Trang Chủ > Suy Niệm > Thường Niên 1-12 > Tuần 5

SUY NIỆM LỜI CHÚA THỨ TƯ LỄ TRO NĂM C

Nữ Tỳ Thánh Thể

LỜI CHÚA: Mt 6,1-6.16-18

LE TRO_02.jpg(1) "Khi làm việc lành phúc đức, anh em phải coi chừng, chớ có phô trương cho thiên hạ thấy. Bằng không, anh em sẽ chẳng được Cha của anh em, Ðấng ngự trên trời, ban thưởng. (2) Vậy khi bố thí, đừng có khua chiêng đánh trống, như bọn đạo đức giả thường biểu diễn trong hội đường và ngoài phố xá, cốt để người ta khen. Thầy bảo thật anh em, chúng đã được phần thưởng rồi. (3) Còn anh, khi bố thí, đừng cho tay trái biết việc tay phải làm, (4) để việc anh bố thí được kín đáo. Và Cha của anh, Ðấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả công cho anh.

(5) "Và khi cầu nguyện, anh em đừng làm như bọn đạo đức giả: chúng thích đứng cầu nguyện trong các hội đường, hoặc ngoài các ngã ba ngã tư, cho người ta thấy. Thầy bảo thật anh em: chúng đã được phần thưởng rồi. (6) Còn anh, khi cầu nguyện, hãy vào phòng, đóng cửa lại, và cầu nguyện cùng Cha của anh, Ðấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của anh, Ðấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả công cho anh.

(16) "Còn khi ăn chay, anh em chớ làm bộ rầu rĩ như bọn đạo đức giả: chúng làm cho ra vẻ thiểu não, để thiên hạ thấy là chúng ăn chay. Thầy bảo thật anh em, chúng đã được phần thưởng rồi. (17) Còn anh, khi ăn chay, nên rửa mặt cho sạch, chải đầu cho thơm, (18) để không ai thấy là anh ăn chay ngoại trừ Cha của anh, Ðấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của anh, Ðấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả công cho anh.

SUY NIỆM:

Thứ tư lễ tro là ngày khởi đầu cho một mùa sám hối trở về. Mùa chay tịnh. Như dân thành Ninivê xưa xức tro lên đầu, ăn năn khóc lóc vì những lỗi lầm xúc phạm đến Thiên Chúa. Ngày nay, người Kitô hữu cũng thú nhận thân phận yếu đuối, tội lỗi của mình qua việc lãnh nhận tro bụi. Những hạt tro nhắc nhớ thân phận con người được Thiên Chúa nắn tạo từ chúng và mai sau, khi kết thúc cuộc đời này, con người cũng phải trở về bụi tro mà thôi.

Bài Tin Mừng của ngày lễ tro hôm nay nói về sự công chính của người Do Thái dựa trên 3 lãnh vực: Bố thí, cầu nguyện và ăn chay.

Từ câu 1 đến câu 4, Thánh sử Matthêu nói đến cách cư xử của chúng ta cần phải có khi thực thi tinh thần bác ái, giúp đỡ anh em trong cảnh gian nan, khốn khổ: “khi làm việc lành phúc đức... chớ phô trương... khua chiêng, đánh trống...” Bố thí là một công việc tốt, cần làm đối với tha nhân. Chúa Giêsu không đả phá hay công kích việc bố thí, nhưng Ngài cảnh giác về thái độ mà người Do Thái cần phải có khi thực hiện việc bác ái này. Ngài khẳng định những phô trương, khoe mẽ ầm ĩ là “cốt để người ta khen” (c.2) và như vậy là đã được người đời thưởng rồi, còn cần chi Thiên Chúa thưởng nữa. Bên cạnh đó, Ngài chỉ cho một cách bố thí “đừng để tay trái biết việc tay phải làm” (c. 3) nghĩa là cần khiêm tốn, âm thầm hết sức có thể, không tìm tự mãn, tự hãnh diện về công viêc mình làm ngay ở trong lòng, trong chính con người của mình. Chỉ như thế. Thiên Chúa mới trả công cho ta được.

Ngày nay, người Kitô hữu sống tinh thần bác ái thế nào ? Có người khi bố thí hoặc công đức, yêu cầu khi khánh thành một công trình nào đó phải được nêu danh giữa cộng đoàn hoặc phải có điều kiện này nọ, Nhưng cũng có những bà góa gom góp tất cả những gì mình có mà chỉ nói: Xin đừng nêu tên con hoặc chỉ đề: một người vô danh ... Chúng ta hãy tự xét, xem mình thuộc hạng người nào.

