Trang Chủ > Suy Niệm > Thường Niên 1-12 > Tuần 5

CHỦ NHẬT 5 TN

55235951-1244792723-tinh-yeu-va-bao-dung-2.jpgMọi người ki tô hữu được mời gọi xây dựng Nước Trời, điều mà thánh Phao lô tông đồ gọi là phục vụ. Vì thế, người ki tô hữu, vì là Ánh Sáng và Muối cho đời, phải nói về Thiên Chúa để làm chứng cho chân lí mà mình tuyên xưng, giống như Chúa Giê su, người Tôi tớ tuyệt vời.

Sách Tiên tri Isaia 58, 7-10

Trong thời gian lưu đầy, Isaia mô tả Đấng Messia mà người ta trông đợi sẽ đến để giải thoát. Ngài sẽ là Tôi tớ có thể gánh lấy tội lỗi nhân loại. Vì thế ông mời gọi toàn dân hãy mặc lấy thái độ Phục vụ. Phục vụ tức là thống trị.

Thánh vịnh 111

Thánh vịnh nầy tán dương ánh sáng phát xuất từ Đấng Công chính, nghĩa là đấng thực sự sống bằng lòng Thương xót đối với người lân cận đáng thương. Người Công chính là người theo sát Thánh ý Thiên Chúa. Sự Công chính trong Thánh vịnh nầy được nối kết với lòng từ ái, xót thương và tin tưởng.

Thư 1 Cr 2,1-5

Sứ điệp của Thánh Phao lô luôn có tính thời sự. Thánh Tông đồ dường như không bao giờ biết sợ, thì lại thú nhận với chúng ta sự yếu đuối và sự sợ hãi phải loan báo Tin mừng cho người Cô rin tô. Nhưng lòng tin tưởng của ngài vào Chúa Thánh Thần là một bảo đảm và củng cố chúng ta trong những lúc do dự. Chỉ có quyền năng của Chúa Thánh Thần mới là nguồn ánh sáng cho con người.

Tin mừng: Mt 5,13-16

NGỮ CẢNH

Đoạn Tin mừng nầy khép lại phần thứ nhất của diễn từ: tin mừng của Vương quốc thiên sai.

Sau Tám mối phúc (5,3-10) và lời loan báo bách hại (5,11-12), Chúa Giê su nói đến vị trí và tầm quan trọng của người môn đệ đối với thế giới chung quanh. Cũng như ở câu 5,12, Chúa Giê su nói thẳng với các môn đệ.

Có thể đọc đoạn Tin mừng theo bố cục sau đây:

1. Môn đệ là muối cho đời (5,13)

2. Môn đệ là ánh sáng cho trần gian (5,14-16)

TÌM HIỂU

Anh em: từ nầy ở đây có nghĩa tập thể; và nhóm các môn đệ sẽ là ánh sáng. Đây là một khẳng định về bản chất người môn đệ. (Cv 5,13).

Muối: nếu sống theo tám mối phúc, các môn đệ đem lại hương vị cho trần gian, làm cho nó trở nên đẹp lòng Thiên Chúa.

Đời: ở đây có nghĩa là toàn thể nhân loại: từ nầy song song với từ thế gian (5,14). Và các câu 9,6; 10,34 cũng có nghĩa đó.

Muối mà nhạt đi: đây là điều không thể xảy ra về phương diện tự nhiên (hoá học). Do đó cần phải để ý hơn đến thực tại chứ không ngừng lại ở hình ảnh. Các môn đệ mà không sống theo tám mối phúc thì có thể đánh mất hương thơm của mình, nghĩa là phẩm cách là môn đệ Chúa Giê su.

Hình ảnh muối diễn tả khá đúng ý tưởng: Tin mừng phải thấm sâu vào thế gian.

Ánh sáng cho trần gian: người Tôi tớ trong sách Isaia 42, 6 và 49,6 phải là ánh sáng cho muôn dân. Trong tin mừng Ga 8,12, Chúa Giê su tự giới thiêu như là ánh sáng cho trần gian. Đó là ý tưởng về sự giải sáng ra chung quanh sau khi đã thấm nhập vào (5,13).

Để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm: ở Mt 6,1-18 Chúa Giê su dạy: “Khi làm việc lành phúc đức, anh em phải coi chừng, chớ có phô trương cho thiên hạ thấy…”. Mới nghe thì lời nầy dường như mâu thuẫn với câu chúng ta đang bàn: “Để họ thấy những công việc tốt đẹp..” Thật ra, mục tiêu hai hành động khác nhau: ở đây là vinh quang của Cha trên trời, còn ở Mt 6 là tìm cách làm thỏa mãn tính khoe khoang của mình. Và vấn đề bàn tới cũng khác nhau: ở đây là cho thấy phẩm chất người môn đệ Đức Ki tô, còn ở Mt 6 là kết án sự phô trương công đức của mình cho người ta thấy.

