Trang Chủ > Suy Niệm > Mùa Vọng > Tuần 4

CHỦ NHẬT 4 VỌNG B

Hangda.jpgLễ Giáng sinh đã đến rất gần. Từ trong tâm hồn chúng ta lại không xướng lên lời Kinh chúc tụng, yêu mến và thờ phượng Đấng đã muốn mặc lấy thân phận yếu hèn con người chúng ta sao?

Sách 2 Samuên 7, 1-5.8b-12.14a.16

Không! Thiên Chúa đã quyết định, không phải Vua Đa vít sẽ xây dựng Đền thờ cho Thiên Chúa. Trái lại, chính Thiên Chúa sẽ xây “một Nhà” cho vua Đa vít, bảo đảm một triều đại nghĩa là một hậu duệ từ đó sinh ra Đấng mà muôn dân đang hết lòng trông đợi.

Thánh Vịnh 88

Vinh danh Thiên Chúa đã kí Giao Ước với vua Đa vít. Giao Ước ấy sẽ trở thành Giao ước vĩnh cửu, sẽ kéo dài mãi nhờ Đấng được tuyển chọn sắp đến.

Thư Rôma 16,25-27

Trong bài thánh ca chúc tụng Thiên Chúa kết thúc thư Rô ma, thánh Phao lô dâng lời tôn vinh Người vì đã mặc khải cho chúng ta Mầu nhiệm Chúa Giê su Ki tô, Con Một Người, làm người để cứu độ chúng ta. Mầu nhiệm đó, chính là cánh cửa mở ra cõi vô biên. Từ nay, chúng ta có thể đến gần sự sống vĩnh cửu .

Tin mừng Lc 1,26-38

NGỮ CẢNH

Trình thuật truyền tin cho Đức Maria liên kết với trình thuật tryền tin cho ông Da ca ria (1,5-25) qua cụm từ: “Bà Ê li sa bết có thai được sáu tháng” (= vào tháng thứ sáu).

Sau khi nói về các hoàn cảnh và nhân vật (1,26-27), Luca trình bày sứ điệp của thiên sứ. Bắt đầu bằng lời chào và phản ứng của Đức Maria (1,28-29), sứ điệp được triển khai làm hai phần (30-33; 35-37) trước và sau câu hỏi của Đức Maria (34). Và được khép lại với lời đáp trả của Người (1,38).

GIẢI THÍCH

Sai: bằng cách mô tả sứ mạng mới của Gabriel, Luca nói đến niềm tin của Giáo Hội: biến cố sắp xảy ra đến từ Thiên Chúa.

Na gia rét: từ đền thờ Giê ru sa lem sứ giả thiên quốc đi đến một ngôi nhà bình thường, cách xa Giê ru sa lem. Ga li lê là một tỉnh biên giới và Na gia rét là một làng quê mà cho đến lúc đó Thánh Kinh chưa biết đến. Sự mới mẻ nằm ở tương lai. Lời Thiên Chúa hướng tới những vùng đất mới.

Trinh nữ: sau khi đã đến với một tư tế, thuộc dòng tộc Aron, cao niên và có gia đình, giờ đây thiên sứ Gabriên đến nhà của một cô gái không có tước hiệu gì khác ngoài danh xưng người trinh nữ và đã đính hôn với ông Giu se, thuộc dòng họ Đa vít.

Trình thuật trước kể lại việc thực hiện các chương trình của Thiên Chúa Israên; còn trình thuật nầy đưa vào một vài dấu chỉ sự thay đổi và canh tân. Dòng Đa vít được nhắc tới ở đây, chắc chắc biểu hiện cho một trong những trục lớn của lịch sử cứu độ; tuy nhiên đức Maria không có ở trên trục nầy: Người chỉ được liên kết vào đó nhờ vào việc đã đính hôn với ông Giuse. Hơn nữa, ông Giuse ở Na gia rét, xa vùng đất Đa vít. Triều đại đã bị suy tàn (Am 9,11; Cv 15,16-17): nó sẽ được tái thiết từ con số không (x.2,10-12). Ngọn cờ hiệu ơn ban nhưng không của Thiên Chúa là như thế, được giương cao để loan báo cho muôn dân biết rằng Thiên Chúa ban ơn (Is 11,10). Và đó là điều mà Gabriel sắp nói.

