CHÚA
NHẬT CHÚA THĂNG THIÊN – NGÀY QUỐC TẾ TRUYỀN THÔNG
LOAN
TRUYỀN SỰ THẬT - XÂY DỰNG SỰ HIỆP NHẤT
Thưa quý OBACE, truyền thông ngày nay không còn phải
là lãnh vực riêng của một nhóm người. Với sự phát triển và lan rộng của các
trang mạng xã hội, có thể nói, mọi người từ già đến trẻ đều có thể tham gia vào
mạng lưới truyền thông. Tuy nhiên, việc sử dụng mạng truyền thông sao có ích
cho bản thân và cộng đồng lại là chuyện khác; và việc làm truyền thông cần có
những tiêu chí nào lại là chuyện khác hơn nữa. Càng ngày, trên các trang mạng,
càng thấy có nhiều người sử dụng trang mạng không phù hợp với các chuẩn mực đạo
đức và văn hóa, thiếu tôn trọng người khác, thiếu hẳn những phép lịch sự tối
thiểu. Đàng khác, nhiều người dường như rất dễ tin vào những gì được đăng trên
mạng, họ không cần kiểm chứng thông tin, thiếu suy nghĩ hoặc thiếu phân định
đúng sai, nên vội vã a dua phản đối, chửi bới, ném đá người khác. Lợi dụng điểm
này, những kẻ xấu thường đưa lên những tin giả sai sự thật, nói một nửa sự thật,
hoặc cắt ghép sự kiện để làm sai lệch sự thật.
Hôm nay, cùng với Giáo Hội mừng lễ Chúa Giêsu Lên Trời,
Giáo Hội nhắc mọi tín hữu nhớ rằng quê hương đích thật và điểm hẹn của ta là Nước
Trời. Đồng thời, Giáo Hội nhắc chúng ta thực thi sứ mạng Chúa Giêsu đã truyền: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan
báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo.”
Cũng trong ngày này, Giáo Hội kêu gọi mọi người cầu nguyện và sử dụng những
trang mạng truyền thông để loan truyền chân lý và xây dựng sự hiệp thông hiệp
nhất.
Sự kiện Chúa Giêsu sống lại và lên trời là một sự thật,
đã được các Tông đồ rao giảng và Kinh Thánh minh chứng. Các Tông đồ không hề
loan truyền tin giả, cũng không bao giờ làm chứng về sự gian dối. Các ngài đã
dám sống và chết vì điều các ngài rao giảng, tức là dám sống và chết vì sự thật.
Tác giả sách Công Vụ hôm nay đã nói lên sự cẩn thận của mình khi viết và kể lại
những gì liên quan đến Đức Giêsu. Tác giả không rao giảng, không viết cách cẩu
thả, nhưng đã cẩn thận sưu tập, ghi chép những gì các Tông đồ đã rao giảng: “Thưa ngài Thêôphilê, trong quyển thứ nhất,
tôi đã tường thuật cho ngài tất cả những việc Đức Giêsu đã làm, những điều Người
dạy từ đầu cho đến ngày Người được rước lên trời…”
“Người được cất
lên ngay trước mặt các ông và có đám mây quyện lấy Người, khiến các ông không
còn thấy Người nữa.” Hình ảnh đám
mây quyện lấy Người là cách diễn tả cho thấy, việc Chúa Giêsu lên trời là Người
trở về với thế giới thần linh. Từ trời, Chúa Giêsu đã đến thế gian, thì giờ
đây, sau khi hoàn tất sứ vụ Người được đưa lên trời, trở về với vinh quang của
một vị Thiên Chúa, Đấng thống trị vũ hoàn. Chúa về trời không phải là Chúa rời
bỏ hay biến mất khỏi thế gian, nhưng Kinh Thánh muốn nói với chúng ta rằng:
Chúa vẫn hiện diện với chúng ta, nhưng có điều, mắt chúng ta bị mây che phủ nên không nhìn thấy Người bằng mắt thịt
được. Chúa về trời có nghĩa là Chúa thay đổi cách hiện diện, Người không hiện
diện bằng thân xác, nhưng hiện diện cách thiêng liêng qua các bí tích và vẫn hiện
diện với chúng ta bằng quyền năng và Thánh Thần của Người. “Hỡi những người Galilê, sao cứ mãi đứng nhìn trời? Đức Giêsu, Đấng vừa
lìa các ông về trời, cũng sẽ ngự đến y như các ông thấy Người lên trời.” Đó là lời của hai Thiên Thần mặc áo trắng,
nhắc các Tông đồ và mọi người luôn tin rằng Chúa vẫn ở bên họ. Vì thế, đừng mãi
ngước mắt lên trời, nhưng phải trở về với cuộc sống thường ngày, sống, làm việc
trong sự hiện diện và đồng hành của Chúa. Niềm tin của Kitô giáo không làm cho
con người tách biệt khỏi các thực tại thế trần, nhưng là đối diện với chúng và giải
quyết mọi việc theo tinh thần của Tin Mừng. Nhưng cấp thiết hơn, trở về với cuộc
sống là để tiếp tục thực thi sứ mạng Chúa đã truyền: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài
thọ tạo.” Sứ mạng này được trao
cho tất cả mọi người, không phân biết giáo sĩ hay giáo dân, mỗi thành phần đều
phải sống và thực thi sứ mệnh này theo bậc sống của mình.
