Trang Chủ > Suy Niệm > Mùa Phục Sinh

TÌNH YÊU ĐÍCH THỰC LUÔN LÀ SỰ HY SINH

CN VI MPS.jpg

Thưa quý OBACE, có lẽ vì tình yêu không thể diễn tả hết bằng từ ngữ mà chỉ có thể cảm nhận được bằng trái tim, vì thế tình yêu vẫn là điều khiến cho nhiều người ngộ nhận. Đặc biệt, nhiều người trẻ hôm nay không phân biệt được sự khác nhau giữa tình cảm, cảm xúc, tình yêu và tình dục. Vì thế, có nhiều người lao vào cuộc tình, hoặc tình cảm một cách mù quáng như con thiêu thân lao vào ngọn đèn, để rồi bị chính ngọn lửa đó thiêu đốt làm cháy rụi cuộc đời. Khi tỉnh ngộ thì đã quá muộn, người đó phải trả bằng một cái giá rất đắt, hoặc một cuộc đời giang dở, lạc lối. Thực ra, tình yêu không phải là nơi để con người hưởng thụ, thỏa mãn, nhưng luôn đòi sự hy sinh, sự trao tặng, đón nhận và giúp thăng hoa con người.

Ngôn ngữ của người Việt đôi khi khiến cho nhiều người nhẫm lẫn các khái niệm như vừa nói. Trong ngôn ngữ Hy lạp, tình yêu được dùng bằng những từ khác nhau và có ý nghĩa khác nhau tùy theo mức độ. Mức độ đầu tiên: tình yêu Eros là tình yêu mang tính cách nhục dục; Filia là tình yêu giống như tình bạn, có sự tôn trọng, cảm phục; sau cùng là tình yêu Agape là sự chia sẻ, gắn bó, hy sinh. Thiên Chúa yêu nhân loại chúng ta bằng tình yêu Agape này và Ngài muốn chúng ta yêu Chúa và yêu nhau cũng bằng tình yêu Agape, chứ không dừng lại ở tình yêu Eros hoặc Filia.

Chúa Giêsu đến thế gian, Ngài làm cho tình yêu được sáng tỏ, cụ thể qua sự hy sinh tự hiến của Ngài. Chúa đưa ra cho các môn đệ một hình ảnh minh họa cụ thể: “Không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của Người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu. Chủ đề tình yêu được Chúa Giêsu sống và rao giảng trong suốt cuộc đời của Ngài. Nội dung Tin Mừng của Chúa chính là nói cho nhân loại biết: Thiên Chúa yêu thương con người.

Thiên Chúa Cha yêu Chúa Giêsu bằng một tình yêu phụ tử, tức là tình yêu của người cha hy sinh cả cuộc đời cho con và vì con. Những ai đã từng làm cha mẹ, thì sẽ cảm nhận, sẽ hiểu được thế nào là tình thương dành cho con cái. Tình yêu ấy có những lúc dường như vô lý, nhưng nó lại mang cái lý của tình phụ tử hoặc mẫu tử. Thiên Chúa Cha yêu thương nhân loại cũng bằng tình yêu ấy, đến nỗi chấp nhận hy sinh, trao tặng chính Con Một của Ngài cho thế gian. Chúa Giêsu đến thế gian, chấp nhận hy sinh tất cả vì yêu mến vâng phục Chúa Cha và vì yêu thương nhân loại. Do đó, Chúa tóm tắt cho các môn đệ thấy: “Như Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến các con như vậy. Chúa muốn các môn đệ là mỗi chúng ta: “Anh em hãy ở lại trong tình yêu của Thầy.

“Ở lại trong tình yêu” là gì? Là như đứa con thơ ở lại trong vòng tay yêu thương ấm áp và an toàn của cha mẹ, để cho cha mẹ yêu thương chăm sóc và bảo vệ. Ở lại trong tình yêu cũng giống như đôi bạn trẻ yêu nhau, luôn ở lại bên nhau, nên một với nhau, ở trong tâm hồn trong trái tim của nhau, cho dù có cách xa về địa lý, không gian. Khi nói: “Hãy ở lại trong tình yêu của Thầy” là Chúa cũng muốn chúng ta dành cho Chúa một tình yêu gắn bó trọn vẹn.