Mừng vui lên:  đây là công thức chào hỏi thông thường theo hi ngữ; là lời chúc niềm vui. Khi mươn lại công thức nầy, chắc chắn Lc nghĩ đến một vài bản văn tiên tri nói với con gái Sion (tức là Giê ru sa lem) để mời họ vui lên, vì tin mừng được loan báo trong các sấm ngôn của Chúa (Xp 3,14;Dc 9,9).

Đầy ân sủng: Đức Maria không được gọi bằng tên riêng, nhưng bằng một tên mới: tên gọi nầy diễn tả ý một sự tròn đầy, một sự hoàn hảo chỉ phát xuất từ Thiên Chúa mà thôi. Ơn sủng gợi lên những ân tình của Thiên Chúa, tình yêu nhưng không của Người. Tên gọi mới nầy lặp lại ý tưởng hàm chứa trong tên gọi của Gioan (1,13): lời hứa ân sủng được thực hiện nơi bản thân của đức Maria. Với truyền thống, chúng ta có thể nhận ra trong danh hiệu mới được gán cho Đức Maria một tổng hợp của tất cả các đặc ân của Người.

Nhưng ân sủng không là một đặc ân cho Đức Maria. Phao lô khẳng định rằng mọi người ki tô hữu đều được nuôi sống và cứu độ bởi ân sủng của Thiên Chúa: “ân sủng mà Người đã ban cho chúng ta trong Con yêu dấu của Người” (Ep 1,6). Ân sủng của chúng ta là một dự phần vào ân sủng của Chúa Giê su, Con yêu dấu của Thiên Chúa. Tuy nhiên tên gọi mà Đức Maria nhận lãnh từ thiên sứ cũng là tên gọi của chúng ta: “Nhờ ân sủng của Chúa Giê su chúng ta được cứu chuộc” (Cv 15,11). Đức Maria là dân tộc ân sủng (Giáo Hội) được nhân cách hoá, như tổ ấm của ông Da ca ria là hình ảnh của dân tộc lề luật (Israel). Giáo hội sẽ dễ dàng nhận ra nơi Đức Maria hình ảnh của mình.

Đức Chúa ở cùng bà: kiểu nói thường thấy trong Thánh Kinh. Đặc biệt trong các trình thuật kêu gọi: Môsê (Xh 3,12), Ghêđêôn (Tl 6,12), Giêrêmia (Gr 1,8). Nơi Đức Maria kiểu nói trên đạt đến mức độ trọn vẹn ý nghĩa, vì Con sẽ sinh ra nơi Người sẽ được gọi là Emmanuên, có nghĩa là: Thiên Chúa ở cùng chúng ta (Is 7,14; Mt 1,22-23).

Rất bối rối: như ông Da ca ria (1,12). Điều khiến cho Đức Maria bối rối không phải sự hiện diện nhưng là lời của thiên thần: Đức Maria không hiểu ý nghĩa lời chào đến từ Thiên Chúa.

Xin đừng sợ: trước sự tỏ hiện của Thiên Chúa tất cả mọi người trong CƯ cũng như ông Da ca ria và Đức Maria đều cảm nghiệm một sự sợ hãi có tính thánh thiêng. Chính vì vậy mà lời đầu tiên là lời trấn an: đừng sợ (x. Is 41,10).

Bà đẹp lòng Thiên Chúa: lặp lại nội dung danh xưng mới đặt cho Đức Maria: Thiên Chúa đã yêu thương người, không phải vì những đức tính người có, mà vì tình yêu nhưng không của Người.

Con: biết rằng mình sẽ là mẹ luôn là một tin vui cho một người phụ nữ, nhất là mẹ một đứa bé trai. Thiên Chúa hành động cùng với Đức Maria, như đã hành động với mẹ của Isaac (Stk 18) hoặc mẹ của Sam son (Tl 13). Đức Maria hiểu rằng lời sấm tiên tri Isaia 7,14 sẽ được thực hiện từ lời loan báo đó.

