Trang Chủ > Suy Niệm > Mùa Phục Sinh

THẦN KHÍ BIẾN ĐỔI VÀ THÚC ĐẨY CÔNG CUỘC LOAN BÁO TIN MỪNG

CTT1.jpg

Chắc chắn những người sống ở Galilê lúc đó sẽ vô cùng ngạc nhiên khi thấy các Tông đồ đã thay đổi nhanh chóng như vậy. Mọi người ai cũng biết các ông chỉ là những người chài lưới bình dân ít học, vậy mà nay các ông trở nên thông thái uyên bác. Trong cuộc tử nạn của Đức Giêsu, các ông là những người nhát sợ, trốn chạy. Vậy mà giờ đây, các ông can đảm đứng trước nhà cầm quyền và trước đám đông để rao giảng về Đức Giêsu, Đấng đã bị giết chết mà nay đã sống lại và các ông quả quyết Ngài vẫn đang sống. Sức mạnh nào đã biến đổi các ông cách nhanh chóng như vậy? Thưa chính Chúa Thánh Thần đã làm nên những việc lạ lùng đó, là sức mạnh thúc đẩy các Tông đồ và các tín hữu lên đường loan báo Tin Mừng của Chúa Giêsu cho thế giới.

Bài Tin Mừng hôm nay nhắc lại bối cảnh của ngày Chúa phục sinh. Cái chết của Chúa Giêsu quả là nỗi ám ảnh sợ hãi cho các Tông đồ. Các ông rút lui vào trong nhà và đóng kín các cửa vì sợ người Do Thái. Không chỉ cửa nhà bị đóng kín, mà cuộc đời, tâm hồn của các Tông đồ lúc này cũng bị đóng lại, bị chôn chặt cùng với cái chết của Thầy. Sự chán nản, sợ hãi và thất vọng ngập tràn trong ngôi nhà đóng kín ấy. Chúa Giêsu Phục sinh - Đấng đã phá vỡ sự đóng kín, sợ hãi của các Tông đồ khi Ngài thình lình xuất hiện giữa các ông và nói: “Bình an cho các con”. Lời này không chỉ là sự trấn an mà thực sự là món quà, là sức mạnh dẹp tan những lo âu sợ hãi, đem lại sự bình an trong tâm hồn các Tông đồ. Chúa Giêsu Phục sinh lúc này giống như người Cha đi xa về để cho con cái vui thích xem giỏ quà của mình. Ngài cũng cho các Tông đồ xem các vết thương nơi tay chân và cạnh sườn Người và các ông ngập tràn niềm vui. Tác giả Tin Mừng ghi nhận lại cảm xúc lúc bấy giờ: “Các môn đệ vui mừng vì được xem thấy Chúa”.

Niềm vui được gặp lại nhau sau cơn thử thách là một niềm vui lớn lao. Trong niềm vui của sự đoàn tụ gặp gỡ này, Chúa Giêsu trao cho các Tông đồ một sứ mạng: “Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em”. Kể từ đây, các ông được ủy thác, tham dự, chia sẻ cùng một sứ mạng với Chúa. Đó là đem Tin Mừng tình yêu cứu độ của Chúa đến cho thế giới. Các ông sẽ phải nói cho mọi người biết họ được Thiên Chúa yêu thương và mời gọi mọi người sám hối trở về với tình yêu của Thiên Chúa. Để bảo đảm cho sứ mạng này, Chúa Giêsu Phục sinh đã thổi hơi và trao ban cho các ông Thánh Thần và “quyền năng” của Thiên Chúa là tha thứ và cầm buộc: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì tội người ấy được tha; anh em cầm tội ai, thì tội người ấy bị cầm lại”. Với hơi thở của Thánh Thần được thổi trên các Tông đồ, Chúa Giêsu đã thực hiện một công cuộc tạo dựng mới, đem lại sức sống mới, tinh thần mới, cuộc đời mới cho các Tông đồ và cho nhân loại.

