Trang Chủ > Suy Niệm > Mùa Phục Sinh

CHÚA NHẬT VI PS

ĐẤNG BẢO TRỢ - THẦN KHÍ SỰ THẬT

thac mac 2 t.jpgtrong suot 10x350.pngTrong những ngày vừa qua, kể từ khi Trung Quốc ngang nhiên xâm chiếm biển đảo của chúng ta, các phương tiện thông tin từ trong nước đến ngoài nước đều đăng tải về vấn đề này, mỗi nguồn tin lại có những chi tiết và quan điểm khác nhau. Cũng vậy, sau những ngày biểu tình rầm rộ của công nhân cả nước, thì cũng xuất hiện những luồng thông tin, dư luận khác nhau khiến cho nhiều người bị chìm ngập trong thông tin vì không biết đâu là sự thật.

Thưa quý OBACE, thế gian, người ta gian dối, quanh co để đạt được mục đích, để đánh lừa người khác. Chúa Giêsu không muốn như thế. Ngài là Đường, là Sự Thật. Ngài muốn các môn đệ của Ngài phải bước đi trong sự thật, sống sự thật, làm chứng cho sự thật. Để bảo đảm cho sự chân thật của các mộn đệ, năm xưa, trước khi chia tay với các tông đồ và trao cho các ông sứ mạng đem Tin Mừng đến cho thế giới, Chúa Giêsu đã hứa ban cho các ông một Đấng Bảo Trợ để bảo đảm cho thế giá và sứ vụ của các ông : Thầy sẽ xin Cha và người sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác để ở với anh em luôn mãi. Ngài là Thần Khí sự thật, là Đấng Bảo Trợ mà Chúa sai đến ; Ngài sẽ bảo đảm cho thế giá và tư cách của các tông đồ và bảo đảm cho lời rao giảng của các ông. Vì trong một thế giới đầy dẫy sự xảo trá và gian dối, sự u mê và lầm lạc, các tông đồ sẽ trở thành chứng nhân cho sự thật ; con người của các ông là con người thật và lời rao giảng là lời chân thật. Sự thật đó chính là Thiên Chúa và giới răn lề luật của Ngài. Chỉ những ai thực sự yêu mến Chúa và tuân giữ giới răn Ngài, thì mới được sự thật giải thoát và mới có thể trở thành sứ giả Tin Mừng của Chúa, đem Chúa đến cho thế gian.

Chúa Giêsu cũng cho các tông đồ thấy trước, các ông sẽ gặp những chống đối và thử thách bởi thế gian và những kẻ theo chúng. Vì thế gian nuôi dưỡng trong nó sự gian dối và nó chịu sự chi phối của Satan là cha kẻ gian dối, nên nó luôn tìm cách để từ chối sự thật, từ chối ánh sáng ; đồng thời, nó trở thành kẻ đối đầu với con cái của sự thật. Sống giữa thế gian như một nhóm thiểu số, và không thuộc về thế gian, chắc chắn người môn đệ của Chúa luôn phải chịu sự bách hại, bị thế gian tìm cách loại trừ, nhưng Chúa Giêsu đã hứa rằng : Đấng Bảo Trợ của ngài sẽ luôn đồng hành, bảo vệ và bênh vực những ai thuộc về Ngài. Những ai tin nơi Chúa, chuyên cần thực thi giới răn yêu thương của Chúa, sống đến cùng cho sự thật, thì Chúa Giêsu ở trong người ấy, và Chúa Cha sẽ yêu thương và luôn ở cùng người ấy.

Khi sống theo sự hướng dẫn của Thần Khí sự thật, người môn đệ của Chúa sẽ không thể bắt tay hay đồng lõa với sự gian dối, cũng không thể làm ngơ trước sự gian dối. Trái lại, họ sẽ phải trở thành những con người dám lên tiếng bảo vệ cho sự thật, dù có vì thế mà phải chịu thiệt thân ; vì họ tin rằng, họ đang sống và đang hành động cùng với Chúa Giêsu. Chúng ta có thể thấy điều đó nơi các tông đồ và các tín hữu thời sơ khai. Trong khi các nhà cầm quyền Do Thái và các quốc gia đang muốn đưa ra những lời lẽ xuyên tạc về Đức Giêsu và về đời sống của các tín hữu, thì các môn đệ của Chúa và các cộng đoàn sơ khai đã mạnh dạn sống và làm chứng về Đức Giêsu cho các dân thành xung quanh, bất chấp những chống đối và phỉ báng. các Ngài rao giảng, làm nhiều phép lạ, xua trừ ma quỷ, khiến cho dân chúng thêm tin vào lời giảng của các Ngài.

