng hoảng của dân tộc Do-thái và nằm trong nhóm người Do-thái đầu tiên bị bắt đi lưu đầy sang Babylon. Tại đó, ông được Thiên Chúa sai đi thi hành sứ mạng an ủi nâng đỡ những người đồng hương bị lưu đày.
2. HỎI: Sách Tiên tri Ê dê ki ên nội dung như thế nào?
THƯA: Sách Ê dê ki ên được xếp vào thể văn tiên tri. Ê dê ki ên là phát ngôn viên của Thiên Chúa cho cộng đoàn Do thái ở Giuđa và Babylon vào thế kỷ VI trước Công nguyên. Sách gồm 48 chương gồm các lời sấm về Giê ru sa lem, về các nước khác. Đặc biệt ông loan báo về sự hồi sinh của dân Ít ra ên để khích lệ đồng bào ông đang bị lưu đày. Ông nói bằng nhiều hình thức: thị kiến, những hành động biểu trưng, ngụ ngôn hay diễn từ.
3. HỎI: Ngữ cảnh bài đọc một như thế nào?
THƯA: Chương 37 sách tiên tri Ê dê kiên loan báo cho những người Do thái đang bị lưu đày ở Ba by lon ngày được giải thoát và trở về quê hương. Thị kiến cánh đồng xương khô (37,1-10) được hồi sinh là biểu tượng cho sự sống lại của Dân Chúa sau bao đau thương bất hạnh. Ba câu trong bài đọc một cho ta chìa khóa để hiểu hình ảnh ấy.
4. HỎI: Bài đọc một có nội dung như thế nào?
THƯA: Qua lời sấm tiên tri Ê dê ki ên, Thiên Chúa loan báo Người sẽ mở tung các nấm mồ để đem dân Người trở về đất Ít ra ên. Người sẽ ban Thần khí để tác sinh họ và cho họ định cư trên quê hương và bấy giờ họ sẽ thờ phượng Người như trước.
5. HỎI: Lời hứa thứ hai bao gồm điều gì mới?
THƯA: Lời hứa thứ hai bao gồm một điều mới mẻ chưa từng có: “Ta sẽ đặt thần khí của Ta vào trong các ngươi và các ngươi sẽ được hồi sinh.” (37,14). Thiên Chúa hứa ban một Giao Ước mới, từ nay luật yêu thương không còn được ghi khắc trên bia đá nữa, nhưng được viết trong tâm hồn.
6. HỎI: Bài đọc một được tiếp nối với bài tin mừng như thế nào?
THƯA: Với sự xuất hiện của Chúa Giê su, việc mở tung các nấm mồ không còn là biểu tượng nữa mà trở thành hiện thực. Chính Ngài đã phán: “Ta là sự Sống lại và là Sự Sống, ai tin vào Ta thì dù chết cũng sẽ được sống đời đời”.
7. HỎI: Ngữ cảnh bài tin mừng như thế nào?
THƯA: Dấu lạ phục sinh La da rô được đặt vào cuối sứ vụ của Chúa Giê su. Đó không những là dấu lạ cuối cùng, mà còn là dấu lạ lớn nhất và quan trọng nhất. Nó không những cho thấy quyền năng siêu phàm của Chúa Giê su, mà còn báo trước sự phục sinh của Ngài. Đồng thời, dấu lạ ấy cũng đưa tới việc Thượng Hội đồng do thái quyết định tìm giết Chúa Giê su.
8. HỎI. Tên gọi “Ladarô” có nghĩa gì?
THƯA. Tên gọi Ladarô có nghĩa là “Thiên Chúa cứu giúp”.
9. HỎI. Maria, chị của ông Ladarô có phải là Maria mà thánh Luca nói tới trong Tin mừng thứ ba không?
THƯA. Không phải. Dù cho người phụ nữ tội lỗi mà Luca nói đến trong Lc 7,36-38 có những cử chỉ giống như thế trong cuộc gặp gỡ với Chúa Giê su trong nhà ông Simon biệt phái, cô Maria trong bài tin mừng nầy không phải là cô Maria trong Luca.
10. HỎI. Những lời mà hai chị em ông Ladarô sai người đến nói với Chúa Giê su có nghĩa gì?
THƯA. Những lời ấy cho thấy một lời khẩn cầu kín đáo và đầy lòng tin tưởng của những người bạn với Chúa Giê su.
