Trang Chủ > Suy Niệm > Thường Niên 1-12 > Tuần 5

CHÚA NHẬT V TN A:

ANH EM LÀ MUỐI ƯỚP ĐỜI

muoi.jpgKính thưa quý OBACE,

Một vấn đề gây đau đầu cho các nhà quản lý ở Việt nam trong lãnh vực vệ sinh an toàn thực phẩm, đó là thực phẩm ngày hôm nay được tẩm ướp bằng những hóa chất độc hại gây ung thư cho người tiêu dùng. Nhiều loại thực phẩm trong nước được chế biến vô cùng bẩn, mất vệ sinh, nào là dùng hóa chất để biến thịt thối thành đặc sản, thịt rừng tẩm ướp bằng phân ure, gà vịt chim cút chết biến thành bồ câu và chim sẻ quay. Còn trái cây và các thực phẩm nhập từ biên giới về: nho lê cam táo, chân gà, đuôi bò… đều được ngâm tẩm bằng hóa chất bảo quản, tẩy trắng, để vài tháng không hư. Trong khi đó vì nghèo, vì ham của rẻ ngưởi dân vẫn cứ đổ xô để mua, để bán, các quán nhậu thịt tẩm ướp vẫn đông khách, mặc kệ cho sức khỏe của mình. Không lạ gì ngày nay xuất hiện nhiều thứ bệnh lạ và rất nhiều người ung thư.

Trong những Chúa nhật vừa qua, Chúa nói với mỗi chúng ta qua miệng tiên tri Isai: Ta đã đặt người làm ánh sáng muôn dân, để ngươi đem ơn cứu độ của ta đến tân cùng trái đất, hôm nay Chúa lại dùng một hình ảnh khác để mời gọi chúng ta sống và loan báo Đức Kitô và Tin Mừng của Ngài cho mọi người và dùng đời sống Kitô hữu để làm cho thế giới nên tốt đẹp hơn, đó là hình ảnh muối: Các con là muối cho đời.

Muối là một loại gia vị tự nhiên rất tốt và rất cần cho cuộc sống và có nhiều công dụng trong nhiều lãnh vực. Thiếu muối trong cơ thể, sẽ dẫn đến tình trạng co giật và bị choáng váng, ngất xỉu. Trong y khoa, từ rất lâu và cho đến hôm nay, nước muối vẫn là chất sát trùng và rửa đồ ăn, rửa vết thương. Trong cuộc sống, muối dùng để làm cho bữa ăn thêm đậm đà ngon miệng hơn, dù có phải kiêng ăn mặn, nhưng vẫn không thể thiếu muối trong các đồ ăn, đặc biệt để giữ cho thực phẩm khỏi hư thối, cá thịt để được lâu, người ta phải dùng đến muối.

Với tính đa dụng và cần thiết của muối trong cuộc sống, mà hôm nay Chúa Giêsu đã mời gọi chúng ta: Chính anh em là muối cho đời. Nhưng muối mà lạt đi thì lấy gì mà ướp cho mặn lại, Nó đã thành vô dụng, chỉ còn quăng ra ngoaì cho người ta chà đạp lên thôi. Như thế Chúa cũng muốn mỗi chúng ta phải có những đặc tính và mang sự hữu dụng của muối đối với thế giới. Là môn đệ của Đức Kitô, trước hết mỗi chúng ta phải để cho vị mặn của Tin Mừng biến chúng ta thành những thứ muối tốt, muối nguyên chất, muối đủ mặn để ướp giữ bản thân mình, không bị biến chất, không bị thoái hóa, và không bị ôi thối giữa trần gian này. Một khi mang trong mình sự mặn mà yêu thương của Tin Mừng, chúng ta sẽ trở thành người gìn giữ và bảo vệ thế giới này khỏi sự tấn công của các thứ vi trùng vi khuẩn nguy hiểm đó là tội lỗi, là sự ích kỷ và chết chóc.

Là muối cho đời, người Kitô hữu được mời gọi làm cho cuộc sống lạt lẽo tại trần gian này thêm đậm đà yêu thương, thêm hương vị cho đời, để mọi người có thể nhờ sự cống hiến của chúng ta, cuộc sống của họ thêm tốt đẹp hơn, nhờ sự phục vụ vô vị lợi của chúng ta, cuộc sống xã hội thêm hạnh phúc hơn, và nhờ đời sống khiêm nhường và bác ái, quảng đại và thứ tha, cuộc sống của các gia đình sẽ gắn bó với nhau hơn. Nhất là thế giới và con người ngày nay đang bị hủy hoại từ trong tâm hồn bời những tư tưởng trào lưu sai lạc, những phim ảnh xấu, đến sự hủy hoại bên ngoài qua những lối sống buông thả, tự do thác loạn, lối sống cạnh tranh ích kỷ, lối sống duy lợi nhuận… nó đang làm cho con người giảm bớt “phần người” và gia tăng “phần con” và quên phẩm giá của mình là con Thiên Chúa, cao quý hơn mọi loài mọi vật. Vì thế người tín hữu sẽ phải là muối, phải đem vị mặn của Tin Mừng để gìn giữ thế giới này khỏi bị sự phân hủy bới những lối sống đó.

