Ở LẠI
TRONG TÌNH YÊU
Kính thưa quý OBACE, “ở lại” và “ra đi”
không chỉ là một cặp từ người ta thường dùng, mà nó còn diễn tả hai thái độ hoàn
toàn đối nghịch nhau, gợi lên hai hình ảnh hoàn toàn trái ngược nhau: Ở lại gợi
lên hình ảnh quay mặt lại để nhìn nhau đối thoại, còn ra đi gợi lên hình ảnh
quay lưng lại với nhau, là đoạn tuyệt. Trong Kinh Thánh có một vài lần nói đến
việc bỏ đi hoặc ra đi: Người thanh niên giàu có đến hỏi Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sống đời
đời?”. Chúa Giêsu đã nói với anh: “Hãy
về bán tất cả của cải anh có, chia sẻ cho người nghèo và đến đây theo tôi”.
Tin Mừng ghi nhận: “Nghe thấy thế, anh ta
bỏ đi, vì anh có nhiều của cải”. Thánh Gioan cũng thuật lại chuyện xảy ra vào
bữa Tiệc Ly: “Sau khi Giuđa nhận miếng
bánh rồi, hắn chỗi dậy và bỏ đi. Lúc đó trời tối”. Cả hai câu chuyện đều
cho thấy, một khi đã bỏ Chúa mà đi, tức là đã chọ một thái độ đoạn tuyệt hoàn
toàn với Chúa và cái kết là sự tăm tối và sự chết.
Hôm nay, chỉ một đoạn ngắn trong Tin Mừng Gioan, Chúa
Giêsu đã tới tám lần lặp lại lời kêu mời các tông đồ: “Hãy ở lại trong Thầy”. Điều đó cho thấy, việc ở lại là hết sức cần thiết và hết sức quan trọng đối với mỗi người
môn đệ của Chúa. Chúa Giêsu dùng một hình ảnh hết sức cụ thể đó là cây nho và
cành để nói về việc ở lại, gặp gỡ, đối thoại và hiệp thông: “Thầy là cây nho thật, và Cha Thầy là người
trồng nho. Cành nào gắn liền với Thầy mà không sinh trái, thì Người chặt đi;
còn cành nào sinh hoa trái, thì Người cắt tỉa để nó sinh nhiều trái hơn”.
Đức Giêsu chính là Cây Nho và mỗi chúng ta là cành. Tuy
nhiên, không phải cành nào cũng khỏe mạnh sinh nhiều hoa trái như nhau. Việc
cành khỏe mạnh và sinh hoa trái, tùy thuộc vào việc nó được gắn kết cách chặt
chẽ với thân cây và đón nhận được chất dinh dưỡng từ thân cây chuyển thông.
Trái lại những cành èo uột là cành gắn kết cách hờ hững, không đón nhận được nhựa
sống từ cây chuyển đến. Đàng khác, tất cả mọi cành đều phải chấp nhận sự cắt tỉa
của chủ vườn là Thiên Chúa Cha. Những cành èo uột, sau khi được chăm sóc mà
không ra trái thì sẽ bị cắt bỏ và ném vào lò lửa. Còn những cành ra trái cũng vẫn
phải chấp nhận được cắt tỉa thường xuyên để sinh trái nhiều hơn.
