MỤC TỬ HY SINH MẠNG
SỐNG VÌ ĐOÀN CHIÊN
Chuyến tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô đến đất nước
Iraq vào đầu tháng ba vừa qua gây nhiều ấn tượng cho thế giới. Đức Thánh Cha cho
biết, mục đích của chuyến đi là một cuộc hành hương về lại quê hương của tổ phụ
Abraham, để cầu nguyện và cổ võ cho hòa bình, đối thoại, bao dung tại đất nước
này. Điều thế giới khâm phục đó là hình ảnh Đức Thánh Cha, một cụ già 84 tuổi,
bước thấp bước cao, một mình bước xuống sân bay trước sự chào mừng của người
dân Iraq. Iraq là một quốc gia đa số người Hồi giáo, trong đó có nhiều nhóm Hồi
giáo cực đoan. Người Công giáo trước đây khoảng 1 triệu ba trăm ngàn, nhưng hiện
nay, do chiến tranh, di cư và bị tàn sát, số người Công giáo chỉ còn khoảng 3
trăm ngàn; nhiều nhà thờ và cơ sở Công giáo đã bị phe Hồi giáo phá hủy. Đến
thăm thành phố Mosul, nơi thường xuyên xảy ra các cuộc đánh bom khủng bố, Đức Giáo
Hoàng vẫn di chuyển trên chiếc xe mui trần màu trắng quen thuộc để chào thăm
người dân tại đó. Việc làm này hết sức nguy hiểm cho tính mạng, nhưng vì muốn gần
gũi và cảm thông với một dân tộc đã bị quá nhiều đau khổ, Đức Thánh Cha đã đến
với họ mà không cần phải đi xe chống đạn. Ngài dâng Thánh Lễ tại chính ngôi Thánh
Đường đã xảy ra cuộc thảm sát trước đây khiến cho nhiều linh mục và giáo dân phải
chết.
Thưa quý OBACE, việc liều mình, không sợ nguy hiểm, để
đến thăm và an ủi đoàn chiên tại Iraq trong chuyến tông du vừa qua của Đức
Thánh Cha Phanxicô, là hình ảnh rất đẹp và cụ thể, nói lên tấm lòng của mục tử
hết mình vì đoàn chiên, chấp nhận hy sinh, kể cả mạng sống vì đoàn chiên.
Cứ theo lẽ thường, Đức Thánh Cha có thể không đến với đất
nước Iraq với lý do nạn dịch vẫn đang hoành hành, vì Ngài tuổi cao, sức khỏe có
hạn và vì nơi đó là một quốc gia bất ổn. Tuy nhiên, Ngài không quan tâm đến những
lý do đó. Ngài nhất quyết thực hiện bằng được chuyến viếng thăm trong hoàn cảnh
khó khăn này. Việc làm đó cho thấy lòng yếu mến của Ngài với Thầy Giêsu, Đấng
đã trao cho Phêrô và các đấng kế vị trách nhiệm: “Con hãy chăn dắt chiên con chiên mẹ của Thầy.” Đồng thời, cũng thể
hiện sự tận tâm, tận tình của Đức Thánh Cha đối với đoàn chiên đang bị tản mác,
đang gặp đau khổ, giết chóc.
Hình ảnh mục tử và đoàn chiên là hình ảnh rất gần gũi
và thân quen với người Do Thái. Đoàn chiên không chỉ là đàn vật, cũng không chỉ
là tài sản, mà người Do Thái yêu quý, chăm sóc như chính những đứa con của họ.
