Trang Chủ > Suy Niệm > Mùa Phục Sinh

CHỦ NHẬT 3 PHỤC SINH A

Gặp gỡ Đức Giê su phục sinh

HayVungNiemTin01.jpgNiềm tin của chúng ta có ảo tưởng không? Đó là câu hỏi của các môn đệ Đức Ki tô đặt ra cho mình sau ngày thứ Sáu Thánh. Đối với họ, thật khó mà nhận ra một sự sống đang hình thành trong thử thách, vì con người chỉ thấy mặt ngòai, chứ không  nhìn thấy thực tại bên trong, chỉ thấy cái vỏ kén bên ngòai, chứ không thấy tiền thân con bướm đang hình thành ở bên trong và ngày mai sẽ được Tự do bay đi.

Sách Công vụ  2, 14.22b-33

Trong những giây phút đầu tiên của lễ Hiện xuống, ông Phê rô đã được đổi mới. Ông được đầy can đảm và khôn ngoan. Ông mạnh dạn và không sợ sệt nói với đám đông. Có Thánh Thần thúc đẩy, Phê rô không còn biết sợ là gì. Chính trong niềm vui vỡ bờ mà ông đã cất cao lời công bố sự Phục sinh của Đức Ki tô.

Thánh vịnh 15

Thánh vịnh nầy diễn tả đúng tâm tình cảm nhận được sau khi khám phá sự Phục sinh của Đức Ki tô. Đó là một bài ca hân hoan và tin tưởng không gì có thể sánh bằng. Đó thực là một niềm hi vọng lớn lao của mọi người ki tô hữu.

Thư thứ nhất Phê rô  1, 17-21

Để nâng đỡ những ki tô hữu được mạnh dạn và can trường trong đức tin, ở đây thánh Phê rô gợi lại sự giải thoát mà Đức Ki tô đã mang lại cho thế gian. Chính qua cái chết đẫm máu mà Con Chiên không tì vết đã xứng đáng hưởng sự giải thoát. Và Thiên Chúa đã phục sinh Ngài từ trong cõi chết và cho Ngài trở nên trưởng tử của những kẻ chết.

Tin mừng: Lc 24,13-35

NGỮ CẢNH

Các phụ nữ đi đến viếng mồ đã phát hiện ngôi mộ mở và trống không (24,2), các bà đã chạy về cho các môn đệ hay tin (8-11). Tiếp sau là hai cuộc hiện ra của Chúa Giê su cho các môn đệ: với hai môn đệ đi làng Emmaus (24,13-35) và cho các môn đệ khác ở Giê ru sa lem (36-53)

TÌM HIỂU

Hai người trong nhóm: x. c.4. họ thuộc nhóm những người đã coi lời nói của các bà là vớ vẩn. Nhóm ấy đã giải tán. Phê rô thì trở về nhà, hai môn đệ trở về quê, trở lại cuộc sống trước đây.

Thiếu vắng Thầy, nhóm môn đệ không còn lí do tồn tại, và hợp nhất. Các bà liên kết chung quanh Lời, nhưng các ông thì thất vọng và mất tinh thần.

Đi đến: hai môn đệ đã theo Chúa Giê su lên Giê ru sa lem, nhưng giờ họ muốn quay gót lìa xa Thành Thánh.

Họ trò chuyện với nhau: tất cả động thái của hoạt cảnh nầy nằm trong lời nói. Họ đi đường đàm thoại với nhau. Khi Chúa Giê su nói với họ, tâm hồn họ đóng kín (24,17). Lời của họ làm cho họ phân tán, còn lời của Chúa Giê su liên kết họ với nhau.

Chúa Giê su tiến đến gần: như người Samari (10,34). Đây là cử chỉ đầu tiên của Chúa Giê su phục sinh. Sống lại, Ngài đồng hành với con người trên đường đi của họ. Ngài đến gần họ, nhưng họ coi Ngài là một người khách lạ. Họ nhìn Ngài bằng cặp mắt xác thịt, và sự thiếu vắng niềm tin ngăn cản họ thấy và không nhận ra Ngài. Chúa Giê su ở cùng họ khi họ nói về Ngài, nhưng chỉ khi nào chính Ngài nói về mình, Ngài mới mạc khải cho họ ý nghĩa các biến cố xảy ra ở Giêrusalem, và thực tại của Ngài. Không có đức tin, cái nhìn bị che khuất. Với đức tin, việc lắng nghe lời thấm nhập vào tâm hồn và cho phép thấy đấng Phục sinh.

