KINH THÁNH LÀM CHỨNG VỀ CHÚA PHỤC SINH
Sách Công vụ kể lại, Thánh Phaolô trên hành trình truyền giáo đã đến và
rao giảng Tin Mừng tại đất nước Hy Lạp. Hy Lạp là một quốc gia đa thần, tức là
thờ cúng rất nhiều thần minh. Trong hành trình truyền giáo, Thánh Phaolô đã có
một bài giảng rất hay nói về Chúa Giêsu Phục sinh tại ngọn đồi Areopagô. Tuy
nhiên, khi Thánh Phaolô nói về việc Đức Giêsu từ cõi chết sống lại, thì người
dân Hy Lạp đã bỏ đi, không nghe nữa. Họ từ chối cách lịch sự với Phaolô: “Khi nào rảnh, chúng tôi sẽ nghe ông”.
Tương tự như vậy, thánh Phanxicô khi đặt chân đến Nhật Bản, ngài rao giảng Tin
Mừng Chúa Giêsu và nói về Nước Trời cho dân Nhật. Nhưng khi nói với họ về việc
Chúa đã chết và sống lại, chỉ một số rất ít tin theo.
Thưa quý OBACE, niềm
tin vào Chúa Giêsu phục sinh vẫn là một thử thách rất lớn cho nhiều người, khiến
họ không chấp nhận Tin Mừng. Vì trong thực tế lịch sử, người ta chưa từng thấy có
ai từ cõi chết sống lại bao giờ. Vậy mà các Tông đồ quả quyết: “Đức Giêsu đã sống lại, họ đã từng ăn uống với
Người sau khi Người từ cõi chết sống lại”. Để làm chứng cho đến cùng, các Tông
đồ đã chấp nhận cả cái chết để minh chứng cho điều mình rao giảng. Chúng ta
ngày nay là những thế hệ cách xa các Tông đồ gần hai ngàn năm, chúng ta không thấy
Chúa Giêsu phục sinh hiện ra, không thấy ngôi mộ đã trống và những khăn liệm. Vậy
thì dựa vào đâu để chúng ta đón nhận niềm tin Chúa Giêsu đã sống lại? Các bài đọc
Lời Chúa hôm nay trả lời cho chúng ta rằng: Kinh
Thánh và lời chứng của Giáo Hội là chứng cứ quan trọng nhất để chúng ta có thể
tin Chúa Giêsu đã sống lại.
Tin Mừng hôm nay kể
lại câu chuyện hai môn đệ trên đường Emmaus, sau khi nhận ra vị khách cùng đồng
hành chính là Chúa Giêsu, nhờ việc Ngài bẻ bánh trong bữa ăn tối hôm đó. Các
ông đã cảm thấy phấn khởi, hy vọng khi Ngài đi đường giải thích Kinh Thánh cho
các ông và được tăng thêm sức mạnh và lòng can đảm để ngay lập tức các ông đứng
dậy trở về Giêrusalem. Về đến Giêrusalem gặp nhóm Mười Một, những người này đã
làm chứng cho các ông rằng: “Chúa đã sống
lại thật rồi và đã hiện ra với ông Simon. Còn hai ông thì thuật lại những gì đã
xảy ra với mình”. Chi tiết này Tin Mừng Luca cho thấy, lời làm chứng của
các Tông đồ về việc Chúa Phục sinh là quan trọng. Các Tông đồ tin Chúa đã phục
sinh là vì Chúa đã hiện ra với Simon và với các ông. Vì thế, niềm tin của các Tông
đồ sẽ là bảo đảm cho niềm tin của hai môn đệ Emmaus và của tất cả mọi người.
Chúa Giêsu biết rất
rõ tâm trạng của các học trò mình. Vì thế, Ngài rất kiên nhẫn và tìm nhiều cách
để giúp các ông xác tín cách chắc chắn, không hoài nghi về việc Ngài đã từ cõi
chết sống lại. Vì vậy, lần này khi hiện ra với các Tông đồ và các môn đệ, Chúa
Giêsu một lần nữa nói với họ: “Bình an
cho các con”. Chúa Giêsu biết có nhiều người vẫn còn cho rằng các Tông đồ gặp
ảo giác hoặc cho rằng Chúa Giêsu phục sinh chỉ còn mang một cái bóng của cái
xác cũ, hoặc như bóng ma, chứ không còn phải là con người thật như trước đây nữa.