Tôn vinh: cách sống tốt đep của các môn đệ trung thành với tám mối phúc sẽ tôn vinh Cha trước mặt người đời, nghĩa là sẽ làm sao để cho họ nhận ra chỉ có Người mới là Thiên Chúa đích thật và, nhờ đó tôn vinh Người (Rm 1,21).

SỨ ĐIỆP

« Anh em là ánh sáng Thế gian ! ». Chúa Giê su nói như thế với các môn đệ đang tụ tập quanh Ngài. Và hôm nay, Ngài cũng nói với từng người chúng ta đang tụ họp nhân danh Ngài. Hình dáng chiếc đèn có thể còn đẹp, nhưng đó không phải là điều quan trọng. Điều mà người ta chờ đợi nơi chiếc đèn nhất, là nó phải chiếu sáng để mọi người có thể nhìn thấy nơi người ta đã đặt nó. Chúa Giê su cũng nói với chúng ta rằng chúng ta là muối cho trần gian. Muối là một yếu tố không thể không có. Nếu thiếu muối thì bữa ăn sẽ bớt ngon miệng.

Muối và ánh sáng không hiện hữu cho riêng cho mình, nhưng cho người khác. Được sinh ra là để phục vụ như người ta đòi hỏi. Khi Chúa Giê su nói với chúng ta rằng chúng ta là muối cho đất và ánh sáng cho trần gian, thì điều quan trọng là đất và trần gian. Điều đó có nghĩa là Ngài đặt tất cả chúng ta trong tư thế truyền giáo. Sự hiện diện của chúng ta là cần thiết, nhưng chúng ta không được quên rằng Giáo Hội hiện diện là cho thế gian. Vì thế, là môn đệ Đức Ki tô, chúng ta được sai đi là để phục vụ trần gian.

Người Ki tô hữu chúng ta thường than phiền rằng trên thế giới hiện nay, số người giữ đạo càng ngày càng giảm sút, các nhà thờ thiếu vắng người đi lễ. Bài tin mừng hôm nay muốn mời gọi chúng ta xem xét lại cách nhìn của chúng ta. Chúng ta không được nhìn theo tiêu chuẩn số lượng nhưng theo tiêu chuẩn chất lượng. Khi gọi chúng ta là muối, Chúa Giê su rất mong chúng ta đừng than phiền về con số mà nên chú tâm đến khả năng đem lại hương vị cho thế gian.

Muối và ánh sáng có một điểm chung: chúng có tính mạc khải. Muối làm tăng giá trị hương vị của thức ăn. Ánh sáng cho người ta biết vẻ đẹp của mọi sự và của thế gian. Thức ăn có trước khi được tra muối. Sự vật và thế gian có trước khi được soi sáng. Điều đó nói với chúng ta nhiều điều về sứ mạng mà Chúa Giê su trao phó cho các môn đệ và chính chúng ta. Không ai cần chúng ta để hiện hữu nhưng tất cả chúng ta đều có một vai trò độc đáo để thi hành.

Vì là muối nên chúng ta phải mạc khải cho người ta biết ý nghĩa và hương vị của cuộc sống. Để sống yêu thương và chia sẻ, người ta không cần đến chúng ta. Chúng ta đã thấy nhiều cố gắng to lớn cứu trợ những người bị lũ lụt tàn phá ở miền Trung cách đây mấy tháng. Đã có những người âm thầm, hiến thân phục vụ những người khác. Sứ mạng của chúng ta là làm chứng rằng Nước Thiên Chúa đang hiện diện trong các hành vi và lời nói yêu thương. Vai trò của chúng ta là mạc khải Danh của Đấng đang hành động ngang qua họ. Thiên Chúa hiện diện ở tất cả những nơi nào có tình yêu.

Là ánh sáng, chúng ta hiện diện để đề cao giá trị vẻ đẹp của thế giới. Đó là cái nhìn tình yêu mạc khải gương mặt đích thực của con người và sự vật. Nhưng tất cả những cái đó chỉ có thể thực hiện với lòng khiêm tốn. Ai cũng biết rõ rằng dùng quá nhiều muối, thức ăn trở nên quá mặn đắng và phải đổ bỏ đi. Luồng ánh sáng quá chói lọi làm lòa đi những gì mà nó muốn soi sáng. Để trở thành muối và ánh sáng, trước tiên phải yêu thương. Điều đó hoàn toàn thiết yếu. Vì việc rao giảng tin mừng không phải là một việc chinh phục mà là một lời loan báo tin mừng, và chỉ có thể thực hiện được bằng tình yêu ma thôi. Thánh tông đồ Phao lô nhắc cho các tín hữu Côrintô và mọi người chúng ta rằng: Chỉ có người nghèo và khiêm nhu mới có thể rao giảng Nước Trời.

