Trang Chủ > Suy Niệm > Mùa Phục Sinh

Ở LẠI TRONG TÌNH YÊU

thu 4 tuan V.jpg

LỜI CHÚA: Ga 15,1-8

1 Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Thầy là cây nho thật, và Cha Thầy là người trồng nho. 2 Cành nào gắn liền với Thầy mà không sinh hoa trái, thì Người chặt đi; còn cành nào sinh hoa trái, thì Người cắt tỉa cho nó sinh nhiều hoa trái hơn. 3 Anh em được thanh sạch rồi nhờ lời Thầy đã nói với anh em. 4 Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em. Cũng như cành nho không thể tự mình sinh hoa trái, nếu không gắn liền với cây nho, anh em cũng thế, nếu không ở lại trong Thầy. 5 “Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được. 6 Ai không ở lại trong Thầy, thì bị quăng ra ngoài như cành nho và sẽ khô héo. Người ta nhặt lấy, quăng vào lửa cho nó cháy đi. 7 Nếu anh em ở lại trong Thầy và lời Thầy ở lại trong anh em, thì muốn gì, anh em cứ xin, anh em sẽ được như ý. 8 Điều làm Chúa Cha được tôn vinh là: Anh em sinh nhiều hoa trái và trở thành môn đệ của Thầy”.

SUY NIỆM

Tại một cuộc hội thảo về đối thoại liên tôn, có Đức Đạt Lai Lạt Ma và thần học gia Leonardo Boff cùng tham dự. Lúc tạm nghỉ, thần học gia tiến lại hỏi Đức Lạt Ma: - Thưa ngài, theo ngài tôn giáo nào là tốt nhất? Nhà thần học nghĩ thầm chắc ngài sẽ nói Phật giáo Tây Tạng hoặc các tôn giáo phương Đông lâu đời hơn Kitô giáo.

Đức Lạt Ma trầm ngâm giây lát và nói: - Tôn giáo tốt nhất là tôn giáo đưa anh đến gần Đấng Tối Cao; là tôn giáo giúp anh trở thành con người tốt, biết sống thương cảm hơn, biết hành động theo lẽ phải, biết sống từ bỏ, đối xử dịu dàng và nhân hậu hơn, sống có trách nhiệm và đạo đức hơn. Anh bạn ơi, tôi không quan tâm đến tôn giáo của anh hoặc anh có ngoan đạo hay không. Điều tôi quan tâm là cách cư xử của anh đối với người đồng loại, với gia đình, với cộng đồng và thế giới. Hãy nhớ rằng vũ trụ sẽ phản ánh lại những hành động và tư tưởng của chúng ta. Chúng ta sẽ nhận được những gì chúng ta làm cho người khác. Hạnh phúc không phải là số mệnh. Đó là cách mà chúng ta lựa chọn.

Khi tạo dựng, Thiên Chúa đặt trong trái tim con người nỗi khát vọng hướng về điều thiện, sự cao cả, niềm linh thánh. Vì thế con người dù phàm tục yếu hèn nhưng vẫn khắc khoải tìm kiếm chân lý sự thật, tìm niềm vui và hạnh phúc. Có nhiều phương cách giúp ta đạt được mục đích tối hậu, đó là sống yêu thương, công bằng, tin tưởng trong mọi cơn gian nan thử thách. Tìm kiếm đưa đến gặp gỡ. Gặp gỡ kết tạo tương giao. Tương giao gần gũi đưa đến cảm thương yêu mến. 

Tin Mừng của thánh Gioan chương 15 chuyển tải một sứ điệp quan trọng, đó là tình yêu của Thiên Chúa. Có thể nói, toàn bộ sách Tin Mừng được thánh sử Gioan nén lại trong một chương ngắn gọn nhưng chứa đựng nhiều tầng ý nghĩa về tình yêu. Chúa Giêsu nhắc đi nhắc lại 8 lần hạn từ “ở lại” trong tình yêu. Từ “ở lại” được hiểu theo hai nghĩa, “ở lại” về thể lý và “ở lại” về thiêng liêng. Chắc chắn Chúa Giêsu không chỉ nói đến trạng thái “ở lại” về thể lý nhưng Người ao ước “ở lại” về thiêng liêng, nghĩa là ở lại trong sự kết hợp thâm sâu của tình yêu.

Đọc Tin Mừng thánh Gioan, chúng ta như được thưởng thức một bản tình ca tuyệt đẹp mà trong đó “tình yêu” được xem là một “âm chủ”. Ngay từ Lời Tựa, thánh Gioan đã giới thiệu cho nhân loại về “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta” (Ga 1,14). Như vậy, sứ mạng và mong ước của Thiên Chúa là ở lại giữa loài người. Ở lại để cảm thông chia sẻ thân phận yếu đuối của loài người, ở lại để thánh hóa và làm cho thế gian có một ý nghĩa mới. Ở lại như một người bạn thân thiết hay như một người tình chung thủy sắt son. Chúa Giêsu cũng tha thiết muốn chúng ta ở lại trong Thiên Chúa bằng cách thực thi lời Chúa dạy là sống yêu thương đối với anh em chị xung quanh.

