Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật Chúa Chịu Phép Rửa
KHIÊM NHƯỜNG SẼ ĐƯỢC CHÚA CHA TÔN VINH
I. HỌC LỜI CHÚA
1. TIN MỪNG: Mt 3, 13-17.
(13)
Bấy giờ, Đức Giê-su từ miền Ga-li-lê đến sông Gio-đan, gặp ông Gio-an
để xin ông làm phép rửa cho mình. (14) Nhưng ông một mực can Người và
nói: “Chính tôi mới cần được Ngài làm phép rửa, thế mà Ngài lại
đến với tôi !”. (15) Nhưng Đức Giê-su trả lời: “Bây giờ cứ thế đã. Vì
chúng ta nên làm như vậy để giữ trọn đức công chính. Bấy giờ ông
Gio-an mới chiều theo ý Người. (16) Khi Đức Giê-su chịu phép Rửa xong,
vừa ở dưới nước lên, thì các tầng trời mở ra. Người thấy Thần Khí
Thiên Chúa đáp xuống như chim bồ câu và ngự trên Người. (17) Và kìa có
tiếng từ trời phán: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về
Người”.
2. Ý CHÍNH:
Hôm nay là ngày
cuối cùng của Mùa Giáng Sinh, và cũng là ngày khởi đầu Mùa Quanh
Năm. Tin Mừng Mát-thêu cho thấy: Đức Giê-su khởi đầu cuộc sống công
khai bằng việc từ Ga-li-lê xuống miền Giu-đê và đến sông Gio-đan để xin
ông Gio-an làm phép rửa cho. Ngay từ ban đầu Gio-an đã biết Đức Giê-su
là Đấng Thiên Sai, nên không dám rửa cho Người. Nhưng sau khi biết là thánh
ý Chúa Cha, thì Gio-an đã vâng lời để làm phép rửa cho Người. Khi Đức
Giê-su vừa chịu phép rửa, thì Người đã được phong làm Vua Thiên Sai: Thánh
Thần lấy hình chim câu ngự xuống xức dầu thiêng liêng cho Người, và có
tiếng Chúa Cha từ trời công nhận Người là “Con yêu dấu luôn làm đẹp lòng
Cha”.
3. CHÚ THÍCH:
- C 13-14: + Từ miền Ga-li-lê đến sông Gio-đan:
Từ miền Ga-li-lê cụ thể là Na-da-rét (x. Mt 2,23), Đức Giê-su đến sông
Gio-đan ở vùng Bê-ta-ni-a cách thành Giê-ri-cô không bao xa, để xin Gio-an
Tẩy Giả làm phép rửa cho. Người tự nguyện đến chứ không phải do
lương tâm thúc bách chịu để xin ơn tha tội như người Do thái, vì Người
là Đấng thánh thiện và vô tội. + Chính tôi mới cần được Ngài làm
phép rửa, thế mà Ngài lại đến với tôi !: Nói câu này, có lẽ
Gio-an đã biết Đức Giê-su là Đấng Cứu Thế mà ông rao giảng sắp đến
(x Mt 3,11).
- C 15: + Bây giờ cứ thế đã: Bây giờ Gio-an hãy
cứ làm phép rửa cho Người. + Vì chúng ta nên làm như vậy:
Đức Giê-su muốn chịu phép rửa của Gio-an để được Thiên Chúa Cha xác
nhận về sứ mệnh Thiên Sai của Người (x. Lc 7,29-30). + Để giữ trọn đức công chính:
Giữ trọn hay chu toàn bổn phận. Có thi hành ý muốn của Chúa Cha là
chịu phép rửa, thì Đức Giê-su mới thiết lập được nền công chính mới
(x. Mt 5,20) và kiện toàn Luật Mô-sê (x. Mt 5,17).
HỎI: Phép rửa của Gio-an là
nghi lễ biểu lộ lòng thống hối của tội nhân. Vậy tại sao Đức Giê-su
là Đấng thánh thiện vô cùng, lại chịu phép rửa ấy làm chi ?
ĐÁP:
Qua đoạn Tin Mừng này,
chúng ta chỉ được trả lời một cách lờ mờ qua câu nói của Đức Giê-su
với Gio-an: Đó là thánh ý của Thiên Chúa. Nhưng theo ý kiến của các
nhà chú giải Kinh Thánh, thì có hai lý do khiến Người chịu phép rửa của
Gio-an như sau: Một là vì Đức Giê-su muốn liệt mình vào hàng ngũ
những tội nhân mà sau này Người sẽ chịu chết đền tội thay cho họ (x.