Thánh Phêrô trong bài đọc hai đã chỉ cho các tín hữu cách thế để sống và làm chứng cho sự thật, đồng thời cũng là cách thế để giúp người tín hữu không sợ hãi trước những khó khăn thử thách hay những đe dọa của thế gian, đó là : Hãy tôn Đức Giêsu làm Chúa ngự trị trong lòng anh em. Hãy luôn sẵn sàng trả lời cho bất cứ ai chất vấn về niềm hy vọng của anh em. Nhưng phải trả lời cách hiền hòa với sự kính trọng. Hãy giữ lương tâm ngay thẳng khiến những kẻ phỉ báng anh em, vì anh em ăn ở ngay thẳng trong Đức Kitô, chính họ sẽ phải xấu hổ vì những điều họ vu khống… Hãy tôn Đức Giêsu làm Chúa ngự trị trong lòng anh em. Điều đó có nghĩa là tin nhận và suy tôn Đức Giêsu làm Thiên Chúa của mình, đặt mình dưới sự hướng dẫn của Ngài và chuyên chăm thực hành những điều Ngài truyền dạy. Đó cũng là để cho Ngài chiếm một vị trí ưu tiên tuyệt đối trong cuộc sống, trong mọi chọn lựa và hành động của chúng ta. Khi có Ngài, khi hành động vì Ngaì, và khi nói về Ngài, chúng ta sẽ không còn sợ hãi gì nữa ; vì khi đó, chúng ta không còn nói hay hành động theo ý riêng mà là nói và hành động theo ý Chúa. Đồng thời khi đã có Chúa, có sự thật trong tâm hồn, chúng ta sẽ có thể trả lời cho bất cứ ai chất vấn chúng ta về niềm tin và hy vọng của chúng ta.

Thánh Phêrô cũng không quên căn dặn : Nhưng phải trả lời cách hiền hòa và kính trọng, vì sự hiền hòa và kính trọng đối với mọi người sẽ là dấu chỉ sống động cho thấy rằng chúng ta có Đức Giêsu trong lòng, chúng ta thuộc về Ngài và hành động như Ngài. Khác với thế gian, người ta dùng sự gian dối và ngụy biện, dùng bạo lực và sức mạnh của vũ khí để đạt được mục đích của họ. Còn chúng ta, chúng ta chỉ có một thứ vũ khí duy nất là sự thật, và chỉ có một sức mạnh duy nhất là Đức Kitô mà thôi. Thánh Phêrô còn chỉ thêm cho chúng ta : Hãy giữ lương tâm ngay thẳng, khiến những kẻ phỉ báng anh em, chính họ sẽ phải xấu hổ. Như thế có nghĩa là khi mỗi tín hữu sống theo lương tâm ngay thẳng, thì những kẻ sống gian dối sẽ phải tự xấu hổ vì sự gian dối, xảo trá của nó.

Thưa quý OBACE, chúng ta đang sống trong một thế giới mà thật giả lẫn lộn, các giá trị của cuộc sống bị đảo lộn, nhiều người dường như chấp nhận thỏa hiệp với sự giả dối khi cho rằng : Thật thà, thẳng thắn thường thua thiệt / Luồn lách lươn lẹo lẽ lên lương hoặc là lương tâm không bằng lương tháng, thì người Công Giáo chúng ta lại được mời gọi : Hãy sống theo sự thật và giữ cho mình có được một lương tâm ngay thẳng. Lương tâm ngay thẳng là lương tâm đã được huấn luyện và nuôi dưỡng bằng những tiêu chuẩn của Tin Mừng, chứ không phải là thứ lương tâm theo đám đông, theo xu thế của xã hội, càng không phải là lương tâm bị áp đặt bởi ý chí, quyền lực của con người.