Chúng ta sẽ phải sống và làm thế nào để có thể là thứ muối tốt của Tin Mừng? Thánh Phaolô đã chia sẻ kinh nghiệm đem vị mặn Kitô cho thế giới và ngài căn dặn chúng ta: Khi tôi đến với anh em, tôi không dùng lời lẽ hùng hồn hoặc triết lý cao siêu mà loan báo Thiên Chúa…ở giữa anh em, tôi đã không muốn biết (và không nói điều gì khác)  ngoài Đức Giêsu chịu đóng đinh. Như thế trong nhiệm vụ làm muối cho đời, chúng ta cũng không thể cậy dựa vào sự tài khéo của bản thân hay tài hùng biện cá nhân, nhưng phải dựa vào Thánh Thần và quyền năng của Thiên Chúa và để cho quyền năng của Thiên Chúa thực hiện nơi những người nghe. Điều đó có nghĩa là chúng ta đem vị mặn là chính Đức Kitô và Tin Mừng của Ngài để Ngài biến đổi và ướp mặn thế giới, chứ chúng ta không ướp thế giới bằng khả năng hay bằng tài khéo của bản thân mình.

Muối đã ra lạt túc là đánh mất bản chất mặn của mình, thì nó thành vô dụng, cũng vậy, người Kitô hữu mà không còn Chúa Kitô, không có Tin Mừng của Ngài trong cuộc đời thì cũng cũng chỉ là những thứ vô dụng, biến chất, chỉ đáng đổ ra ngoài đường cho người khác chà đạp lên mà thôi. Với lời cảnh báo: muối mà không còn vị mặn nữa thì nó thành vô dụng, là lời nhắc cho chúng ta rà soát và đánh giá lại bản thân mình xem trong cuộc sống là người Kitô hữu, trong mọi lãnh vực của cuộc sống xả hội, độ mặn của Tin Mừng trong chúng ta còn bào nhiêu phần trăm?  Chúng ta đang là muối ướp cho đời khỏi hư thối, hay mình đã để cho đời ướp lại chúng ta và làm mất vị mặn Kitô trong chúng ta?

Với vai trò là muối, các Ktô hữu sẽ phải là những người chung tay góp sức làm cho Tin Mừng thấm nhập vào trong xã hội và thế giới, trong mọi lãnh vực của cuộc sống, bất cứ nơi nào người tín hữu hiện diện, nơi đó vị mặn của Tin Mừng phải được lan tỏa. Là muối cho đời, chúng ta sẽ phải là những người không chỉ nhắm tới nước trời mai sau, mà còn phải làm cho Nưới Trời hiện diện và biến đổi thế gian này, làm cho chính Chúa Giêsu Kitô được hiện diện trong xã hội và trong tâm hồn của mọi người. Là Kitô hữu, chúng ta không thể giữ riêng Chúa cho mình, mà chúng ta còn phải cảm thấy bị thôi thúc, và thao thức ướp thế giới này bằng giới răn lề luật của Chúa, bằng Tin Mừng yêu thương của Chúa.

Trong thế giới đã có những người từng mơ “bao phủ thế giới này bằng một màu đỏ” hoặc sẽ “quét cà thế giới này bằng một màu sơn”. Tại sao người Kitô hữu lại không dám mơ và cố gắng bao phủ thế giới này bằng Tin Mừng của Đức Kitô?

Chúng ta không dám mơ bao phủ thế giới bằng Tin Mừng, vì phải chăng chúng ta không còn đủ mặn, không còn Tin Mừng của Đức Kitô trong cuộc sống, chúng ta đang bị biến chất, bị nhạt nhòa, bị “đời hóa”. Mang danh là Kitô hữu nhưng nhiều người lại không biết gì nhiều về Đức Giêsu, không thể nói về Tin Mừng của Ngài cho người khác, và vì thế nhiều Kitô hữu bị xô đây, bị hòa tan trong dòng chảy của xã hội, trong các nhóm, các phòng trào tôn giáo khác. Khi gặp những vấn đề trong cuộc sống hoặc khi đối diện với những lý thuyết và tranh luận của xã hội cũng như của các giáo phái, vì không học Tin Mừng, không biết giáo lý, nhiều người đã không thể nói chuyện được với họ, và đành xuôi tay, chấp nhận theo họ.