Tin Mừng mà mỗi tín hữn có bổn phận loan báo là gì? Thưa
đó là loan báo Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế, là Sự Thật và là Sự Sống; là Đấng đem
tình thương của Thiên Chúa đến cho nhân loại và là Đấng quy tụ muôn vật muôn
loài nên một trong tình yêu của Thiên Chúa Cha. Vì thế, người tín hữu không thể
rao truyền về một ai khác hay một tin mừng nào khác. Người tín hữu không được
phép loan truyền những điều giả dối sai sự thật, hoặc chỉ nói một nửa sự thật, làm
tổn hại đến đức bác ái và gây chia rẽ trong cộng đoàn dân Chúa. Có thể nói đây
cũng là những nguyên tắc nền tảng để mỗi người thực hiện việc truyền thông ngày
nay. Những ai tham gia vào các trang mạng truyền thông xã hội ngày nay, dễ dàng
nhận thấy có nhiều người sử dụng các trang mạng xã hội với nhiều mục đích khác
nhau: Có người sử dụng vì mục tiêu chính trị, kinh tế, có người nhằm đánh bóng
tên tuổi, câu view, câu like, kiếm tiền. Nhiều người khác dùng các trang mạng để
chửi bới cho thỏa mãn bản năng, sự kiêu căng của mình hoặc châm chọc, bới móc
gây chia rẽ trong cộng đoàn, gây đau khổ tổn thương cho người khác… Truyền
thông được Giáo Hội khuyến khích, đó là đưa ra những thông tin đúng sự thật nhưng
trong sự tôn trọng người khác, nhằm xây dựng tình bác ái huynh đệ và sự hiệp nhất.
Đàng khác, nhiều người khi tiếp nhận thông tin từ các trang mạng, đã không biết
phân định, kiểm chứng hoặc tự đánh giá đúng-sai, họ dễ dàng để mình bị lôi kéo vào
ý đồ người viết hoặc số đông. Từ đó, nhiều người, nhất là các bạn trẻ, đã vội
vàng a dua ném đá, phê bình, hoặc kết án người khác, khiến cho nhiều người đau
khổ.
Trong sứ điệp nhân ngày Quốc Tế Truyền Thông năm nay
(2021), Đức Thánh Cha đã đưa ra chủ đề: “Hãy
đến mà xem”- Truyền thông bằng cách gặp gỡ mọi người trong thực tại của họ.
Đức Thánh Cha viết: “Để có thể thuật lại
chân lý của cuộc sống, cần phải vượt ra khỏi thái độ tự mãn, cho rằng chúng ta
“đã biết” điều gì đó. Thay vào đó, chính chúng ta cần đi và nhìn thấy chúng,
dành thời gian ở bên, lắng nghe những câu chuyện của họ và so sánh với thực tế.”
Đức Thánh Cha cảnh báo một tình trạng, có những người rơi vào sự tự mãn, cho
mình là bậc thầy của mọi người, không dành thời gian tiếp xúc và tìm hiểu các vấn
đề, để có thể thấu hiểu từng hoàn cảnh trước khi viết bài. Họ chỉ ngồi một chỗ
và đưa ra những phán đoán, kết án thiếu bác ái và thiếu sự thật. Cũng trong sứ
điệp này, Đức Thánh Cha nói về sự hữu ích của internet và các trang mạng. Ngài
mời gọi chúng ta sử dụng phương tiện truyền thông nhắm đến việc loan báo Tin Mừng,
làm lan tỏa tình yêu thương thay vì hận thù. Nhưng, để cho Tin Mừng có thể lay
động được tâm hồn nhiều người, thì vẫn cần phải có những chứng nhân của tình
yêu thương, là những người thật việc thật. Những việc làm yêu thương có khả
năng chạm đến trái tim tâm hồn của người khác.
Thưa quý OBACE, mừng lễ Chúa Lên Trời hôm nay, nhắc cho
mỗi người nhớ rằng, quê hương đích thật của chúng ta không phải là ở thế gian
này, nhưng là Nước Trời. Mỗi ngày sống là mỗi ngày ta tiến đến gần với quê nhà
mình hơn. Tuy nhiên, có nhiều người trở về nhưng bị lạc đường hoặc vì mang nhiều
thứ hành lý cồng kềnh, khiến không thể bước vào nhà Cha của mình được. Những
người này đã chọn đi theo đường tắt hoặc đi theo con đường thênh thang dễ dãi,
nên đã không thể về tới nhà. Những người kia lại mang những hành lý là những
đam mê, thói hư tật xấu, tội lỗi, không phù hợp với Nước Trời khiến họ không thể
bước qua cửa mà vào Nước Trời.
Sống trong thời công nghệ internet, các trang mạng đã
trở thành quen thuộc với người già, người trẻ. Những trang mạng thông tin này
có rất nhiều điều hay điều tốt, nhưng cũng chứa nhiều điều xấu và những thứ có
thể hủy hoại tâm hồn và đời sống của con người. Nếu không được hướng dẫn và
không có một quyết tâm, nhiều người bị cuốn hút vào những trang mạng bẩn. Nhưng
trang mạng bẩn này nó hủy hoại tâm hồn, làm mất khả năng yêu thương, nó biến
con người thành ích kỷ và làm nô lệ cho nó.
Xin Chúa giúp chúng ta biết sống trong sự hiện diện của
Chúa, luôn nhận ra Chúa hằng ở bên nâng đỡ bảo vệ. Xin Chúa biến chúng ta trở
nên những chứng nhân đáng tin, loan báo Tin Mừng tình thương của Chúa cho anh
em qua chính đời sống của chúng ta. Amen.
Lm Giuse Đỗ Đức Trí