Thực tế trong xã hội ngày nay, chúng ta có thể thấy đang lan tràn sự giả dối. Sự giả dối được thấy ở mọi cấp độ và mọi lãnh vực, từ cấp cao lãnh đạo cho đến người dân, từ nhà trường đến học trò, từ kinh doanh buôn bán cho đến sản xuất hàng hóa. Nó khiến con người sống và cư xử với nhau đặt trên nền tảng của sự giả dối. Sự giả dối cũng ăn sâu vào trong đời sống của các gia đình : vợ chồng gian dối với nhau, con cái gian dối với cha mẹ… Là người Công Giáo, chúng ta đã được ghi dấu Thánh Thần, đã lãnh nhận Đấng Bảo trợ là Thần Khí Sự Thật, thì chúng ta phải sống theo sự thật và làm chứng cho sự thật trong xã hội hôm nay. Chúng ta phải là những Kitô hữu thật chứ không thể là hàng giả hay hàng nhái, càng không thể là những Kitô hữu kém chất lượng. Hãy cố gắng sống làm sao để khi biết chúng ta là người Công Giáo thì mọi người có thể tin chúng ta, kết thân với chúng ta vì chúng ta là những con người của sự thật.

Hãy để cho Thánh Thần của Thiên Chúa hướng dẫn và bảo đảm cho thế giá và cuộc sống của chúng ta. Hãy nhờ sức mạnh của Thần Khí sự thật để chúng ta sống sự thật trong thế giới gian dối này. Trước hết hãy sống thành thật với chính mình, không giả dối hai mặt, không ảo tưởng về mình, nhưng khiêm tốn để nhìn nhận những ưu điểm Chúa ban và những khiếm khuyết cần khắc phục, để từ đó sống với mọi người một cách chân thành hơn. Kế đến, hãy sống sự thật và gieo trồng sự thật nơi những người chung quanh, từ trong làm ăn buôn bán, trong lời nói việc làm, sao cho ngôn hành như nhất, không để cho tiền bạc, lợi lộc hoặc danh vọng biến chúng ta trở thành kẻ nói dối, làm dối hoặc đồng lõa với sự gian dối.

Giống như bóng tối sợ ánh sáng, ma quỷ là thầy sự gian dối và những kẻ theo nó rất sợ hãi sự thật. Vì thế, khi mỗi người tín hữu chúng ta dám sống, dám nói và dám làm chứng cho sự thật, là chúng ta góp phần đẩy lùi sự gian dối và ảnh hưởng của ma quỷ trong xã hội hôm nay. Hãy sống ngay thẳng và chân thật từ trong gia đình, trong nhà trường qua việc học hành thi cử, hãy sống sự thật trong công ty xí nghiệp, gạt bỏ khỏi mình sự gian tham, dối trá, quanh co dưới mọi hình thức, là chúng ta đang góp phần làm cho Đức Kitô và Tin Mừng sự thật của Ngài được hiện diện và lan tỏa đến mọi người.

Xin Đức Maria, mẹ của sự khiêm nhường và mẹ của sự thật, là bạn của Thánh Thần, luôn giúp chúng ta sống theo sự hướng dẫn của Thần Khí Sự Thật. Amen.

 

TUÂN GIỮ GIỚI RĂN LÀ MẾN CHÚA

THỰC SỰ

I. HỌC LỜI CHÚA

1. TIN MỪNG: Ga 14,15-21

(15) Nếu anh em yêu mến Thầy, anh em sẽ giữ các điều răn của Thầy. (16) Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác, đến ở với anh em luôn mãi. (17) Đó là Thần Khí sự thật, Đấng mà thế gian không thể đón nhận. Vì thế gian không thấy và cũng chẳng biết Người. Còn anh em biết Người, vì Người luôn ở giữa anh em và ở trong anh em. (18) Thầy sẽ không để anh em mồ côi. Thầy đến cùng anh em. (19) Chẳng bao lâu nữa, thế gian sẽ không còn thấy Thầy. Phần anh em, anh em sẽ được thấy Thầy, vì Thầy sống và anh em cũng sẽ được sống. (20) Ngày đó, anh em sẽ biết rằng Thầy ở trong Cha Thầy, anh em ở trong Thầy, và Thầy ở trong anh em. (21) Ai có và giữ các điều răn của Thầy, người ấy mới là kẻ yêu mến Thầy. Mà ai yêu mến Thầy, thì sẽ được Chúa Cha của Thầy yêu mến. Thầy sẽ yêu mến Người ấy, và sẽ tỏ mình ra cho người ấy”.