Biến cố xảy ra ngày lễ Ngũ Tuần, quả thực, Chúa Thánh Thần mở ra một thời đại mới, đã đưa các Tông đồ và Giáo Hội bước vào một trang sử mới. Tác giả sách Công Vụ thuật lại sự kiện xảy ra trong ngày lề Ngũ Tuần năm đó: “Bỗng từ trời phát ra tiếng động như tiếng gió mạnh… họ thấy xuất hiện những hình lưỡi lửa tản ra đậu xuống trên từng người. Và ai nấy đều được tràn ơn Thánh Thần.” Với đoạn tường thuật này, sách Công Vụ cho chúng ta hình dung đến khung cảnh linh thiêng, trang trọng trên núi Sinai năm xưa. Khi đó núi non rung chuyển, sấm chớp vang trời, Thiên Chúa ngự xuống ngọn núi trong đám mây và ký kết giao ước với ông Môsê. Điều này cho thấy, nếu ngày xưa Thiên Chúa đã ngự xuống trên đám mây để ban lề luật cũ cho Israel và chọn dân này làm dân riêng của Chúa, thì hôm nay với biến cố Chúa Thánh Thần ngự xuống, Thiên Chúa ban lề Luật Mới cho những người tin vào Chúa Giêsu và quy tụ họ thành một Dân Mới. Nếu ngày xưa con cháu ông Nôê vì kiêu ngạo, đã muốn xây tháp Babel cao tận trời, sự kiêu căng này đã khiến cho họ trở nên bất đồng ngôn ngữ, không thể hiểu nhau, thì nay những người đón nhận Chúa Thánh Thần, “họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác nhau”. Họ trở nên anh em và hiểu nhau dù ngôn ngữ có khác nhau.

Chính Chúa Thánh Thần đã ban sức mạnh, sự can đảm và thúc đẩy các Tông đồ bắt đầu công cuộc loan báo Tin Mừng mà Chúa Phục Sinh đã trao phó. Các Tông đồ không còn sợ hãi nữa, cánh cửa căn nhà đã được Thánh Thần mở toang, sự bế tắc trong tâm hồn các môn đệ đã được giải tỏa. Simon Phêrô đã đứng ra trước ban công rao giảng về Chúa Giêsu cho mọi người đang quy tụ về Giêrusalem dự lễ. Mọi người kinh ngạc về sự mạnh dạn và thông thái của ông. Ngay hôm đó, đã có hàng ngàn người nghe Phêrô giảng và đã tin vào Chúa Giêsu. Điều ngạc nhiên hơn nữa là khách thập phương từ nhiều vùng miền khác nhau, ngôn ngữ khác nhau, nay họ đều có thể nghe và hiểu những điều các Tông đồ rao giảng. Điều này càng minh chứng cho thấy Chúa Thánh Thần đã hoạt động trên các Tông đồ và trên những người nghe, để mọi người có thể hiểu và đón nhận Đức Giêsu và tin vào ngài.

Thánh Phaolô đã xác tín và nói với cộng đoàn Côrintô: “Không ai có thể nói rằng Đức Giêsu là Chúa, nếu người ấy không ở trong Thánh Thần”. Thánh Phaolô còn giải thích cho thấy Chúa Thánh Thần hoạt động trong Giáo Hội dưới rất nhiều hình thức và ban ơn cho mỗi người tùy theo nhiệm vụ họ đã lãnh nhận. Tất cả những ơn ban của Thánh Thần dù có khác nhau nhưng đều chung một mục đích đó là quy tụ mọi người, xây dựng sự hiệp nhất, làm nên một thân thể duy nhất của Chúa Kitô là Hội Thánh.

Nhờ ơn của Bí tích Rửa Tội, tất cả chúng ta đều được tái sinh bởi nước và Thánh Thần trở nên những con người mới thuộc về Chúa Kitô. Chúng ta không còn làm nô lệ cho tội lỗi và ma quỷ nữa, nhưng được sống trong tự do của con cái Chúa. Tuy nhiên, ma quỷ không buông tha chúng ta, nó vẫn tìm mọi cách để xúi chúng ta lạm dụng tự do Chúa ban để tách chúng ta ra khỏi Đức Kitô; nó muốn bắt chúng ta quay lại làm nô lệ cho nó. Vì thế, nếu chúng ta không bám chặt vào Đức Kitô qua việc lắng nghe Lời Chúa và đón nhận Thánh Thể, chúng ta sẽ bị ma quỷ tấn công và đánh bại.