“Ở lại trong tình yêu” là khát mong cháy bỏng nhất khiến Chúa Giêsu không ngừng nhắc đi nhắc lại với các môn đệ. Trong diễn từ về bánh hằng sống, Chúa Giêsu đã nói về trạng thái “ở lại” như là sự kết hợp và trao hiến của tình yêu: “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi và tôi ở lại trong người ấy” (Ga 6,56). Điều này cho thấy đặc tính của tình yêu là trao tặng nhưng không mất mát mà để được nên một với người mình yêu. Hôm nay, Chúa Giêsu dùng hình ảnh cành nho gắn liền với cây nho để nói lên sự gắn kết cần thiết, để có sự sống và sinh nhiều hoa trái.

Được “ở lại” trong một đối tượng là một nhu cầu thâm sâu của con người. Bởi lẽ chúng ta được tạo dựng để sống cùng, sống với tha nhân, sống cho nhau và sống vì nhau. Nếu tách mình ra khỏi các mối liên hệ cộng đồng nhân loại, ta sẽ rơi vào nỗi cô đơn tột cùng. Sở dĩ Thiên Chúa tạo dựng chúng ta có hai tay là để cầm nắm, để ôm ấp chở che. Nếu chúng ta không mở rộng đôi tay để đón nhận người khác, chúng ta sẽ rơi vào tư thế của kẻ cô đơn. Còn khi chúng ta mở rộng đôi tay và con tim cho mọi người, vòng tay chúng ta càng rộng, con tim càng tràn đầy tình yêu thương.

Khi yêu ai chúng ta thường mong muốn được ở gần và ở trong người mình yêu như ‘chim liền cánh như cây liền cành’. Tình yêu đích thực là chúng ta tìm thấy chính mình trong người yêu. Như Chúa Cha đã tìm thấy mình trong Chúa Con và Người Con đó cũng gặp lại mình trong người Cha. Như vậy tình yêu cũng chính là cuộc gặp gỡ. Khi tình yêu vắng bóng, dù có ở bên cạnh nhau người ta cũng không nhìn thấy nhau. Trái lại tình yêu đích thực thì xóa nhòa mọi khoảng cách. Có một câu danh ngôn nói rằng: “Khi bạn yêu một ai với tất cả trái tim mình, thì tình yêu đó không bao giờ mất đi, ngay cả lúc hai người phải chia xa”. Đặc tính của tình yêu là luôn tạo nên một sự gắn kết bền chặt giữa hai tâm hồn. Bởi yêu là đi tới, là hướng về người mình yêu. Đức Bênêđictô XVI đã từng xác quyết: “Con người mang trong mình một khát vọng sự vô tận, một nỗi nhớ nhung sự vĩnh cửu, một kiếm tìm vẻ đẹp, một ước mong tình yêu, một nhu cầu ánh sáng và sự thật đẩy nó tới với Đấng Tuyệt Đối: con người mang trong mình ước mong Thiên Chúa. Và trong một cách thức nào đó, con người biết nó có thể hướng tới Thiên Chúa và cầu khẩn Ngài”.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã yêu nhân loại bằng tình yêu trao hiến trọn vẹn. Cuộc khổ nạn và phục sinh của Chúa đã thực sự xóa đi mọi khoảng cách. Từ đây, mọi trở ngại của tội lỗi con người đã được xóa bỏ nhường lại cho nhịp cầu sự sống. Con người không còn phải sống trong cảnh cách biệt giữa trời với đất, giữa phàm nhân với Thần Linh. Xin cho chúng con biết khiêm tốn ở lại trong tình yêu của Chúa để thưởng nếm những ân phúc thiêng liêng ngọt ngào. Nhờ hồng ân gần gũi “bạn hữu” với Chúa, chúng con càng thêm mạnh sức và hăng say ra đi loan báo Tin Mừng. Amen.

Nt. M. Anh Thư, OP

 

 

 

 


Các bài viết mới hơn
     Suy niệm Lời Chúa Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống_Lm Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy niệm Lời Chúa Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống_Lm Đan Vinh - HSTM
     Suy niệm Lời Chúa Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống_Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần VII Phục Sinh_Nt. M. Anh Thư, OP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần VII Phục Sinh_Tân Quang
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần VII Phục Sinh_Lm Giuse Nguyễn Duy Khang
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Ba Sau Tuần VII Phục Sinh_Thầy Phêrô_Maria. Mảnh vỡ. FVP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Hai Tuần VII Phục Sinh_ Nt. Têrêsa Nguyễn Thị Kim Tuyến, OP
     Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật Lễ Chúa Thăng Thiên_Lm Đan Vinh - HSTM
     Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật Lễ Chúa Thăng Thiên_Lm Giuse Đỗ Đức Trí

Các bài viết cũ hơn
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần V Mùa Phục Sinh - Lm. Minh Anh, Tgp. Huế
     Suy Niệm Lời Chúa Lễ Kính Hai Thánh Phi-líp-phê và Gia-cô-bê Tông Đồ - Nt Anna Kim Luyến SSS
     Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật Tuần V Mùa Phục Sinh - LM ĐAN VINH – HHTM
     Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật Tuần V Mùa Phục Sinh - Lm Giuse Đỗ Đức
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần IV Mùa Phục Sinh - Lm J.P
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần IV Mùa Phục Sinh - Nt. Thiên Thảo. SJP
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần IV Mùa Phục Sinh - Lm Tam Thái
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần IV Mùa Phục Sinh _ Nt. Anna Têrêxa Thiên Hoàng, O.P.
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Hai Tuần IV Mùa Chay - Lm Duy Khang
     Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật Tuần IV Mùa Phục Sinh - Lm. Giuse Đỗ Đức Trí