Giê su: như đối với Gioan (1,13) tên gọi đã được Thiên Chúa báo trước và chỉ định. Đó là tên gọi mang lại niềm hi vọng, vì có nghĩa là: “Đức Chúa cứu độ”. Nhưng ý nghĩa nầy sẽ được mạc khải trong câu 2,11.

Cao cả: x. c. 1,15.

Con Đấng Tối cao: không chỉ có tên Giê su, Ngài còn một tên gọi khác. Qua tên gọi nầy thiên thần mạc khải căn tính của đứa trẻ, căn tính sẽ đặt ra một câu hỏi lớn về Chúa Giê su nơi mọi người.

Tước hiệu Con Thiên Chúa (x,1,35) không có gì mới: đã ban cho con cháu vua Đa vít (2Sm 7,14; Tv 2,7). Chúa Giê su sẽ là người thừa kế vua Đa vít; nhờ Ngài, Chúa “sẽ dựng lại lều xiêu vẹo của Đa vít” (Am 9,11) đã sáu thế kỉ. Một ngày kia, Chúa Giê su sẽ được người mù thành Giê ri cô nhận biết như là con vua Đa vít (18,39), ngay trước khi Ngài vào thành Giê ru sa lem. Ngài sẽ được gọi bằng tước hiệu Con Thiên Chúa bởi chính ma quỉ (4,3.42). Phao lô, ở Đa mas, nói rằng Chúa Giê su là Con Thiên Chúa, đấng Messia (Cv 9,20). Bước thứ nhất của mạc khải. Rồi c. 35 sẽ đi xa hơn.

Sẽ trị vì: Thiên Chúa thực hiện những gì Người đã hứa với Đa vít (2Sm 7), Người sẽ dẫn đưa lịch sử của dân Người đến đích điểm. Người làm điều đó theo chương trình đã định, nơi dòng dõi Đa vít và con cháu nhà Gia cóp (nghĩa là Israel). Nhưng để thực hiện điều đó, Người sẽ dùng những con đường không bằng phẳng.

Cách nào?: câu hỏi nầy mang tầm vóc lớn hơn câu hỏi của Da ca ria (1,18), đóng vai trò như bản lề. Nó vừa cho thấy sự mạc khải của Thiên Chúa, vừa cho chúng ta biết về tư cách của Đức Maria. Ngài không bác bỏ, chỉ xin một lời giải thích về cách thế thực hiện lời loan báo ấy.

Việc vợ chồng: kiểu nói nầy có thể được dịch cách khác như: Tôi đồng trinh. Tìm cách cắt nghĩa lời của Đức Maria bằng một lời hứa giữ đức đồng trinh là một điều vô ích. Chỉ cần qui chiếu đến tình trạng lúc bấy giờ của Người là đủ. Bà đã đính hôn với ông Giuse và chưa chung sống với nhau. Trong câu hỏi của Đức Maria niềm tin truyền thống của Giáo hội khám phá ra sự thu thai đồng trinh của Chúa Giê su. Và cắt nghĩa như sau: đứa trẻ nầy có một nguồn gốc thiên linh, là hoa trái của Chúa Thánh Thần. Và đó sẽ là bước thứ hai của mạc khải.

Thánh Thần: đây là lời loan báo sự can thiệp đầu tiên và quyết định của vị chủ động công trình cứu độ, trong Cv và trong tin mừng Lc là Chúa Thánh Thần. Trước khi tỏ mình ra trong phép rửa của Chúa Giê su (3,22), Người sẽ hoạt động trong Đức Maria bằng cách cho đấng Messia sinh ra (x. Is 11,1-2).

Từ “Thần khí” tương đương với kiểu nói “quyền năng đấng Tối cao”: công trình của Người sẽ là một biểu hiện của quyền năng Thiên Chúa, sẽ biến đứa trẻ nầy thành một đấng vĩ đại (1,32) và một đấng thánh, theo cách thức vượt quá những gì mà loài người có thể thực hiện được.

