CHỦ NHẬT 5 THƯỜNG NIÊN
“Chúng tôi không bắt được gì cả”. Đó là cảm nghĩ của nhiều người ki tô hữu khi lời kêu gọi rao giảng Tin Mừng vang lên từ trong thế giới. Khi cố gắng ban đầu bị thất bại, điều phải làm lúc đó là RA KHƠI, bằng cách từ bỏ những an ninh trần tục, những cách nghĩ con người, để xác tín rằng Chúa có thể hành động cách hiệu nghiệm trong con người. Dường như chúng ta làm việc một mình, nhưng với niềm xác tín rằng Thiên Chúa làm tất cả.
Sách Tiên tri Isaia 6,1-2a.3-8
Vì thiếu Đức Tin vào Thiên Chúa, nên người ta đề ra hết kế họach nầy đến kế họach khác. Nhưng Tiên tri Isaia phản đối tất cả liên minh của con người nhằm chống lại sự hăm dọa của người As si ri. Điều cốt yếu là canh tân từ bên trong. Chúng ta có chấp nhận Thánh ý Thiên Chúa nơi chúng ta không?
Thánh Vịnh 137
Đây là Bài Thánh ca dâng lên Chúa đang lắng tai nghe tôi tớ của Người. Người là đấng quan tâm đến những người thấp kém và khiêm nhu, cứu thoát những ai thuộc về Người. Chúa là Nguồn can đảm và sức mạnh. Xin Người hãy tiếp tục công việc của Người nơi chúng ta!
Thư 1 gửi tín hữu Cô rin tô 15,1-11
Thánh Phao lô nhắc lại điều cốt yếu của Tin mừng cho những người Cô rin tô nào còn sống theo cách loài người, nguồn gốc phát sinh chia rẽ. Đức Ki tô đã cứu độ loài người bằng cái chết của Ngài để ban cho chúng ta được vào trong một Vũ trụ ân sủng ngang qua Sự Phục sinh của Ngài. Thánh Phao lô làm chứng cho ân sủng ấy đã cứu thoát ngài, là người trước kia đã bách hại các ki tô hữu.
Tin mừng 5,1-11
NGỮ CẢNH
Cả ba tin mừng nhất lãm đều thuật lại việc Chúa Giê su kêu gọi các môn đệ đầu tiên. Trình thuật kêu gọi các môn đồ được đặt sau những thành công hạn chế ban đầu (31-41) của Chúa Giê su. Và đặc biệt trong Tin mừng Luca, nó được tiếp nối bằng mẻ cá lạ lùng (4-11). Phép lạ nầy không có trong Mt và Mc, và có thể đối chiếu với phép lạ mà Gioan kể lại sau biến cố Phục sinh. Sau đó trình thuật kêu gọi nầy được tiếp nối bằng trình thuật chữa lành một người phong cùi (Lc 5,12-15).
TÌM HIỂU
Hồ: trong khi Mc và Mt nói đến biển, thì Lc chỉ nói là hồ. Việc rao giảng của Chúa Giê su, bắt đầu từ Nagiarét (4,16) đến Ca phar naum (4,13), giờ thì được khai triển chung quanh bờ hồ, từ đây trở thành nơi quen thuộc với Lời Chúa.
Lời Thiên Chúa: kiểu nói Luca thích dùng (8,11.21; 11,28; Cv 6,7; 8,14). Ở Nagiarét cũng như ở Giu đê, Chúa Giê su đã loan báo Tin Mừng (4,18.43-44). Ở đây (5,3) giáo huấn của ngài là chính Lời Thiên Chúa.
Chiếc thuyền: vốn được xử dụng vào việc dánh cá, giờ thì trở thành nơi giảng dạy. Chúa Giê su không còn loan báo Lời Chúa từ « các hội đường của dân Do Thái » nữa (4,15.44), nhưng từ con thuyền của ông Simon Phê rô.
Chổ nước sâu: Chúa Giê su đưa ra lời kêu gọi đức tin ông Simon, cũng như xưa Thiên Chúa đã kêu gọi đức tin của ông Abram: « Hãy đi ra khỏi đất ngươi đang ở » (Stk 12,1).