Các bậc cha mẹ, và các bạn trẻ hãy dùng tình yêu thương trong sáng và tinh thần phục vụ để ướp cho gia đình, cho cuộc đời mình thêm mặn mà, khỏi hư thối bất hạnh đổ vỡ. Nhất là hãy làm cho gia đình, cho cuộc sống của mình luôn có vị mặn của Tin Mừng, hãy đem Chúa Giêsu vào trong mọi sinh hoạt của gia đình, của bạn bè, từ việc làm ăn sinh sống đến những bữa cơm gia đình, đến giờ kinh sánh tối và kể cả những việc riêng tư của mỗi thành viên, hãy mang Chúa theo cùng. Đừng bao giờ ướp gia đình mình và con cái, bạn bè bằng những thứ hóa chất độc hại, đó là chất lười biếng, chất ích kỷ. Đừng bào giờ mang về cho gia đình mình những thứ nhiễm hóa chất độc hại là sự nóng nảy cãi vã, phim ảnh sách báo xấu, sự thù hằn bạo lực, những của làm ăn gian dối mà có… nó là những hóa chất gây ung thư trong tâm hồn các thành viên gia đình.

Xin Chúa giúp chúng ta biết giữ cho cuộc đời mình luôn có vị mặn bằng gắn bó với Chúa, bằng siêng năng học hỏi giáo lý và Tin Mừng, để chúng ta có thể trờ nên muối tốt cho gia đình, xã hội và thế giới hôm nay. Amen

 

MUỐI VÀ ÁNH SÁNG CHO ĐỜI

I. HỌC LỜI CHÚA:

1. TIN MỪNG: Mt 5,13-16

(13) “Chính anh em là muối cho đời. Nhưng muối mà nhạt đi, thì lấy gì muối nó cho mặn lại ? Nó đã thành vô dụng, thì chỉ còn việc qưăng ra ngòai cho người ta chà đạp thôi. (14) Chính anh em là ánh sáng cho trần gian. Một thành xây trên núi không tài nào che giấu được. (15) Cũng chẳng có ai thắp đèn lên rồi lại đặt bên dưới cái thùng, nhưng đặt trên đế, và nó soi sáng cho mọi người trong nhà. (16) Cũng vậy, ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời”.

2. Ý CHÍNH: MUỐI ƯỚP CHO ĐỜI VÀ ÁNH SÁNG CHO THẾ GIAN

Đây là đoạn Tin Mừng tiếp theo bài giảng về Tám Mối Phúc Thật, nhằm nói lên bản chất và sứ mệnh của người môn đệ trong xã hội trần thế. Bản chất việc tông đồ của họ là muối mặn ướp cho đời khỏi hư hỏng và là ánh sáng soi đường cho thế gian. Họ có sứ mạng loan truyền Tin Mừng của Chúa đến cho mọi người. Để chu toàn được sứ mạng khó khăn này thì người môn đệ của Chúa phải trở thành thứ muối có chất mặn và là cây đèn có khả năng cháy sáng được đặt lên giá đèn cao để soi sáng mọi vật trong nhà giống như một thành phố được xây trên núi không tài nào che giấu được. Nghĩa là trước hết họ phải sống tinh thần Tám Mối Phúc Thật của Chúa Giê-su, để nhờ nếp sống tốt lành trổi vượt này, người đời sẽ được cảm hóa và sẵn sàng đón nhận Tin Mừng Nước Trời do họ công bố.

3. CHÚ THÍCH:

- C 13: + Muối cho đời: Muối là một chất phụ gia cần cho sự sống con người. Nó có tác dụng tẩy uế và sát trùng (x. Tl 9,45). Đức Giê-su muốn cho các môn đệ trở thành những người giữ cho xã hội khỏi hư hỏng tội lỗi, cũng giống như muối ướp thịt cá khỏi hư họai. Muối cũng làm cho đồ ăn được thơm ngon, là thứ gia vị tượng trưng cho giao ước được thêm vào các lễ phẩm dâng tiến cho Đức Chúa (x. Lv 2,13). Đức Giê-su muốn các môn đệ của Người phải cải tạo xã hội loài người ngày một tốt đẹp hơn theo Thánh Ý Thiên Chúa, cũng như chất muối làm cho các món ăn thêm đậm đà ngon miệng. + Muối mà nhạt đi: Ở đây nói đến thứ muối bị biến chất, không còn vị mặn nữa. Nhưng thực ra muối nào mà chẳng mặn. Khi dùng kiểu nói này, Đức Giê-su muốn dạy rằng: Môn đệ nào không sống đúng vai trò muối mặn, là một môn đệ bị biến chất, không còn là môn đệ thực sự của Người nữa. + Nó đã thành vô dụng: Muối mà ra nhạt sẽ chẳng ích lợi gì, không được dùng dù chỉ là làm phân bón. Người môn đệ cũng vậy: một khi không sống theo Tám Mối Phúc Thật, là tự đánh mất sự cao quý của mình, và sẽ trở thành đồ hư vất bỏ đáng bị người đời khinh dể. + Chỉ còn việc quăng ra ngoài cho người ta chà đạp thôi: Thời bấy giờ có nhiều người thường hay đổ các đồ phế thải ra ngòai đường cho người ta dẫm đạp. Số phận của người môn đệ biến chất cũng sẽ bị người đời chà đạp khinh khi như thế.

