CHỦ NHẬT LỄ HIỆN XUỐNG
Sự sống sung mãn là một ơn ban của Thánh Thần. Tiếng kêu tự bản năng con người, ngay từ khởi thủy là đây: SỐNG!, ĐƯỢC SỐNG SUNG MÃN VÀ ĐƯỢC SỐNG MUÔN ĐỜI. Nhưng tội lỗi giam hãm con người trong chính nó và dẫn đến thất bại. Sự Sống đích thực, chính là Thần Khí. Mạc khải Ki tô giáo khẳng định rằng Thánh Thần sẽ được ban cho chúng ta. Lễ Hiện Xuống chính là Lễ của Thánh Thần, đồng thời đánh dấu mùa Phục sinh kết thúc. Chính từ biến cố Hiện Xuống mà sự canh tân một thế giới tái tạo bởi Thiên Chúa được khẳng định.
Công vụ 2,1-11
Biến cố Hiện xuống là điểm khởi hành. Tất cả những gì được ghi chép lại trong sách Công vụ có mục đích cho thấy sự bùng nổ của Thánh Thần trong thế giới. Và chúng ta cũng được loan báo công cuộc tái hợp nhất nhân lọai đang được tiến hành ngang qua Lịch sử nhờ các tín hữu được thấm nhuần Tình yêu Thiên Chúa.
Thánh vịnh 103
Người Do thái ca tụng Thần khí Thiên Chúa, diễn tả sức năng động của Người, nguồn suối phát sinh sự sống của thiên nhiên. Đối với người ki tô hữu, Thánh Thần là nguồn suối phát sinh một sự Tái Tạo đích thật. Bằng cách đảo lộn tâm hồn con người, Người tìm cách tái định hướng đến một thế giới phản ánh Vinh quang Thiên Chúa.
Thư gửi tín hữu Rô ma 8,8-17
Theo ngôn ngữ thánh Phao lô, xác thịt chính là con người co cụm lại với chính mình, chỉ quan tâm đến các ước muốn của mình. Còn Thần khí, chính là một hình thái sự sống mới được Thánh Thần Thiên Chúa khơi dậy. Người giúp chúng ta định vị chính xác trước mặt Thiên Chúa, trước mặt người khác, trước mặt thế giới. Không gì có thể phá hủy được Người. Như Chúa Giê su sống lại, chúng ta được mời gọi luôn luôn sống kết hợp với Chúa.
Tin mừng Ga 20,19-23
NGỮ CẢNH
So sánh với đoạn văn song song của Lu ca giúp ta nhận thấy rằng trong khi Lc dừng lại ở việc nhận biết Chúa Giê su phục sinh, thì Gio an lướt qua để dừng lại lâu hơn nơi con người Chúa Giê su đang hướng về tương lai và thông ban các quyền năng của Ngài. Như thế chủ ý của ông là muốn nhấn mạnh đến sứ mệnh của Giáo Hội phát sinh từ cuộc Phục sinh của Chúa Giê su.
Có thể đọc bản văn theo bố cục sau đây:
1. Thời gian, nơi chốn hoàn cảnh cuộc hiện ra: 19abc.
2. Chúa Giê su hiện đến (19d-20a) được các môn đệ nhận ra (20b).
3. Lời chào, sai đi, trao banThánh Thần và sứ mạng (21-23).
TÌM HIỂU
Vào chiều ngày ấy: bà Ma ri a Ma đa lê na đi ra mồ từ « sáng sớm » (20,1). Đối với nhóm Mười Một, một ngày dài đã trôi qua trước cuộc hội ngộ nầy. Các cuộc hiện ra của đấng Phục sinh với các môn đệ diễn ra vào buổi chiều (6,16; 13-17), nhưng cũng còn trong ngày thứ nhất (20,1.26).