Điều mà Thiên Chúa là Chủ vườn mong đợi nơi mỗi chúng
ta, không phải là có nhiều cành lá xum xuê nhưng là sinh trái. Ngài muốn tất cả
mọi người khi đón nhận được nhựa sống từ gốc nho Giêsu thì đều phải sinh trái
và tiếp tục được cắt tỉa bằng Lời của Chúa để có thể sinh nhiều hoa trái hơn. Để
có thể sinh trái, cần phải có một điều kiện vô cùng quan trọng, đó là: “Hãy ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong
anh em”. Ở lại có nghĩa là gắn kết, là đối thoại thân mật, là hiệp thông. Ở
lại còn là đón nhận sự sống từ chính gốc nho Giêsu thông truyền cho ta, là nên
cùng một chủng, một loại, một gen với gốc nho Giêsu. Có như thế chúng ta mới có
thể trở nên một cành nho khỏe mạnh và có thể sinh nhiều hoa trái. Trái lại, nếu
ta tự mình tách lìa khỏi thân cây Giêsu, ta sẽ bị khô héo; nếu ta chỉ gắn kết với
thân nho Giêsu cách hờ hững, ta sẽ không đón nhận được sức sống từ nơi Chúa, sẽ
trở nên èo uột, sẽ bị chặt đi, và bị ném vào lò lửa. Một điều Chúa Giêsu bảo đảm
cho tất cả chúng ta, đó là khi ta ở lại trong Chúa, để cho Lời Chúa cắt tỉa, thì muốn gì anh em cứ xin, anh em sẽ được
như ý.
Ở lại trong Chúa Giêsu, ta sẽ sinh những hoa trái nào?
Saolô trước đây chưa được ở lại trong Đức Giêsu, ông chỉ là một cành cây hoang
dại, sinh trái chua, quả đắng, gây đau khổ chết chóc cho nhiều người. Nhưng từ
khi bị Chúa Giêsu quật ngã trên đường Đamas, Phaolô đã được tháp nhập vào gốc
nho Giêsu, đón nhận được nhựa sống từ Chúa phục sinh, được Tin Mừng của Chúa cắt
tỉa, ông đã trổ sinh nhiều hoa trái trong cuộc đời.
Câu chuyện trong sách Công Vụ cho thấy, khi Phaolô trở
lại, được kết hợp với gốc nho Giêsu, ông còn được trồng vào trong vườn nho của
Giáo Hội qua việc giới thiệu của Barnaba. Khi đó, các Kitô hữu chỉ nghe biết về
một Saolô hung hăng ngông cuồng ra tay tàn sát các Kitô hữu. Khi nghe đến tên
Saolô, họ sợ hãi và từ chối ông. Lúc đó tông đồ Barnaba đứng ra bảo lãnh cho
Phaolô với cộng đoàn tín hữu. Ông kể cho mọi người thấy việc kỳ diệu Chúa đã
làm để biến đổi Saolô từ một cành nho hoang dại, thành một Phaolô mạnh dạn nói
về Chúa Kitô. Hơn nữa, Barnaba còn giới thiệu Phaolô với các Tông đồ. Từ đó, Phaolô
đã trở nên cộng tác viên, là anh em trong cộng đoàn các Tông đồ, cùng với các
Ngài rao giảng về Chúa cho dân ngoại. Chúng ta thấy Thiên Chúa đã làm cho cành
nho Phaolô sinh ra rất nhiều hoa trái cho Chúa và Hội Thánh. Ông miệt mài đem
Tin Mừng của Chúa đến cho dân ngoại, thành lập nhiều giáo đoàn và còn để lại
cho Giáo Hội một kho tàng suy tư thần học sâu sắc về Thiên Chúa.
Theo thư Gioan, tình yêu thương cụ thể chúng ta dành
cho nhau là hoa trái ngọt ngào được trổ sinh từ những cành nho gắn liền với
thân nho Giêsu. Thư Gioan dạy rằng: “Anh
em đừng yêu thương bằng lời nói trên môi, nhưng yêu thương cách chân thật bằng
việc làm. Căn cứ vào điều đó để biết rằng chúng ta đứng về phía sự thật”. Đồng
thời, khi chúng ta tin và đến cùng Thiên Chúa, tuân giữ giới răn của Người, làm
những điều đẹp ý Người, chúng ta sẽ đón nhận được sự sống từ nơi Thiên Chúa.
Vì, “ai tuân giữ điều răn của Thiên Chúa
thì ở lại trong Thiên Chúa và Thiên Chúa ở trong người ấy”.