Bài đọc thứ nhất nói cho chúng ta sự hiện diện ấy đòi hỏi như thế nào: là Ánh sáng cho trần gian tức là phục vụ anh em mình, là chia cơm sẻ áo, nhất là trong nhưng ngày giá rét vừa qua; là phá bỏ những chướng ngại ngăn cản con người được tự do. Ngang qua những hành vi và lời nói yêu thương đó, những người chung quanh chúng ta sẽ khám phá nguồn suối phát sinh mọi tình yêu. Ho sẽ khám phá ra rằng chương trình của Thiên Chúa về con người là một chương trình công chính và bình an.

Ngược lại, có thể người ta thật sự tự hỏi làm sao có thể tin vào chương trình yêu thương của Thiên Chúa nếu chúng ta cứ để mình bị giam hãm trong tính ích kỉ và dửng dưng. Như thế, chúng ta đưa ra một hình ảnh sai lầm về Thiên Chúa. Chỉ qua những hành vi công bằng và liên đới mà chứng từ của chúng ta được mọi người tin tưởng chấp nhận. Chúng ta không được quên lời tiên tri Isaia, nếu không muốn đối mặt với nguy cơ trở nên lu mờ.

Chúng ta sẽ lãnh nhận Bánh hằng sống nơi bàn tiệc của Chúa. Đó chính là nơi mà chúng ta sẽ kín múc sức mạnh để trung thành với sứ mạng ấy.

ĐÀO SÂU

1. HỎI: Bối cảnh bài đọc một như thế nào?

THƯA: Chúng ta đang ở vào cuối thể kỉ thứ 6 trước Công Nguyên. Đám người bị lưu đày đã trờ về lại quê hương, nhưng vẫn còn cần phải khắc phục nhiều hậu quả thảm hại của cuộc Lưu đày trước khi ổn định cuộc sống an bình trên đất hứa.

2. HỎI: Những hành vi giải phóng, chia sẻ mà Isaia khuyên nhủ là những việc gì?

THƯA: Các hành vi giải phóng, chia sẻ mà Isaia khuyên bảo chính là sự bắt chước việc làm của chính Thiên Chúa. Thiên Chúa là Đấng giải thoát và hay thương xót, và điều Người đòi hỏi là phải có những hành vi giống như Người, vì con người được dựng nên để phản ảnh Thiên Chúa.

3. HỎI: Hậu quả sẽ ra sao?

THƯA: Isaia quả quyết rằng nếu hành động theo gương Thiên Chúa thì vinh quang của Người sẽ đi theo họ. Nói cách khác, khi bố thí, bạn sẽ phản ánh sự hiện diện của Thiên Chúa. Nơi nào có tình yêu nơi đó có Thiên Chúa.

4. HỎI: Còn đối với Nước Thiên Chúa?

THƯA: Mọi hành vi công chính, giải phóng, chia sẻ đều là con đường dẫn đến Nước Thiên Chúa, vì Vương quốc ấy là nơi của công chính và tình yêu.

5. HỎI: Trong Kinh Thánh, ánh sáng có nghĩa gì?

THƯA: Trong Kinh Thánh ánh sáng thường chỉ sự mạc khải cứu độ của Thiên Chúa. Như trong Isaia, người Tô tớ Gia vê được gọi là Ánh sáng muôn dân (49,6). Chỗ khác, Ít ra ên được gọi là ánh sáng cho dân ngoại (42,6). Trong Tân Ước, Chúa Giê su được gọi là ánh sáng thế gian (Lc 2,32; Ga 8,12;12,35). Và theo gương Chúa Giê su, người môn đệ cũng phải trở nên ánh sáng thế gian (Pl 2,15).

6. HỎI: Đèn dùng để làm gì?

THƯA: Để chiếu sáng. Đèn đẹp hay xấu, điều đó không quan trọng, nhưng điều chủ yếu là đèn phải chiếu sáng để cho mọi người thấy rõ.

7. HỎI: Muối dùng để làm gì?

THƯA: Mục tiêu của muối là tan biến đi để làm tròn chức năng ướp mặn của mình.

8. HỎI: Đâu là điểm chung của ánh sáng và muối?

THƯA: Cả hai đều là những phương tiện soi sáng. Muối tăng giá trị các thức ăn, ánh sáng giúp cho người ta nhận ra vẻ đẹp của mọi loài.

9. HỎI: Muối cho trần gian có nghĩa gì?

THƯA: Môn đệ Chúa Giê su phải tỏ cho mọi người thấy giá trị cuộc sống tình yêu của họ, thấy Danh của Đấng đang hoạt động qua họ: vì nơi nào có tình yêu thì nơi đó có Thiên Chúa.