- C 14: + Ánh sáng: Có đặc tính chiếu soi, xua đuổi bóng tối và làm cho người ta nhìn thấy đồ vật chung quanh. + cho trần gian: Môn đệ là ánh sáng soi cho thế gian, phân biệt với Đức Giê-su chính là nguồn phát ra ánh sáng như lời Người nói: “Tôi là ánh sáng đến thế gian, để bất cứ ai tin vào Tôi, thì không ở lại trong bóng tối” (Ga 12,46), và: “Bao lâu các ông còn có ánh sáng, hãy tin vào ánh sáng, để trở nên con cái ánh sáng” (Ga 12,36). + Một thành xây trên núi sẽ không tài nào che giấu được: Cũng vậy, ánh sáng có khả năng lôi kéo sự chú ý của người ta giống như thành phố xây trên núi khiến ai cũng dễ dàng nhìn thấy. Đời sống tốt lành của người môn đệ Đức Ki-tô cũng sẽ ảnh hưởng tới người khác. Điều này không trái nghịch với lời cảnh giác các môn đệ phải tránh thói phô trương công đức như các người Pha-ri-sêu giả hình (x. Mt 6,1).

- C 15-16: + Cái thùng: là một dụng cụ đo lường đựng được khỏang 9 lít, dưới chân đế có ba hoặc bốn cái chân. + “thắp đèn lên rồi lại đặt bên dưới cái thùng”: cũng giống như câu “Chẳng lẽ mang đèn tới để đặt dưới cái thùng hay dưới gầm giường ? Nào chẳng phải là để đặt trên đế sao ?” (x. Mc 4,21). + Ánh sáng của anh em phải chiếu giãi: Ở đây nhắc đến mục đích và phương cách làm việc tông đồ: Môn đệ sống tốt lành là nhằm cho người ta ngợi khen Chúa Cha trên trời, chứ không tìm tiếng khen nơi người đời. Thánh Ky-sô-lô-gô (Chrysôlôgô) nói: “Nếu người Ki-tô hữu sống xứng danh Ki-tô hữu, thì chắc sẽ không còn người ngoại giáo nữa !”.

4. CÂU HỎI:

1) Muối có đặc tính gì ? Đức Giê-su muốn môn đệ làm gì khi ví các ông với muối mặn ? 2) Muối nhạt đi ám chỉ điều gì nơi các môn đệ ? 3) Số phận của họ sẽ thế nào nếu họ trở thành đồ vô dụng ?  4) Phân biệt giữa ánh sáng của các môn đệ với ánh sáng của Đức Giê-su khác nhau ra sao ? 5) Đời sống của người môn đệ sẽ có tác động thế nào đối với người khác ? 6) Khi dạy môn đệ phải chiếu giãi ánh sáng trước mặt người đời bằng các việc lành, phải chăng Đức Giê-su muốn các ông bắt chước lối sống giả hình như bọn Biệt Phái ?

II. SỐNG LỜI CHÚA

1. LỜI CHÚA: “Ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ” (c. 16a).

2. CÂU CHUYỆN:

1) GƯƠNG SÁNG PHỤC VỤ CỦA MỘT NỮ TU:

Cách đây ít lâu một đoạn phim ngắn được chiếu trên đài truyền hình Pa-ri (Paris) nước Pháp: Đầu tiên người ta nhìn thấy trên màn ảnh nhỏ một đôi bàn tay xinh xắn và nõn nà đang săn sóc một vết thương lở loét trông thật ghê sợ. Tiếp theo là cảnh một nữ tu bác ái đội voan chùm đầu đang phục vụ một người bị bệnh phong. Rồi đến cảnh một khán giả đang ngồi xem truyền hình nói với người bên cạnh: “Có cho tôi một ngàn phờ-răng, tôi cũng không bao giờ thèm làm công việc ghê tởm ấy !”. Cuối cùng là cảnh phóng viên hỏi chị nữ tu kia: “Xin hỏi chị đã phục vụ các bệnh nhân phong ở đây được bao lâu rồi ?” Nữ tu trả lời: “Thưa được gần 20 năm”. Phóng viên hỏi tiếp: “Thế mỗi tháng chị nhận được thù lao bao nhiêu ?” Nữ tu trả lời: “Thưa không có đồng nào cả !”. Câu hỏi tiếp: “Có người nói: Dù có cho họ một ngàn phờ-răng, họ cũng không bao giờ thèm làm công việc ghê tởm này. Vậy tại sao chị lại sẵn lòng làm việc này không công tới gần hai mươi năm ?” Nữ tu trả lời: Tôi cũng vậy, có cho tôi một triệu phờ-răng tôi cũng không muốn làm việc này. Nhưng chính do lòng yêu mến Chúa Giê-su mà những bệnh nhân này là hiện thân của Người, nên tôi sẵn sàng làm tất cả mà không cần bất cứ thù lao nào hết !”.