Các cửa đều đóng kín: niềm tin của Ma đa lê na đầy ngẫu hứng và tình cảm. Bà đi thẳng đến Chúa và đã gặp thấy Ngài. Còn các môn đệ thì khác chưa hết “sốc” bởi nỗi sợ hãi người Do thái; dù có những bước chân của Phê rô và Gio an, họ vẫn còn ẩn trốn trong nhà. Vì thế Chúa Giê su cần phải cho họ niềm xác tín là Ngài đã sống lại. Các trình thuật nầy có lẽ phản ánh nỗi khó khăn mà Giáo hội gặp phải: một vài người mạnh dạn đến với Chúa, trong sự đơn sơ của niềm tin; một số khác thì chậm chạp hơn vì nhiều thử thách mà cộng đoàn phải vượt qua.
Chúa Giê su đứng giữa các ông: “Đâu có hai hay ba người tụ họp nhân danh ta, có ta ở giữa họ” (Mt 18,20).
“Bình an cho anh em”: lời chào được lặp lại ở câu 21. Đó là câu chào hỏi bình thường trong ngôn ngữ sê mít. Tuy nhiên, bình an là một khái niệm giàu ý nghĩa bao hàm toàn bộ những gì làm cho cuộc sống được hạnh phúc. Sự bình an của thời đại cánh chung là một ơn ban quí giá nhất của Thiên Chúa dành cho con người đã được các tiên tri loan báo. Ơn trên được ban cho là nhờ vào những nỗi khổ đau mà người Tôi Tớ phải gánh chịu: “Chính người đã bị đâm vì chúng ta phạm tội, bị nghiền nát vì chúng ta lỗi lầm; người đã chịu sửa trị để chúng ta được bình an, đã phải mang thương tích cho chúng ta được chữa lành” (Is 53,5).
Khi Chúa Giê su xuất hiện ở giữa các môn đệ của Ngài, không những Ngài cầu chúc, mà còn ban cho sự bình an (x.14,27; 16,33). Sau nầy Phao lô sẽ nói về Đức Ki tô rằng: Ngài qui tụ các kẻ thuộc về Ngài trong chính sự chết và sự phục sinh của Ngài: “Ngài là chính sự bình an của chúng ta” (Ep 2,14).
Xem tay và cạnh sườn: như ở Lu ca 24,39, Chúa Giê su muốn liên kết các đau khổ mà Ngài đã chịu với cuộc phục sinh của Ngài, khi tỏ cho thấy các vết thương của Ngài. Trong các tác giả tin mừng, chỉ có Gio an nói, và nói ba lần (ở đây và cc, 25-27) đến vết thương cạnh sườn Ngài (x. 19,34-37).
Vui mừng: giờ đây mọi sự đã thay đổi. Với sự phục sinh, lời kinh của Chúa Giê su dâng lên Cha đã được chấp nhận: “Để họ được hưởng trọn vẹn niềm vui của con” (Ga 17,l3).
Thầy cũng sai anh em: Chúa Giê su hiện ra với các môn đệ của Ngài không chỉ để gợi lại cho họ kí ức về Ngài, nhưng còn để sai phái họ ra đi. Cả bốn tin mừng đều đồng qui về điểm đó (Mt 28,19; Mc 16,15; Lc 24,47; x. Cv 1,8).
Sứ mạng đó là một trong những đối tượng các lời cầu nguyện của Chúa Giê su cho các môn đệ của Ngài (17,18). Và cũng nhằm nối tiếp sứ mạng mà Ngài đã lãnh nhận từ nơi Chúa Cha. Chúa Giê su lặp lại “Bình an cho các con”. Ra đi vào thế gian, họ mang theo mình sự bình an của Thiên Chúa.
Thổi hơi: đối với Gio an, cử chỉ nầy là dấu chỉ đưa đến một thực tại sâu xa hơn. Hơi thở mà Chúa Giê su khi sinh thì, đã trao lại trên thánh giá (19,30) là hơi thở của Thiên Chúa, tức là Thánh Thần. Ơn ban Thánh Thần đó được liên kết mật thiết với cái chết và sự phục sinh của Ngài. Lu ca bố trí biến cố Thánh Thần hiện xuống năm mươi ngày sau (Cv 2,1-4), cũng đặt mối tương quan đó trong một lời Chúa Giê su hứa cho các môn đệ vào chính ngày Phục sinh (24,49).