Bóng: cũng chính từ hi lạp nầy được dùng trong trình thuật biến hình (9,34). Gợi lại trải nghiệm nơi sa mạc, nơi mà đám mây sáng chói hướng dẫn dân và cùng với bóng mây che phủ lều hội ngộ mà ông Mô sê dựng lên bên ngoài doanh trại (Xh 40,34-35). Lều là nhà của Thiên Chúa ở giữa dân Người. Đức Maria được trở thành nhà của Thiên Chúa: như thế lời tiên tri Nathan thành sự thực (2Sm7).

Nhưng còn có một điều không ngờ trước sắp được thực hiện. Thiên Chúa sẽ xây dựng ngôi nhà đích thực của Người nơi bản thân Đức Maria bên lề ngôi nhà (con cháu) Đa vít. Nhờ Người, Thiên Chúa sẽ cho Con độc nhất và đích thực của Người sinh ra. Gia đình của Đa vít, ít là số sót (và nhất là ông Giuse), được mời gọi tiếp nhận người Con nầy của Thiên Chúa: bấy giờ Chúa sẽ xây dựng lại gia đình đó và nó sẽ cảm nghiệm được đầy ơn sủng bởi vì Chúa Giê su được Thiên Chúa trao ban một cách nhưng không cho nó.

Con Thiên Chúa: tước hiệu nầy xuất hiện như là một bước tiến trong việc tìm hiểu căn tính của Chúa Giê su để kết thúc mức thứ hai của mạc khải. Giữa Con Đấng Tối Cao (1,32) và Con Thiên Chúa (1,35), sự khác biệt trong từ ngữ là không nhiều. Nhưng tất cả những gì được nói về sự trinh tiết của Đức Maria và hành động của Chúa Thánh Thần đưa ta tới chỗ nhận ra nơi đứa trẻ nầy một tương quan với Thiên Chúa hoàn toàn mới. Tương quan nầy được xác nhận bởi tiếng nói của Cha nơi phép Rửa (3,22) và nơi biến hình (9,35), sẽ xuất hiện trong lời kinh của Chúa Giê su sau khi các môn đệ đi truyền giáo trở về (10,21-22), trong giờ hấp hối (22,42) và trên thánh giá (23,46). Và sẽ được công khai xác nhận trước Hội đồng Do thái (22,70).

Ê li sa bết: với ông Da ca ria, thì một dấu tiêu cực được Thiên Chúa ban cho. Với Đức Maria dù không đòi, nhưng cũng được Người ban cho một dấu chỉ. Khi giúp Người nhận ra Ê li sa bết sắp làm mẹ, thiên sứ kín đáo mời gọi Người hãy đi xác nhận. Khi Thiên Chúa thực hiện một điều gì lớn lao, thì cần phải đi xem, bởi vì các công trình của Thiên Chúa làm cho đức tin tiến triển: đó là tư tưởng của Lc mà nhiều lần chúng ta khám phá trong các tác phẩm của Người (2,15; Cv8,15-17;10-11.

Không thể làm được: đây là lời giải thích điều không thể giải thích được: Thiên Chúa là “Cha sản sinh điều không thể”. Con người biết rằng Thiên Chúa thì quyền năng hơn mình và chính điều đó làm nền móng cho đức tin. Kiểu nói được trích dẫn trong sách Stk 18,14 thúc đẩy ông Abram và bà Sara tin rằng Thiên Chúa sẽ ban cho họ đứa con trai, trong khi họ đang lâm vào một tình cảnh tương tự như hoàn cảnh của ông Da ca ria và bà Ê li sa bết (son sẻ và cao niên); chính đức tin ấy nơi quyền năng Thiên Chúa là điều cần phải có trong mọi chặng đường của lịch sử.

Nữ tì: tước hiệu nầy diễn tả tấm lòng khiêm nhường của Đức Maria và thái độ sắp sẵn của Người. Nó còn diễn tả tâm hồn và ước muốn của Người cộng tác vào công trình của Chúa. Trong Thánh Kinh chính các nhân vật lớn đều được gọi là tôi tớ của Chúa. Đức Maria phục vụ khi tiếp nhận Lời. Người còn sẽ phục vụ khi đến thăm viếng bà chị họ của mình.