11. HỎI. Tại sao Chúa Giê su nói về bệnh tình của La da rô “Bệnh ấy không đến nỗi chết”?
THƯA. Vì các lí do sau đây: 1) Ngài muốn trấn an các môn đệ vào lúc ấy để họ tin rằng bệnh của La da rô không nặng lắm để không hối thúc Thầy mình đi ngay; 2) Ngài muốn cho mọi người hiểu rằng trước quyền năng của Thiên Chúa, không có bệnh nan y nào mà Người không thể chữa được, hoặc không có cái chết nào không thể chuyển thành giấc ngủ.
12. HỎI. Tại sao Chúa Giê su lần lữa và không đi ngay đến với Ladarô, bạn Ngài?
THƯA. Bởi vì có đi ngay thì Ladarô cũng đã chết; Chúa Giê su không tỏ ra dửng dưng trước tin khủng khiếp ấy, Ngài muốn rằng phép lạ mà Cha đã cho Ngài thực hiện sẽ đem lại hậu quả lớn nơi các môn đệ Ngài và trên dân chúng ở đó. Ngòai ra Ngài phải hành động trong sự vâng phục hoàn toàn thánh ý Thiên Chúa Cha, nên việc lên đường không thể tùy thuộc vào ý muốn của con người dù đó là bạn bè. Hành trình về Giê ru sa lem để chịu khổ nạn phải được thực hiện vào thời điểm do Thiên Chúa Cha ấn định.
13. HỎI. Tại sao Chúa Giê su bảo các môn đệ đi đến Giu đê chứ không đến Bê tha ni a?
THƯA. Để cho họ hiểu rằng việc hoàn tất sứ mạng của Ngài sẽ được thực hiện ở Giê ru sa lem. Trong khi phép lạ cho La da rô hồi sinh sẽ tạo nhiều hứng khởi nơi các môn đệ, thì nó sẽ không giúp các vị Thượng tế và người Pha ri sêu nhìn nhận Chúa Giê su là đấng Messia thiên hạ đợi trông, mà trái lại còn gia tăng lòng ganh tị và thù ghét đối với Ngài.
14. HỎI. Tại sao Chúa Giê su dùng những lời khó hiểu để trả lời cho các môn đệ khi họ muốn cảnh giác Ngài trước những nguy hiểm đang rình rập?
THƯA. Vì Chúa Giê su nói dùng hình ảnh để giúp các môn đệ hiểu đường lối thiên sai mà Ngài đến để thực hiện. Trong tin mừng Gioan 9,4 Chúa Giê su đã so sánh sứ mạng của Ngài với một ngày làm việc phải kết thúc khi đêm đến nghĩa là cuộc Khổ nạn. Còn giờ đây thì Ngài so sánh chương trình thiên sai với một ngày đi đường mà Ngài muốn kéo dài cho đến giờ thứ mười.
15. HỎI. Có người cho rằng Chúa Giê su quả quyết ông La da rô đang ngủ vì tưởng rằng ông ấy đang bị hôn mê?
THƯA. Không, ông La da rô thực sự đã chết, khi Chúa Giê su đến. Thân xác của ông đã bắt đầu phân hủy. Lời Chúa Giê su nói ở câu 11, theo nghĩa mặt chữ chỉ một giấc ngủ và thức dậy tự nhiên; nhưng theo nghĩa bóng thì giấc ngủ chỉ sự chết và thức dậy chỉ sự sống (sống lại).
16. HỎI. Lời nói của chị Mát ta: “Nếu có Ngài ở đây thì .. “ (c.21) cho thấy một sự nuối tiếc sâu xa chăng?
THƯA. Đúng vậy, nhưng cũng cho thấy lòng tin tưởng nơi quyền năng làm phép lạ của Thầy mình.
17. HỎI. Mát ta tin vào sự sống lại cuối cùng của người công chính; vậy người Do thái cũng tin như chúng ta về ngày Phán xét chung hay sao?
THƯA. Cách chung thì như vậy, nhưng có một sự khác biệt quan trọng. Thật thế, đối với chúng ta là ki tô hữu, tận cùng của thế gian diễn ra trong ngày Đức Ki tô hay đấng Messia đến lần thứ hai, trong khi người Do thái tin rằng lúc tận cùng diễn ra vào lúc đấng Messia xuất hiện lần thứ nhất, điều mà ngày nay họ vẫn chờ đợi. Giáo lí ấy vào thời Chúa Giê su đã được người Do thái tin theo trừ nhóm Sa đu kê ô, và Mát ta đã nói lên điều ấy