Con chiên trở nên như người bạn và là thành viên trong gia đình, cùng ăn, cùng
uống, cùng ngủ trong nhà với chủ. Người mục tử nhân lành là người dám hy sinh mạng
sống, chấp nhận sự nguy hiểm để đương đầu với sự tấn công của bầy sói dữ. Vì bảo
vệ đoàn chiên mà người mục tử chấp nhận phải mang thương tích, bị đổ máu. Người
mục tử tốt là người không ngại khổ, không ngại khó để tìm cho được đồng cỏ và
nguồn nước cho chiên. Khi con chiên đi lạc, người mục tử hết lòng để tìm kiếm
và đưa nó về, khi nó bị đau ốm, thương tích, người mục tử chăm sóc, băng bó và ẵm
bế nó như ẵm bế con mình.
Với những hình ảnh gần gũi đó, Chúa Giêsu đã nói với những
người Do Thái: “Tôi chính là Mục tử nhân
lành. Mục tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên.” Khi nói như
thế, chắc chắn mọi người nghe đều có thể hiểu và hình dung được sự hy sinh của
người mục tử đích thật khác với người chăn thuê. Chúa Giêsu chính là vị Mục tử
được Chúa Cha sai đến trần gian. Người không ngại để mang lấy thân phận con người,
cùng ăn, cùng sống, cùng chia sẻ thân phận con người với đoàn chiên nhân loại
chúng ta. Ngài chấp nhận mang vào mình tất cả mùi hôi hám, sự dơ bẩn của đoàn
chiên, để tẩy sạch, làm trắng nó bằng tình yêu thương và cái chết thập giá của
Ngài. Vì thế, Ngài biết từng con chiên với những nỗi niềm riêng tư của nó. Ngài
an ủi nâng đỡ và chữa lành vết thương trong tâm hồn của từng người bằng loại
thuốc là sự yêu thương, tha thứ và cảm thông. Ngài đến không phải để tàn sát
nhưng là để yêu thương và chữa lành; Ngài đến không phải để loại trừ nhưng để
tìm kiếm và đưa những con chiên lạc trở về. Để thể hiện tình yêu đến tột cùng
cho đoàn chiên, Chúa Giêsu còn trao ban chính Máu Thịt Mình làm Của ăn Của uống
cho đoàn chiên. Ngài đã trải qua một cuộc chiến kinh hoàng với bầy sói dữ là ma
quỷ, tội lỗi, thế gian và sự ác; Ngài chiến thắng nó bằng cây thập giá và sự phục
sinh của Ngài để đem lại cho đoàn chiên ơn giải thoát và sự sống mới.
Hôm nay, Chúa Giêsu cũng cho thấy, tình thương mục tử của
Ngài không giới hạn nơi những con chiên ngoan đạo, nhưng: “Tôi còn có những chiên khác không thuộc đàn này. Tôi sẽ phải đưa chúng
về, chúng sẽ nghe tiếng tôi và chỉ có một đòan chiên và một mục tử.” Điều này cho thấy khao khát của mục tử
Giêsu và cũng là sứ mạng của Ngài, là quy tụ tất cả mọi người, mọi đoàn chiên
khác trở về làm thành một đoàn chiên duy nhất, dưới quyền một mục tử duy nhất.
Cũng chính vì lý do đó, mà người mục tử sẵn sàng để chín mươi chín con trong
hoang địa để đi tìm một con chiên lạc. Điều đó cũng cho thấy, không một người
nào bị rơi ra ngoài sự quan tâm và tình yêu của Mục tử Giêsu.
Trước khi về trời, Chúa Giêsu đã không để cho đoàn
chiên bơ vơ, ngài đã chọn và trao cho Simon Phêrô sứ mạng yêu thương, chăm sóc tất cả các chiên con chiên mẹ của
Chúa. Chúa chỉ đòi ông một điều kiện duy nhất đó là lòng yêu mến và sự
trung thành. Ý thức được sứ mạng này, Phêrô đã miệt mài với sứ vụ chăm sóc cho
đoàn chiên của Chúa, bất kể lúc khó khăn hay thuận lợi. Câu chuyện sách Công Vụ
cho thấy, Phêrô đã đứng trước Thượng Hội Đồng Do Thái để lên tiếng bênh vực cho
việc cứu chữa một người què ngồi ăn xin ở Đền Thờ. Phêrô cũng mạnh dạn bảo vệ về
những điều ngài rao giảng đó là Đức Giêsu đã chết và sống lại: “Nhân danh Đức Giêsu, Đấng đã bị các ông
đóng đinh vào thập giá. Thiên Chúa đã làm cho Ngài trỗi dậy từ cõi chết. Chính
nhờ danh Ngài mà anh què này được chữa khỏi.”