2. Ý CHÍNH:

Tin Mừng hôm nay trích trong bài diễn từ giã biệt của Đức Giê-su trước cuộc khổ nạn phục sinh và lên trời với Chúa Cha. Trong thời gian vắng mặt, Đức Giê-su hứa sẽ ban cho các môn đệ một Đấng Bảo Trợ khác là Chúa Thánh Thần để ở với các ông luôn mãi. Người cũng hứa sẽ không bỏ mặc các ông mồ côi, nhưng sẽ hiện diện bên các ông cách thiêng liêng. Những ai thực sự yêu mến Người thì phải tuân giữ các giới răn của Người. Ai làm như vậy thì sẽ được Chúa Cha yêu mến và bày tỏ sự thật về Ngài cho họ biết.

3. CHÚ THÍCH:

- C 15-17: + Nếu anh em yêu mến Thầy…: Đối với Đức Giê-su, tình yêu không chỉ dừng lại ở tình cảm dạt dào hay ở xúc động thể xác, mà phải được biểu lộ trong hành động vâng phục là sự tuân giữ các giới răn của Người, cũng như Người đã yêu mến Chúa Cha và tuân giữ các lệnh truyền của Chúa Cha (x. Ga 15,10). + Đấng Bảo Trợ khác: Bảo Trợ tiếng Hy Lạp là Pa-ra-cle-tos, ám chỉ một người được mời đến để làm trạng sư bênh vực và bầu chữa cho bị cáo khi tòa án xét xử. Ở đây Thánh Thần sẽ bầu chữa cho các môn đệ trong vụ kiện thế gian trước tòa án của Thiên Chúa. Như vậy chỉ có một Đấng Trung Gian duy nhất giữa Thiên Chúa và loài người là Chúa Giê-su (x. 1 Tm 2,5), nhưng lại có hai Đấng Bảo Trợ: Một là “Đức Giê-su Ki-tô là Đấng công chính” (x. 1 Ga 2,1), cũng là “Đấng hằng sống để chuyển cầu cho chúng ta” (x. Dt 7,25); Hai là Chúa Thánh Thần là Đấng Bảo Trợ khác (x. Ga 14,16) là “chính Thần Khí cầu thay nguyện giúp chúng ta bằng những tiếng rên siết khôn tả” (x. Rm 8,26). + Đến ở với anh em luôn mãi: Sứ mạng cứu thế của Đức Giê-su sẽ hoàn tất khi Người được Chúa Cha tôn vinh (x. Ga 7,39), nghĩa là khi Người tắt thở trên cây thập giá (x. Ga 19,30). Từ đó Người trao ban Thần Khí là Chúa Thánh Thần cho nhân loại để thực hiện một cuộc tạo thành mới. Thời kỳ của Chúa Thánh Thần sẽ kéo dài mãi đến ngày tận thế. + Thần Chân Lý: là Thánh Thần, phát xuất từ Đức Giê-su là chân lý (x. Ga 14,6), Đấng luôn nói sự thật của Chúa Cha (x. Ga 12,49) và sau khi phục sinh đã thổi hơi ban Thần Khí cho các tông đồ (x. Ga 20,22). Thần Chân Lý đối lập với ma quỷ là cha của sự dối trá (x. Ga 8,44). + Đấng mà thế gian không thể đón nhận: Vì Thánh Thần là Thần Khí thiêng liêng, nên thế gian không xem thấy và không thể đón nhận Người. Thế gian ở đây là các đầu mục dân Do thái, những kẻ có lòng kiêu căng, ích kỷ, thù hận, không tin Đức Giê-su là Đấng Thiên Sai. Họ không biết và không muốn đón nhận Thánh Thần của Đức Giê-su nên sẽ bị chết trong tội của mình (x. Ga 8,22-24). + Còn anh em biết Người, vì Người luôn ở giữa anh em và ở trong anh em: Các tông đồ nhờ đức tin sẽ đón nhận Thánh Thần, nên sẽ được Người hiện diện ở giữa và dạy dỗ họ về sự thật toàn vẹn.