18. HỎI. Chúa Giê su muốn nói gì với lời tuyên bố: “Ta là sự sống lại”?
THƯA. Ngài muốn khẳng định rằng Ngài có quyền thông ban cho mọi người tín hữu một sự sống không bao giờ tàn tạ và ở ngòai tầm ảnh hưởng của sự chết. Đời sống ấy còn bao hàm cả sự sống lại của thân xác. Qua phép lạ mà Ngài sắp thực hiện, Chúa Giê su hứa ban cho những ai sẽ tin vào Ngài một sự sống mà sự chết không thể làm gì được: người tín hữu, dù còn phải chịu đựng sự chết thể xác, đã chứa đựng nơi mình một mầm sự sống không tàn phai, sự sống do Đức Ki tô ban cho, một ánh quang thần linh mà Đấng Toàn năng đã đặt trong tạo vật duy nhất theo hình ảnh Ngài.
19. HỎI. Đâu là giá trị của câu trả lời của Mát ta?
THƯA. Mát ta nói lên đức tin của mình, một đức không tìm lí chứng biện minh. Chị tuyên xưng đức tin dựa vào chân lí về Đức Ki tô. Ngài là đấng Messia, là con Thiên Chúa, là Đấng phải đến. Ngòai ra, Ngài đã nhận từ Cha Quyền năng ban sự sống đời đời.
20. HỎI. Tại sao Chúa Giê su khóc, nếu Ngài đã biết trước phép lạ sẽ xảy ra?
THƯA. Bởi vì, theo bản tính nhân lọai, Ngài chia sẻ sự đau đớn của bạn bè và đau khổ trước cái chết của ông La da rô dù chỉ trong một chốc lát. Tuy nhiên, nước mắt của Chúa Giê su khác với nước mắt của những người hiện diện và hai chị của ông La da rô: Thánh Gioan dùng hai động từ khác nhau để diễn tả: Chúa Giê su khóc thầm lặng, con những người đứng chung quanh khóc lóc, kêu than ầm ỉ. Ngài đau buồn trước mãnh lực sự chết đang gieo đau thương cho loài người.
21. HỎI. Tại sao một số người Do thái tỏ ra thiếu tin tưởng vào Chúa Giê su (x.c. 37)?
THƯA. Vì đức tin của họ vào Chúa Giê su không hòan hảo. Họ không tin rằng Chúa Giê su là Đấng Messia, Con Thiên Chúa, và đấng ban sự sống. Họ chỉ dừng lại ở chỗ chấp nhận các tin tức nói về việc chữa lành người mù từ lúc mới sinh và chỉ gán cho Chúa Giê su một quyền năng làm phép lạ mà thôi. Bởi vậy họ ngạc nhiên vì Chúa Giê su đã chữa lành một người lạ mà không mau đến để cứu chữa người bạn thân tín trước khi ông ta chết.
22. HỎI. Tại sao chị Maria cảnh giác Chúa Giê su: “Lạy Thầy, đã có mùi, vì đã bốn ngày rồi” (c. 39)?
THƯA. Thưa vì theo niềm tin trong dân do thái, ngày thứ ba sau khi chết, thân xác phân hủy hoàn toàn và linh hồn không còn lãng vãng nhưng rời xa thân xác rồi. Mát ta còn chưa hiểu ý của Đức Ki tô, cho rằng Ngài muốn nhìn mặt bạn thân mình lần cuối.
23. HỎI. Qua câu chuyện nầy trong cuộc đời Chúa Giê su, lộ trình phụng vụ mùa chay muốn đạt tới mục đích gì?
THƯA. Mục tiêu chuẩn bị cho người ki tô hữu gặp gỡ cứu độ với Đức Ki tô phục sinh. Tuy nhiên, không được coi Chúa Giê su như là một siêu anh hùng luôn luôn chiến thắng trước sức mãnh lực của sự dữ. Chúa Giê su còn tuyệt vời hơn thế. Trong phép Rửa tội Ngài được so sánh là nguồn suối nước hằng sống; với việc chữa lành những người mù, Ngài tỏ ra là Ánh sáng thật; với việc phục hồi sự sống cho ông La da rô, Ngài là Sự Sống thật. Ngòai ra câu chuyện về ông La da rô còn khai triển rõ ràng hơn các câu chuyện khác về chủ đề vượt qua. Cuộc khổ nạn đã thấp thoáng ở chân trời qua câu: “Nào chúng ta cùng đi chịu chết với Ngài” (c.16). Sự chết đến với Chúa Giê su nơi bản thân người bạn thân của Ngài, nhưng Ngài vẫn không chút sợ hãi. Và cuối cùng, sự hồi phục của ông La da rô báo trước sự phục sinh của Chúa Giê su.