Suy
Niệm Lời Chúa Chúa Nhật II Phục Sinh
LÒNG THƯƠNG XÓT XUA TAN SỰ SỢ HÃI
Cho đến hôm nay, số người nhiễm Virus Vũ Hán tại Việt
Nam vẫn cứ tăng dường như mỗi ngày. Các quốc gia đang chạy đua để bào chế vắc-xin
và thuốc đặc trị. Việt Nam có phác đồ điều trị theo hoàn cảnh của Việt Nam và kết
quả cho thấy đến nay chưa có người chết. Đó là một tín hiệu đáng mừng cho Việt
Nam. Tuy nhiên, con Virus Vũ Hán vẫn là mối đe doạ cho hết mọi người, mọi nhà,
mọi quốc gia. Bên cạnh sự nguy hiểm của Virus Vũ Hán, còn có những thứ virus khác
đang huỷ hoại tâm hồn con người. Đó là thứ “virus hoảng loạn, sợ hãi”, khiến
cho nhiều người bị tê liệt trong tâm hồn, mất kiểm soát trong hành động và lâu
dài nó làm suy nhược ý chí của con người.
Thưa quý Ông bà anh chị em, cái chết của Chúa Giêsu
năm xưa cũng đã khiến các tông đồ của Chúa rơi vào tình trạng hoảng loạn, sơ
hãi. Các ông sợ hãi đến độ đánh mất tất cả ý chí, suy nghĩ, chỉ còn sống co cụm
lẩn trốn với nhau trong nhà vì sợ người Do Thái. Các ông sợ hãi đến độ tuy còn
thở nhưng như những người đã chết. Trong tình cảnh đáng thương như thế, Chúa
Giêsu Phục Sinh đã hiện ra đứng giữa các ông và nói: “Bình an cho anh em.” Sự bình an là món quà đầu tiên và hết sức cần
thiết cho các tông đồ, mà Chúa Giêsu đem đến cho các ông lúc này. Để củng cố
cho sự yếu đuối của các tông đồ, Chúa Giêsu còn cho các ông xem tay và cạnh sườn
Người, cho các ông được đụng chạm đến Người bằng xương bằng thịt sau khi Người
đã từ cõi chết sống lại.
Thánh Gioan ghi lại: “Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa.” Tâm hồn và cuộc đời các ông
như hoang mạc khô cháy, chết chóc, nay đón nhận được nguồn nước và bắt đầu hồi
sinh. Tuy nhiên, Chúa Giêsu Phục Sinh còn muốn biến đổi hoàn toàn các ông, xua
tan tất cả những sợ hãi chết chóc trong tâm hồn và ban cho các ông một sức sống
mới: “Ngài đã thổi hơi trên các ông và
phán: Các con hãy nhận lấy Thánh Thần. Các con tha tội cho ai thì tội người ấy
được tha, các con cầm tội ai, thì tội người ấy bị cầm lại.” Như vậy, sức mạnh
mới mà Chúa Phục Sinh ban tặng cho các tông đồ chính là Chúa Thánh Thần, để từ
đây các ông không còn sợ hãi nữa. Hình ảnh Chúa thổi hơi trên các ông còn nhắc
cho chúng ta nhớ đến hình ảnh ngày xưa Thiên Chúa đã thổi hơi vào mũi con người,
để cho nó có sự sống. Hôm nay, Chúa Phục Sinh cũng thổi hơi trên các tông đồ để
biến các ông từ những xác chết trở thành những con người mang sự sống của Chúa Phục
Sinh. Cùng với sức mạnh của Chúa Thánh Thần, Chúa Phục Sinh còn trao cho các
ông quyền cầm buộc và tha thứ. Từ đây, các tông đồ sẽ dùng quyền năng của Thiên
Chúa, nhân danh Thiên Chúa tiếp tục ban ơn tha thứ cho nhân loại.