Chúng ta được Chúa Thánh Thần quy tụ nên một trong Hội Thánh. Tuy nhiên, ma quỷ và thế gian đang tìm nhiều cách để gây chia rẽ trong Giáo Hội và trong cộng đoàn. Một trong những cách thức ta thường gặp đó là sự công kích của các trang mạng nhằm chỉ trích, xoáy sâu vào những sai sót của chủ chăn và đoàn chiên để gây hoang mang và bất đồng trong cộng đoàn. Vì thế, mỗi người cần sáng suốt, phân định và tích cực vun đắp, xây dựng sự hiệp nhất trong Giáo Hội, trong cộng đoàn, bằng lời cầu nguyện và việc làm cụ thể. Để xây dựng sự hiệp nhất, đòi chúng ta dám gạt bỏ khỏi mình sự tự ái, kiêu căng, cám dỗ thể hiện bản thân để cùng nhau khiêm tốn xây dựng cộng đoàn trong tình huynh đệ. Đồng thời, để duy trì sự hiệp nhất, đòi mỗi người khiêm tốn đón nhận sự góp ý của anh em, sự dạy bảo của các bậc chủ chăn. Có những lúc xảy ra bất đồng quan điểm trong cộng đoàn, mỗi người cần duy trì tình bác ái để không xảy ra bất hòa; cùng bắt tay nhau vì một mục tiêu duy nhất đó là làm sáng danh Chúa, là phục vụ Chúa và Giáo Hội.

Chúa Thánh Thần là tác nhân của công cuộc truyền giáo của Giáo Hội, là sức mạnh thôi thúc ta lên đường, là ngọn gió đưa con thuyền Giáo Hội ra khơi chài lưới các linh hồn. Chúng ta đã lãnh nhận Chúa Thánh Thần trong ngày Rửa Tội và được đầy tràn Chúa Thánh Thần trong ngày Thêm Sức. Do đó, bổn phận của mỗi tín hữu là phải lên đường, phải đem Chúa đến cho anh chị em chung quanh. Chúng ta đem Chúa và Tin Mừng của Người đến trước hết cho những anh chị em chòm xóm láng giềng. Chúng ta sẽ giới thiệu Chúa và Tin Mừng của Người cho họ bằng một cuộc sống yêu thương bác ái, sống niềm vui và hy vọng, cho dù có gặp thử thách. Các anh chị em lương dân sẽ không cần những bài giảng hùng hồn, nhưng cần gương sống đức tin và việc làm cụ thể của mỗi người láng giềng chung quanh.

Xin Chúa Thánh Thần thúc đẩy chúng ta ra khỏi sự êm ấm tiện nghi sẵn có để đi đến “vùng ngoại biên”, tức là đến với những anh chị em nghèo khó, khổ đau về tinh thần và vật chất, những người bị bỏ rơi đang sống cô quạnh. Những người đó không ở đâu xa, có thể đang ở trong gia đình, trong xóm làng của mình. Vùng ngoại biên không chỉ là vùng đất mới xa lạ, nhưng là những con người mà mình vô tình hay cố ý biến họ thành những kẻ xa lạ. Amen.

 


Các bài viết mới hơn
     Suy niệm Lời Chúa Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống_Lm Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy niệm Lời Chúa Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống_Lm Đan Vinh - HSTM
     Suy niệm Lời Chúa Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống_Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần VII Phục Sinh_Nt. M. Anh Thư, OP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần VII Phục Sinh_Tân Quang
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần VII Phục Sinh_Lm Giuse Nguyễn Duy Khang
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Ba Sau Tuần VII Phục Sinh_Thầy Phêrô_Maria. Mảnh vỡ. FVP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Hai Tuần VII Phục Sinh_ Nt. Têrêsa Nguyễn Thị Kim Tuyến, OP
     Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật Lễ Chúa Thăng Thiên_Lm Đan Vinh - HSTM
     Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật Lễ Chúa Thăng Thiên_Lm Giuse Đỗ Đức Trí

Các bài viết cũ hơn
     Suy Niệm Lời Chúa Lễ Chúa Thánh Thàn Hiện Xuống _LM ĐAN VINH
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần VII Mùa Phục Sinh _Lm J.P
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần VII Mùa Phục Sinh - Lm Duy Khang
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần VII Mùa Phục Sinh _Lm J.P
     Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật Tuần VII Mùa Phục Sinh Năm B - Lm. Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật Tuần VII Mùa Phục Sinh Năm B - LM ĐAN VINH - HHTM
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần VI Mùa Phục Sinh - Nt. M. Anh Thư, OP
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần VI Mùa Phục Sinh - Lm JP
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần VI Mùa Phục Sinh - Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần VI Mùa Phục Sinh - Lm Tam Thái