Với sự phục sinh Chúa Giê su, lịch sử cứu độ đạt tới giai đoạn cuối cùng. Vào lúc khởi đầu: Thiên Chúa đã “thổi sinh khí” (Stk 2,7) vào lỗ mũi người nam. Chúa Giê su phục sinh ngự tại trung tâm thế giới mới, mà ngài đã tác sinh bằng cách thông truyền hơi thở của chính Thiên Chúa để cho thế giới được sống.
Tha tội: sứ mạng truyền giáo bao gồm việc tha tội (x. Lc 24,47). Ngay từ đầu, sách tin mừng Gio an đưa ra một lời mời gọi tiếp nhận sự sống ngang qua niềm tin vào Chúa Giê su; do đó, tội lỗi, căn bản chính là sự từ chối tin. Gia nhập vào cộng đoàn các tín hữu, tức là những người đặt niềm tin vào Chúa Giê su phục sinh, có nghĩa là xác nhận rằng tội riêng đã được tha thứ.
Cầm giữ ai: tha thứ-cầm giữ chỉ là hai mặt song đối của một tổng thể duy nhất là sứ mạng của Chúa Giê su hoàn toàn hướng về ơn cứu độ (3,16-17; 5,20-30).
SỨ ĐIỆP
Chúng ta đã đọc bài tin mừng nầy cách đây mười lăm ngày. Nhưng các bài đọc thánh kinh được đề nghị cho Thánh lễ Hiện Xuống mang lại cho nó một luồng sáng mới. Hôm nay là lễ của Ơn ban Thánh Thần cho các Tông đồ và cho toàn thể Hội Thánh. Một điều đáng để ý là nhân cơ hội nầy, tin mừng chỉ nói với chúng ta về tình yêu. Bình thường chúng ta muốn nói về Thánh Thần như một đấng mang đến cho chúng ta niềm cảm hứng, các ý tưởng, sự biện phân, sự hiểu biết. Nhưng Chúa Giê su nói với chúng ta về một điều khác hẳn. Thánh Thần là một Tình yêu nhân cách hóa. Điều đó không có gì lạ lùng, bởi vì, Thánh Gioan đã viết: “Thiên Chúa là tình yêu”.
Vào buổi sáng ngày Hiện xuống, các môn đệ đầy tràn Chúa Thánh Thần. Đó chính là Tình yêu của Thiên Chúa xâm chiếm họ. Đối với chúng ta, những người ki tô hữu đã được rửa tội và thêm sức cũng như thế. Khả năng yêu thương của chúng ta bị chính tình yêu của Thiên Chúa chiếm hữu. Từ nay, chúng ta có thể trở thành người do thái với người do thái, người ả rập với người ả rập, người phi châu với người phi châu và nhất là chúng ta có thể cảm nghiệm sự nghèo khổ với những người nghèo. Tình yêu ấy của Thiên Chúa ngự trong chúng ta thúc đẩy chúng ta gặp gỡ người khác trong chính điều họ đang sống. Đức Ki tô nhấn mạnh rất rõ ràng vế mối liên kết giữa tương quan của chúng ta với Thiên Chúa và tương quan giữa chúng ta với anh em: “Nếu anh em yêu mến Thầy, anh em sẽ trung thành với các giới răn của Thầy”. Điều răn ấy chúng ta đều biết: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13,34). Yêu thương nhau chính là phục vụ tha nhân, như việc rửa chân vào chiều thứ năm tuần thánh mà Chúa Giê su đã làm gương cho chúng ta.