Trong câu 5 và 6, Chúa Giêsu dạy về cách thức cầu nguyện. Cầu nguyện là gặp gỡ Thiên Chúa, là đối diện với Thiên Chúa trong thâm sâu tâm hồn. Lời cầu nguyện cũng cần khiêm tốn trước mặt Thiên Chúa và trước mặt người đời. Đừng đọc kinh dài dòng lê thê hay lớn tiếng cầu nguyện nơi công cộng phố xá chỉ “cốt để người ta thấy” (c. 5). Thiên Chúa lên án về việc này “dân này chỉ thờ ta bằng môi miệng”. Trong thực tế, chúng ta cũng thấy điều này. Có nhiều người đi lễ hằng ngày, đọc kinh rất nhiều, nhưng trong cuộc sống họ lại thiếu bác ái, thiếu niềm tin. Họ hay  “Tin vơ, thờ quấy”. Niềm tin của họ không sâu nên dễ chạy theo mê tín, dị đoan. Cách sống này đã khiến một số bạn trẻ không muốn cầu nguyện thậm chí không muốn giữ đạo nữa, khi thấy ông bà cha mẹ “theo đạo” chứ không “hành đạo”.

Lãnh vực thứ 3 là ăn chay. Đây là một hành vi sám hối tự bản thân. Thái độ cần có khi chúng ta ăn chay, đó là : “chớ rầu rĩ... ra vẻ thiểu não, để thiên hạ thấy”. Nếu để ý, chúng ta thấy Chúa Giêsu nhấn mạnh và nhắc đi nhắc lại các câu : “để cho người ta thấy”. Ngài muốn nói : khi làm việc lành trên, chúng ta không tìm tự mãn vênh vang nơi bản thân hoặc tìm tiếng khen tiếng chê nơi con người, mà là “Đấng thấu suốt những gì kín đáo sẽ trả công cho. Trước mặt Thiên Chúa, chúng ta cần sống thật con người của mình với ý hướng ngay thẳng là luôn tìm và chu toàn ý Ngài. Và Thiên Chúa, Đấng thấu  rõ tâm can từng người, sẽ trả công cân xứng cho ta trong ngày sau hết.

Ngày nay, trong Giáo Hội Việt nam có qui định 2 ngày ăn chay. Đó là thứ tư Lễ Tro và thứ sáu Tuần Thánh. Nhiều người nghĩ rằng: ăn chay là giữ đúng giờ qui định, không ăn vặt, là kiêng thịt ... Nhưng họ quên mất “giữ chay lòng”. Là từ bỏ tội lỗi, con người xấu xa mà trở về đường ngay nẻo chính, là tiết kiệm, không ăn uống xa hoa để giúp đỡ người cùng khổ. Họ giữ chay miệng, nhưng chay lòng, tai, mắt lại không giữ được.

Lạy Chúa Giêsu, xin dạy chúng con biết tuân giữ Lời Chúa truyền, đó là ăn chay, bố thí, cầu nguyện trong tâm tình của người con thảo đối với cha mình, để thế giới này bớt khổ đau, thêm hạnh phúc. Lúc ấy chúng con mới xứng đáng là con của Cha trên trời, và thế giới này nhận ra khuôn mặt thánh thiện của Thiên Chúa trong cách sống hằng ngày của chúng con. Amen.

                                                                                                           

SÁM HỐI VÀ TIN VÀO TIN MỪNG

lm. Giuse Đỗ Đức Trí

Thưa quý OBACE, hôm nay chúng ta cùng với cả Giáo hội bước vào mùa chay thánh, một mùa thanh luyện chiến đấu, mùa của hy sinh tiết chế, đồng thời cũng là mùa của việc đại tu làm mới lại tâm hồn. Mùa chay không chỉ là mùa cả Giáo hội khoác lên mình một màu tím u buồn, mà là một mùa tập luyện thiêng liêng, là thời gian để mỗi người nhìn lại cuộc sống của mình và có những quyết tâm sám hối và thay đổi cụ thể. Có lẽ vì đã nghe quen tai, nên nhiều người bước vào mùa chay với một thái độ bình thường không thiện chí, không cố gắng, hoặc là chỉ có một chút hình thức bên ngoài mà không thực tâm sửa đổi cuộc sống và vì thế, mùa chay cũng sẽ qua đi mà tâm hồn vẫn không sinh được hoa trái tốt lành.