Thả lưới bắt cá: trình thuật đi từ số ít sang số nhiều: do đó Phê rô không còn đơn độc một mình nữa. Luca không nói chính xác là có ông An rê cùng ở với ông (Mc 1,16), chỉ nói có ông Gia cô bê và Gioan (5,10) trên một chiếc thuyền khác. Cần phải có hai chiếc thuyền và ít là bốn người để thả lưới. Một cách biểu tượng, lệnh truyền của Chúa Giê su báo trước sứ mạng của Giáo Hội.
Thưa Thầy: từ Hi lạp epistates có nghĩa là người bề trên, gợi lên uy quyền của Chúa Giê su trong giáo huấn và việc chữa lành của Ngài (4,31.36). Chỉ có Luca xử dụng từ nầy (8,24.45; 9,33.39; 17,13) nhất là khi cho các môn đệ lên tiếng nói.
Nhưng vâng lời Thầy: dù đã mệt mỏi suốt đêm mà chẳng được gì cả, ông Simon cũng vâng lời Chúa Giê su ra khơi thả lưới. Cũng như ông Abram và nhiều người khác, ông tin tưởng vào đấng ra lệnh và đi vào đêm tối của lòng tin.
Hầu như rách cả lưới: tấm lưới nầy không bị rách dù chứa nhiều cá, là hình ảnh của Hội Thánh. Ngang qua mọi cơn thử thách kéo dài cuộc Khổ nạn của Chúa Giê su nơi người tín hữu, Thiên Chúa muốn gìn giữ Hội Thánh trong hiệp nhất (x. Ga 21,11).
Si mon Phê rô: đây là chổ duy nhất mà Luca dùng tên kép để gọi ông Phêrô. Ở chỗ khác, ông được gọi là bằng tên « Simon » (đến câu 6,14 khi Chúa Giê su đã đặt tên ông), hoặc luôn luôn là « Phê rô » (trừ 22,31). Việc gọi tên kép nhắc nhớ vai trò của Phê rô trong Giáo Hội: trình thuật kêu gọi, do đó, khác hẳn với một câu chuyện về cuộc đời của một người đánh cá.
Sấp mặt: cử chỉ của người Đông Phương tỏ dấu kính trọng trước mặt một vì Vua (1Sm 24,9) hay một tiên tri (2V4,37).
Lạy Chúa: tước hiệu gợi lên uy quyền của Thiên Chúa. Từ tin mừng thời niên thiếu thì đây là lần đầu tiên tác giả dùng cách xưng hô ấy để thưa với Chúa Giê su. Luca luôn làm thế vì ông nhìn toàn thể cuộc đời Chúa Giê su trong ánh sáng Phục sinh.
Xin tránh xa con: đây là phản ứng bình thường: việc tiếp xúc với đấng Ba lần Thánh gợi lên một tâm tình kính sợ và sám hối (Is 6, 3; x. thêm Xh 33, 20). Qua dấu chỉ mẻ cá lạ lùng, ông Simon nhận ra rằng Thiên Chúa đang hiện diện và đang hoạt động trong Chúa Giê su. Đó là một sự khám phá quyết định đối với ông.
Đừng sợ: x. 1,13.30; 2,10. Chúa Giê su là nguồn gốc của mọi sự thánh thiện. Do vậy, Ong Phê rô không được hoảng sợ.
Thu phục người ta: đáp lại niềm tin của ông Simon, Chúa Giê su gọi ông vào sứ vụ (x. Ga 21,15-17). Ong sẽ dành hết mọi tài năng và lòng kiên trì để phục vụ cho Nước Thiên Chúa. Ong sẽ là kẻ chài lưới người ta. Từ dùng ở đây để chỉ hành vi đánh cá có nghĩa là: « bắt sống » họ.
Mà theo Người: từ được dùng để chỉ người môn đệ đặt trọn niềm tin vào Chúa Giê su và để Ngài hướng dẫn (5,27; 9,23.57-61).