Người: Chúa Giê su có sáng kiến đàm thọai để nhập bọn với họ. Câu hỏi của Ngài là một câu hỏi xã giao: chia sẻ những mối bận tâm của họ; quan tâm đến câu chuyện của họ và cái nhìn của họ về các biến cố.

Clêôpát: chắc chắn người nầy đã được cộng đoàn ki tô hữu biết đến. Khi gọi tên, Lc đưa ra một qui chiếu lịch sử có thể kiểm chứng được cho trình thuật của ông. Người môn đệ kia thì vô danh: có thể đây là một lời mời gọi kín đáo đến độc giả hãy đặt mình vào vị trí đó chăng?

Người duy nhất: Chúa Giê su dường như ngạc nhiên vì sự buồn bã của họ. Và họ ngạc nhiên vì việc Ngài không biết những gì đã xảy ra ở Giê ru sa lem. Các biến cố ấy liên quan đến toàn thể dân Israen và vận mạng của nó. Dù đi bên nhau, hai môn đệ và Chúa Giê su ở hai đầu khoảng cách thật lớn.

Ông Giêsu: các môn đệ sơ lược những chặng đường chính yếu cửa cuộc đời Chúa Giê su. Lc đã cho họ nói những lời khá giống với lời nói của Phê rô và Phao lô trong Công vụ (2,22-23; 3,13-15;10,37-39; 13,27-29).

Vẫn hy vọng: khác với các diễn từ trong Công vụ, diễn từ nầy kết thúc trong thất vọng. Đó không phải là lời công bố Tin mừng, mà là một điếu văn trước niềm hi vọng sụp đổ.

Sẽ cứu chuộc: có thể dịch là: Người Giải phóng. Các tiên tri trình bày đấng Messia như là người giải thoát Israen, một Mô sê mới (gọi là “người giải thoát” trong Công vụ 7,35). Dacaria đã hát mừng sự giải thoát (cứu chuộc) của Israen (1,68) và Chúa Giê su đã loan báo sự giải phóng rất gần (21,28). Mất Thầy, các môn đệ tiêu tan niềm hi vọng: do vậy họ xác tín rằng Chúa Giê su là đấng Messia.

Ngày thứ ba rồi: người Híp pri coi một người thực sự chết sau ba ngày: đó là trường hợp ông Ladarô chết đã bốn ngày (Ga 11,39). Ngày thứ ba, trong các lời loan báo Phục sinh, là ngày mà Chúa Giê su phải sống lại. Dường như điều đó tăng thêm sự thất vọng cho các môn đệ, trong khi lẽ ra nó phải soi sáng họ.

Người vẫn sống: đó là điều mà các thiên sứ đã nói và thực tế là tin mừng trong ý nghĩ của Lc. Nhưng trên miệng các môn đệ thì vẫn còn phải xét lại vì những trung gian. Đó là một lời nói của các bà, do đó ít chắc chắn; và các bà thuật lại một lời nói của thiên thần do đó không thể kiểm chứng được. Thế nên, bí mật về ngôi mộ vẫn còn như là một câu hỏi.

Trong câu nầy, Clêôpha thiếu một yếu tố chủ chốt. Ông không kể lại lời truyền cho các bà, và do các bà truyền lại để nhớ lại lời của Chúa Giê su. Vì không qui chiếu đến lời ấy, nên hai môn đệ vẫn mù tịt về lí lịch của người bạn đồng hành. Nhưng chính Chúa Giê su sắp nhắc lại cho họ lời của Ngài.

