TÌNH YÊU THƯƠNG CÓ SỨC CHỮA LÀNH
Những ngày vừa
qua, hình ảnh một nữ tu Công Giáo tên Anna quỳ trước đám lính tại Myanmar đã
khiến cho nhiều người cảm phục. Trong một cuộc biểu tình của dân chúng, những
người lính đã thản nhiên xả đạn vào đám đông. Sơ Anna đã can đảm đến quỳ gối
trước một nhóm lính để ngăn cản và xin họ: “Nếu
có bắn, thì hãy bắn tôi, đừng bắn vào người biểu tình nữa”. Bị đánh động bởi
hành động can đảm này, có hai người lính cũng quỳ gối trước sự cản đảm của một
nữ tu nhỏ bé. Hành động của nữ tu Công Giáo này khiến cho nhiều người Miến Điện
cảm phục, dù quốc gia này đa số là Phật Giáo.
Trả lời phỏng vấn
về vấn đề Miến Điện, Đức Thánh Cha nói với các phóng viên: “Tôi cũng muốn quỳ gối ở đường phố Miến Điện
để van xin mọi người hãy thương xót nhau, hãy dừng lại, đừng bắn, đừng giết
nhau nữa”.
Thế giới chúng ta
đang sống càng ngày càng thiếu vắng tình thương, nhưng lại dư thừa sự ác. Đức
Thánh Cha Francis từ khi bắt đầu sứ vụ của Phêrô, đã không ngừng kêu gọi Giáo Hội
và cả thế giới hãy nhìn nhau bằng cái nhìn cảm thông và hãy sống, hãy cư xử với
nhau bằng trái tim biết thương xót như Thiên Chúa đã xót thương. Chúa nhật thứ
II mùa Phục sinh được Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II chọn làm Chúa nhật của
Lòng Thương Xót, để mọi người cùng suy gẫm và cảm nhận được lòng thương xót của
Chúa dành cho mình và biết cư xử với nhau như Chúa đã làm cho ta.
Bài Tin Mừng hôm
nay kể lại việc Chúa Phục Sinh tỏ lòng thương xót cho các Tông đồ và cách riêng
cho Tông đồ Tôma, đồng thời chữa lành vết thương trong tâm hồn các ông.
Cái chết kinh
hoàng của Thầy Giêsu quả là một cú sốc rất lớn, chặn đứng tất cả hy vọng ước mơ
của các Tông đồ. Trước mặt các ông chỉ còn là tăm tối và sợ hãi. Thêm vào đó,
việc các phụ nữ về báo tin đã không còn thấy xác Thầy ở mộ, càng khiến cho các Tông
đồ hoang mang lo sợ. Tâm trạng của các Tông đồ lúc này, mặc dù còn sống nhưng
tâm hồn, ý chí dường như đã chết. Các Tông đồ hoàn toàn bị bế tắc. Các ông chụm
lại với nhau trong một căn phòng đóng kín cửa vì sợ người Do Thái. Chính lúc đang
hoảng loạn, sợ hãi như thế, Chúa Giêsu Phục sinh đã hiện ra đứng giữa các ông
và nói: “Bình an cho các con.” Đây
không chỉ là một lời chào, mà thực sự là món quà vô cùng cần thiết cho các Tông
đồ lúc này đó là ơn bình an. Vì lúc này các ông đang sống trong sự bất an lo lắng.
Để phá tan những
nghi ngờ của những người cho rằng các Tông đồ đang bị ảo giác, Chúa Giêsu cho
các ông xem tay và cạnh sườn của Chúa. Các Tông đồ được đụng chạm đến những vết
thương trên thân thể của vị thầy bằng xương bằng thịt thật, chứ không không phải
là ảo ảnh. Tâm hồn các Tông đồ đã được phục hồi, sự sợ hãi, buồn chán, thất vọng
đã tiêu tan, thay vào đó là sự vui mừng: “Các
môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa”. Theo Tin Mừng Gioan, ngay lần hiện ra đầu
tiên này, Chúa Giêsu còn trao cho các môn đệ một sứ mạng: “Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em”. Qua việc này cho thấy,
mặc dù các Tông đồ đã từng phản bội, từng bỏ trốn vì sợ hãi, nhưng Chúa Giêsu
không hề thất vọng về các ông. Chúa vẫn tín nhiệm và trao cho các ông sứ mạng
mà chính Người đã nhận được từ nơi Chúa Cha. Đó là đem Tin Mừng tình yêu và tha
thứ đến cho mọi dân tộc. Việc tin tưởng trao phó một sứ mạng quan trọng này,
cũng chính là cách Chúa chữa lành vết thương trong tâm hồn các ông, phục hồi lòng
tin, sự can đảm mà các ông đã đánh mất. Để giúp các Tông đồ có thể thi hành tốt
sứ mạng lớn lao này, Chúa Phục sinh trao cho các ông sức mạnh đặc biệt hơn nữa
đó là Thánh Thần, là tình yêu, là sức mạnh trợ giúp, hướng dẫn các ông: “Người thổi hơi vào các Tông đồ và bảo: ‘Các con hãy nhận lấy Thánh Thần. Các con
tha tội cho ai thì tội người ấy được tha. Các con cầm tội ai, thì tội người ấy
bị cầm lại’”.
Việc thổi hơi này
nhắc đến hình ảnh ngày xưa Thiên Chúa đã thổi hơi vào mũi Adam để ban cho ông sự
sống, hình thành nên con người đầu tiên của nhân loại. Hôm nay, Chúa Phục sinh
thổi hơi trên các Tông đồ, chính là hơi thở mang lại sức sống mới cho các ông.