SỨ ĐIỆP
Đây là một đoạn tin mừng mà tất cả chúng ta đều đã nghe nhiều lần đến độ thuộc lòng. Một câu truyện có nhiều tình tiết hấp dẫn khiến chúng ta dễ đánh mất ý nghĩa chính yếu. Mục đích của Chúa Giê su là loan báo tin mừng, nên chúng ta phải cố gắng tìm ra sứ điệp của nó.
Chúa Giê su đi dọc theo bờ biển. Trong Kinh Thánh, biển là biểu tượng cho các mãnh lực sự dữ chống lại Thiên Chúa. Đó là nơi chất chứa đầy các mãnh thú đại dương nguy hiểm cho con người. Biển tượng trưng cho tất cả các mãnh lực quỉ ma tìm mọi cách tách rời con người khỏi Thiên Chúa nhằm hãm hại con người và làm cho con người phải chết đời đời. Nhưng Chúa Giê su đã đến để loan báo Tin mừng của một vì Thiên Chúa đầy lòng xót thương đối với người tội lỗi. Và đích thân Ngài đã đến để tìm kiếm và giải thoát những người đáng thương nhất
Và để thực hiện sứ vụ ấy, Chúa Giê su không đơn độc. Cuộc phiêu lưu vĩ đại đã bắt đầu với những người đánh cá ở biển hồ Ga li lê. Đang lúc họ rời thuyền và lên bờ sửa soạn lưới cá, thì Chúa Giê su đi ngang qua, bảo họ ra khơi và quăng lưới xuống biển để bắt cá. Mặc dù còn mệt mỏi sau thất bại suốt đêm hôm trước, họ vẫn vâng lời Ngài, chèo thuyền ra khơi. Kết quả thật bất ngờ vượt ngòai mong đợi, lưới đầy cá đến nỗi họ phải gọi thêm đồng bạn mới có thể đưa thuyền đầy cá vào bờ.
Chiếc thuyền ấy của Phê rô tượng trưng cho Hội Thánh. Phê rô lãnh nhận sứ vụ ra khơi và đánh lưới người. Sau nầy, ông sẽ ra đi vào thế giới ngọai giáo, đến với tất cả những ai đang bị nô lệ cho các mãnh lực sự dữ, đến với những người không biết Thiên Chúa thật. Như thế, đánh cá người tức là tiếp cứu họ. Đó là một sự cứu thoát, cứu vớt những kẻ sắp chết chìm, và đưa về đời sống chân thật.
“Hãy ra chỗ nước sâu và quăng lưới”. Lời mời gọi ấy, Chúa Giê su vẫn tiếp tục nói với Hội Thánh hôm nay, với các Giám Mục, Linh mục, Tu sĩ và tất cả mọi người Ki tô hữu. Đánh cá người tức là giúp đỡ người khác khỏi chết chìm trong những bận tâm hằng ngày khiến họ quên đi điều cốt yếu; là cố gắng giải thoát xã hội ngày hôm nay khỏi ách nô lệ và nguy cơ suy vong vì tiền bạc,
Và chính lúc đó, Chúa nói với chúng ta như chính Ngài đã nói với ông Phê rô: “Con có yêu mến Thầy không?”. Câu hỏi đó, Chúa Giê su đặt ra cho mỗi người chúng ta: “Con có thật lòng yêu mến ta không?” Và mong đợi từ mỗi người chúng ta một lời thưa vâng đầy nhiệt tình, đầy yêu mến đối với Thiên Chúa và anh em mình. Khi nhiệt tình đã có rồi thì không gì có thể ngăn chận được.
Một khi chúng ta đã tin vào Chúa, và đồng ý cộng tác với Ngài, thì kết quả thật tuyệt vời. đó chính là điều mà trình thuật mẻ cá lạ lùng muốn giúp chúng ta hiểu. Nếu Phê rô đã không gọi các bạn ông tới giúp, thì mẻ cá đã bị mất trắng. Qua chi tiết ấy, bài tin mừng muốn cho thấy rằng các Giám mục, Linh mục và tín hữu cần phải liên đới với nhau để dấn thân trong việc loan báo và làm chứng cho Thiên Chúa cứu độ và giải thoát.