Chúa Nhật hôm nay được gọi là Chúa Nhật Lòng Thương Xót của Chúa, bởi vì câu
chuyện cho thấy, Chúa Giêsu Phục Sinh không chỉ quan tâm cách chung đến các
tông đồ, nhưng Ngài thấu hiểu tâm hồn của từng người, cụ thể là Tôma. Trong lúc
hoảng loạn do cái chết của Thầy và sợ hãi vì nghĩ rằng người Do Thái sẽ tìm
cách tiêu diệt tất cả những ai liên quan đến Thầy Giêsu, Tôma đã bỏ anh em tông
đồ để tìm kiếm một nơi trú ẩn đâu đó. Chiều Chúa Nhật tuần trước khi Chúa Phục Sinh
hiện ra với các tông đồ, đã không có mặt của Tôma. Vì vậy, anh đã không thể đón
nhận được niềm tin Phục Sinh. Không những thế, anh quyết liệt đòi cho bằng được
đụng chạm đến vết thương của Thầy, đòi có một kinh nghiệm cá nhân gặp được Thầy:
“Nếu tôi không nhìn thấy vết đinh, nếu
tôi không thọc bàn tay vào cạnh sườn Người, thì tôi không tin.”
Chúa Giêsu Phục Sinh đã thấu hiểu và cảm thông với một
tâm hồn đã từng bị tổn thương vì cuộc khổ nạn thập giá của Ngài, Ngài không muốn
để anh trở nên mặc cảm hay lạc lõng giữa anh em. Vì thế, Chúa đã gọi đích danh
anh: “Tôma! Đặt ngón tay con vào đây và
hãy nhìn xem tay Thầy. Hãy đưa bàn tay ra mà xỏ vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng
lòng nữa nhưng hãy tin.” Lòng thương xót của Chúa Phục Sinh đã đổ vào trái
tim và tâm hồn của Tôma, phá tan sự sợ hãi và nghi ngờ. Chúa cho Tôma được đụng
chạm đến dấu đinh và vết thương của Chúa là được chạm vào lòng thương xót của Chúa.
Tôma đã được biến đổi hoàn toàn, anh tuyên xưng đức tin của mình: “Lạy Chúa tôi! Lạy Thiên Chúa của tôi.”
Tin mừng Gioan còn cho thấy một điểm giáo lý quan trọng
qua câu chuyện: Sở dĩ Tôma không đón nhận được Tin Mừng Phục Sinh bởi vì Tôma
đã tách khỏi các tông đồ, có nghĩa là tách khỏi cộng đoàn Giáo Hội. Giáo Hội
đón nhận mầu nhiệm phục sinh từ nơi Chúa Giêsu và trở thành nhân chứng đáng
tin nhất của mầu nhiệm này. Vì thế, chỉ những ai hiệp thông, hiệp nhất hoàn
toàn với Giáo Hội, mới có thể đón nhận được niềm tin phục sinh và có cùng một cảm
nhận, một niềm vui với Giáo Hội. Lời Chúa nói với Tôma: “Vì con đã thấy Thầy, nên con tin, phúc cho những ai không thấy mà tin”,
là lời Chúa chúc phúc cho chúng ta, là những người tin vào Chúa Phục Sinh không
phải vì được thấy Chúa, nhưng nhờ lời rao giảng và làm chứng của Giáo Hội.
Các tông đồ đã hoàn toàn vượt qua sự sợ hãi trước đây,
được đón nhận một tinh thần mới, sức sống mới của Chúa Thánh Thần, các ông đã
hoàn toàn trở nên những con người mới. Sách Công Vụ Tông Đồ kể lại sự can đảm
hiên ngang của các tông đồ sau sự kiện phục sinh. Các tông đồ lên đường đi khắp
nơi rao truyền sức sống mới cho các dân tộc, làm cho họ trở nên một dân mới: “Mọi người đều kính sợ vì các tông đồ đã làm
nhiều điềm thiêng dấu lạ. Còn các tín hữu chuyên cần nghe các tông đồ giảng
dạy, luôn hiệp thông với nhau tham dự lễ bẻ bánh và cầu nguyện không ngừng.”