Chúa Giêsu đã khiển trách sự cứng lòng và suy nghĩ lệch lạc của họ. Chúa cho
các ông xem tay chân và vết thương trên mình Người và còn trách các ông: “Sao lòng anh em còn nghi ngờ?... Cứ rờ mà
xem, ma đâu có xương thịt như anh em thấy Thầy có đây”.
Chúa Giêsu Phục Sinh muốn cho các Tông đồ thấy và tin rằng, Ngài vẫn mang
một thân xác và con người trước đây, nhưng đã được biến đổi. Vì là thân xác trước
đây nên Ngài vẫn còn những dấu đinh; vì là người đã từng sống ở bên các ông trước
đây, nên Ngài hỏi các ông: “Ở đây anh em
có gì ăn không? Họ đưa cho Ngài khúc cá nướng, Ngài ăn trước mặt các ông”.
Ăn trước mặt các Tông đồ, Chúa Phục Sinh muốn giúp các ông xác tín cách chắc chắn
Chúa đã sống lại bằng con người thật. Tuy nhiên, thân xác của Chúa Phục Sinh đã
được biến đổi. Vì thế, Ngài có thể vào nhà khi cửa còn đóng kín, có thể cùng
lúc vừa hiện ra với hai môn đệ Emmaus vừa hiện ra với Simon và nhóm Mười Một Tông
đồ.
Thánh Luca còn muốn
nhấn mạnh cho chúng ta một yếu tố rất quan trọng để có thể tin Chúa Giêsu đã sống
lại. Đó là đọc lại tất cả lịch sử cứu độ được ghi chép trong Kinh Thánh. Hai
môn đệ Emmaus đã buồn rầu vì Thầy của họ đã chết; các ông thêm hoang mang là vì
các phụ nữ đã nói rằng họ đã gặp Ngài, còn chính họ thì chưa được gặp. Hai ông
đã thổ lộ với Vị Khách đi đường như thế. Chúa Giêsu đã trả lời: “Sao hai ông chậm tin vào Lời Kinh Thánh”.
Rồi sau đó Ngài giải thích cho các ông những đoạn Kinh Thánh đã nói về việc
này. Các ông nghe và lòng các ông tràn đầy vui mừng, sự phấn khởi và niềm hy vọng
đã trở lại.
Cũng giống sự kiện
xảy ra cho hai môn đệ Emmaus, hôm nay Chúa Phục sinh đã nói với các Tông đồ: “Khi còn ở với anh em, Thầy đã từng nói với
anh em rằng tất cả những gì sách Luật Môsê, các sách Ngôn Sứ và Thánh Vịnh đã
chép về Thầy đều phải được ứng nghiệm. Bấy giờ Người mở trí cho các ông hiểu
Kinh Thánh”. Chi tiết này cho thấy, cuộc phục sinh của Chúa Giêsu đã được
các sách Kinh Thánh nói trước từ lâu và các ngôn sứ ngày xưa đã từng nói trước
về biến cố này. Chúa Giêsu một lần nữa trích lại lời Kinh Thánh: “Đấng Kitô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ
ba từ cõi chết sống lại; phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân”. Điều
này cho thấy: Kinh Thánh là chứng lý quan trọng nhất và đáng tin nhất về sự kiện
Chúa phục sinh và việc làm chứng về Chúa phục sinh phải được đặt trên nền tảng
là Kinh Thánh.