ĐÀO SÂU
1. HỎI: Trong bài đọc một, tiên tri Isaia nói về ơn gọi của mình như thế nào?
THƯA: Tuần rồi, chúng ta đọc câu truyện về ơn gọi của Giê rê mi a, hôm nay, chúng ta nghe về ơn gọi của I sai a. Cả hai là những tiên tri lớn, nhưng lại rất khiêm nhường. Giê rê mia tự nhận mình ăn nói rất kém, nhưng vì Thiên Chúa đã chọn ông, thì Ngài cũng sẽ gợi hứng và ban cho ông sức mạnh cần thiết. Còn Isaia thì lo lắng mình không xứng đáng, nhưng cũng vì chính Chúa lựa chọn, nên chính Người cũng sẽ thanh tẩy ông.
Tiên tri được Thiên Chúa kêu gọi vào khoảng năm 740. Ông đã thi hành sứ vụ tiên tri trong khoảng 40 năm, và được dân Ít ra ên nhớ đến như là một trong những vị Tiên tri lớn, đặc biệt tiên tri rao giảng sự thánh thiện của Thiên Chúa.
2. HỎI: Gọi Thiên Chúa là Đấng Thánh có nghĩa gì?
THƯA: Gọi Thiên Chúa là Thánh có nghĩa là nói rằng Ngài là Đấng Hoàn toàn Khác với con người. Thiên Chúa không phải là đấng do con người tưởng tượng ra, mà ngược lại, con người được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa.
3. HỎI: So sánh ơn gọi của Isaia và Phêrô?
THƯA: Phụng vụ bài đọc hôm nay giúp cho chúng ta so sánh Tông đồ Phê rô và Tiên tri Isaia. Dù bối cảnh lịch sử không giống nhau: Isaia được gọi ở đền thờ Giê ru sa lem, còn Phê rô trên bờ hồ Ti bê ri át. Nhưng cả hai bị hoàn toàn bất ngờ khi cảm nhận sự hiện diện của chính Thiên Chúa đi vào cuộc đời mình: Isia trong một thị kiến, còn Phê rô chứng kiến một phép lạ.
4. HỎI: Cả hai phản ứng như thế nào?
THƯA: Dù ở trong những hoàn cảnh khác biệt, cả hai đều có phản ứng giống nhau trước việc Thiên Chúa tràn vào cuộc đời họ. Cả hai đều ý thức về sự thánh thiện của Người và vực thẳm ngăn cách giữa Người với họ. Isaia thì nói: “Khốn than tôi, tôi chết mất! Vì tôi là một người môi miệng ô uế, tôi sống giữa một dân môi miệng ô uế! Thế mà mắt tôi lại thấy Đức Vua là Đức Chúa các đạo binh” (Is 6,6). Còn Phê rô thì thưa với Chúa Giê su: “Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi” (Lc 5,8).
5. HỎI: Nhân vật chính trong câu chuyện nầy là ai?
THƯA: Cùng với Chúa Giê su, ông Simon là nhân vật chính trong câu chuyện. Có nhiều chi tiết cho thấy điều đó: Có hai chiếc thuyền, và Chúa Giê su xuống thuyền của ông Simon (c 3). Chúa Giê su bảo ông Si mon hãy ra khơi (c 4). Cũng chính ông Si mon đáp lại lời Ngài (c 5). Ông Si mon sấp mặt dưới chân Chúa Giê su cho thấy phản ứng của riêng ông (c 8). Ông kinh ngạc (c 9). Chúa Giê su trấn an ông Si mon (c10). Như thế, tất cả những gì làm cho Chúa Giê su, đều do ông Si mon làm, và tất cả những gì Chúa Giê su làm, cũng đều làm cho ông Si mon. Tất cả lời Chúa Giê su nói đều nói với ông Si mon, và tất cả những lời khác là lời của ông Si mon.
6. HỎI: Tại sao thánh Lu ca đã cố ý viết như thế?
THƯA: Ngài cố ý đề cao con người và hành động của Phê rô để phù hợp với chức vụ lãnh đạo Giáo Hội của Phê rô trong công việc truyền giáo cho người Do thái, và dân ngoại như được kể lại trong sách Công vụ.