Lòng trí chậm tin: Clêôpha và người môn đệ kia ngạc nhiên về việc Chúa Giê su không biết tin tức, còn Chúa Giê su thì lại ngạc nhiên về việc họ không có khả năng hiểu và trách lòng trí chậm tin của họ. Còn các môn đệ qui chiếu đến Kinh Thánh để hi vọng một đấng Messia Giải thoát. Tuy nhiên, họ bỏ qua một khía cạnh khác của đấng Messia và một giai đọan khác của sự giải thoát: lẽ ra họ phải tiếp nhận toàn bộ giáo huấn của các tiên tri và khám phá ra rằng đấng Messia phải chịu tất cả những gì Chúa Giê su đã chịu. Cần có chìa khóa Kinh Thánh để hiểu điều mà các bà đã nói, điều mà Chúa Giê su đã loan báo trước Vượt qua và bây giờ Ngài sắp nhắc lại cho họ.

Tất cả sách Thánh: những lời Chúa Giê su nói mà các bà đã nhắc lại và các môn đệ đã quên, qui chiếu đến lời Thiên Chúa ghi chép trong Kinh Thánh. Nhờ đọc và suy niệm, Chúa Giê su đã khám phá ra các con đường của sứ mạng. Ngài đã hiểu tất cả và đã không từ chối điều gì. Về điều đó, Kinh Thánh là qui chiếu cuối cùng để nhận ra đấng Messia. Tòan bộ các chứng lí của Phê rô và Phao lô dựa trên sự kiện ấy (Cv 2,25; 3,18; vv).

Liên quan đến Người: Kinh Thánh nói về Chúa Giê su. Ngài và Kinh Thánh là một. Chúa Giê su không ở trong mồ, dấu chỉ của một quá khứ đóng, nhưng ờ trong Kinh Thánh hướng tới tương lai. Các giai đọan khác nhau của Kinh thánh cho ta những hình ảnh khác nhau về đấng Messia. Nối kết lại, Chúa Giê su cho thấy chính Ngài là đấng Messia.

Hai người môn đệ được mời gọi nhận ra đấng Messia nơi người bạn đồng hành của mình, bởi vì Ngài nói với họ rằng Ngài thực hiện tất cả Kinh Thánh.

Làm như: Chúa Giê su không lừa dối, nhưng khêu gợi sự tự do nơi các người đồng hành với Ngài.

Mời ông ở lại với chúng tôi: cảm thấy bị lời Chúa Giê su lôi cuốn, họ muốn giữ Ngài lại. Chiều sắp xuống giúp họ có lí do. Họ đã khẩn khỏan xin Ngài ở lại, và Chúa Giê su đã chấp nhận. Ngài đã ban cho họ lời của Ngài và họ chia sẻ với Ngài chiếc bánh.

Đồng bàn với họ: bữa ăn nầy của Chúa Giê su là một trong những bữa ăn được tin mừng thuật lại (5,29; 7,36; 11,37; 14,1 và nhất là 22,14). Như thế Chúa Giê su phục sinh tái lập sự thông hiệp với các môn đệ của Ngài.

Cầm lấy bánh: cũng như lúc đi đường Chúa Giê su chủ động trong cuộc trao đổi, giờ Ngài chủ động trong bữa ăn. Ngài làm lại những cử chỉ như trong bữa tiệc li (22,19) và trong lúc hóa bánh ra nhiều (9,16). Các cử chỉ giống nhau làm cho người ta nghĩ đến bí tích Thánh Thể. Bữa ăn nầy của Chúa Giê su phục sinh là chuyển tiếp giữa những bữa ăn bình thường trong đời của Ngài mà cao điểm là bữa tiệc li, với các bữa ăn tạ ơn tiếp theo sau lễ Hiện xuống.

Họ nhận ra Người: x. c.25. Họ đã nhận ra người khách của họ chính là đấng đã bị đóng đinh, và xác không còn trong mồ nữa. Họ nhận ra qua việc bẻ bánh mà các ông đã thường thấy trong các bữa ăn với Ngài. Việc bẻ bánh là dấu chỉ sự hiện của Chúa Giê su Ki tô giữa các ki tô hữu. Chính Thiên Chúa đã mở mắt cho các ông để các ông nhận ra Ngài, vì không ai có thể nhìn thấy và nhận ra Chúa Giê su với cặp mắt nhân lọai bình thường.