Như lời đã nói: dịch sát: theo lời của ngài. Lời mà Thiên Chúa nói ngang qua thiên sứ Ga bri ên bao gồm toàn bộ Tin mừng. Đức Maria trở thành người môn đệ đầu tiên của Tin mừng. Khác với ông Da ca ria, Đức Maria gắn bó với Lời của Thiên Chúa; Người tin vào sự hiệu nghiệm của Lời nầy trong toàn bộ lịch sử Thánh Kinh, từ ông Abram đến Người. Do đó, Người có thể tin vào điều mà Thiên Chúa sẽ thực hiện nơi Người.

Từ biệt: sứ mạng của thiên sứ đã kết thúc. Tác giả không còn nói về các mạc khải thực hiện cho Đức Maria nữa. Người sẽ để mình hướng dẫn và soi sáng bởi các biến cố, bởi những người thân và nhất là bởi Chúa Giê su sẽ được ban cho Người.

SỨ ĐIỆP

Chủ nhật thứ bốn mùa Vọng hôm nay, chúng ta chuẩn bị mừng ngày sinh nhật của Đấng Cứu thế và lan tỏa niềm vui ơn cứu độ. Có Đức Maria, Mẹ Đấng Cứu Thế cùng đồng hành. Và lòng trí của chúng ta cũng hướng về tất cả những người đang đau khổ vì thiếu thốn, bệnh tật, đau khổ và cô đơn.

Đọc tin mừng, chúng ta khám phá những nét chính yếu trong cuộc hành trình của Đức Maria. Ngài được giới thiệu trước tiên như một người phụ nữ nội tâm, rồi sau đó trên con đường phục vụ Chúa.

1. Phụ nữ nội tâm

Nhiều đoạn tin mừng cho chúng ta thấy Đức Maria là một người phụ nữ nội tâm. Ở Na gia rét, thiên sứ Ga bri ên đến tận nhà Đức Maria để loan báo quyết định của Thiên Chúa. Dù đang lo công việc nội trợ hằng ngày, Mẹ đã cung kính lắng nghe, đón nhận lời mời gọi của Người và khiêm nhường xin vâng theo thánh ý Thiên Chúa.

Chẳng những trong giây phút truyển tin, mà trong suốt cuộc đời ẩn dật của Chúa Giê su, Mẹ Maria vẫn luôn nuôi dưỡng cuộc sống nội tâm ấy. Thánh Luca ghi lại rằng mẹ cất giữ và nghiền ngẫm tất cả các biến cố trong tâm hồn. Mẹ Maria đã hiệp thông với con mình trong ba năm rao giảng và nhất là thông phần đau khổ khi đứng dưới chân thánh giá. Giữa biến cố Thăng thiên và Hiện xuống, mẹ cùng hiện diện với các tông đồ trong nhà Tiệc li để cầu nguyện, ôn lại những kỷ niệm trong thời gian sống với Chúa Giê su, và đặc biệt chờ đợi Chúa Thánh Thần ngự xuống trên Giáo Hội. Thánh Thần của Thiên Chúa đã bao phủ mẹ Maria trong ngày truyền tin cũng sẽ được ban cho các tông đồ. Ngài sẽ cho họ đầy tràn sức mạnh và ánh sáng ngày lễ Hiện Xuống. Và được Ngài thúc đẩy, họ sẽ ra đi làm chứng cho Đức Ki tô, loan báo Lời ban sự sống và hi vọng. Thánh Thần ấy cũng ban sự sống cho toàn thể Hội Thánh. Chính Ngài sẽ tác động và hướng dẫn mọi cuộc chinh phục của Tin mừng.

2. Đức Maria trên đường phục vụ mọi người.

Đời sống nội tâm phong phú ấy là nguồn sức sống dẫn đưa Mẹ Maria lên đường phục vụ. Vừa sau khi được truyền tin, Ngài ra đi chia sẻ niềm tin và hi vọng cho bà Êlisabết chị họ. Những biến cố dồn dập xảy ra sau đó như phải rời bỏ Ga li lê để đi về Giu đê kê khai hộ khẩu, chạy trốn sang Ai cập rồi trở về Naigarét, Mẹ đã trải qua trong niềm tin yêu phục vụ kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa. Đức Maria không bao giờ rời xa Chúa Giê su khi Ngài rao giảng trên các nẻo đường Ga li lê và Giu đê, cho đến khi đứng chân thánh giá.