- C 18-19: + Thầy sẽ không để anh em mồ côi…: Mồ côi là tình trạng con cái bị mất cha mẹ nên không được ai chăm sóc nuôi dưỡng, học trò bị mất thầy nên không được ai dạy dỗ hướng dẫn. Ở đây Đức Giê-su muốn nói: sau khi từ cõi chết sống lại, dù Người không còn ở với các môn đệ như lúc này, nhưng Người sẽ vẫn luôn ở cùng các ông nhờ đức tin và ơn thánh. + Chẳng bao lâu nữa: Người hứa sẽ mau trở lại (x. Ga 16,19.22). + Thế gian sẽ không còn thấy Thầy: Đức Giê-su sắp chịu chết và người đời sẽ không còn thấy Người sau khi Người sống lại, vì từ nay Người không còn hiện diện bằng thân xác vật chất nữa. + Anh em được thấy Thầy: Chữ thấy ở đây là thấy bằng đức tin, nghĩa là tin Chúa Giê-su là Đấng Ki-tô Con Thiên Chúa. Nhờ tin, các ông sẽ được tham dự vào sự sống siêu nhiên và được kết hiệp mật thiết với Người.

- C 20-21: + Ngày đó: là kiểu nói thường dùng trong Cựu Ước để chỉ ngày Chúa lại đến, tức là ngày cánh chung hay tận thế (x. Is 2,17; 4,1). + Thầy ở trong Cha Thầy và Thầy ở trong anh em: Nhờ vào sự thấy được bằng đức tin như vậy, các môn đệ sẽ khám phá ra đời sống kết hiệp thâm sâu giữa Chúa Cha và Chúa Con (x. Ga 14,11), đồng thời cũng cảm nghiệm được sự liên kết mật thiết giữa họ với Chúa Giê-su Phục Sinh bằng đức tin và ân sủng. + Ai có và giữ các điều răn của Thầy…: Lòng mến Chúa không phải chỉ dừng lại ở tình cảm và lời nói, nhưng phải được thể hiện qua hành động tuân giữ các giới răn của Thiên Chúa, nhất là sống giới răn yêu thương của Chúa Giê-su (x. Ga 13,34). + Mà ai yêu mến Thầy, thì sẽ được Cha của Thầy yêu mến…: Câu này không có nghĩa là Thiên Chúa chỉ yêu mến những ai yêu mến Chúa Giê-su, vì Thiên Chúa yêu hết mọi người và yêu họ trước (x. 1 Ga 4,10). Nhưng những ai yêu mến và vâng lời Đức Giê-su thì càng được Thiên Chúa yêu mến hơn, với danh nghĩa họ là nghĩa tử của Người và là chi thể của Đầu Nhiệm Thể là chính Người.

4. CÂU HỎI:

1) Đức Giê-su đòi người ta phải thể hiện tình yêu đối với Người thế nào ? 2) Bảo trợ nghĩa là gì ? Loài người chúng ta chỉ có một Đấng Trung Gian duy nhất là ai ? Nhưng chúng ta lại có hai Đấng Bảo Trợ là những Vị nào ? 3) Sứ mạng cứu thế của Đức Giê-su chấm dứt khi nào ? Đấng nào khác sẽ tiếp tục sứ mạng cứu độ ấy cho đến tận thế ? 4) Thần Chân Lý là ai ? Phát xuất từ Đấng nào ? Đối lập với ai ? 5) Tại sao thế gian không thể đón nhận được Thần Chân Lý ? Các tông đồ phải làm gì để đón nhận được Ngài ?

II. SỐNG LỜI CHÚA

1. LỜI CHÚA: “Nếu anh em yêu mến Thầy, thì sẽ giữ các điều răn của Thầy” (Ga 14,15).

2. CÂU CHUYỆN: TẤM GƯƠNG YÊU THƯƠNG CHẾT THAY CHO NGƯỜI KHÁC:

      Một buổi sáng tháng 7 năm 1941, trong trại tập trung OS-WIC-CIM của Đức quốc xã tại nước Ba-lan, lính canh phát hiện có một tù nhân đã vượt ngục trong đêm. Theo thông lệ: mười tù nhân khác phải chịu chết thay cho kẻ đào thoát. Bấy giờ tên trưởng trại lần lượt kêu tên mười tù nhân xếp hàng vào hầm chết đói. Khi nghe đọc tên, từng người run rẩy sợ hãi bước ra khỏi hàng tiến ra phía trước. Bỗng nhiên một người trong bọn nghe kêu tên đã bật khóc và la to lên: “Ối vợ con tôi ơi ! Thế là từ nay tôi không bao giờ được đoàn tụ với vợ con rồi”.