Người lại biến mất: sau khi đã thức tỉnh đức tin, Chúa Giê su có thể biến đi. Từ nay, Ngài sẽ hiện diện một cách hữu hình dưới dấu chỉ của bánh.

Bừng cháy: Chúa Giê su đến mang theo lửa (12,49). Trong khi họ chờ các lưỡi lửa (Cv 2,3), lửa và sức nóng của Ngài đã xâm chiếm tâm hồn các môn đệ. Lửa của Tin mừng sẽ lan rộng ra.

Quay trở lại: đây là hành trình quay trở lại, tràn ngập niềm vui vì đã tìm lại được niềm hi vọng đã mất. Hai môn đệ không muốn giữ riêng cho mình Tin mừng. Nhưng Chúa đã đi trước họ, Ngài đã hiện ra với ông Phê rô. Nhóm môn đệ đã phân tán giờ đựơc tái lập trong đức tin và nhờ đức tin vào Chúa Giê su phục sinh. Khi chia sẻ cho nhau sự khám phá Chúa Giê su họ đã nhận ra nhau như là môn đê Ngài.

SỨ ĐIỆP

Câu truyện hai môn đệ làng Emmaus là một trong những trang tin mừng đẹp nhất nói về sự sống lại của Đức Ki tô. Thánh Luca đã viết khoảng 50 năm sau cái chết và phục sinh của Chúa Giê su. Bằng một thứ ngôn ngữ giàu hình ảnh, ngài trao một sứ điệp tràn ngập niềm vui cho các cộng đòan ki tô hữu thời đó và các cộng đòan chúng ta ngày nay. Điều cốt yếu có thể gồm tóm trong từ: “chia sẻ”.

Trước tiên, chúng ta có sự chia sẻ đồng hành. Clêôpha và bạn mình từ Thành Thánh trở về quê nhà. Trước kia, họ đã bỏ mọi sự đi theo Chúa Giê su, vì đã đặt trọn hi vọng vào Ngài. Thế mà giờ đây, những gì họ hi vọng và mơ ước vừa bị sụp đổ tan tành. Chỉ trong một vài giờ, tất cả đã tan tành ra mây khói. Chúa Giê su đã bị bắt, bị kết án và bị xử tử trên một cây thập giá. Quá tuyệt vọng, hai môn đệ thẩn thờ trở về nhà để quên đi cơn ác mộng của những ngày trước.

Nhưng rồi tin mừng kể cho chúng ta, “Chúa Giê su tiến sát lại gần và đi với họ”. Đó là một cách tiếp cận kín đáo theo kiểu đồng hành. Chúa Giê su nhẫn nại chăm chỉ lắng nghe họ nói và để họ “thổ lộ hết tâm tình”. Điều đó quan trọng để họ có thể bộc lộ tất cả nỗi chán chường của mình với một người quan tâm tới họ. Chúa Giê su vẫn im lặng lắng nghe và từng bước đồng hành với họ. Việc cùng đi đã là một hình thức chia sẻ. Điều đó tạo nên những mối giây liên kết tình bạn và thân mật sâu xa.

Cuộc gặp gỡ Em mau cũng xảy diễn lại khi có một ai đó lại gần một kẻ thất vọng. Để đồng hành chứ không phải lướt qua. Đi với ai đó chính là kính cẩn lắng nghe họ và để cho họ có thời giờ trút bỏ gánh nặng xuống. Như một ngày nọ, Thầy Phê rô đã gặp một người muốn tự tử vì cảm thấy cuộc sống không còn ý nghĩa gì nữa. Thầy đã mời anh ấy đi với mình đến với những người nghèo để giúp họ ra khỏi cảnh bần cùng. Khi đi đến người khác, anh ấy đã tìm lại được phẩm giá của mình. Câu chuyện Em mau cũng xảy ra tương tự như thế.

Cũng giống như hai môn đệ Emmau, chính Đức Ki tô đến gặp chúng ta trên nẻo đường chúng ta đang đi. Ngài hiện diện và cùng với chúng ta phải đối đầu trước những tình huống đau thương trong cuộc sống. Có Chúa Giê su cùng đi, chúng ta không cô độc. Ngài luôn đồng hành với chúng ta, nhưng có quá nhiều lần chúng ta đã không thể nhận ra Ngài.