2) GƯƠNG TRUNG THÀNH CỦA MỘT CON CHÓ:

Tại một trạm xe điện ngầm bên Nhật Bản, có một bức tượng khá nổi tiếng, không phải tượng của một nhân vật danh tiếng, nhưng là tượng một chú chó. Ai đi qua cũng chăm chú nhìn tượng con vật được tạc trong tư thế nằm ngước mắt nhìn về phía trước như đang đợi ai đó. Bức tượng này là hình ảnh của một chú chó mà câu chuyện về sự trung thành của nó lay động lòng người như sau: Một công nhân Nhật có nuôi được một con chó khôn ngoan và trung thành. Nó luôn đi theo và quấn quít bên ông chủ. Ngày nào nó cũng tiễn đưa ông đi làm tại trạm xe điện ngầm gần nhà. Nó chờ cho chủ lên tàu và tàu đóng cửa lại rồi mới đủng đỉnh ra về. Chiều đến, nó lại xuất hiện đúng giờ xe điện về đến trạm, vẫy đuôi chào đón chủ và sau đó ngoan ngoãn đi theo ông về nhà. Ngày nào cũng vậy, sáng theo chủ đến bến, chiến lại đến bến để đón chủ. Nhưng rồi một buổi chiều kia, người chủ của nó đã không trở về do tai nạn sập hầm và ông bị chết trong đó. Hôm ấy con chó như mọi lần đã đến trạm chờ chủ. Nhưng chờ đến chuyến xe cuối cùng mà không thấy chủ. Nó đành thất thểu ra về khi màn đêm bắt đầu buông xuống. Hôm sau, trời vừa hừng sáng nó đã có mặt tại trạm xe điện và ngồi yên chờ chủ. Nhưng đến tối mịt không thấy ông, nó lại lui thủi trở về. Và ngày nào cũng vậy, con chó luôn có mặt và ra về đúng giờ dù không có ông chủ đi cùng. Chẳng ai thèm quan tâm tới con vật đáng thương ấy, ngoại trừ ông xếp nhà ga và mấy nhân viên phục vụ nhà ga. Người ta thấy càng ngày con chó càng gầy đi. Ai cho đồ ăn, nó cũng chỉ ngửi qua và không ăn. Đôi mắt nó ngày một buồn hơn, và bước đi của nó cũng ngày một loạng choạng chậm chạp hơn. Nó thất vọng vì bị mất ông chủ thật rồi !

Vào một buổi sáng kia, tiết trời giá rét, bên cạnh dòng người mặc áo ấm chen chúc nhau lên tàu, người ta thấy con chó trắng đã nằm chết co quắp bên vệ đường từ bao giờ. Thương hại con vật trung thành, ông xếp và các nhân viên nhà ga xe điện đã chôn cất nó tử tế. Và để tưởng nhớ một con vật trung thành, người ta đã đúc một bức tượng của nó và đặt ngay nơi nó thường nằm mỗi khi đến đưa đón chủ.

3) HAI LỐI ỨNG XỬ MANG LẠI HAI KẾT QUẢ TRÁI NGƯỢC:

Đức cha PHUN-TƠN SIN (Fulton Sheen) đã kể lại hai câu chuyện sau đây:

+ CÂU CHUYỆN THỨ NHẤT: Tại một nhà thờ bên Nam Tư, một em lễ sinh đang giúp lễ cho cha già, đã vô tình đánh rơi làm bể lọ rượu lễ. Ngay lúc đó, vị linh mục dù đang dâng lễ, đã không kềm nổi sự tức giận, thẳng tay đánh em một bạt tai té giập vào tường. Ông còn thét lên: “Đồ nhãi ranh, làm ăn như vậy hả ? Mau cút ngay đi khuất mắt tao và nhớ đừng bao giờ vác mặt trở lại đây nữa nhé !” Cậu bé giúp lễ bị đánh rất tức giận. Cậu ta liền cởi ngay chiếc áo giúp lễ, rời khỏi nhà thờ và thề quyết sẽ không bao giờ thèm đặt chân vào nhà thờ nữa. Từ ngày đó, cậu ta trở thành kẻ thù của Giáo Hội. Về sau, khi đã trở thành người có quyền hành lớn lao, ông ta luôn gây khó dễ và quyết tâm tiêu diệt Giáo Hội. Kẻ đó không ai khác hơn là thống chế Ti-tô, một thời cai trị đất nước Nam Tư cũ.