Giáo hội khai mạc mùa chay bằng một nghi thức lâu đời đó là việc lãnh nhận nhúm tro được bỏ trên đầu, kèm theo lời nhắc nhở: Hỡi người hãy nhớ mình là bụi tro, một mai người sẽ trở về tro bụi hoặc lời mời gọi: Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng. Lời thứ nhất nhắc cho chúng ta nhớ đến thân phận con người mỏng manh của mình được Thiên Chúa tạo dựng từ tro bụi, rồi tất cả sẽ trở về với tro bụi. Nhắc như thế giúp mỗi người biết xác định lại mục đích cuối cùng của cuộc đời mình, đâu là chính yếu đâu là tùy phụ, đâu là mau qua, đâu là bền vững. Thân xác này dù có đẹp đẽ đến mấy rồi cũng sẽ phải tàn tạ và chết đi trở về cát bụi, cuộc sống trần gian này dù sang trọng, dù nghèo hèn thì cũng sẽ qua đi, chỉ có Thiên Chúa mới là bền vững; cùng đích cuộc đời của mỗi con người là hạnh phúc Nước Trời và ơn cứu rỗi mới là quan trọng còn những cái chỗ nhất chỗ nhì, những cái vinh quang, tiền của, phần thửởng của thế gian này chỉ là phù du,… vì thế đừng lo chạy đua tranh giành cho được tiếng tăm hoặc chỗ nhất chỗ nhì hay vinh dự trần thế, mà linh hồn không được ơn cứu rỗi thì điều đó chẳng có ý nghĩa gì cho cuộc đời mình.

Lời thứ hai: Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng là một lời mời gọi cụ thể được gửi đến cho mỗi người mỗi gia đình. Sám hối là biết dừng lại để nhìn về con người của mình, cách sống của mình, tương quan của mình đối với Chúa và đối với anh chị em và dám thay đổi tận căn, sửa chửa tận nguyên nhân. Nói như tiên tri Giôen trong bài đọc một hôm nay đó là hãy trở về với Thiên Chúa một cách thực tâm trong chay tịnh khóc lóc và than van, là hãy xé lòng chứ đừng xé áo, là thật sự dám nhìn nhận sai lần khuyết điểm của mình, đừng tìm cách biện minh chạy tội. Sám hối không phải vì sợ hãi Thiên Chúa trừng phạt, mà là vì cảm thấy rằng mình đã làm tổn thương đến tình yêu của Thiên Chúa, vì Thiên Chúa chúng ta là một người cha nhân từ yêu thương Ngài mời gọi chúng ta sống yêu thương như Ngài đã yêu, vậy mà chúng ta hờ hững hoặc xúc phạm đến tình yêu của Người hoặc xúc phạm đến con cái của Người cũng là anh em của chúng ta. Trở về với Thiên Chúa, sám hối là tin tưởng vào lòng thương xót khoan dung của Thiên Chúa, không phải để chúng ta ỷ nại, nhưng giúp chúng ta hy vọng và quyết tâm sửa chửa cuộc đời. Cũng theo tiên tri Gioen, sám hối là lời kêu gọi được gửi đến cho mọi người từ tư tế đến dân thường, từ loài người đến súc vật, mỗi người đểu phải làm cho mình nên xinh đẹp trong sạch hơn trước mặt Thiên Chúa. Sám hối là một cuộc lột xác thực sự, không phải như con rắn lột xác để trở thành con rắn lớn, mà là như con sâu, cái kén lột xác trong đau đớn để trở thành một con bướm đẹp trước mặt Thiên Chúa.