Và trong cuộc đồng hành ấy, Ngài chia sẻ bằng lời nói. Trên đường đi, Chúa Giê su kiên trì giải thích tất cả Thánh Kinh, từ Mô sê đến các tiên tri. Ngài giúp họ hiểu rằng tất cả các đoạn văn đó nói về Ngài. Rồi Ngài nhấn mạnh: “Đức Ki tô phải chịu đựng tất cả những điều đó để đi vào vinh quang của Cha”. Chịu đau khổ không phải là để làm dịu “cơn cuồng nộ của Chúa Cha”, nhưng để tình yêu nơi Ngài phải đạt đến mức độ để chúng ta xác tín rằng mình được yêu thương một cách cưồng say như thế. Chính nhờ sự chia sẻ Lời nói đó mà chúng ta hiểu được mọi sự.

Đó là điều hết sức ý nghĩa cho các cộng đòan ki tô chúng ta hôm nay. HIện nay, nhiều nơi đã tạo điều kiện sinh hoạt cho các nhóm chia sẻ tin mừng. Học hỏi tin mừng không chỉ là chia sẻ về việc đọc hiểu bản văn, mà còn lắng nghe các vấn đề đặt ra và dựa vào tin mừng để gợi lên những giải đáp cụ thể. Như thế, cuộc sống chúng ta được bao bọc bởi Lời Chúa: khi chúng ta bình an hay khi phải đối đầu với những thử thách đau thương. Sự chia sẻ ấy làm cho chúng ta ấm lòng lại. Trong đêm tối của lầm lạc, một ánh sáng đến để biến đổi tất cả. Từ nay, chúng ta không còn cô độc nữa.

Rồi đến sự chia sẻ thứ ba: chia cho nhau tấm bánh. Hai môn đệ thất vọng trở về quê nhà ở Em maus. Khi trời về chiều, người khách lạ cùng đi với họ dường như muốn mời họ tiếp tục cuộc hành trình. Họ cố gắng níu kéo người khách ấy lại qua đêm với họ. Trong bữa ăn theo truyền thống do thái, chính người khách lạ đọc lời chúc tụng thay cho chủ gia đình. Nên Chúa Giê su cầm lấy bánh, đọc lời chúc tụng và bẻ bánh và chia cho họ. Bấy giờ mắt họ mở ra và họ đã nhận ra Ngài. Vào thời thánh Luca, các cộng đòan ki tô hữu có thói quen họp nhau lại để “bẻ bánh”. Đó là tên gọi gán cho Tiệc Thánh Thể.

Đối với chúng ta cũng thế, chính Thánh Thể cho phép chúng ta nhận ra Đức Ki tô và trở nên chứng nhân Phục sinh cho Ngài. Đó là cao điểm và thời khắc vô cùng quan trọng trong tuần, nhưng không phải là duy nhất. Sau thánh lễ ở nhà thờ, chúng ta được mời gọi hãy sống tương thân tương ái với tất cả những người chung quanh, đặc biệt với những người nghèo nhất và bị thử thách nhất. Chúng ta là môn đệ Đức Ki tô, chúng ta phải đi đầu. Khi chúng ta chia sẻ với người đói khát, khi chúng ta chiến đấu chống lại sự kì thị, khi chúng ta đồng hành với những người bị thương trong cuộc sống, đó là những dấu chỉ cần thiết giúp cho mọi người nhận ra Đức Ki tô đang sống trong các môn đệ và trong Gáio Hội.

Hằng tuần, chúng ta tập nhận ra Chúa qua việc chia sẻ Lời và Thánh Thể. Cuối cùng chúng ta được sai để làm chứng cách đơn giản nhưng bằng cả tâm hồn rằng: “Đúng thật, Chúa đã sống lại rồi, và Ngài đang ở giữa chúng ta”.

ĐÀO SÂU

1. HỎI: Bối cảnh bài đọc một là gì?

THƯA: Vào ngày lễ Ngũ tuần, tức là sau hơn 50 ngày đã chối Chúa Giê su và sau đó cùng với các môn đệ trốn sau cánh cửa đóng kín vì sợ người Do thái, Phê rô đã mạnh mẽ lên tiếng rao giảng về Ngài, và minh chứng rằng Ngài chính là Đấng Messia.

