Trang Chủ > Suy Niệm > Mùa Phục Sinh

CHỦ NHẬT 5 PHỤC SINH

can dam 1.jpgVì ưu tư tìm cách củng cố Đức tin, chúng ta đề ra nhiều phương pháp, tổ chức nhiều lớp học hỏi..vv.. Nhiều đến nỗi chúng ta quên rằng tất cả những cái đó chỉ là phụ thuộc. Sứ mạng thiết yếu của chúng ta chính là làm cho mọi người thấy được Tình yêu phát xuất từ Thiên Chúa và hướng về Người. Chỉ có Tình yêu mới có thể là dấu chỉ hướng về Chúa và giúp người ta nhận biết Người.

Sách Công vụ 14, 21b-17

Từng bước từng bước, Tin mừng khởi từ Giê ru sa lem bành trướng ra thế giới. Những người dân ngọai cũng đã tiếp nhận đức tin. Nhiều cộng đoàn mới được tổ chức dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Ở Antiôkia, điểm khởi đầu của Sứ mạng truyền giáo, người ta cảm tạ Chúa vì sự lan truyền mạnh mẽ của Tin Mừng.

Thánh Vịnh 144

Chúng ta hãy ý thức rằng các cộng đòan rải rác trong khắp các châu lục cùng với chúng ta cất tiếng hát mừng ca tụng các kì công của Chúa, Thiên Chúa của Hoàn vũ.

Sách Khải Huyền 21,1-5a

Thánh Gioan tác giả cho thấy cuộc chiến thắng cuối cùng của Thiên Chúa. Cuối cùng, Thiên Chúa có thể hoàn tất Công trình của Người: việc Tạo dựng một Thành đô tỏa sáng, trong đó Dân ưu tuyển sẽ gặp Thiên Chúa của mình. Ở mút cùng của Lịch sử, Người sẽ cho một thế giới hoàn hảo phát sinh. Còn Hội Thánh ngày nay chỉ là một bản phát họa. Thiên Chúa sẽ đổi mới mọi sự.

Tin mừng Ga 13,31-35

NGỮ CẢNH

Đoạn 13 mở đầu phần chóp đỉnh trong Tin Mừng Gioan, được gọi là « Giờ của Chúa Giê su », bao gồm 3 phần: trình thuật về bữa ăn cuối cùng của Chúa Giê su với các môn đệ (13-17); trình thuật Thương khó (18-19), và trình thuật Phục sinh (20-21). Bài Tin mừng của chúng ta nằm trong đoạn 13,31-14,31 ghi lại những lời từ biệt của Chúa Giê su ngỏ với các môn đệ. Nó gồm những câu mở đầu (31-35) có thể được khảo sát như là một đơn vị văn chương độc lập, tự nó có ý nghĩa, kết thúc bằng lời mời gọi ra đi (14,31), có thể được xem như là kết luận cho phần thứ nhất.

Nội dung thuật lại lời Chúa Giê su nói về ý nghĩa sự ra đi của Ngài, và di sản Ngài để lại.

 TÌM HIỂU

Giờ: khi Giu đa đi khỏi, bắt đầu biến cố Khổ Nạn. Trong lời tuyên bố long trọng của Chúa Giê su, cô động toàn bộ mầu nhiệm Phục sinh. Và tại đây, Gioan đã nhìn thấy ngay sự tôn vinh của Chúa Giê su.

Được tôn vinh: x. 12,28. Vinh quang vốn là ưu phẩm của Thiên Chúa sẽ bừng sáng trong sự phục sinh, phản chiếu trên Chúa Giê su ngay cả trong cái chết. Việc Chúa Giê su tự phó mình cho Thiên Chúa Cha đã mang lại vinh quang cho Người; còn Thiên Chúa Cha, để đáp lại, sẽ tôn vinh nhân tính của Ngài trong sự phục sinh. Vậy cuộc khổ nạn sẽ mạc khải cho các môn đệ biết Chúa Giê su là ai, và đâu là mối tương quan với Thiên Chúa. Trong khi con người tự xa lìa Thiên Chúa vì tội lỗi, thì Thiên Chúa sẽ đem nó về với Người tràn đầy vinh quang.

Con bé nhỏ: từ trong tiếng Hi lạp chỉ được dùng ở đây trong sách Tin Mừng, có giá trị như một từ giảm nghĩa để chỉ sự thân mật. Chúng ta gặp thấy nhiều lần trong thư thứ nhất thánh Gioan (2,1.12.28).

Thầy cũng nói: (x. 7,33-36; 8,21). Người Do thái sẽ tìm cách giết Chúa Giê su nhưng sẽ không thể đạt tới Ngài trong vinh quang của Chúa Cha. Trái lại, các môn đệ tìm kiếm ngài một cách vô ích trong mầu nhiệm sự chết, nhưng họ sẽ tìm thấy ngài sống lại.