Cái mâu thuẩn của đời sống Ki tô chúng ta, của đời sống được sinh động bằng sức mạnh của Thánh Thần là như thế đó. Chúng ta vừa phải chu toàn các trách nhiệm gia đình, vừa phải ra đi đến nơi mà Thiên Chúa mời gọi chúng ta làm việc, giải trí hoặc gặp gỡ. Ai trong chúng ta cũng thừa biết rằng đời sống chúng ta thường giống như một cuộc chiến hao mòn: hao mòn sức lực, hao mòn tinh thần, hao mòn khả năng yêu thương. Chịu đựng quá nhiều những bỏ rơi và vô ơn có nguy cơ làm cho chúng ta bị thất vọng và bỏ mặc. Trong những giờ phút thử thách ấy, hãy để cho Đức Ki tô hướng dẫn chúng ta bằng cách học yêu thương như Ngài và với Ngài. Hãy để Mẹ Maria hướng dẫn chúng ta theo bước chân của người tôi tớ Chúa, luôn thể hiện đức tin của mình trong mọi hoàn cảnh bằng cách tận hiến hoàn toàn, và luôn phục vụ Con Thiên Chúa đang lớn dần trong lòng Mẹ.

Cũng thế, chúng ta được mời gọi trở thành những nhiệt thành trên đường phục vụ. Sứ mạng của chúng ta là làm chứng cho Đức Ki tô. Để hoàn thành, Ngài ban cho chúng ta Thánh thần của Ngài. Ngài sẽ giúp chúng ta biết cách gặp gỡ, lắng nghe người khác, trả lời cho họ và loan báo Đức Giê su Ki tô. Ngài sẽ hướng dẫn để biết sống tốt trong gia đình cũng như trong các mối tương quan khác nhau. Và cũng không kém phần quan trọng, Ngài sẽ dạy chúng ta biết cách phản ứng trước sự thất bại, đau khổ và sự chết để làm chứng cho Chúa Giê su phục sinh.

Trong ngày chịu phép Rừa, chúng ta được gia nhập vào trong một gia đình lớn là Giáo hội. Lắm lúc chúng ngao ngán thất vọng trước sự tầm thường, chia rẽ, khuyết điểm và tội lỗi đã và đang xảy ra, nhưng đừng bao giờ quên rằng Giáo hội mang đến cho toàn thế gian lời hi vọng và sự sống của Chúa Giê su Ki tô biến mỗi người chúng ta thành một người thừa sai của tình yêu. Thế giới của chúng ta ngày nay cần những người hi vọng. Chúng ta hãy hân hoan làm chứng cho Tin mừng của Đức Ki tô. Điều mà Thiên Chúa mong muốn, đó là càng ngày càng có nhiều những tâm hồn như Đức Maria, hoàn toàn mở ra đón nhận Thiên Chúa và tha nhân, cũng như sẵn sàng làm mọi sự trong khả năng để nhân loại ngày càng trở nên đẹp hơn, xứng đáng hơn với Thiên Chúa.

“Lạy Mẹ Maria, mẫu gương sống nội tâm và phục vụ, Mẹ đã âm thần nuôi dưỡng đức tin trước khi ra chia sẻ cho mọi người, xin hãy hướng dẫn bước đường chúng con, chỉ dạy chúng conh biết yêu thương, kính trọng sự sống và hòa bình. Lạy Mẹ Maria, xin hãy gìn giữ chúng con trung thành với niềm tin ki tô của chúng con”.

ĐÀO SÂU

HỎI: Đức Maria, Mẹ Đức Ki tô được Giáo Hội ca tụng như thế nào?