2. HỎI: Nội dung bài đọc một như thế nào?

THƯA: Trong bài diễn từ đầu tiên ông Phê rô đại diện các tông đồ, lên tiếng chứng minh Chúa Giê su, người mà dân Do thái đã giết chết và treo trên thập giá, chính là Đấng mà Thiên Chúa đặt làm Đấng Cứu độ và đã hoàn thành lời hứa ban Thánh Thần cho mọi người.

3. HỎI: Phê rô nhấn mạnh đến điều gì khi trích dẫn Thánh vịnh 15/16?

THƯA: Phê rô đã nhấn mạnh đến sự liên tục trong công trình cứu độ của Thiên Chúa. Ông đã nêu chứng từ trong Thánh vịnh 15/16. Để chứng minh rằng Chúa Giê su đích thức là Đấng Messia, Phê rô nói với họ: trong Tv, khi Vua đa vít viết rằng: “Chúa chẳng đành bỏ mặc linh hồn con trong cõi âm ty, cũng không để Vị Thánh của Ngài phải hư ná”, Ngài đã loan báo đấng Messia sẽ phục sinh. Mà Chúa Giê su đã thực sự sống lại, nên Ngài chính là Đấng Messia.

4. HỎI: Điều gì khiến người do thái đương thời khó chấp nhận Chúa Giê su là Đấng Messia?

THƯA: Điều khiến người do thái đương thời khó chấp nhận Chúa Giê su là Đấng Messia chính là cái chết của Ngài trên thập giá. Ngày thứ sáu thánh, Chúa Giê su đã bị mọi người bỏ rơi, dường như bị chính Thiên Chúa chúc dữ, vì thế Ngài không thể là Đấng Messia được theo cái nhìn của loài người.

5. HỎI: Ngữ cảnh bài tin mừng như thế nào?

THƯA: Bài tin mừng thuộc chương 24 kể lại những sự kiện xảy ra sau khi Chúa Giê su sống lại: ngôi mộ trống và phản ứng của các môn đệ (1-12), Chúa Giê su hiện ra với hai môn đệ đi làng Em maus (13-35), và với các môn đệ khác (36-43) trước khi ban huấn dụ lần cuối cùng (4-49) và lên trời (50-53).

6. HỎI: Nội dung bài tin mừng như thế nào?

THƯA: Hai môn đệ thất vọng rời bỏ các môn đệ ở Giê ru sa lem đi về Em maus. Giữa đường họ đã gặp người khách lạ mà sau đó họ đã khám phá đó là chính Chúa Giê su phục sinh. Họ vui mừng quay trở lại làm chứng rằng Chúa Giê su sống lại.

7. HỎI: Tại sao thánh Lu ca nhấn mạnh hai lần đến mắt của hai môn đệ: ở câu 16: ‘mắt họ còn bị ngăn cản’ và ở câu 31: ‘mắt họ liền mở ra’?

THƯA: Để nói rằng hai người môn đệ Emmaus nhờ đôi mắt đã mở sáng ra nên đã từ sự thất vọng ê chề đến niềm vui.

8. HỎI: Nhờ đâu mà mắt họ được mở ra?

THƯA:  Nhờ Chúa Giê su đã giải thích Kinh Thánh cho họ hiểu. Điều đó có nghĩa là Chúa Giê su ở trung tâm kế hoạch Thiên Chúa được biểu lộ trong Kinh Thánh.

9. HỎI: ‘Đấng Ki tô lại chẳng chịu khổ hình như thế rồi mới vào trong vinh quang của Người sao?’ có nghĩa gì?

THƯA: Không phải cuộc khổ nạn làm nên công nghiệp để Chúa Giê su vào trong vinh quang. Nhưng vinh quang của Thiên Chúa chính là sự hiện diện của Người tỏ ra cho chúng ta, và vì Người là tình yêu, nên chúng ta phải hiểu rằng: Đức Ki tô cần phải chịu khổ hình để tình yêu của Thiên Chúa đươc tỏ hiện.