Tin vào Tin mừng là tin vào Thiên Chúa và lời hứa của Ngài, tin vào sự hướng dẫn của Ngài vì Chúa Giêsu đến để chỉ cho chúng ta biết cách sống đẹp lòng Thiên Chúa, biết cách sống cho xứng với phẩm giá con người và con Chúa, và Ngài còn chỉ dẫn chúng ta con đường về với Chúa con đường hạnh phúc thật là cùng đích cuộc đời chúng ta. Bước vào Mùa Chay, Tin Mừng chỉ cho chúng ta những việc làm cụ thể, thể hiện lòng sám hối, thể hiện quyết tâm thay đổi cuộc đời bằng ba việc: Cầu nguyện, bố thí và ăn chay, nhưng trước hết vẫn là lời cảnh báo: Khi làm việc lành phúc đức anh em phải coi chừng đừng phô trương cho thiên hạ thấy, bằng không anh em sẽ mất công phúc trước mặt Cha trên trời. Cái cám dỗ triền miên của con người đó là sự khoe khoang khoác lác, là sự kể công, kể thành tích của mình và đòi người khác phải ghi công ghi danh của mình, hoặc đòi ưu tiên quyền lợi cách này cách khác. Một khi chúng ta để mình rơi vào cám dỗ đòi quyền lợi đòi ưu tiên, một khi chúng ta chỉ còn chú tâm đòi hỏi ưu tiên quyền lợi ở trần gian khi làm việc công phúc hoặc làm việc cho Chúa, cho giáo hội, thì chúng ta đang đánh mất phần thưởng của Chúa, vì Thiên Chúa biết tất cả sự hy sinh của chúng ta, chúng ta muốn được trả ở thế gian này thì chúng ta mất phần thửơng từ tay Chúa ở trên trời.

Việc làm cụ thể của mùa chay là việc bố thí: Khi bố thí thì đừng khua chiêng đánh trống côt để người ta khen, nhưng đừng cho tay trái biết việc tay phài làm… vì Cha anh em đấng thấu suốt mọi sự sẽ trả lại cho anh. Khi tìm tiếng tăm hay lời khen khi bố thí, hay làm công phúc, thì hành động bố thí ấy không còn là việc làm bác ái xuất phát từ sự quảng đại, cũng không phải vì lòng yêu mến Chúa, mà là vì mình, làm phúc để mua lời khen hay sự hậu đãi nể nang của người khác. Trái lại Chúa muốn chúng ta làm tất cả các việc bác ái phải phát xuất từ tấm lòng yêu thương thực sự muốn chia sẻ, như thế, bác ái Kitô giáo không chỉ là cho đi, là trao tặng những của mình dư thừa, mà dám cho đi cả những cái mình đang cần, khi thấy anh em mình cần hơn. Chia sẻ với anh em, là nhìn thấy hình ảnh Thiên Chúa ở nơi người anh em ấy; giúp đỡ vào những việc chung là góp sự hy sinh của bản thân và gia đình vào việc làm sáng danh Chúa. Vì thế chính Chúa là Đấng sẽ trả công cho mỗi người tùy theo sự quảng đại của họ đối với Chúa và đối với anh em.

Cầu nguyện là hơi thở và là sức sống của kẻ có đạo, và hơn thế nữa cầu nguyện là thể hiện tư cách là con cái Chúa, là cuộc gặp gỡ thân tình với Thiên Chúa, vì vậy Chúa muốn mỗi người hãy vào phòng đóng cửa lại để cầu nguyện, tức là hãy vào trong sự thinh lặng của tâm hồn, là để tâm hồn thật thanh thản nhẹ nhàng mỗi khi gặp gỡ Chúa. Như vậy, vào phòng đóng cửa lại để cầu nguyện có nghĩa là trò chuyện riêng tư với Chúa ở ngay trong tâm hồn, và như thế chúng ta có thể gặp gỡ và cầu nguyện với Thiên Chúa ở bất cứ nơi nào: ở nhà thờ, ở nơi làm việc, khi đi đường, lúc ở nhà. Một cái cám dỗ rất lớn ngày hôm nay đối với nhiều người đó là lười cầu nguyện, không cầu nguyện là một tâm hồn không có sức sống, không cầu nguyện nó còn là dấu chỉ của một tâm hồn kiêu căng không biết cậy dựa vào Thiên Chúa, là một thái độ sống vô ơn trước những ơn lành của Thiên Chúa. Bắt đầu từ mùa chay này mỗi người hãy dành nhiều giờ hơn cho việc cầu nguyện gặp gỡ Chúa mỗi ngày, hãy tổ chức lại giờ kinh giờ cầu nguyện mỗi tối ở nơi gia đình, vì khi tụ họp lại bên nhau trước mặt Chúa, Chúa sẽ hiện diện và biến đổi mỗi thành viên trong gia đình nên tốt hơn, Chúa sẽ bảo vệ hạnh phúc và sự êm ấm của các gia đình.