Điều này nói lên rằng, Chúa Phục sinh đã thực hiện một cuộc tạo dựng mới, hình
thành nên những con người mới, mang hơi thở của Chúa Phục Sinh là Chúa Thánh Thần.
Cùng với hơi thở là sức mạnh của Chúa Thánh Thần, Chúa Phục sinh còn trao cho
các Tông đồ “quyền năng của Thiên Chúa”.
Đó là quyền tha tội, cầm buộc và tháo cởi: “Các
con tha tội cho ai thì tội người ấy được tha. Các con cầm tội ai, thì tội người
ấy bị cầm lại”. Việc này càng cho thấy, Chúa Phục sinh hoàn toàn tín nhiệm
vào các học trò của mình, cho họ quyền để tuyên một lời, thì cửa trời mở ra hoặc
đóng lại.
Tông đồ Tôma đã tự
mình tách khỏi sự hiệp thông với anh em Tông đồ, nên anh vẫn chưa tìm được sự
bình an và nhất là chưa đón nhận được niềm tin vào Chúa Phục sinh. Anh trăn trở
về niềm tin của mình. Anh muốn có một kinh nghiệm cá nhân và cụ thể về Chúa Phục
sinh. Anh tuyên bố: “Nếu tôi khống thấy dấu
đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ bàn tay vào sườn Người, thì tôi không tin.”
Tám ngày sau, khi anh trở lại với sự hiệp thông đầy đủ và trọn vẹn với Simon và
các Tông đồ, đức tin của anh được củng cố. Chúa Giêsu Phục sinh đã hiện ra với
các Tông đồ, theo cùng một cách thức như lần trước, khi cửa nhà còn đóng kín.
Người trao bình an cho các Tông đồ, cách riêng cho Tôma. Chúa không trách Tôma
vì sự cứng lòng của anh, nhưng Chúa cảm thông với một tâm hồn thiện chí nhưng yếu
đuối và dễ bị tổn thương, đang cần được nâng đỡ, chữa lành. Chúa gọi đích danh:
“Tôma, hãy đặt ngón tay con vào đây và
hãy nhìn xem tay Thầy… đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin”.
Tôma đã được mời gọi
đụng chạm đến vết thương nơi tay, được xỏ bàn tay vào cạnh sườn và chạm đến
trái tim thương xót của Chúa. Anh được Chúa chữa lành và được củng cố đức tin.
Anh đã tuyên xưng đức tin của mình: “Lạy Chúa
tôi! Lạy Thiên Chúa của tôi!” Lời tuyên xưng này cho thấy Tôma đã được thay
đổi hoàn toàn. Từ một con người muốn kiểm chứng đức tin bằng thực nghiệm, thì
giờ đây Tôma đã tuyên xưng một cách chính xác: “Lạy Chúa tôi! Lạy Thiên Chúa của tôi!” Tôma tuyên xưng Chúa Phục
Sinh không chỉ là Thầy, là Chủ mà còn là chính Thiên Chúa - Đấng sáng tạo và cứu
chuộc mà người Do Thái vẫn kêu danh Ngài là Đức Chúa.
Sách Công vụ cho
thấy Tin Mừng Phục sinh biến đổi các Tông đồ trở thành những người mạnh mẽ loan
báo Tin Mừng phục sinh và những người đón nhận Tin Mừng đều được biến đổi. Tin
mừng Phục sinh đã trở thành động lực giúp các tín hữu đầu tiên sống trong bầu
khí yêu thương chan hòa tình huynh đệ. Mọi người trở nên đồng tâm hợp ý với
nhau, cùng nhau làm nhiều việc bác ái. Mọi người không còn nghĩ đến bản thân
cũng không lo tích góp, nhưng tất cả đều được chia sẻ, phục vụ cho anh chị em
chung quanh.
Thưa quý OBACE,
lòng thương xót của Chúa Phục sinh đã chạm đến những con người đang đau khổ cả
thể xác và tinh thần, những người đang khắc khoải tìm kiếm cho mình một đức
tin. Chúa Phục sinh không chỉ dành tình yêu thương cho một tập thể, nhưng Ngài
còn đổ tình thương đến từng người, những ai khao khát thiện chí tìm kiếm, Chúa
sẽ cho họ gặp và sẽ ban đức tin cho người ấy.
Chúng ta đang
tuyên xưng Chúa đã chết và đã sống lại. Tuy nhiên, có thể chúng ta chưa sống
đúng với những điều ta tuyên xưng, chưa để cho Chúa Thánh Thần biến đổi nên những
con người mới nhiệt thành với Chúa và Giáo Hội, cùng đem Tin Mừng Phục sinh đến
cho mọi người
Nhiều người chung
quanh chúng ta đang bị đè nặng bởi bao lo âu sợ hãi, bị bỏ rơi, loại trừ, bị tổn
thương cả tinh thần và thể xác. Họ đang cần sự cảm thông, chia sẻ và mong muốn
được chữa lành. Chúa muốn mỗi chúng ta trở nên cánh tay nối dài của Chúa, cho
Chúa mượn đôi tay và trái tim của mình, để Chúa có thể yêu thương và chạm đến
tâm hồn những anh chị em đau khổ, để Chúa thương xót, cảm thông và chữa lành.
Xin Chúa biến đổi
trái tim, tâm hồn và cuộc đời chúng ta, biến ta trở nên nên hiện thân của lòng
thương xót Chúa cho anh chị em chung quanh. Amen.
Lm Giuse Đỗ Đức Trí