10. HỎI. Tác giả Luca tường thuật câu chuyện hai môn đệ Emmaus có mục đích gì?

11. THƯA. Chúa Giê su sống lại đã hiện ra cho các môn đệ để giúp họ xác tín rằng ngài đã sống lại thật trong thân xác. Nhưng ở đây, Ngài hiện ra với hai môn đồ để cho họ biết rằng Ngài vẫn hiện diện với họ, dù rằng từ nay trở đi sự hiện diện đó sẽ thường có tính vô hình.

12. HỎI. Tại sao các môn đồ vẫn coi Chúa Giê su như một “ngôn sứ quyền năng trong việc làm”?

THƯA. Bởi vì họ đã nghe Chúa Giê su giảng dạy như một đấng có uy quyền chứ không như các luật sĩ. Họ còn chứng kiến những phép lạ Chúa Giê su đã làm, như một vị ngôn sứ mà họ đã từng nghe nói. Thế nhưng họ vẫn không tin rằng Chúa Giê su là Đấng Cứu thế, vì họ chưa nhận được Thánh Thần giúp họ có đức tin đích thực. 

13. HỎI. “Những việc ấy xảy ra đến nay là ngày thứ ba rồi..? câu nầy cho thấy các môn đệ thất vọng như thế nào?

THƯA. Lời nói nầy cho thấy nỗi thất vọng ê chề của các môn dồ, vì họ tin rằng quyền năng Thiên Chúa có thể chuyển biến mọi sự, thế mà Chúa Giê su đã bị bắt, bị treo trên thập giá và chết đã ba ngày qua rồi mà Thiên Chúa vẫn im lặng, chẳng can thiệp gì để cứu giúp vị ngôn sứ của họ cả.

14. HỎI. “Ngài cầm lấy bánh..”, đây có phải là động tác cử hành bí tích Thánh Thể không?

THƯA. Không phải. Không chắc là Chúa Giê su đã tái diễn bữa Tiệc li. Nhưng ở đây thánh Lu ca dùng một từ vựng có tính cách Thánh Thể để cho độc giả cảm thấy rằng việc “bẻ bánh” giúp họ gặp gỡ đấng Phục sinh, như trường hợp các môn đồ ở Em maus.

15. HỎI. Tại sao lúc bấy giờ:“Mắt họ liền mở ra và họ nhận ra Ngài” (c.31)?

THƯA: Lúc đi đường (c.16), mắt của họ còn bị che khuất, nhưng giờ đây, sau khi Chúa Giê su trao bánh cho họ, mắt họ mở ra để nhận ra Ngài. Thật ra, chính Thiên Chúa đã mở mắt họ. Người ta không thể thấy Chúa Giê su phục sinh bằng cặp mắt nhân lọai, nhưng phải nhờ ơn Thiên Chúa ban. Do đó, họ là những người đầu tiên được Thiên Chúa ban ơn nhìn thấy và nhận ra Chúa Giê su phục sinh.

16. HỎI.Tại sao lúc bấy giờ họ mới hiểu những gì Kinh thánh nói về Chúa Giê su?

THƯA. Trong sứ vụ, Chúa Giê su đã nhiều lần nói đến cuộc khổ nạn, nhưng các môn đệ không thể hiểu được (18,31-34). Nhưng khi đã sống lại, Ngài mới mở lòng trí họ để họ hiểu được ý nghĩa Kinh Thánh. Như thế, chìa khóa giải thích những gì Kinh Thánh nói về Ngài chính là cuộc Phục sinh.

17. HỎI. Có thể cùng đi với Chúa mà không nhận ra Ngài không?

THƯA. Rất tiếc là có, điều đó đã xảy ra cho các môn đệ làng Emmaus, và cũng đã xảy ra trong suốt lịch sử Giáo Hội.

18. HỎI. Trong Cựu Ước, có chủ đề về “đồng hành với Thiên Chúa” không?

THƯA. Có, trong Cựu Ước, Thiên Chúa nhờ các tiên tri, mời gọi dân Người cùng đi với Người trong Lề Luật  vĩnh cửu, ngỏ hầu mọi người hưởng Hạnh phúc ngay trong đời sống trần thế nầy, như nếm trước Hạnh phúc đời đời (x. Tv 119,1).