Thưa quý OBACE, mỗi chúng ta là những con chiên trong
đoàn chiên của Mục tử Giêsu. Chúng ta được Ngài yêu thương chăm sóc và bảo vệ từng
ngày từng giờ. Chắc hẳn, mỗi chúng ta đều có thể cảm nhận được tình yêu thương
của Mục tử Giêsu dành cho mình. Ngài đã chấp nhận hy sinh chịu đau khổ và chịu
chết để cứu chúng ta khỏi tình trạng nô lệ của ma quỷ và tội lỗi. Ngài nuôi dưỡng
chúng ta mỗi ngày bằng máu thịt của Ngài. Qua Bí tích Giải tội, Mục tử Giêsu chữa
lành thương tích do tội gây nên trong tâm hồn, Ngài tha thứ và đón nhận ta.
Chúa Giêsu dùng Tin Mừng là Lời của Ngài bảo vệ hướng dẫn chúng ta. Đi theo sự
hướng dẫn của Mục tử Giêsu, chúng ta không còn sợ hãi vì có Chúa ở cùng, như lời
Thánh vịnh chúng ta vẫn hát: “Chúa chăn
nuôi tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi…”
Mỗi gia đình là một đàn chiên nhỏ được Chúa trao cho
các cha mẹ. Chúa không muốn bất cứ một ai đi lạc xa đàn, xa gia đình. Tuy nhiên,
nhiều người vì mải mê với những tiếng gọi từ xã hội, thế gian, nghiêng theo những
cám dỗ của ma quỷ, xác thịt, đã lạc xa gia đình của mình. Nhiều người con không
còn nghe được tiếng của Mục tử Giêsu qua cha mẹ. Vì thế, họ tự tách mình ra khỏi
đoàn chiên nhỏ là gia đình. Đàng khác, có thể vì sự nghi kỵ, thiếu bao dung,
thiếu tôn trọng, thiếu cảm thông, đã khiến cho anh em, khiến những người con
trong gia đình trở thành người đi xa đàn rồi dẫn đến lạc đàn.
Đoàn chiên của Chúa là Giáo Hội ngày nay vẫn đang bị tấn
công bởi nhiều thứ sói dữ. Chúng tìm cách để chia rẽ đoàn chiên của Chúa, làm mất
đi sự hiệp thông hiệp nhất mà Chúa mong muốn. Sói dữ ngày nay có thể là những
trào lưu chống phá Giáo Hội cách công khai. Sói dữ có thể là những nhóm người chủ
trương tấn công vào Kinh Thánh và giáo huấn của Giáo Hội khiến cho đoàn chiên bị
phân tán hoang mang.
Chúng ta cùng cầu nguyện cho đoàn chiên của Chúa là
Giáo Hội. Cầu nguyện cho có nhiều bạn trẻ quảng đại dành cuộc đời mình để phục
vụ Chúa và Giáo hội trong đời sống tu trì.
Xin Mục tử Giêsu ra tay bảo vệ che chở Giáo Hội trước
những đòn tấn công của thế giới tục hóa, hưởng thụ hôm nay và cho chúng sống gắn
bó, cùng nhau xây dựng hiệp thông và hiệp nhất trong đoàn chiên của Chúa là
Giáo Hội. Xin Mục tử Giêsu gọi nhiều các bạn trẻ tiếp bước theo Ngài để đem
tình thương của Chúa cho thế giới. Amen.
Lm Giuse Đỗ Đức Trí