+ CÂU CHUYỆN THỨ HAI: Đức cha Phun-tơn tiếp tục kể câu chuyện về mình như sau: “Tôi còn nhớ rõ là hồi còn nhỏ, tôi đã ước muốn được giúp lễ phục vụ bàn thờ khi linh mục cử hành thánh lễ. Năm lên bảy tuổi, mẹ tôi rất có lòng đạo đã dẫn tôi đến gặp đức Tổng giám mục Giáo phận để xin cho tôi được vào ban lễ sinh giúp lễ tại nhà thờ. Một hôm, đến phiên tôi giúp lễ. Vì lần đầu làm công việc này, nên tôi bị lóng ngóng và lỡ tay làm rớt bình đựng rượu xuống nền cung thánh nhà thờ bể tan thành từng mảnh nhỏ. Ngay lúc đó tôi rất xấu hổ và sợ hãi, vì bọn giúp lễ chúng tôi kháo nhau rằng: Đức Tổng giám mục là một người rất nghiêm khắc. Thế nhưng biết tôi làm bể lọ rượu, mà ngài vẫn không mảy may phản ứng và cứ tiếp tục dâng thánh lễ như không có chuyện gì xảy ra cả. Sau khi thánh lễ kết thúc và cởi áo lễ xong, ngài gọi tôi đến gần. Tôi chuẩn bị tinh thần để nghe ngài quở mắng vì tội bất cẩn làm bể lọ rượu của mình. Nhưng sự thể lại diễn ra trái với tưởng tượng của tôi. Đức cha thân mật đặt bàn tay lên vai tôi rồi âu yếm nhìn thẳng vào mặt tôi và hỏi: “Này con, lớn lên con có muốn đi tu và vào đại học không ? Con có bao giờ nghe nói về đại học Lu-vanh (Louvain) chưa ?” Tôi đáp: “Thưa đức cha chưa ạ”. Ngài nói tiếp: “Con hãy về nhà thưa với mẹ con rằng: Đức cha bảo lớn lên con sẽ đi tu và sẽ vào học tại đai học Lu-vanh nhé”. Từ ngày đó, tôi cố gắng chăm chỉ học hành và mỗi năm đều đạt thứ hạng cao. Khi tốt nghiệp bậc trung học phổ thông, được cha mẹ đồng ý, tôi đã tự động đến gặp đức cha để xin ngài cho tôi được dâng mình cho Chúa và được vào chủng viện học làm linh mục. Vì là học sinh xuất sắc, tôi được đức cha cấp học bổng để vào đại học Lu-vanh là đại học rất danh tiếng thời đó. Sau 4 năm, tôi tốt nghiệp đại học với hạng ưu và được thụ phong linh mục, rồi một thời gian sau đó thành giám mục. Nghĩ lại cuộc đời của mình, tôi thấy phải cám ơn Chúa đã thương cho tôi có được cha mẹ thật tuyệt vời, đã yêu thương và nuôi nấng dạy dỗ tôi nên người. Nhưng người tiếp theo tôi phải đặc biệt ghi ơn chính là Đức Tổng giám mục Giáo phận. Ngài là người khoan dung độ lượng: đã không la mắng khi tôi sai lỗi mà thay mặt Chúa để kêu gọi tôi dâng mình cho Chúa ngay khi mới 7 tuổi. Cũng nhờ lòng khoan dung và sự quan tâm ưu ái của ngài, mà tôi mới được như ngày hôm nay.

3. SUY NIỆM:

1) ANH EM LÀ MUỐI ƯỚP THIÊN HẠ VÀ LÀ ÁNH SÁNG CHIẾU SOI CHO ĐỜI:

“Thế nào là một Ki-tô hữu?”. Trong Tin Mừng hôm nay Đức Giê-su đã trả lời cho vấn nạn ấy qua hai hình ảnh là muối và ánh sáng như sau:

- Muối mặn: Như chất muối mặn thấm vào đồ ăn, để giữ cho đồ ăn khỏi bị hư hỏng và thêm ngon miệng thì người tín hữu cũng phải sống chan hòa với mọi người chung quanh để cải hóa họ nên tốt hơn. Vị mặn là bản chất của muối. Nếu muối không còn chất mặn thì không còn phải thực sự là muối nữa. Một khi người tín hữu mất đi đức tin, thể hiện qua việc không quan tâm giữ các giới răn và không có tình thương người theo tinh thần của “Tám Mối Phúc”, chứng tỏ chất muối đức tin nơi họ đã biến chất, bấy giờ họ không còn có giá trị nữa và đáng bị khinh khi như muối lạt bị quăng ra đường cho mọi người chà đạp.