7. HỎI: “Vâng lời Chúa Giêsu, ông Phêrô đã thả lưới” có nghĩa gì?
THƯA: Lời của của Chúa Giê su đem lại một sự an toàn tuyệt đối, ngay cả khi phải đối đầu với những gì có vẻ đi ngược thực tế: nước đục, không có cá.
8. HỎI: “Bắt người” là sao?
THƯA: Bắt người theo nghĩa nguyên ngữ là “bắt sống”. Khi nói về cá, thì đem cá ra khỏi biển, cá sẽ chết, vì không còn sống trong môi trường tự nhiên của chúng nữa. Nhưng khi nói về người thì đem con người ra khỏi biển là cứu người khỏi chết đuối, cứu sống họ.
9. HỎI: “Đi theo Ngài” có nghĩa là gì?
THƯA: Các môn đệ không những đi theo Chúa Giê su để lắng nghe lời Ngài dạy. Họ còn liên kết vào công việc của Ngài, trở thành cộng tác viên với Ngài.
10. HỎI:Tại sao “cộng tác vào công cuộc cứu độ của Thiên Chúa” được gọi là mầu nhiệm?
THƯA: Chúng ta đang đứng trước mầu nhiệm lạ lùng trong việc cộng tác vào công cuộc cứu độ của Thiên Chúa: chúng ta không thể làm được việc gì nếu không có Thiên Chúa, còn Thiên Chúa không muốn làm điều gì mà không có chúng ta. Như Thánh Phao lô nói trong bài đọc thứ hai, ân sủng của Thiên Chúa đã làm tất cả: “Điều tôi đang có, là nhờ ân sủng của Thiên Chúa và ân sủng mà Ngài ban cho tôi đã không ra vô ích” (2 Cr 15,10).
11. HỎI: Khi viết về mẻ cá lớn lạ lùng, Thánh Luca có nghĩ đến mẻ cá lớn của Giáo Hội sơ khai không?
THƯA: Có. Trong sách Công vụ, được coi là phần thứ hai của Tin Mừng, Thánh Luca đã cho thấy sự phát triển nhanh chóng của Giáo Hội trẻ mà ngài đang chứng kiến. Ngoài ra, vào cuối của Tin Mừng và đầu sách Công vụ (Lc 24,47; Cv 1,8), ngài cho biết ý nghĩa của việc sai các môn đệ ra đi là tôn vinh của Chúa Giêsu qua sứ mạng kêu gọi tất cả mọi người vào trong Giáo Hội. Nhưng lưới cá có thể bị rách (thỉnh thoảng đã xảy ra trong lịch sử Kitô giáo). Giáo hội có thể tránh điều ấy nhờ vào sự hiện diện và giúp đỡ của Chúa Kitô được cụ thể hóa qua tác động của Chúa Thánh Thần.
12. HỎI: Đối với thánh Lu ca, người môn đệ của Chúa Giêsu là ai và phải hoạt động như thế nào?
THƯA: Dựa vào tin mừng Luca, người ta có thể rút ra các điều sau đây:
a) Đối với tác giả tin mừng, người môn đệ trước tiên là một sứ giả, được Chúa Giêsu sai đi, được mời gọi liên tục đổi mới ý thức sứ mệnh của mình.
b) Công việc truyền giáo bị thất bại (“Thưa Thầy, chúng tôi khó nhọc suốt đêm mà không bắt được gì cả”) là bài học cảnh giác chúng ta không được quên rằng kết quả không tùy thuộc vào các suy tính hay tiên liệu của chúng ta nhưng dựa vào sức mạnh của lệnh truyền của Chúa Giêsu và sự hiện diện của Chúa Thánh Thần.
c) Khi truyền giáo, các môn đệ phải rao giảng chiến thắng của Chúa Giêsu trên tội lỗi (Lc 4, 31-36), tình yêu đối với những người bị bỏ rơi, và loan báo thông điệp cánh chung (Lc 4,16-22 ).
d) Không được quên rằng kết quả của việc truyền giáo sẽ thuộc thời cánh chung, nhưng với kết quả có thể được nhìn thấy ngay trong thế giới này.