THƯA: Ngay từ đời đời, trong thánh ý Thiên Chúa, cuộc đời của Mẹ Maria đã được ca ngợi như là người phụ nữ đã khai mào cho ngày cứu độ: “Tôi vui mừng trong Chúa, Tâm hồn tôi nhảy mừng trong Thiên Chúa của tôi”. Đức Maria là một trong những nhân vật nổi bật của mùa Vọng, bởi vì Giáo Hội đã luôn luôn coi Mẹ như là mẫu mực của sự tỉnh thức và đón nhận.

HỎI: Tại sao Thiên thần chào mẹ Maria: “Đầy ơn phúc”?

THƯA: Bởi vỉ Thiên Chúa đã phải chuẩn bị cho Ngài một nơi cư ngụ xứng đáng. Do đó, cung lòng người mẹ phải trở thành “nhà tạm” thứ nhất cho Thiên Chúa trong lịch sử không thể không có Ân sủng. “Nhà tạm”: là (1) nơi chứa đựng các hình ảnh các vị thánh;  (2) Đối với người Híp pri, đó là lều hội ngộ nơi gìn giữ các Bia đá khắc ghi lề luật, và (3) đối với người Công giáo, đó là bình thánh nơi đựng Bánh Thánh.

HỎI: Đoạn Tin mừng Luca cho chúng ta biết gì về cách sống đức tin của Đức Maria?

THƯA: Sách Tin mừng Luca cho chúng ta biết sự sắp sẵn của Đức Maria cho một sứ vụ và một tâm hồn đơn sơ hoàn toàn đối với Thiên Chúa. Điều đó dễ thấy nếu chúng ta so sánh với lời đề nghị mà Thiên Chúa ngỏ với Đức Maria (“Thánh Thần sẽ rợp bóng trên Bà.. Đấng sẽ sinh ra là đấng Thánh và được gọi là Con Thiên Chúa”). Và qua lời đáp trả Mẹ cũng cho thấy Mẹ sẵn sàng theo quyết định của Thiên Chúa (“Nầy Tôi là tôi tờ của Chúa, xin hãy như lời Ngài truyền”). Lời thưa Vâng khiêm tốn ấy đã mở ra một con đường cho Thiên Chúa thực hiện chương trình cứu độ của Ngài.

HỎI: Sự cao cả của Đức Maria hệ tại ở sự gì?

THƯA: Sự cao cả của Mẹ hệ tại ở việc tự gọi mình là Đầy tớ, vì thế trong Bài Ca Magnificat Mẹ đã ca tụng rằng Chúa đã đoái nhìn đến sự thấp hèn của Mẹ và mọi thế hệ sẽ gọi Mẹ là diễm phúc, bởi đấng Toàn Năng đã làm những điều cao cả.

HỎI: Tại sao truyền thống Ki tô giáo gọi Đức Maria tước hiệu là ‘Đức Bà’?

THƯA: Vì thời xưa, kiểu gọi ấy có nghĩa là: “Bà Chúa”, một tước hiệu kính trọng đối với một người nữ có địa vị cao sang; với thời gian nó chỉ một bà trong trắng dịu hiền. Ai có thể cao sang, trong trắng và xinh đẹp hơn Nữ Vương Maria!

HỎI: Con Thiên Chúa tiền hữu có nghĩa gì?

THƯA: Sự tiền hữu chỉ sự hiện hữu từ muôn đời của Đức Ki tô, trước khi Thế gian được tạo dựng và Ngài đi vào lịch sử khi thời gian viên mãn (Gl 4,4).

HỎI: CƯ có nói đến sự tiền hữu không?

THƯA: Có. Cùng với truyền thống Híp pri, Cựu ước nói đến sự Khôn Ngoan của Thiên Chúa tiền hữu (x. G 28,12-28; Cn 3,19; Kn 7,12; vv), và Lề luật qua đó Thiên Chúa đã tạo dựng và gìn giữ thế gian

HỎI: Tân Ước nói như thế nào về sự tiền hữu của Đức Ki tô?