      Hàng ngàn tù nhân đứng xếp hàng đều hồi hộp nín thở và mừng thầm vì mình được thoát chết. Đột nhiên có một tù nhân dáng người gầy yếu đang từ trong hàng ngũ tù nhân bên trái tách ra tiến đến gần viên trưởng trại. Bấy giờ tên này liền rút súng lục đeo bên người ra chĩa nòng súng về phía người tù kia hỏi:

          - Thằng kia, đứng lại ngay ! Mày muốn gì ?

          - Tôi muốn chết thay cho một người trong nhóm mười người sắp bị trừng phạt kia.

     Viên trưởng trại tỏ vẻ sửng sốt tưởng mình nghe lầm và hỏi:

- Tậi sao mày lại làm điều khờ dại ngu ngốc như thế ?

-Tôi là một linh mục công giáo không có gia đình, nên tôi xin chịu chết thay cho người có vợ con kia.

Cuối cùng, viên trưởng trại đã đồng ý theo lời yêu cầu và cho kẻ tình nguyện chết  nhập vào hàng người tiến đến hầm chết đói. Tù nhân nói trên không ai khác hơn là cha MA-XI-MI-LI-EN KÔN-BÊ.  Qua việc tình nguyện hy sinh tính mạng cho một người không quen biết, cha đã biểu lộ tấm lòng mến Chúa một cách rõ nét nhất. Hành động của cha khiến cho nhiều người từ cai ngục đến các tù nhân hiện diện đều nể phục và nhờ đó họ đã tin vào lòng Chúa thương xót. Về sau vào ngày 10/10/1982 tại Roma Đức thánh Cha Gioan-Phaolô II đã phong cha Kôn-bê lên bậc hiển thánh để nêu gương thánh thiện thực sự cho các tín hữu chúng ta.

3. SUY NIỆM:

Nội dung Tin Mừng hôm nay ghi lại lời Đức Giê-su nhắn nhủ các môn đệ trước khi ra đi chịu khổ nạn như sau: “Nếu anh em yêu mến Thầy, anh em sẽ giữ các điều răn của Thầy” (Ga 14,15). Đức Giê-su không đòi các môn đệ phải yêu mến Người bằng thứ tình yêu cảm tính, dù tình cảm ấy cũng có giá trị thúc bách các ông hăng say phục vụ như lời thánh Phao-lô đã dạy : “Tình yêu Đức Ki-tô thôi thúc chúng tôi” (2 Cr 5,14).

1) HAI LOẠI TÌNH YÊU:

Người ta thường phân chia tình yêu thành hai loại là tình yêu ích kỷ hoặc vị tha: 

* Tình yêu ích kỷ: Là thứ tình yêu giả dối, vì đối tượng không phải là tha nhân, nhưng là chính mình. Nói cách khác: người có loại tình yêu này chỉ coi người yêu như phương thế giúp họ tìm kiếm lợi ích bản thân.

* Tình yêu vị tha: Là thứ tình yêu đích thực, thể hiện qua việc quên mình để nghĩ đến người yêu và tìm làm những điều mang lại lợi ích thực sự cho họ. 

2) BA CẤP SỐNG ĐẠO: Dựa theo tiêu chuẩn tuân giữ lời Chúa mà người tín hữu được phân làm ba cấp như sau: 

          * Một là người có đạo: Là những kẻ đã chịu phép thánh tẩy, nhưng không quan tâm học biết Chúa. Loai người này thường có thái độ vô tâm vô cảm, luôn làm ngơ trước những nhu cầu của tha nhân như dụ ngôn ông phú hộ làm ngơ trước anh La-da-rô nghèo khó bệnh tật đang nằm trước cổng nhà mình (x. Lc 16,19-21).