Sau cùng là việc chay tịnh, chay tịnh không chỉ là hình thức bên ngoài kiêng gì hoặc ăn gì, cũng không phải là hình thức ủ rũ sầu não, ăn nhiều hay ăn ít, mà là biết kiềm chế những khoái lạc những dục vọng đam mê trong con người, tức là biết làm chủ bản thân của mình, không để mình bị buông theo những thỏa mãn xác thịt, không để mình bị lôi kéo bời ăn uống rượu chè say sưa; Chay tịnh còn là bớt những chi tiêu không cần thiết để làm việc bác ái công ích. Như thế chay tịnh tức là biết cắt gọt những cái không cần thiết trong cuộc sống và giũ bỏ những tính hư tật xấu như rượu chè, cờ bạc, số đề, nó đang phá hủy hạnh phúc của nhiều gia đình và làm những việc giúp ích cho linh hồn mình và cho hạnh phúc của anh em. Cho đến ngày hôm nay còn một số người vẫn lấy lý do giải trí trong gia đình để tổ chức cờ bạc từ ông bà cha mẹ đến con cháu ngồi chung một sòng. Vấn đề nó không chỉ là sát phạt nhau, mà nó đã hủy hoại trật tự trong gia đình, sẽ là cá mè một lứa, nó là gương xấu và tập cho con cháu tính ham mê cờ bạc, tội đó không phải là tội nhẹ, Chúa nói là những kẻ làm gương xấu cho trẻ thì thà buộc cối đá vào cổ mà quăng xuống biển. Mùa chay này, hãy dứt khoát với những đam mê ấy.

Mùa chay này là dịp để mỗi người đừng chỉ nói chung chung, mà hãy từ bỏ, sửa chữa một vài tật xấu cụ thể trong cuộc sống cá nhân cũng như trong gia đình của mình, dám chấp nhận một cuộc canh tân lột xác trong đau đớn, thực hiện liên lỉ các việc đạo đức: Cầu nguyện, chay tịnh và bác ái, hay nói như Thánh Phaolô trong bài đọc hai hôm nay: Anh em đã lãnh nhận ân huệ của Thiên Chúa, thì đừng để trở nên vô hiệu, mùa chay nay này có thể là mùa chay cuối cùng, là cơ hội cuối cùng Chúa cho ta để làm lại cuộc đời, đừng bỏ lỡ cơ hội này và đừng để mùa chay qua đi cách uống phí mà không sinh hoa trái. Amen

 

 


Các bài viết mới hơn
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần V Thường Niên_Nt. Anna Têrêxa Thiên Hoàng, O.P
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần V Thường Niên_Lm. Phêrô Trần Lê Thành Nhân
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần V Thường Niên_Nt. M. Anh Thư, OP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần V Thường Niên_Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần V Thường Niên_ Nt. Thiên Thảo SJP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần V Thường Niên_Nt. M. Anh Thư, OP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Hai Tuần V Thường Niên - Tân Quang
     Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật V Thường Niên C_Lm Đan Vinh - HSTM
     Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật V Thường Niên C_Lm Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy Niệm Lời Chúa Lễ Giao Thừa - Lm Giuse Đỗ Đức Trí

Các bài viết cũ hơn
     MỒNG BA TẾT: THÁNH HÓA CÔNG ĂN VIỆC LÀM: NĂM MỚI SẼ LÀM GÌ ?
     MỒNG HAI TẾT: BIẾT ƠN TỔ TIÊN – ÔNG BÀ CHA MẸ
     MÙNG 2 TẾT: MÙNG 2 TẾT. Minh Thùy
     CHÚA NHẬT V: LỄ MINH NIÊN QUÝ TỴ. Lm. Giuse Đỗ Đức Trí
     SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT V THƯỜNG NIÊN NĂM C. Lm. Phaolo Nguyễn Văn Đông
     SUY NIỆM THỨ BẢY TUẦN V THƯỜNG NIÊN B: GIÊSU- BÁNH LÒNG TRỜI, BÁNH TÌNH ĐỜI. Nt. Anna Têrêxa Thiên Hoàng, ĐMTT
     SUY NIỆM THỨ NĂM TUẦN V THƯỜNG NIÊN B. Lm Giuse Phạm Đình Hiền
     SUY NIỆM THỨ TƯ TUẦN V THƯỜNG NIÊN NĂM.Nt. M. Martin Hồ Thị Thu Thảo OP
     SUY NIỆM THỨ BA TUẦN V THƯỜNG NIÊN NĂM B. Nt. Maria Chinh Anh
     SUY NIỆM THỨ HAI TUẦN V THƯỜNG NIÊN NĂM B. Nữ tỳ Thánh Thể.