Ai yêu mến Đức Ki tô không thể không dấn thân phục vụ anh em mình. Tình yêu của chúng ta đối với Thiên Chúa và tình yêu của chúng ta đối với anh em mình không thể tách rời được. Nhìn cách chúng ta phục vụ anh em mà người ta có thể phán đóan về phẩm chất tình yêu của chúng ta đối với Thiên Chúa. Chúa của chúng ta quí chuộng mỗi người như là phẩm vật quí giá nhất của Người. Nếu Chúa Giê su chết trên thánh giá, thì quả thật chính vì tình yêu đối với tất cả mọi người không loại trừ ai. Ai không phục vụ người khác thì không thể nói rằng mình yêu mến Thiên Chúa. Thánh Gioan còn đi xa hơn: “Nếu ai yêu mến Thầy, và trung thành giữ lời Thầy, Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy, và chúng ta sẽ đến với người ấy và chúng ta sẽ ở trong người ấy”. Chúng ta nên hiểu cho kỹ, Chúa Giê su không có ý nói rằng nếu chúng ta không phục vụ người khác, Cha có thể không yêu thương chúng ta. Trong Thiên Chúa, không có sự mặc cả hay điều kiện. Người là Tình yêu và lòng Thương xót; điều đặc biệt nơi lòng thương xót của Người đó là Người dành nhiều ưu ái hơn cho những kẻ khốn cùng, những kẻ cần được yêu thương và được phục vụ.
Vì thế, trang tin mừng nầy là một lời mời gọi tiếp nhận tình yêu không giới hạn ở nơi Thiên Chúa. Nếu chúng ta đi theo hướng ấy, tâm hồn chúng ta sẽ rộng mở. Tình yêu của Thiên Chúa càng ngày càng xâm chiếm tâm hồn, giúp chúng ta phục vụ anh em mình một cách đắc lực hơn. Nhưng tất cả tùy thuộc vào việc chúng ta biết chịu khó “kín múc tận nguồn” tình yêu, niềm vui và bình an ấy ở trong Thiên Chúa. Chúng ta chỉ chuyển thông cho thế gian điều mà chúng ta được Thiên Chúa tiếp tế trong lời cầu nguyện và đón nhận Lời Thiên Chúa.
Thần khí của Chúa Giê su được ban cho chúng ta để chúng ta thi hành sứ vụ. Nhưng thường luôn có sự chống đối trong chúng ta. Tin mừng hôm nay nói với chúng ta rằng chúng ta có một đấng bào chữa. Tất cả chúng ta đều cần đến Người, không phải để chống lại Thiên Chúa, vì Người là Tình yêu, mhưng để chống lại chính mình. Rất thường, chúng ta nói: “Tôi không thể làm được, tôi quá già.. hoặc quá trẻ.. chúng tôi không đủ số. Theo não trạng chúng tôi, điều đó không thể thực hiện được”. Nhưng đấng bào chữa hiện diện để bênh vực cho người khác. Người là đấng đã thúc đẩy các môn đệ ra trước đám đông, đến với những người đã lên án Chúa Giê su chết trên thánh giá.
Nghĩ đến Chúa Thánh Thần, thì điều trước tiên là thưa với Người: “Xin hãy đến!”. Bấy giờ, Người sẽ là đấng xâm chiếm tâm hồn. Cuộc sống ki tô hữu của chúng ta trở thành một kinh nghiệm sự sống tràn đầy Thánh Thần. Vừa đến, Người hoạt động ngay. Chính Người phát động Giáo Hội trên khắp thế gian. Chúng ta cần phải thưa với Người rằng: “Xin hãy đến” khi có bế tắc nơi chúng ta, khi chúng ta sợ dấn thân, khi chúng ta không thể tha thứ. Khi bị thử thách hay khó khăn cùng cực, Người sẽ trở thành đấng bảo vệ, để giúp chúng ta hiểu rằng đối với Thiên Chúa, không có tình cảnh nào là tuyệt vọng cả. Người là sức mạnh để khởi đầu và khởi đầu lại, là đấng không biết mệt mỏi thúc đẩy chúng ta bước tới trước. Tất cả đều tùy thuộc vào sức mạnh của lời cầu xin: “Xin hãy đến!” mà ai trong chúng ta cũng có thể dâng lên Người.
Chúng ta hãy cầu xin Người giải thoát chúng ta khỏi những nỗi sợ hãi đóng khung chúng ta, những thói quen, những thành kiến và những điều không hài lòng. Ước gì Người biến chúng ta thành những con người tự do!