          * Cấp hai là giữ đạo: Là những tín hữu có lối giữ đạo hình thức lễ nghi bề ngoài, không quan tâm sống theo Lời Chúa, và luôn chiều theo ý riêng của mình. 

* Cấp ba là sống đạo: Là những người vừa chu toàn luật đạo, lại vừa sống đức Tin cụ thể bằng việc thực hành đức Cậy là siêng năng đọc kinh dự lễ, và thi hành đức Mến là quan tâm phục vụ tha nhân như lời Chúa Giê-su phán: ”Ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời” (Mt 5,16).

3) HÃY YÊU THƯƠNG BẰNG VIỆC LÀM: 

a) Thánh Gio-an dạy lòng mến Chúa phải thể hiện qua đức yêu người như sau: "Nếu ai nói: Tôi yêu mến Thiên Chúa, mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối. Vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa là Đấng họ không trông thấy được" (1 Ga 4,20). Khi yêu thương phục vụ những kẻ đói khát, bệnh tật và bị bỏ rơi là chúng ta đang yêu thương và phục vụ chính Đức Giê-su (x. Mt 25,40).

b) Tình yêu phải biểu lộ qua một số hành động cụ thể như sau:

- Năng nghĩ đến và ước muốn gặp gỡ để tâm sự với người yêu lâu giờ.

- Luôn sãn sàng quên mình phục vụ tha nhân và làm cho họ được hạnh phúc.

- Quảng đại cho đi những món quà tình cảm mà không mong được báo đền. Yêu nhiều thì sẽ quảng đại cho nhiều mà không tính toán thiệt hơn.

- Không chấp nhất những sai lỗi nhỏ mọn về lời nói, những lối ứng xử vụng về… và  sẵn sàng chịu đựng cả những lầm lỗi khuyết điểm của họ.

- Hy sinh chịu thiệt thòi vì người yêu:  nếu cần người ta sẽ sẵn sàng chịu thiệt thòi về danh vọng, chức quyền, tiền bạc, của cải… để người yêu được hạnh phúc.

- Tình yêu sẽ lên đến tột đỉnh khi một người biết hy sinh tính mạng, như lời Chúa: ”Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15,13).  

4) CHÚNG TA PHẢI LÀM GÌ ?:

 a) Điều quan trọng hiện nay là phải biết thể hiện lòng mến Chúa bằng việc tuân giữ các giới răn như sau: Nếu anh em yêu mến Thầy, anh em sẽ giữ các điều răn của Thầy”. Nhưng giới răn ấy là gì? Giới răn quan trọng nhất là thương yêu anh em: “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 12,34). Nếu ai nói: Tôi yêu mến Thiên Chúa" mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối; vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy (Ga 4,20).

b) Hiện nay nhiều người trong chúng ta đã thể hiện tình yêu bằng lời nói hơn là hành động: Có những đứa con lười biếng làm việc nhà, ăn nói dối trá, thích gây gỗ và đánh lộn với chúng bạn… gây phiền não cho cha mẹ và thầy cô. Có những ông chồng thường đi chơi tại những hộp đêm sang trọng, chơi bài bạc cá độ thua sạch tiền khiến vợ con lâm cảnh đói khát. Có những bà vợ ỷ mình có tiền nên ăn nói thô lỗ cộc cằn, ghen bóng ghen gió hoặc chấp vặt khiến chồng con phiền lòng…

4. THẢO LUẬN:

1) Yêu thương bằng việc làm là biết nghĩ đến người khác, xét đoán ý tốt và ước muốn điều tốt cho người mình không ưa, là sẵn sàng chịu đựng và khoan dung tha thứ những sự xúc phạm của kẻ khác đối với mình, là quảng đại cho đi hơn là nhận lãnh, là năng thăm viếng an ủi những người đau khổ và giúp đỡ những người cô đơn, là săn sóc phục vụ những người yếu đuối bệnh tật… Bạn đã thực hành được điều nào trong các điều này rồi ? 2) Trong những ngày sắp tới, bạn quyết tâm sẽ làm gì để sống tình yêu thương cụ thể đối với tha nhân ?