Mt 26,28). Hai là vì Đưc Giê-su muốn đồng hóa mình với những tội nhân
có lòng ăn năn hối cải, để qua phép rửa của Gio-an, là hình bóng
của phép rửa là cuộc Tử Nạn và Phục Sinh và hình bong của bí tích
Rửa Tội, Người sẽ biến đổi những ai chịu phép rửa tội được trở nên
con thảo của Thiên Chúa.
- C 16-17: + Các tầng trời mở ra: Hiện tượng trời
mở ra gợi nhớ câu: “Phải chi Ngài xé trời mà ngự xuống, cho núi non
rung chuyển trước Thánh Nhan” (Is 63,19). Đây là lời cầu nguyện của vị
Ngôn sứ dâng lên Thiên Chúa để xin nguôi giận với dân Ít-ra-en, và tỏ mình
ra là người Cha, sau thời gian lâu dài không đoái hoài đến họ. Lời cầu
xin ấy hôm nay đã ứng nghiệm nơi Đức Giê-su: đất trời được giao hòa
với nhau (x. Cv 7,56), Thiên Chúa sẽ tiếp tục mặc khải tình thương cho
dân Người (x. Ed 1,1). + Thần Khí Thiên Chúa đáp xuống như
chim bồ câu và ngự trên Người: Câu này nhắc lại cuộc tạo dựng
nguyên thủy (x. St 1,2). Ở đây báo hiệu một cuộc tạo dựng mới đang
được thực hiện. Trong Cựu Ước, chim bồ câu không được coi là hình ảnh
của Thần Khí. Câu này nhắc lại trong việc sáng tạo, Thần Khí đã ban sự sống
cho nước tương tự như chim bồ câu mẹ bay chập chờn trên bầy chim con (x.
St 1,2). Thần Khí ngự trên Đức Giê-su để xức dầu thiêng liêng (x. Cv 10,38),
tấn phong Người làm Đấng Thiên Sai Mê-si-a (x. Is 11,2). +
“Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người”: Sau khi Đức
Giê-su đã vâng phục Chúa Cha đến chịu phép rửa của ông Gio-an, thì
Chúa Cha đã giới thiệu Người là Con yêu dấu trước mặt những người
hiện diện. Trong Cựu Ước, Thiên Chúa nhiều lần đã gọi Đấng Thiên Sai
và dân Ít-ra-en là Con yêu của Ngài: “Con là Con Ta, hôm nay Ta đã sinh
ra Con” (Tv 2,7). “Này là Tôi Tớ của Ta mà Ta nâng đỡ, tuyển nhân mà Ta
sủng mộ, Ta ban Thần Khí Ta trên Người” (Is 42,1). “Từ Ai-cập, Ta đã gọi Con Ta về” (Hs 11,1). Qua câu
này, Tin Mừng Mát-thêu cho thấy Đức Giê-su chính là Đấng Thiên Sai và là
Con của Thiên Chúa.
4.
CÂU HỎI:
1) Tại sao Đức Giê-su là
Đấng thánh thiện mà đến chịu phép rửa sám hối của Gio-an làm chi ?
2) Trong Do thái giáo chim bồ câu có phải là hình ảnh của Thần Khí
Thiên Chúa không ? Câu “Thần Khí Chúa đáp xuống như chim bồ câu và ngự
trên Người” có nghĩa như thế nào ? 3) Trong Cựu Ước, Thiên Chúa thường
gọi những ai là “con yêu” của Ngài ?
II.
SỐNG LỜI CHÚA:
1.
LỜI CHÚA: “Chính tôi mới cần được Ngài làm phép rửa, thế mà Ngài
lại đến với tôi !” (Mt 3,14).
2.