Một điều răn mới: Điều răn của Chúa Giê su là mới, không theo nghĩa là chưa bao giờ hiện hữu, nhưng theo nghĩa chưa từng thấy, không bao giờ chấm dứt, không có giới hạn. Không còn là vấn đề chỉ yêu người lân cận như chính mình nữa (Lv 19,18; Mc 12,31), nhưng là yêu như Chúa Giê su đã yêu.

Mọi người sẽ nhận biết: Hội Thánh có sứ mạng là trở nên một mạc khải về Chúa Giê su. Ngang qua đức ái của các phần tử của mình, Hội Thánh sẽ cho thấy mình giống với Ngài, và do đó, sự kết hợp với Chúa Giê su (x. 17,21).

SỨ ĐIỆP

Bài tin mừng hôm nay nhắc chúng ta điều răn quan trọng nhất là tình yêu Thiên Chúa và tình yêu tha nhân.

Chúa Giê su dự bữa ăn tối cuối cùng với nhóm Mười Hai, hôm trước ngày chịu chết. Ngài vừa thiết lập bí tích Thánh Thể là bữa ăn Vượt qua của ngài. Ngài cũng vừa rửa chân cho các môn đệ, kể cả Giu đa, sắp sửa phản bội Ngài. Trước khi vượt qua thế gian để về cùng Cha, Ngài muốn để lại cho họ một gương mẫu tuyệt vời về lòng khiêm nhường và phục vụ.

Chúa Giê su vừa loan báo rằng một trong các môn đệ sẽ phản bội Ngài. Đó là người mà Ngài trao cho một miếng bánh. Sự phản bội nầy khởi động một tiến trình sẽ dẫn Chúa Giê su đến cuộc Khổ nạn cho đến chết trên thập giá. Đàng khác, chính Ngài cảnh giác và loan báo cho các môn đệ biết tình thế sẽ đảo ngược: “Bây giờ, Con Người được tôn vinh và Thiên Chúa được tôn vinh nơi Ngài”. Dù không được các môn đệ hiểu, nhưng Lời ấy của Chúa Giê su là nền tảng. Thật thế, sự tôn vinh chính là sự tỏ hiện rõ ràng tình yêu của Thiên Chúa đối với nhân lọai, qua cái chết và sự Phục sinh của Ngài

Chính trong mạch văn long trọng ấy mà Chúa Giê su trao cho các môn đệ điều răn của Ngài: “Như Thầy đã yêu thương anh em, anh em hãy yêu thương nhau. Và Ngài xác định rằng đó là một điều răn mới. Điều răn ấy cũng đã hiện diện trong các tôn giáo khác. Người ta cũng đã dạy yêu thương người khác và cả thù địch. Cả Thánh Kinh Cựu Ước cũng đã nói đến điều răn yêu thương Thiên Chúa và tha nhân, và được triển khai bằng muôn ngàn điều luật và qui định phụ thuộc khác. Lấy cớ yêu mến Thiên Chúa, người ta đã quên anh em mình.

Điều làm cho điều răn ấy nên mới mẻ chính là việc Chúa Giê su đã đặt nó lên hàng đầu. Tình yêu tha nhân trở thành một điều răn giống với tình yêu Thiên Chúa. Chúa Giê su gán cho nó tầm quan trọng đặc biệt trong giáo huấn của Ngài. Ngài coi tình yêu hai mặt ấy như là sự hoàn tất giáo huấn của Ngài, là điểm đến hoàn tất mọi lề luật. Hơn nữa, tha nhân mà ta phải yêu mến không chỉ là những người đồng đạo như ta, mà là tất cả mọi người, được coi như anh em, vì là con cùng một Cha trên trời.

Sự mới mẻ căn bản của điều răn yêu thương, đó chính là yêu thương theo cách của Chúa Giê su, với cùng một lòng khiêm nhu và tinh thần phục vụ như Ngài. Người môn đệ Chúa Giê su không được quên lời Ngài dặn: không có tình yêu nào lớn hơn là thí mạng mình cho kẻ mình yêu thương (Ga 15,13). Vì thế, yêu thương như Chúa Giê su, chính là thí mạng cho người mình yêu thương. Dấn thân không thôi chưa đủ, cần phải đón nhận tình yêu ấy như một quà tặng từ Ngài. Do đó, chúng ta phải cầu xin, vì nếu không, thì giới răn yêu thương trở thành một sứ mạng không thể thực hiện được.