10. HỎI: Ánh sáng cho trần gian có nghĩa gì?

THƯA: Ánh sáng cho trần gian có nghĩa là để cho Lời Chúa sinh hoa kết trái trong đời sống của người môn đệ, trở thành ánh sáng soi chiếu trần gian để mọi người ca ngợi Thiên Chúa.

11. HỎI: Có điểm tương đồng nào giữa bài đọc một và bài tin mừng không?

THƯA: Có. Là ánh sáng cho trần gian có nghĩa là dấn thân phục vụ anh em mình. Isaia còn nói một cách rất cụ thể: đó là chia cơm sẻ áo cho người nghèo khó, là tháo gỡ những chướng ngại cản trở con người được tự do.

12. HỎI: Có liên quan nào giữa bài tin mừng và bài giảng về các mối phúc thật không?

THƯA: Có. Đoạn tin mừng về muối và ánh sáng đi liền ngay sau bài giảng về các mối phúc thật, nên chắc chắn có liên hệ mật thiết và có thể soi sáng cho nhau. Để có thể trở thành muối và ánh sáng cho trần gian, phải sống theo tinh thần các Mối phúc thật. Và ai sống theo các mối phúc thật, người đó chính là môn đệ đích thật của Chúa Giê su, để cho ánh sáng của Ngài rực sáng ngang qua cuộc đời của mình.

13. HỎI: Làm sao dung hòa câu Mt 5,16: “Sự sáng của các con cũng phải chiếu giãi ra trước mặt thiên hạ, để họ xem thấy những việc lành của các con mà ngợi khen Cha các con trên trời” với câu Mt 6,1: “Khi làm việc lành phúc đức, anh em phải coi chừng, chớ có phô trương cho thiên hạ thấy”?

THƯA: Không có mâu thuẩn trong hai lời giáo huấn của Chúa Giê su. Trong Mt 5,16 Chúa dạy phải để việc lành tỏa sáng vinh quang Thiên Chúa Cha trên trời. Còn trong câu 6,1 Chúa dạy đừng phô trương việc lành để được khen ngợi hay để thỏa mãn lòng khoe khoan tự phụ. Ngoài ra cách hành động cũng khác nhau: ở chương 5, người môn đồ phải tỏ ra như người Ki tô hữu, còn ở chương 6, Chúa Giê su kết án việc phô trương nhắm mục đích làm cho người ta chú ý.

 


Các bài viết mới hơn
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần V Thường Niên_Nt. Anna Têrêxa Thiên Hoàng, O.P
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần V Thường Niên_Lm. Phêrô Trần Lê Thành Nhân
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần V Thường Niên_Nt. M. Anh Thư, OP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần V Thường Niên_Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần V Thường Niên_ Nt. Thiên Thảo SJP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần V Thường Niên_Nt. M. Anh Thư, OP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Hai Tuần V Thường Niên - Tân Quang
     Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật V Thường Niên C_Lm Đan Vinh - HSTM
     Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật V Thường Niên C_Lm Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy Niệm Lời Chúa Lễ Giao Thừa - Lm Giuse Đỗ Đức Trí

Các bài viết cũ hơn
     Suy niệm tin mừng thứ tư lễ tro: KHIÊM TỐN LÀM VIỆC THIỆN. LM ĐAN VINH
     Thứ Sáu sau Lễ Tro: YÊU THƯƠNG LÀ ĂN CHAY. Nt. Anna Têrêxa Thiên Hoàng, ĐMTT
     SUY NIỆM TIN MỪNG THỨ NĂM SAU LỄ TRO
     SUY NIỆM LỜI CHÚA THỨ TƯ LỄ TRO NĂM C. Nhiều tác giả
     MỒNG BA TẾT: THÁNH HÓA CÔNG ĂN VIỆC LÀM: NĂM MỚI SẼ LÀM GÌ ?
     MỒNG HAI TẾT: BIẾT ƠN TỔ TIÊN – ÔNG BÀ CHA MẸ
     MÙNG 2 TẾT: MÙNG 2 TẾT. Minh Thùy
     CHÚA NHẬT V: LỄ MINH NIÊN QUÝ TỴ. Lm. Giuse Đỗ Đức Trí
     SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT V THƯỜNG NIÊN NĂM C. Lm. Phaolo Nguyễn Văn Đông
     SUY NIỆM THỨ BẢY TUẦN V THƯỜNG NIÊN B: GIÊSU- BÁNH LÒNG TRỜI, BÁNH TÌNH ĐỜI. Nt. Anna Têrêxa Thiên Hoàng, ĐMTT