CÂU CHUYỆN:
1)
TAI HẠI CỦA THÓI KIÊU NGẠO : TRÈO CAO TÉ ĐAU :
Trong kho tàng truyện thần thoại của Hy-lạp, có một câu chuyện về
hai cha con nhà kia. Người cha tên là I-đam và đứa con là I-ka. I-đam là
một kiến trúc sư kiêm nghề điêu khắc. Chính ông đã được nhà vua ra
lệnh xây dựng một bát quái đồ để bắt giam vào đó một con quái vật
đầu người mình thú rất hung dữ, để tránh cho dân lành khỏi bị nó
giết hại. Nhưng về sau, do hiểu lầm là hai cha con I-đam và I-ka âm mưu
làm loạn, nên vua Mi-nos đã hạ lệnh tống giam cả hai cha con vào bát
quái đồ đó. Nhưng rồi “cái khó ló cái khôn”: Trong lúc bị giam cầm,
hai cha con này đã tìm ra con đường trốn thoát khỏi cảnh tù tội bằng
cách bay lên trời cao. Họ dùng sáp ong nối nhiều lông chim lại thành
hai bộ cánh chim. Nhờ những chiếc cánh chim tự tạo này mà hai cha con
đã bay được lên cao và thoát ra khỏi nhà tù qua lổ nhỏ trên mái. Quá
phấn khởi trước thành công bất ngờ, anh con trai càng lúc càng bay lên
cao và bỏ ngoài tai những lời khuyên khẩn thiết của cha mình. Khi bay
cao gần đến mặt trời, thì sáp dính các lông chim trên đôi cánh bay
của anh bị nóng chảy ra và anh con trai đã bị rơi từ trên độ cao
xuống đất chết tan xác.
Ngày nay, sự kiêu ngạo cũng làm cho người ta coi thường và bỏ
ngoài tai những lời khuyên can khôn ngoan kinh nghiệm của các bậc cha
bác, thầy cô và những bậc cao niên. Nếu mỗi người chúng ta chiều theo
những đam mê ích kỷ nhất thời của mình, thì chắc chắn chúng ta sẽ phải
chuốc lấy thất bại đau thương.
2) TÌNH PHỤ TỬ CỦA MỘT ÔNG
VUA:
Có một cậu bé hoàng tử chẳng may bị bọn cướp bắt cóc. Sau khi đã lấy hết
những thứ quí giá trên mình, chúng trói câu vào một gốc cây. Nhưng may thay có
một bác tiều phi đi ngang qua, đã cởi trói và đem cậu về nhà nuôi.
Nhiều năm sau, nhân một cuộc đi săn, vua cha đã dừng chân trước căn nhà nhỏ
bé của bác tiều phu. Bác tiều vui rất lấy làm vinh dự được dẫn những đứa con
của mình ra trình diện nhà vua. Khi đến cậu hoàng tử, bỗng nhà vua xúc động
mạnh. Ông nghĩ:
- Phải chăng đây chính là hoàng tử, con ta đã bị bắt cóc.
Ông hỏi bác tiều phu về gốc gác cậu bé và nói:
- Nếu ở bên vai phải có dấu ấn ta đã ghi, thì đúng là hoàng tử.
Với bàn tay run run, ông vạch chiếc áo và mừng rỡ kêu lên:
- Trời ơi, con ta.
Và cậu bé cũng kêu lên:
- Ba ơi.
Làm sao chúng ta có thể hiểu được sự đổi thay trong lòng cậu bé. Từ
trước đến giờ, cậu cứ tưởng mình là con bác tiều phu nghèo nàn với quần áo rách
rưới và nhà cửa xiêu vẹo. Bỗng chốc cậu nhận ra mình là hoàng tử, được sinh ra
tại hoàng cung và thuộc về hoàng tộc cao quý
Khi chịu phép rửa tội, mỗi người chúng ta cũng được trở nên Con Thiên Chúa
và gọi Thiên Chúa là Cha như Chúa Giê-su đã dạy các môn đệ cầu nguyện với Thiên
Chúa như đứa con thưa chuyện với cha mình: « Lạy Cha chúng con ở trên
trời »…
3)
TRUYỀN ĐẠO BẰNG THỰC THI TÌNH THƯƠNG CỤ THỂ :
Tại một xứ cùng quê nước Pháp, có một người đàn ông khoảng 50 tuổi tên là ALIX.
Ông bị bại liệt. Mỗi buổi sáng bà vợ đặt ông vào một ghế bành ngoài hiên nhà
rồi đi làm. Ông bà không con, không cháu.
Ông Alix không phải là người công giáo, nhưng thỉnh thoảng cha sở vẫn tới
thăm, cha còn khuyên giáo dân tới giúp đỡ ông. Các em nhỏ tới chơi quanh ông,
đem sách cho ông đọc và giúp ông mở sách. Mỗi tuần có một bác sĩ tình nguyện
tới chăm sóc ông.