- Ánh sáng: Thực ra chỉ mình Đức Giê-su mới là nguồn sáng (x. Ga 8,12). Nhưng Người cũng muốn các tín hữu hôm nay phải giãi ánh sáng chiếu soi cho trần gian. Muốn chiếu giãi ánh sáng của Chúa cho người khác, trước hết chúng ta phải có Chúa là nguồn sáng trong tâm hồn mình. Lòng tin cậy mến Thiên Chúa phải được thẻ hiện qua các việc lành như : chia sẻ cơm áo cho người nghèo đói, khiêm tốn phục vụ những người bệnh tật, chăm sóc những người già cô đơn và những trẻ em mới sinh bị bỏ rơi… Nhờ đó lương dân sẽ nhận biết Thiên Chúa là “nguồn ánh sáng và là ơn cứu độ” (Tv 27,1) và tin theo Đức Giê-su qua các tín hữu như Người đã dạy: “Ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha anh em, Đấng ngự trên trời” (Mt 5,16).

2) THỰC TRẠNG THẾ GIỚI HÔM NAY:

Nhiều người tín hữu chúng ta thường hay phàn nàn rằng: xã hội hôm nay ngày một suy đồi xuống cấp về nhân bản và tình người. Nhưng ít ai trong chúng ta dám nhận sự xuống cấp đó cũng có phần trách nhiệm của mình. Thực vậy: Xã hội suy đồi có nhiều nguyên nhân, nhưng trong đó cũng có một phần do lỗi của các tín hữu chúng ta: Có thể do muối Tin Mừng nơi chúng ta đã bị biến chất, tình Chúa tình người nơi chúng ta đã ra nhạt… nên chúng ta thường nhắm mắt làm ngơ trước những nhu cầu của tha nhân, chúng ta không đủ nhiệt tình để dấn thân cải thiện môi trường là gia đình, khu xóm, và xã hội nên đoàn kết và giúp nhau sống tốt hơn. Có thể do cây đèn đức tin của chúng ta đã cạn dầu ân sủng và không còn đủ sức chiếu sáng bác ái được nữa, nên xã hội và thế giới chung quanh chúng ta ngày càng trở nên tối tăm và sa đọa tội lỗi hơn.

3) CHÚNG TA PHẢI LÀM GÌ ?

Đọc Tin mừng chúng ta nhận ra rằng môn đệ của Chúa chính là người làm chứng và loan báo Tin mừng. Muối nơi chúng ta phải mặn. Ánh sáng trong chúng ta phải sáng tỏ như thành phố được xây trên núi, nghĩa là Nước Trời được công khai xây dựng bằng cả vật chất, bằng cả con người, bằng lời nói, thái độ cử chỉ hành động… để ai nhìn thấy cũng nhận ra Đức Giê-su đang sống và làm việc trong chúng ta. Hôm nay Đức Giê-su đã trao sứ mạng làm chứng về Chúa cho các Tông đồ và cho Hội Thánh để mọi dân nước được mặn lại đức Tin, được ánh sáng Lời Chúa soi chiếu và Nước Trời sẽ có nhiều người gia nhập và ngày một lan tỏa đến khắp cùng bờ cõi trái đất.

Mỗi người tín hữu cần ý thức nguyên nhân của sự xuống cấp xã hội hiện nay là do sự xuống cấp suy đồi của chính chúng ta, để từ đó biết khiêm tốn cầu xin Chúa Giê-su đổ ơn Thánh Thần chỉnh đốn những sai lệch, tăng cường độ mặn Tin Mừng cho chúng ta. Cần xin Chúa Thánh Thần đốt lên trong tâm hồn chúng ta ngọn lửa tin yêu bằng dầu ân sủng nhờ năng lãnh nhận các phép bí tích, nhất là tham dự các buổi hiệp sông chia sẻ Lời Chúa và cầu nguyện sám hối chung cộng đoàn, năng xưng tội và rước lễ cách sốt sắng để chu toàn sứ mạng.

Hiện nay vẫn có nhiều người tín hữu tuy có khả năng ướp mặn tha nhân, có đủ sức chiếu tỏa ánh sáng tin yêu của Thiên Chúa, nhưng lại không dám dấn thân vì sợ nguy hiểm. Cần có thêm nhiều tín hữu Công giáo trở thành những điểm sáng về các lãnh vực như: ca nhạc, sản xuất kinh tế, những gương điển hình tiên tiến về các công tác bác ái xã hội được tôn vinh trên các phương tiện truyền thông, những mẫu gương hy sinh quên mình được nhiều người biết đến và đề cao trên báo chí, các trang mạng internet và truyền thanh truyền hình... Các tín hữu chúng ta phải tỏa sáng qua những hoạt động tốt đẹp phục vụ người nghèo khó, bị khinh dể và bị bỏ rơi trong các cô nhi viện, nhà nuôi người già, người mù lòa khuyết tật, nhà chăm sóc bệnh cùi hay si-đa… để mọi người được sống chan hòa yêu thương trong đại gia đình có Thiên Chúa là Cha và mọi người là anh em của nhau như sách Khải Huyền đã diễn tả: “Bấy giờ tôi thấy Trời Mới Đất Mới, vì trời cũ đất cũ đã biến mất, và biển cũng không còn nữa. Và tôi thấy Thành Thánh là Giê-ru-sa-lem mới, từ nơi Thiên Chúa mà xuống, sẵn sàng như tân nương trang điểm để đón tân lang” (Kh 21,1-2).