“Nếu anh em tuân giữ các giới răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy. Tình yêu đích thật không chỉ là trao tặng, đón nhận, nhưng luôn có sự đáp trả. Trong tình yêu, càng đón nhận nhiều lại càng muốn trao tặng nhiều, càng yêu nhiều, càng muốn đáp trả nhiều hơn. Tình yêu như thế đưa đến sự thăng hoa của con người. Cũng vậy, Chúa Giêsu yêu thương nhân loại và Người chờ đợi sự đáp trả của con người đối với tình yêu của Ngài, bằng việc tuân giữ giới răn lề luật của Chúa.

Khi đón nhận, cảm nghiệm được tình yêu của Thiên Chúa dành cho mình, Chúa muốn chúng ta cũng đem tình yêu ấy đến với anh chị em: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình.” Trong cuộc sống, chúng ta có thể thấy có những người cha, người mẹ dám hy sinh cả cuộc đời và cả mạng sống cho con của mình, nhưng bạn hữu hy sinh cho nhau thì không dễ. Có những người dám hy sinh cho người thân trong gia đình, nhưng Chúa muốn chúng ta dành cho cả “người dưng” tình yêu thương như thể người thân trong gia đình. Vì trước mặt Thiên Chúa tất cả đều là anh chị em với nhau, là hình ảnh của Chúa và là con cùng một Cha. Vì thế, khi các Kitô hữu dám yêu người chung quanh bằng một tình yêu hy sinh quảng đại như Chúa, ta sẽ trở nên bạn thân của Chúa. Ta sẽ được Chúa ở bên, tâm sự và cùng chia vui sẻ buồn.

Tông đồ Phêrô đã thực hiện lời mời gọi sống tình yêu hy sinh của Chúa. Ông đón nhận những người dân ngoại trở nên anh em con cùng một Chúa, mời gọi họ gia nhập vào Giáo Hội. Phêrô bước vào nhà ông Cornêliô, ông này ra đón và phủ phục dưới chân Phêrô. Phêrô đỡ ông dậy và nói: “Xin ông đứng dậy, vì bản thân tôi đây cũng chỉ là người phàm… Thiên Chúa không thiên vị người nào. Những ai kính sợ Thiên Chúa… thì đều được Người tiếp nhận.” Đang lúc Phêrô còn đang nói thì Chúa Thánh Thần đã ngự xuống trên tất cả mọi người đang nghe Lời Chúa. Điều này cho thấy, Chúa Thánh Thần là Đấng liên kết toàn thể các dân tộc và quy tụ, làm cho họ trở nên một dân mới.

Tác giả thư Gioan đã trải qua kinh nghiệm sống bên Chúa Giêsu và mời gọi chúng ta sống yêu thương nhau bằng một tình yêu hy sinh như Chúa đã yêu: “Anh em hãy yêu thương nhau, vì tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa. Mỗi chúng ta đều được Thiên Chúa sinh ra và được nhận biết Thiên Chúa, mà Thiên Chúa là Tình Yêu. Vì thế, khi chúng ta càng sống yêu thương, càng dám hy sinh vì Chúa và vì anh em, ta càng trở nên giống Thiên Chúa hơn.

Thưa quý OBACE, tình yêu là đề tài xưa như trái đất, nhưng sống tình yêu lại là điều luôn mới mẻ và hấp dẫn như chưa có bao giờ. Tuy nhiên, trong mỗi người vẫn mang tính ích kỷ, ta có xu hướng giới hạn tình yêu vào một số người và một số hành động. Đứng trước lời mời gọi yêu thương của Chúa, ta thường nấn ná, tính toán thiệt hơn, không dám quảng đại và ngại hy sinh. Ngay trong đời sống gia đình, nhiều người đã đánh mất tình yêu quảng đại hy sinh tự hiến của đời sống vợ chồng. Họ biến cuộc sống chung trở nên như việc thi hành một bản hợp đồng, hơn là sự gắn bó trọn đời mà Bí tích Hôn nhân đòi hỏi.