Chúa Phục Sinh đã biến đổi các tông đồ từ những con
người nhát đảm sợ hãi, nay trở nên mạnh mẽ hiên ngang; từ những con người bình
dân kém cỏi, nay các ông trở nên uyên bác thông thái; từ những con người trước
đây còn phân bì, tị nạnh nhau, nay các ông trở nên những con người nhiệt tâm,
nhiệt thành với sứ mạng loan báo Tin Mừng Phục Sinh. Với sức mạnh của Chúa
Thánh Thần, các tông đồ đã quy tụ về cho Chúa một đoàn dân mới sống trong tình
huynh đệ, yêu thương, trong cùng một đức tin, một việc phụng thờ và một tình
bác ái: “Tất cả các tín hữu hợp nhất với
nhau và để mọi sự làm của chung…Họ đồng tâm nhất trí ngày ngày lên Đền Thờ. Khi
tham dự lễ bẻ bánh họ dùng bữa với lòng đơn sơ vui vẻ. Họ ca tụng Thiên Chúa và
được mọi người thương mến.”
Thưa qúy Ông bà anh chị em, thánh Phêrô mời gọi chúng
ta cùng tạ ơn Thiên Chúa vì Ngài đã cho chúng ta được tái sinh để sống con người
mới, cuộc sống mới, nhờ Chúa Giêsu Phục Sinh. Vì thế, chúng ta được mời gọi sống
trong niềm vui, hy vọng và hân hoan, cho dù có trải qua những gian nan thử
thách. Chúng ta không thể để mình rơi vào tình trạng hoảng sợ trước nghịch cảnh
như những người không có niềm tin. Trái lại, chúng ta được mời gọi sống trong sự
tin tưởng và phó thác cho lòng thương xót của Chúa. Sống tin tưởng phó thác
không có nghĩa là chúng ta thụ động ỷ nại vào Thiên Chúa mà không có sự nỗ lực
cố gắng của bản thân. Ví dụ: dịch bệnh đang diễn ra trên thế giới là hết sức
nguy hiểm, chúng tin tưởng vào tình yêu quan phòng của Chúa, nhưng vẫn phải
khôn ngoan và biết áp dụng những cách phòng tránh để gìn giữ sức khoẻ cho mình
và cho cộng đồng.
Trong thời đại ngày nay, ma qủy dùng nhiều cách để gieo
sự hồ nghi và làm lung lạc đời sống đức tin của người tín hữu, đặc biệt niềm
tin vào Chúa Phục Sinh. Những lúc gặp khó khăn trong đời sống đức tin, noi
gương Tôma, hãy quay trở về với Giáo Hội, trình bày những khó khăn của mình với
Giáo Hội. Vì khi liên kết mật thiết với Giáo Hội, đức tin của chúng ta sẽ được
nuôi dưỡng, được củng cố nhờ các thánh lễ và các bí tích. Nơi thánh lễ mỗi
ngày, chúng ta sẽ gặp được Chúa Phục Sinh và được đụng chạm đến lòng thương xót
của Ngài, Ngài sẽ ban lại cho chúng ta sự bình an.
Xin Chúa Phục Sinh
thổi hơi trên chúng ta, ban cho ta sự sống mới của Ngài. Xin Ngài cũng ban
Thánh Thần của Ngài xuống trên chúng ta, cách riêng những người trẻ, để Thánh
Thần là sức mạnh, biến chúng ta thành những con người mới, can đảm mạnh mẽ,
không sợ hãi, sống và làm chứng cho Chúa Phục Sinh trong thời đại công nghệ hôm
nay. Amen.
Lm. Giuse Đỗ Đức Trí