4. THẢO LUẬN:

1) Trong lịch sử Việt Nam, bạn có biết những nhân vật người Công giáo nào đã để lại những công trình ích quốc lợi dân, làm rạng danh Thiên Chúa trước mặt đồng bào Việt Nam mà đại đa số là lương dân hay không ? Cụ thể: Đức cha A-lếch-xăng đờ Rốt đã để lại công trình nào ? Ông Nguyễn Trường Tộ đã làm gì ? Hàn Mặc Tử đã làm gì ? Pe-trus Ký đã làm gì ? 2) Mỗi người chúng ta có thể làm gì để chiếu soi ánh sáng tình thương của Chúa giúp đồng bào Việt Nam hôm nay nhận biết tin thờ Thiên Chúa ?

5. NGUYỆN CẦU:

LẠY CHÚA GIÊ-SU. Chúa đã ban cho chúng con mặt trời chiếu sáng ban ngày và mặt trăng soi chiếu ban đêm. Chúng con xin tạ ơn Chúa đã dạy các tín hữu chúng con phải trở thành ánh sáng giữa thế gian, là muối mặn ướp cho tha nhân khỏi bị hư hỏng. Đây là niềm vinh dự nhưng cũng là một trách nhiệm phải chu toàn. Xin cho chúng con luôn có ánh sáng của Chúa trong lòng, để đi đến đâu chúng con cũng đẩy lùi tăm tối tội lỗi, bất công và thù hận đến đó. Xin giúp chúng con luôn giữ gìn ngọn lửa đức ái trong tim, và luôn đi theo con đường mà Chúa đã soi dẫn và đi trước chúng con. Trong thực tế, xin cho chúng con luôn biết quên mình yêu thương phục vụ những người nghèo khổ bệnh tật, để nên muối ướp cho đời, trở thành ánh sáng chiếu soi cho trần gian. Xin cho các bậc cha mẹ biết nêu gương công chính, hòa thuận, khiêm tốn và đạo đức để giáo dục đức tin cho con cái. Xin cho chúng con cảm nghiệm được niềm vui của Chúa khi phục vụ những người nghèo hèn bệnh tật và bị bỏ rơi… là hiện thân của Chúa.

X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON

LM ĐAN VINH - HHTM

 

 

 


Các bài viết mới hơn
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần V Thường Niên_Nt. Anna Têrêxa Thiên Hoàng, O.P
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần V Thường Niên_Lm. Phêrô Trần Lê Thành Nhân
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần V Thường Niên_Nt. M. Anh Thư, OP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần V Thường Niên_Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần V Thường Niên_ Nt. Thiên Thảo SJP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần V Thường Niên_Nt. M. Anh Thư, OP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Hai Tuần V Thường Niên - Tân Quang
     Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật V Thường Niên C_Lm Đan Vinh - HSTM
     Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật V Thường Niên C_Lm Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy Niệm Lời Chúa Lễ Giao Thừa - Lm Giuse Đỗ Đức Trí

Các bài viết cũ hơn
     Suy Niệm Chúa Nhật V Thường Niên A. Lm. Phaolô Nguyễn Văn Đông
     Suy niệm tin mừng thứ tư lễ tro: KHIÊM TỐN LÀM VIỆC THIỆN. LM ĐAN VINH
     Thứ Sáu sau Lễ Tro: YÊU THƯƠNG LÀ ĂN CHAY. Nt. Anna Têrêxa Thiên Hoàng, ĐMTT
     SUY NIỆM TIN MỪNG THỨ NĂM SAU LỄ TRO
     SUY NIỆM LỜI CHÚA THỨ TƯ LỄ TRO NĂM C. Nhiều tác giả
     MỒNG BA TẾT: THÁNH HÓA CÔNG ĂN VIỆC LÀM: NĂM MỚI SẼ LÀM GÌ ?
     MỒNG HAI TẾT: BIẾT ƠN TỔ TIÊN – ÔNG BÀ CHA MẸ
     MÙNG 2 TẾT: MÙNG 2 TẾT. Minh Thùy
     CHÚA NHẬT V: LỄ MINH NIÊN QUÝ TỴ. Lm. Giuse Đỗ Đức Trí
     SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT V THƯỜNG NIÊN NĂM C. Lm. Phaolo Nguyễn Văn Đông