Giáng sinh năm đó, ông Alix đột ngột thưa cha sở:
- Thưa cha, xin cha cho con rước lễ.
Cha sở ngạc nhiên vì ông chưa là tín hữu. Nhưng ông thưa:
- Trước đây con không tin gì vào Thiên Chúa, nhưng ít lâu nay cha và anh em
giáo dân quá tốt với con nên con cảm thấy thật hạnh phúc như con gặp được Chúa
vậy. Con nghĩ rằng : Chỉ có Chúa mới có thể làm cho cha, cho bác sĩ và cho
anh chị em giáo dân dám hy sinh bỏ công sức ra giúp đỡ một người xa lạ như con
đây.
3.
SUY NIỆM:
Tin mừng lễ Đức Giê-su chịu phép rửa hôm nay dạy chúng ta bài học về sự vâng theo thánh ý Thiên Chúa và sống khiêm hạ với
tha nhân.
1)
GIO-AN VÂNG LỜI LÀM PHÉP RỬA ĐỂ GIỮ TRỌN ĐỨC CÔNG CHÍNH:
Tin Mừng hôm nay thuật lại việc Đức Giê-su đến xin chịu phép rửa của Gio-am
Tẩy Giả tại sông Gio-đan. Lúc đầu ông ngại không dám làm phép rửa cho Người,
Đấng mà ông đã từng loan báo sắp đến mà ông không đáng xách dép cho
Người. Người là Vua Thẩm Phán quyền uy, sẽ làm phép rửa trong Thánh
Thần và lửa. Tuy nhiên, Đức Giê-su đã truyền cho Gio-an cứ làm phép
rửa cho Người theo thánh ý Thiên Chúa
: “Bây giờ cứ thế đã. Vì chúng ta nên làm như vậy để giữ trọn
đức công chính”.
Thánh Phao-lô đã nói về sự hạ mình vâng phục của Đức Giê-su theo thánh ý
Thiên Chúa như sau : “Người lại còn hạ mình vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu
chết, chết trên cây thập tự” (Pl 2,8), được thể hiện khi Đức Giê-su chịu dìm
mình trong dòng sông Gio-đan để hòan tòan vâng theo thánh ý Chúa Cha. Nhờ đó,
Người đã được Chúa Cha tôn vinh như sau: “Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn
Người, và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu. Như vậy, khi
vừa nghe danh thánh Giê-su, cả trên trời dưới đất và trong nơi âm phủ, muôn vật
phải bái quỳ. Và để tôn vinh Thiên Chúa Cha, mọi lòai phải mở miệng tuyên xưng
rằng: Đức Giê-su Ki-tô là Chúa” (Pl 2,9-11).
2)
VÂNG LỜI ĐỂ NÊN CON YÊU DẤU LUÔN ĐẸP LÒNG CHÚA CHA:
Chính lúc Đức Giê-su tự hạ vâng theo ý Chúa Cha, lại là lúc Người
được Chúa Cha tôn vinh: Khi vừa từ dưới nước lên, thì các tầng trời
mở ra. Bấy giờ Người thấy Thần Khí Thiên Chúa đáp xuống như chim bồ
câu và ngự trên Người. Nếu Đức Giê-su đã được thụ thai trong lòng
Trinh Nữ Ma-ri-a nhờ quyền năng Thánh Thần, thì nay Người cũng nhận
được tác động của Thánh Thần để bắt đầu sứ vụ Thiên Sai. Việc Chúa
Cha tôn vinh Chúa Giê-su thể hiện qua sự kiện: Khi Đức Giê-su trồi lên mặt nước
thì Thần Khí Thiên Chúa đáp xuống như chim bồ câu và có tiếng Chúa Cha từ trời
phán: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người” (Mt 3,17). Với
cuộc Thần Hiện này, Chúa Cha đã xức dầu thiêng liêng tấn phong Đức
Giê-su, người Tôi Trung của Thiên Chúa làm Đấng Thiên Sai.