13. HỎI: Trong đoạn tin mừng này, tên của Simon đã được thêm vào các danh từ "Phê rô", trong Kinh Thánh hình ảnh tảng đá có ứng dụng khác không?
THƯA: Có. Hình ảnh ẩn dụ biểu tượng của đá hoặc tảng đá có nhiều ứng dụng khác nhau. Trước hết, nó được áp dụng cho Thiên Chúa. Ông Mô sê nói: “Thiên Chúa là đá tảng” (Đnl 32,4; x. 17,10; Is, 44,8; Tv 95,1; Tv 144,1). Trong Tân Ước, Chúa Giê-su tự cho mình là đá hoặc đá tảng. Ngài được gọi là đá góc tường nền tảng (Mt 21,42, x, 1 Pr 2,06), là viên đá chính trong tòa nhà Giáo Hội của Người.
14. HỎI: Vậy ai là Tảng đá, Thiên Chúa hay Đức Ki tô?
THƯA: Cả hai đấng, bởi vì nơi con người Chúa Giêsu hiện diện một Thiên Chúa, độc nhất. Chúa Giêsu là Emmanuel, nghĩa là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta” (Mt 1,23). “Thiên Chúa hiện diện đầy đủ bản thân Ngài” (Cl 2,9).
15. HỎI: Ngoài Thiên Chúa và Chúa Giê su, ai còn được gọi là Tảng đá ?
THƯA: Chúa Giêsu gọi ông Simon, một ngư dân Ga-li-lê, một trong những môn đệ đầu tiên của mình là Tảng đá, trên đó Ngài sẽ xây dựng Hội Thánh của Ngài (Ga 1,41-42; Mt 16,18).
16. HỎI: Như vậy, Chúa Giêsu chuyển đặc quyền ấy cho Phê rô, một con người?
THƯA: Chính xác là không, Chúa Giêsu là, và vẫn luôn là tảng đá góc nâng đỡ toàn bộ “tòa nhà” Giáo Hội phổ quát. Nhưng Ngài muốn một trong các môn đệ đại diện cho Ngài trên thế gian, thực hiện các chức năng được chỉ định bởi các hình ảnh ẩn dụ của đá hoặc đá tảng. Với cùng một ý nghĩa ẩn dụ của đá, chúng ta còn thấy hình ảnh của “nền tảng” mà Tân ước áp dụng cho Chúa Kitô (1 Cr 3,10-11). Tuy nhiên các tông đồ và các tiên tri còn được gọi là “nền móng” (Ep 2,19-20, Kh 21,14), tức là toàn thể cộng đoàn các tín hữu trong Chúa Kitô là Giáo Hội (x. 1 Tm 3,15).
17. HỎI: Làm thế nào các Kitô hữu được gọi là đá và nền móng như Chúa Giêsu của họ?
THƯA: Chúng ta phải có một cái nhìn tổng quan: Thiên Chúa là đá tảng theo nghĩa là nền tảng đầu tiên cho việc sáng tạo và Israel ngày xưa. Chúa Kitô, trong Ngài Thiên Chúa hiện diện, là đá tảng, là nền tảng của sự sáng tạo mới và Israel mới (Gl 6,16; 1 Cr 3,11). Các tông đồ và tiên tri trở thành nền tảng, theo ý nghĩa là tất cả những gì họ đã nói và viết về Thiên Chúa và Đức Giêsu Kitô là nền tảng duy nhất cho đức tin của các Kitô hữu thực sự. Giáo Hội là nền tảng bởi vì đã vâng lệnh truyền của Con Thiên Chúa để bảo vệ các Kho tàng đức tin, tức là những lời dạy của Chúa Kitô một cách thuần khiết và toàn vẹn, được hướng dẫn bởi Chúa Thánh Thần.
18. HỎI: Vậy thì chúng ta phải cộng tác như thế nào?
THƯA: Sự cộng tác duy nhất mà chúng ta phải có, đó là lòng tin tưởng và sẵn sàng đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa. Và tất cả đã bắt đầu khi Phê rô đã tin tưởng thưa: “Thưa Thầy, chúng tôi đã vất vả suốt đêm mà không bắt được gì cả. Nhưng vâng lời thầy, tôi sẽ thả lưới”.