19. HỎI. Chúa Giê su có mời gọi chúng ta đi trong Luật của Thiên Chúa không?

THƯA. Có, trong câu Mt 7,13 Chúa Giê su cảnh giác chúng ta đừng đi vào “con đường thênh thang đưa tới một cánh cửa rộng”, vì nó đưa đến sự hư mất. Trái lại, chúng ta phải đi vào cửa hẹp, trên con đường gồ ghề, tức là sống trong Lề luật Thiên Chúa. Điều đó quả là khó khăn cho mọi người vì tội nguyện tổ đã để lại trong chúng ta một vết thương nơi bản tính loài người. Chúng ta được Ngài mời gọi phải cố gắng để sống theo thánh ý Thiên Chúa, bởi vì chỉ như thế`, chúng ta mới đạt tới hình ảnh và giống với Thiên Chúa.

20. HỎI. Nhân vật nào trong Kinh Thánh, nhờ một sự can thiệp siêu nhiên của Đức Ki tô Phục sinh, đã bỏ con đường tội lỗi và hóan cải trên con đường mới dẫn đến Thiên Chúa?

THƯA. Đó là Sau lô. Trên đường đến Đa mát, sau khi đã gặp Đức Ki tô phục sinh, Sau lô đã bỏ con đường tội lỗi cùng với những dự tính bách hại ki tô hữu để trở thành một tông đồ nhiệt thành của Ngài. Thánh Luca trong sách Công vụ, 9,2 nhắc đến câu chuyện về ơn gọi của Phao lô, đã đồng hóa Con đường của người Ki tô với Giáo lí mà họ đã nhận lãnh từ Chúa Giê su và phải loan báo không chút sợ sệt.

 


Các bài viết mới hơn
     Suy niệm Lời Chúa Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống_Lm Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy niệm Lời Chúa Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống_Lm Đan Vinh - HSTM
     Suy niệm Lời Chúa Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống_Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần VII Phục Sinh_Nt. M. Anh Thư, OP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần VII Phục Sinh_Tân Quang
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần VII Phục Sinh_Lm Giuse Nguyễn Duy Khang
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Ba Sau Tuần VII Phục Sinh_Thầy Phêrô_Maria. Mảnh vỡ. FVP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Hai Tuần VII Phục Sinh_ Nt. Têrêsa Nguyễn Thị Kim Tuyến, OP
     Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật Lễ Chúa Thăng Thiên_Lm Đan Vinh - HSTM
     Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật Lễ Chúa Thăng Thiên_Lm Giuse Đỗ Đức Trí

Các bài viết cũ hơn
     Suy Niệm THứ Bảy tuần II Phục sinh A: BƯỚC ĐI TRÊN CON ĐƯỜNG GIÊSU. Nt. Teresa Phạm Thị Oanh O.P
     Suy Niệm Tin Mừng Thứ Sáu tuần II Phục sinh. Lm. Duy Khang
     Suy Niệm Thứ Năm Tuần II Phục Sinh:ĐẤNG TỪ TRÊN CAO. Thiên Thảo SJP
     Suy Niệm Thứ Tư Tuần II Phục Sinh: ÁNH SÁNG VÀ BÓNG TỐI. Maria Tố Quyên
     Suy NiệmThứ ba tuần II Phục Sinh: “Con Người cũng sẽ phải được dương cao”. Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc
     THỨ HAI TUẦN II PHỤC SINH: ƠN TÁI SINH. Nt. Maria Anh Thư, OP
     Suy Niệm Chúa Nhật II Phục Sinh A: Bình an cho các con! Lm. Phaolô Nguyễn Văn Đông
     Suy Niệm Chúa Nhật II Phục Sinh A. Nhiều tác giả
     SUY NIỆM THỨ SÁU TUẦN BÁT NHẬT PHỤC SINH. Lm. Duy Khang
     Suy Niệm Thứ Năm tuần Bát Nhật Phục sinh A: TIN VÀ LÀM CHỨNG VỀ CHÚA PHỤC SINH. Lm. Đaminh Nguyễn Thành Tiến