Gia đình được Thiên Chúa dựng nên giống hình ảnh gia đình của Thiên Chúa, là cộng đoàn của tình yêu thương hiệp thông, chia sẻ và hy sinh. Nhưng càng ngày, do bị cuốn hút bởi công ăn việc làm, cơm áo, gạo tiền, địa vị, tương quan xã hội, nhiều người đã để cho gia đình mất đi bầu khí yêu thương. Trong gia đình, vợ chồng, cha mẹ và con cái không còn dám quảng đại hy sinh trọn vẹn cho nhau. Nhiều gia đình đã không còn là hình ảnh của gia đình Thiên Chúa, nhưng đã bị bóp méo, dị dạng bởi rượu chè, bạo lực, cãi vã. Chúng ta được Lời Chúa hôm nay mời gọi làm mới lại tình yêu trong gia đình. Các thành viên biết dành cho nhau một tình yêu đích thật; cha mẹ hy sinh cho nhau và cho con cái; con cái biết ở lại trong tình yêu của gia đình của cha mẹ; và mọi người cùng ở lại trong tình yêu của Chúa. Gia đình ở lại trong tình yêu của Chúa là gia đình biết đặt Chúa làm ưu tiên của mọi sinh hoạt trong gia đình mình; gắn bó và trung thành với giới răn lề luật Chúa trong việc sinh sản nuôi dạy con cái và trong công việc làm ăn của gia đình; biến việc dâng lễ, đọc kinh cầu nguyện, nhất là giờ kinh tối trở thành sinh hoạt thiết yếu của gia đình mỗi ngày.

Nhiều bạn trẻ ngày nay nhầm lẫn giữa tình yêu và tình dục. Họ lao vào đời sống tình dục cách buông thả mà tưởng đó là tình yêu. Nhiều bạn trẻ khác không biết làm cho tình yêu của mình trở nên trong sáng thăng hoa cuộc đời mình. Tình yêu là quà tặng từ Thiên Chúa, được ban riêng cho con người. Chỉ có con người mới có trái tim biết yêu thương. Vì thế, khi mỗi người sống tình yêu thương đích thực sẽ làm cho chúng ta thành người hơn và khi biết sống tình yêu hy sinh quảng đại như Chúa sẽ làm cho ta trở nên giống Chúa hơn.

Xin Chúa làm cho bài học yêu thương của Chúa thấm vào trong nhịp sống của mỗi tín hữu, giúp ta sống và thực hành bài học yêu thương của Chúa mỗi ngày trong cuộc đời của mình. Amen.

Lm Giuse Đỗ Đức Trí


Các bài viết mới hơn
     Suy niệm Lời Chúa Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống_Lm Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy niệm Lời Chúa Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống_Lm Đan Vinh - HSTM
     Suy niệm Lời Chúa Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống_Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần VII Phục Sinh_Nt. M. Anh Thư, OP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần VII Phục Sinh_Tân Quang
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần VII Phục Sinh_Lm Giuse Nguyễn Duy Khang
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Ba Sau Tuần VII Phục Sinh_Thầy Phêrô_Maria. Mảnh vỡ. FVP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Hai Tuần VII Phục Sinh_ Nt. Têrêsa Nguyễn Thị Kim Tuyến, OP
     Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật Lễ Chúa Thăng Thiên_Lm Đan Vinh - HSTM
     Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật Lễ Chúa Thăng Thiên_Lm Giuse Đỗ Đức Trí

Các bài viết cũ hơn
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần V Mùa Phục Sinh - Lm Duy Khang
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần V Mùa Phục Sinh - Nt. Anna Têrêxa Thiên Hoàng, O.P.
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần V Mùa Phục Sinh - Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần V Mùa Phục sinh - Nt. M. Anh Thư, OP
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần V Mùa Phục Sinh - Lm. Minh Anh, Tgp. Huế
     Suy Niệm Lời Chúa Lễ Kính Hai Thánh Phi-líp-phê và Gia-cô-bê Tông Đồ - Nt Anna Kim Luyến SSS
     Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật Tuần V Mùa Phục Sinh - LM ĐAN VINH – HHTM
     Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật Tuần V Mùa Phục Sinh - Lm Giuse Đỗ Đức
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần IV Mùa Phục Sinh - Lm J.P
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần IV Mùa Phục Sinh - Nt. Thiên Thảo. SJP