Thưa quý OBACE, qua hình ảnh cành nho gắn liền với thân
nho sẽ sinh hoa trái, Lời Chúa mời gọi chúng ta ở lại với Chúa, sống gắn bó với
Chúa Giêsu một cách bền chặt như cành gắn liền với cây. Nhờ Bí tích Rửa Tội,
chúng ta được tháp nhập vào Đức Kitô, song thực tế, chúng ta vẫn chỉ là những
cành èo uột, không phát triển, vì ta chưa gắn bó cách “liền da liền thịt” với
cây gốc Giêsu. Chúng ta sống hờ hững, không đón nhận ân sủng và sức sống của
Chúa qua các Bí tích; chúng ta từ chối không để cho Tin Mừng cắt tỉa mỗi ngày. Vì
thế chúng ta không sinh được hoa trái thánh thiện tốt lành cho mình và cho mọi
người.
Thiên Chúa là Chủ vườn nho. Ngài mong muốn và chờ đợi
chúng ta sinh nhiều hoa trái. Ngài không ngừng yêu thương chăm sóc chúng ta từng
ngày; Ngài tưới gội trên chúng ta bằng tình yêu thương và chăm bón cho chúng ta
bằng ân sủng. Thiên Chúa muốn chúng ta gắn bó với Chúa Giêsu như Phaolô đã gắn
bó một đời với Đức Giêsu và đã sinh ra một mùa hoa trái cho Giáo Hội. Đức Giêsu
cũng muốn chúng ta gắn bó với Ngài để đón nhận được sự sống và tiếp tục sinh ra
những hoa trái yêu thương, đem lại hương vị ngọt ngào cho đời.
Mỗi gia đình là một cây nho trong vườn nho của Chúa là
Giáo Hội. Vì thế các cha mẹ cần được tháp nhập cách mật thiết với Chúa mỗi
ngày. Chỉ khi dám tháp cuộc đời, mọi sinh hoạt, mọi công viêc của gia đình vào
gốc nho là Chúa Giêsu, chúng ta mới có thể sinh ra những hoa trái ngon ngọt cho
gia đình cho Giáo Hội. Chúng ta tháp nhập mình vào gốc nho Giêsu có nghĩa là ở
lại trong sự thân tình với Chúa qua cầu nguyện, nghe Lời Chúa, đón nhận các bí
tích và làm các việc hy sinh vì Chúa và vì vợ, vì chồng vì con cái. Chúa sẽ làm
cho hoa tình yêu đơm bông và trái hạnh phúc trổ sinh trong gia đình ta.
Chúa Giêsu khao khát và mong muốn các bạn trẻ và mỗi
người ở lại trong Ngài để Ngài cũng ở lại trong chúng ta. Chúa muốn ta ở lại
trong vòng tay của Chúa để được Chúa yêu thương, chăm sóc, bảo vệ, hướng dẫn. Đừng
cố gắng tách mình ra khỏi vòng tay của Chúa, cũng đừng tự mình quyết định cuộc
đời mà không cần đến sự trợ giúp của Chúa, hoặc xem nhẹ giới răn lề luật của
Chúa. Một khi ta dám sống gắn bó với Chúa, Chúa không lấy đi điều gì của ta,
nhưng Chúa sẽ làm cho cuộc đời, tuổi trẻ của ta thêm phóng phú và ý nghĩa. Chúa
sẽ làm cho cuộc đời ta trở nên có ích cho mình, cho gia đình và cho mọi người.
Xin Chúa giúp chúng ta nhận ra tình yêu thương của Chúa
và tin tưởng ở lại trong tình yêu của Chúa. Nhất là, xin cho chúng ta biết quảng
đại mở lòng ra để cho Chúa bước vào cuộc đời và ở lại trong tâm hồn ta. Nhờ có
Chúa ở trong ta và ta được ở trong Chúa, chúng ta được sống trong tình yêu và sinh
hoa trái là niềm vui và hạnh phúc Chúa ban. Amen.
Lm Giuse Đỗ Đức Trí