3)
ĐƯỢC CHA THỪA NHẬN “TA HÀI LÒNG VỀ NGƯỜI”:
Đức Giê-su không những đứng xếp hàng chung với các tội nhân có
lòng sám hối, mà Người còn gần gũi để an ủi, nâng các tội nhân mau
trỗi dậy khỏi nếp sống cũ tội lỗi. Chính Người đã mở ra con đường
về trời cho loài người chúng ta. Trong suốt cuộc hành trình truyền
giáo kéo dài gần 3 năm, Đức Giê-su luôn tuân theo sự hướng dẫn của
Thánh Thần. Nhờ đó, Người đã chiến thắng ma quỷ cám dỗ và luôn kết
hiệp mật thiết với Chúa Cha, bằng một lối sống hiếu thảo và làm
đẹp lòng Cha. Cuối cùng Người đã vâng ý Cha, chịu chết trên thập giá
để đền tội thay cho nhân loại chúng ta. Phép rửa của Gio-an Tẩy Giả
là sự chuẩn bị cho phép rửa là mầu nhiệm Tử Nạn và Phục Sinh mà
Người sẽ phải trải qua và là hình bóng của bí tích Rửa tội do Chúa
Giê-su thiết lập trước khi lên trời (x Mt 28,19). Vì thế Người đã được Chúa
Cha khen ngợi: “Ta hài lòng về Người” (Mt 3,17).
4)
HỌC SỐNG KHIÊM NHƯỜNG ĐỂ NÊN GIỐNG CHÚA GIÊ-SU:
- Khiêm nhường trong lời nói: Hãy nói ít nghe nhiều; Không khoe khoang thành tích của
mình; Không phê bình nói xấu người vắng mặt; Sẵn sàng xin lỗi khi mắc phải sai
sót khiến tha nhân buồn lòng; Kịp thời khen thưởng người cộng tác để động viên
những cố gắng của họ; Can đảm bênh vực những người yếu đuối thân cô thế cô bị
kẻ khác đàn áp bóc lột.
- Khiêm nhường trong thái độ: Năng dâng lời cảm tạ hồng ân Thiên Chúa và cám ơn những ai làm ơn cho
mình; Luôn có thái độ hiền hòa và nhẫn nhịn tha nhân; Biết làm chủ tính nóng
giận và không to tiếng la mắng người dưới; Luôn sống “dĩ hoà vi quí”, không “Bé
xé ra to”, hoặc “chuyện không đáng gì mà làm cho ầm ĩ”; Sẵn sàng đi bước trước
đến với tha nhân; Biết bỏ ý riêng mình để làm theo ý Chúa muốn thể hiện qua ý
bề trên hay ý chung của tập thể.
- Khiêm nhường trong cách ứng xử: Vâng lời cha mẹ trong gia đình và vâng lời cấp trên
ngoài xã hội; Không đổ lỗi cho người khác, nhưng “Tiên trách kỷ, hậu trách
nhân”; Kiên nhẫn lắng nghe lời phê bình góp ý của người khác; Tận tình phục vụ
tha nhân vô vụ lợi kèm theo sự khôn ngoan để tránh bị lợi dụng; Tránh thái độ
“Thượng tôn hạ đạp”; Can đảm đứng ra bênh vực những người “thân cô thế cô”; Khi
công việc bị thất bại sẽ không đổ lỗi cho người khác, mà nhận phần trách nhiệm
của mình; Khi thành công thì nhận là do ơn Chúa ban và là công của tập thể. Khi
làm được điều gì tốt thì hãy khiêm tốn tự nhủ: “Chúng tôi là những đầy tớ vô
dụng. Chúng tôi đã chỉ làm việc bổn phận đấy thôi” (Lc 17,10).
4.
THẢO LUẬN:
Vậy trong những ngày này bạn
sẽ làm gì để thể hiện đức khiêm nhường trong cách nói năng và cư xử với
người chung quanh?
5.
NGUYỆN CẦU:
Lạy Chúa Giêsu. Do thiếu khiêm nhường nên chúng con ít khi nhận lỗi
và thường đổ lỗi cho tha nhân. Trong Tin Mừng lễ Chúa chịu phép rửa hôm
nay, chúng con thấy Chúa là Đấng thánh thiện vô cùng, lại khiêm tốn xếp
hàng chung với các tội nhân để được ông Gio-an làm phép rửa cho. Qua đó,
Chúa muốn dạy chúng con bài học khiêm nhường. Xin cho chúng con mỗi
ngày biết điều chỉnh cách suy nghĩ nói năng và hành động, theo gương mẫu
và lời dạy của Chúa, để chúng con cũng được Chúa Cha xác nhận
là : « Con yêu dấu luôn làm đẹp lòng Cha » như Chúa khi
xưa.
X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI
CHÚNG CON
LM
ĐAN VINH - HHTM