THƯA: Tân Ước nói về sự tiền hữu của Chúa Giê su Ki tô bằng nhiều suy tư khác nhau: Chúa Giê su Ki tô là Đấng mà nhờ Ngài, Thiên Chúa ngay từ nguyên thủy đã gọi mọi sự vào hiện hữu (x. 1Cr 8,6; Cl 1,15-17): Đấng là Thiên Chúa nhưng đã tự hủy mình khi đi vào thế gian, đã vâng phục cho đến chết và hiện đang vinh hiển bên tay hữu Thiên Chúa Cha (x. Pl 2,6-11). Đấng là Con vinh hiển nơi Cha đã mặc lấy thân phận con người để hoàn thành Sứ mạng và đang ở với Thiên Chúa (x. Ga 1,1-18; 17; Hr 1,1-3).

HỎI: Suy tư thần học đã nói gì về sự tiền hữu của Con Thiên Chúa?

THƯA: Suy tư thần học đã được cô động lại trong định tín của Công đồng Nikêa vào năm 325 để giải quyết cuộc tranh luận Arianô về  bản tính của Đức Ki tô. Kinh tin kính Nikêa đã định tính sự đồng bản tính của Con với Cha và do đó, sự tiền hữu của Con, được chấp nhận như là lập trường chính thức của Giáo Hội về thần tính của Đức Ki tô.

HỎI: Thuyết Arianô là gì?

THƯA: Đó là Bè rối thế kỉ thứ 4, gọi là bè Arianô, tên của một vị linh mục thuộc trường  phái Alexandrô chối bản tính thần linh của Chúa Giê su Ki tô, chống lại vị Giám Mục của mình vào năm 319 và bị lưu đày vào năm 325. Ariô dạy rằng, là Thiên Chúa tự hữu và không có nguyên ủy, Con là ngôi Hai của Thiên Chúa, trong tư cách là được sinh ra trong thời gian, không thể được coi là Thiên Chúa như Cha và không hiện hữu từ đời đời, mà được tạo dựng như tất cả mọi lòai khác nhờ thánh ý của Cha. Do đó, giữa Cha và Con không có tương quan bản tính nhưng chỉ có việc nhận làm Con. Thánh Atanasiô được coi như là nhà thần học chống lại bè rối nầy.

 

 


Các bài viết mới hơn
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần IV Mùa Vọng C_ Nt. M. Anh Thư, OP
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần IV Mùa Vọng C_Lm Antôn Maria Vũ Quốc Thịnh
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần IV Mùa Vọng C_ Nt. Maria Phạm Thực
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Tư tuần IV Mùa Vọng - Nt. Maria Nguyễn Kim Khánh
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần IV Mùa Vọng Năm C - Nt. Têrêsa Nguyễn Thị Kim Tuyến, OP
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Hai Tuần IV Mùa Vọng Năm C - Phêrô_Maria. Mảnh vỡ. FVP
     Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật Tuần IV Mùa Vọng C_Lm. Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần IV Mùa Vọng - Lm Giuse Nguyễn Duy Khang
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần IV Mùa Vọng - Lm J.P
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần IV Mùa Vọng

Các bài viết cũ hơn
     SUY NIỆM CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG NĂM B- ĐÓN CHÚA BẰNG CÁCH NÀO?. Lm Giuse Đỗ Đức Trí
     CHỨNG NHÂN ÁNH SÁNG. Lm. Giuse Nguyễn Đức Thắng
     LỄ GIÁNG SINH- “EMMANUEL, THIÊN CHÚA Ở CÙNG CHÙNG TA”. Lm Jos Tạ Duy Tuyền
     LỄ THÁNH GIA-KỶ NIỆM ĐẸP. Lm Jos Tạ Duy Tuyền
     SUY NIỆM THỨ NĂM TUẦN IV MÙA VỌNG NĂM A. Lm. GioanB Lại Anh Tuấn
     GIẤC MƠ. An-tôn Lương Văn Liêm
     SUY NIỆM CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG NĂM A-KHỞI ĐÂU MỚI TỪ THIÊN CHÚA. Lm Phaolo Nguyễn Văn Đông
     TÂM SỰ VỚI CHÚA MỖI NGÀY ( Từ ngày 17/12/2010 đến ngày 03/01/2011) . Lm Jos Tạ Duy Tuyền
     SUY CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG NĂM A. Lm. Jos Tạ Duy Tuyền
     THỨ 5 TUẦN THỨ 4 MÙA VỌNG