Ngày hôm nay, Chúa Giê su mang lại cho chúng ta một điều chỉnh vô cùng cần thiết. Ngài nói với chúng ta rằng tình yêu ấy là một dấu chỉ giúp người khác nhận ra người ki tô hữu. Dấu chỉ cho thế gian biết rằng chúng ta là môn đệ của Ngài chính là tình yêu mà chúng ta dành cho nhau. Nếu không có điều đó, chúng ta sẽ đưa ra một hình ảnh méo mó về đức tin và Hội Thánh của chúng ta. Đời sống của chúng ta sẽ trở thành một phản chứng.

Tình yêu mà Chúa đang chờ đợi chúng ta, phải có tính phổ quát. Nó nhắm đến tất cả mọi người trên thế gian. Một tình yêu không lọai trừ ai. Yêu thương mọi người  không làm cho chúng ta quên những người ở gần chúng ta nhất, cùng chia ngọt sẻ bùi với chúng ta, những người mà chúng ta có nhiệm vụ đồng hành, che chở và đem lại hạnh phúc. Dấn thân cộng tác và làm việc trong những hiệp hội bác ái phục vụ người nghèo nhất, chống lại bất công xã hội, đó là một cách thức tuyệt vời đáp lại đòi hỏi của Đức Ki tô.

Người ki tô hữu phải yêu thương nhau đó là một điều tuyệt đối quan trọng. Một cộng đòan không hợp nhất chỉ đưa ra một chúng tá tầm thường. Trong những trường hợp ấy, sứ điệp tin mừng không được thể hiện. Chỉ có những người ki tô hữu nào yêu thương nhau như Đức Ki tô yêu thương họ mới có thể tỏa sáng tin mừng. Chính tình yêu đó sẽ cho thế gian thấy rằng chúng ta là môn đệ của Đức Ki tô. Vấn đề không phải là trình diễn cho người ta thấy, mà là tiếp nhận chính Chúa Giê su.

Khi cử hành tiệc Tạ ơn và thông hiệp với Thân thể duy nhất của Đức Ki tô, chúng ta cầu xin cho Đức Ái được rạng ngời trong chúng ta và giữa chúng ta. Chỉ với điều kiện đó chúng ta mới có thể làm chứng cho Nước Chúa mà Ngài đến để thiết lập. Chúng ta đến kín múc tận nguồn để rồi ra đi vào sứ vụ đầy sức mạnh và tin tưởng. Xin Chúa ban cho chúng ta sự can đảm cần thiết để từ lời đi đến hành động. Đừng bao giờ quên rằng chúng ta sẽ bị xét xử về tình yêu.

 


Các bài viết mới hơn
     Suy niệm Lời Chúa Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống_Lm Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy niệm Lời Chúa Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống_Lm Đan Vinh - HSTM
     Suy niệm Lời Chúa Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống_Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần VII Phục Sinh_Nt. M. Anh Thư, OP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần VII Phục Sinh_Tân Quang
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần VII Phục Sinh_Lm Giuse Nguyễn Duy Khang
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Ba Sau Tuần VII Phục Sinh_Thầy Phêrô_Maria. Mảnh vỡ. FVP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Hai Tuần VII Phục Sinh_ Nt. Têrêsa Nguyễn Thị Kim Tuyến, OP
     Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật Lễ Chúa Thăng Thiên_Lm Đan Vinh - HSTM
     Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật Lễ Chúa Thăng Thiên_Lm Giuse Đỗ Đức Trí

Các bài viết cũ hơn
     SUY NIỆM THỨ BẢY TUẦN IV PHỤC SINH NĂM C.Nt. Têresa Nguyễn Thị Thanh Phương
     SUY NIỆM THỨ 5 TUẤN IV PHUC SINH NĂM C- MỘT TẤM LÒNG- Nt Mai Anh Thư O.P
     SUY NIỆM CHÚA NHẬT IV PHỤC SINH- TA BIẾT CÁC CHIÊN TA. Lm HK
     SUY NIỆM CHÚA NHẬT IV PHỤC SINH- NGƯỜI CHẾT VÌ YÊU. Lm Jos Tạ Duy Tuyền
     TÂM SỰ VỚI CHÚA MỖI NGÀY. Lm Jos tạ Duy Tuyền
     SUY NIỆM CHÚA NHẬT THỨ IV PHỤC SINH NĂM C. Lm. Phao lô Nguyễn Văn Đông
     SUY NIỆM THỨ BẢY TUẦN 3 PHỤC SINH NĂM C.Lm Đaminh Đỗ Hữu Nam
     SUY NIỆM THỨ SÁU TUẦN III PHỤC SINH NĂM C. Nt Madalena Nguyễn Thị Lan. O.P
     SUY NIỆM CHỦ NHẬT III PHỤC SINH NĂM C- Lm Phao lô Nguyễn Văn Đông
     SUY NIỆM THỨ BA TUẦN III PHỤC SINH NĂM C- DẤU LẠ HẰNG NGÀY- Giosephina Nguyễn Thị Minh Tứ