5. LỜI CẦU:

- LẠY CHÚA GIÊ-SU PHỤC SINH. Xin ban cho chúng con sự sống của Chúa, sự sống làm cho cuộc đời chúng con mãi mãi xanh tươi. Xin ban cho chúng con sự bình an của Chúa, bình an làm cho chúng con vững tâm khi gặp phải các cơn sóng gió giữa biển đời. Xin ban cho chúng con niềm vui của Chúa, niềm vui làm cho khuôn mặt chúng con luôn tươi vui rạng rỡ. Xin ban cho chúng con Thánh Thần của Chúa, Thánh Thần sẽ biến đổi cuộc đời chúng con ngày một nên giống Chúa Cha trên trời.

- LẠY CHÚA. Qua Tin Mừng hôm nay, chúng con hiểu rằng Chúa muốn chúng con tuân giữ các huấn lệnh vì lòng yêu mến Chúa, hơn là để được ban thưởng hạnh phúc thiên đàng, và không dám phạm tội trọng chỉ vì sợ bị Chúa phạt xuống hỏa ngục đời đời. Xin giúp chúng con biết mến Chúa bằng việc thực hành giới răn yêu thương của Chúa. Xin cho chúng con biết noi gương Me Ma-ri-a: Luôn lắng nghe lời Chúa và mau mắn thưa xin vâng. Cho chúng con biết quan tâm tìm hiểu nhu cầu của tha nhân và sẵn sàng đáp ứng. Cho chúng con luôn nghĩ đến những người bệnh tật, nghèo khổ và bất hạnh, để chân thành phục vụ họ như phục vụ chính Chúa. Nhờ đó, chúng con sẽ chứng tỏ lòng mến Chúa thực sự và xứng đáng được liệt vào số các môn đệ trung thành với Chúa đến cùng.

X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON

LM ĐAN VINH -  HHTM

 

 

 

 

 

 


Các bài viết mới hơn
     Suy niệm Lời Chúa Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống_Lm Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy niệm Lời Chúa Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống_Lm Đan Vinh - HSTM
     Suy niệm Lời Chúa Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống_Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần VII Phục Sinh_Nt. M. Anh Thư, OP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần VII Phục Sinh_Tân Quang
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần VII Phục Sinh_Lm Giuse Nguyễn Duy Khang
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Ba Sau Tuần VII Phục Sinh_Thầy Phêrô_Maria. Mảnh vỡ. FVP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Hai Tuần VII Phục Sinh_ Nt. Têrêsa Nguyễn Thị Kim Tuyến, OP
     Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật Lễ Chúa Thăng Thiên_Lm Đan Vinh - HSTM
     Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật Lễ Chúa Thăng Thiên_Lm Giuse Đỗ Đức Trí

Các bài viết cũ hơn
     Suy Niệm Chúa Nhật VI Phục sinh A: Tuân giữ các điều răn của Thiên Chúa. Lm. Phaolô Nguyễn Văn Đông
     Suy Niệm Tin Mừng Thứ Bảy tuần V Phục sinh A: SUY NIỆM TIN MỪNG GIOAN. Giuseppina Minh Tứ
     Suy Niệm Tin Mừng Thứ sáu tuần V Phục sinh A. Lm. Duy Khang
     Suy Niệm Tin Mừng Thứ Năm Tuần V Phục Sinh:“Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy”. Lm. Đaminh Nguyễn Hữu Cường
     SUY NIỆM TIN MỪNG THỨ TƯ TUẦN V PHỤC SINH. nt. Maria Chinh Anh
     Suy niệm Tin Mừng Thứ ba tuần V Phục Sinh: “Thầy để lại bình an cho anh em”. Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy Niệm Thứ Hai tuần V Phục Sinh: BA NGỌN NẾN LUNG LINH. Nt. Anna Têrêxa Thiên Hoàng
     Suy Niệm Chúa Nhật V Phục sinh A: Hiệp Thông bền vững. Lm. Phaolô Nguyễn Văn Đông
     Suy Niệm Chúa Nhật V Phục sinh A. Nhiều tác giả
     Suy Niệm Thứ Bảy Tuần IV Phục Sinh: VÂNG THEO KẾ HOẠCH CỦA THIÊN CHÚA. Lm. Gioan Baotixita Nguyễn Trường Sơn