Thánh Phêrô khi
rao giảng về mầu nhiệm Phục sinh đã không dựa trên kinh nghiệm những lần Chúa
hiện ra, nhưng Ngài dựa trên Kinh Thánh và lịch sử cứu độ, mà Thiên Chúa đã thực
hiện trên dân của Ngài. Trong đoạn sách Công Vụ hôm nay, thánh Phêrô cho thấy,
mặc dù Kinh Thánh đã nói trước, nhưng người chịu trách nhiệm trong cái chết của
Chúa Giêsu chính là những người Do Thái: “Anh
em đã chối bỏ Đấng Thánh và Đấng Công Chính mà xin tha cho một tên sát nhân.
Anh em đã giết Đấng là nguồn sự sống,
nhưng Thiên Chúa đã làm cho Người chỗi dậy từ cõi chết”. Quy trách nhiệm
cho người Do Thái, không phải để kết án hay loại trừ, nhưng Phêrô cho thấy, điều
quan trọng là mọi người đều phải sám hối về sai lầm của mình. Thánh Phêrô quả
quyết: Việc Thiên Chúa cho Đức Giêsu sống lại đã được các ngôn sứ báo trước rằng:
Đấng Kitô của Người phải chịu khổ hình. Vậy
anh em hãy sám hối và trở lại cùng Thiên Chúa để Người xóa bỏ tội lỗi cho anh
em.
Thưa quý OBACE, niềm
tin vào Chúa Giêsu Phục sinh vẫn mãi là một thách thức cho cho chúng ta. Chúng
ta là những tín hữu thời này, không được chứng kiến những lần Chúa hiện ra,
không được đụng chạm tới vết thương nơi thân thể Chúa, cũng không được thấy
ngôi mộ đã trống và những khăn liệm còn lại, nhưng chúng ta vẫn mạnh mẽ tuyên
xưng: Đức Giêsu đã từ cõi chết sống lại.
Đức tin này chúng ta đón nhận từ các Tông đồ qua Giáo Hội và còn tiếp tục được
loan truyền cho mọi dân tộc, mọi tạo vật cho đến tận cùng thế giới.
Qua Kinh Thánh,
Giáo Hội giới thiệu cho chúng ta về Chúa Giêsu, Đấng từ nơi Thiên Chúa mà đến,
làm người ở giữa chúng ta; Ngài đã bị bắt, bị đóng đinh trên thập giá, được mai
táng và ngày thứ ba, Người đã sống lại. Vì thế, để đức tin được vững chắc,
chúng ta cần phải đọc lại và suy niệm các lời Kinh Thánh mỗi ngày. Vì, không biết Kinh Thánh là không biết Chúa
Kitô. Kinh Thánh nói với ta về Chúa Giêsu, Kinh Thánh còn dạy chúng ta phải
sống thế nào cho trọn đạo làm con với Thiên Chúa, chu toàn giới răn lề luật của
Chúa và chỉ cho chúng ta con đường trở về gặp gỡ và sống trong nhà Chúa là Nước
Trời.
Lời Kinh Thánh
chính là lời Chúa nói, có thể chạm đến trái tim, tâm hồn và nơi sâu thẳm nhất
trong ta, khuyến khích chúng ta làm những điều tốt, điều lành và cảnh báo nhắc
nhở khi chúng ta làm điều gian dối hoặc đi lạc đường. Vì thế, Chúa muốn chúng
ta yêu mến, siêng năng đọc và gẫm suy lời của Chúa, để Lời Chúa là sức mạnh
giúp ta vượt qua những khó khăn thăng trầm trong cuộc sống, giải gỡ khi chúng
ta bế tắc, nâng đỡ khi mệt mỏi lo âu và an ủi ta khi buồn phiền đau khổ.
Chúng ta có thể đọc
Kinh Thánh mọi lúc mọi nơi nhất là mỗi ngày trong Thánh Lễ hoặc trong giờ kinh
gia đình. Chúa sẽ hiện diện và sẽ làm nhiều điều kỳ diệu cũng như biến đổi
chúng ta mỗi ngày. Xin Chúa giúp ta biết siêng năng, yêu mến và năng đọc lời Kinh
Thánh, để Chúa trở thành bạn đồng hành với ta mọi lúc mọi nơi. Amen.
Lm Giuse Đỗ Đức Trí