Lời Chúa Chúa Nhật
Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống
CHÚA THÁNH THẦN CÙNG VỚI GIÁO HỘI LÊN ĐƯỜNG
Sau cơn mưa trời lại sáng,
đó là câu nói thể hiện niềm hy vọng vào tương lai mỗi khi gặp khó khăn thử
thách. Chúng ta cũng có thể cảm nhận tâm trạng như vậy của các tông đồ và Giáo
Hội sơ khai. Nếu như trước đây ít ngày, cái chết thập giá của Chúa Giêsu giống
như một bầu trời u ám ập xuống trên các tông đồ. Các tông đồ phải trải qua những
ngày tăm tối, mất phương hướng, sợ hãi, hoảng loạn tột cùng, vì cái chết kinh
khủng của Thầy. Vậy mà, hôm nay, các bài đọc và bài Tin Mừng cho chúng ta thấy
một bầu trời tươi sáng đã trở lại với các ông, niềm vui, hy vọng và sự hăng say
đã lấn át tất cả quá khứ sợ hãi, các ông cùng nhau hân hoan bước vào một giai
đoạn mới. Tất cả những thay đổi này được bắt đầu từ ngày lễ Ngũ Tuần năm đó,
khi Chúa Thánh Thần hiện xuống trên các ông và thực hiện một cuộc canh tân biến
đổi các ông nên những con người mới.
Chúa Thánh Thần chính là quà
tặng của Chúa Phục Sinh trao cho các tông đồ ngay từ chiều ngày thứ nhất trong
tuần khi Chúa từ cõi chết sống lại. Ngài hiện ra với các tông đồ, khi các ông đang
buồn sầu sợ hãi, Ngài thổi hơi trên các ông và nói: “Các con hãy nhận lấy Thánh Thần, các con tha tội cho ai, thì tội người
ấy được tha, các con cầm tội ai, thì tội người ấy bị cầm lại.” Khi kể lại sự
kiện này, Tin Mừng muốn nhấn mạnh cho chúng ta, Thánh Thần là quà tặng của Chúa
Phục Sinh và Thánh Thần chính là Đấng ban sự sống. Với việc thổi hơi trên các
tông đồ, Chúa Giêsu đã trao cho các tông đồ sức sống mới của Chúa Thánh Thần, để
từ đây các ông sẽ sống một cuộc đời mới, con người mới không còn sợ hãi, không
còn nghi ngờ gì nữa.
Cùng với việc ban Chúa Thánh
Thần, Chúa Phục Sinh còn trao cho các tông đồ quyền tha tội. Quyền tha thứ và
cầm buộc được trao cho các tông đồ không phải để các ông thực hiện theo sở
thích cá nhân. Trái lại, mỗi khi nói lời tha thứ, hành động tha thứ, là các
tông đồ nói và hành động nhân danh Chúa Giêsu và qua sự tác động của Chúa Thánh
Thần, và theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Điều này cho thấy, với việc ban
Chúa Thánh Thần như hơi thở của Chúa Phục Sinh, kể từ đây, Chúa Thánh Thần và cộng
đoàn các tông đồ là Giáo Hội trở nên gắn bó khăng khít với nhau không thể tách
lìa. Các tông đồ sẽ hoạt động dưới dự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần và Thánh Thần
là nguồn sức mạnh, là động lực giúp cho các tông đồ hoạt động.
Sách Công Vụ kể lại sự kiện
Chúa Thánh Thần hiện xuống bằng nhiều hình ảnh uy nghi với nhiều ý nghĩa khác
nhau: “Bỗng từ trời có một tiếng động mạnh
như gió ùa vào đầy nhà. Có hình lưỡi lửa tản ra đậu trên từng người. Ai nấy được
đầy tràn ơn Chúa Thánh Thần, họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác nhau tuỳ theo
Thánh Thần ban cho.”
“Lúc đó, bỗng từ trời có một tiếng động mạnh như gió
ùa vào đầy nhà”: Hình ảnh của một cơn gió mạnh và một tiếng động lớn phát ra,
khiến cho chúng ta hình dung đến những lần xuất hiện của Thiên Chúa, đặc biệt tại
núi Sinai. Tại núi Sinai, Khi Thiên Chúa ngự xuống thì cả ngọn núi rung chuyển
và có những tiếng sấm sét vang trời. Thiên Chúa đã hiện ra ký kết giao ước với
dân Israel qua trung gian là ông Môsê. Thiên Chúa ban lề luật cho dân, và dân
cam kết trung thành với Thiên Chúa cùng giới rằn lề luật của Ngài. Hôm nay khi
kể lại sự kiện Thánh Thần hiện xuống làm lay động đất trời, Kinh Thánh muốn nói
Chúa Thánh Thần sẽ là Đấng làm cho muôn dân đón nhận Đức Kitô và thi hành luật
mới là Tin Mừng. Ngọn lửa đậu xuống trên đầu mỗi người là hình ảnh của ngọn lửa
yêu mến mà Thánh Thần sẽ thắp lên trong tâm hồn các tín hữu, đồng thời cũng muốn
nói đến sự khôn ngoan mà Thánh Thần ban cho các tín hữu, để giúp họ biết cân nhắc
chọn lựa sống sao cho phù hợp với đòi hỏi của Tin Mừng.
“Ai nấy được đầy tràn ơn Chúa Thánh Thần, họ bắt đầu
nói các thứ tiếng khác nhau.” Hình ảnh này gợi nhớ đến câu chuyện trong Cựu ước,
lúc đó con cháu ông Noe trở nên ngông cuồng ngạo mạn, họ muốn xây một ngọn tháp
cao tới trời. Vì thế, Thiên Chúa đã để họ bị chia rẽ, bất đồng ngôn ngữ, không
hiểu nhau được nữa. Hôm nay, Chúa Thánh Thần hiện xuống, Ngài cho các người lãnh
nhận có khả năng nói nhiều thứ tiếng khác nhau, và tất cả mọi người nghe họ nói
đều có thể hiểu như nghe tiếng mẹ đẻ của mình. Điều này cho thấy Chúa Thánh Thần
sẽ là Đấng quy tụ muôn dân nên một, Ngài sẽ xoá bỏ sự bất đồng, khác biệt về
ngôn ngữ, màu da, và quy tụ muôn người, muôn nước trở nên một dân mới của Thiên
Chúa.
Tác giả sách Công Vụ còn muốn
nhấn mạnh sự gắn bó và hoạt động của Thánh Thần trong Giáo Hội. Kể từ ngày lễ
Ngũ Tuần, Chúa Thánh Thần trở nên như người bạn đồng hành và là Quân Sư khôn
ngoan dẫn đường cho Giáo Hội bước ra với thế giới. Chúa Thánh Thần hiện xuống
làm rung chuyển không chỉ căn nhà nơi các môn đệ đang tụ họp, mà còn rung chuyển
tâm hồn của các tông đồ và của những người đang tụ họp tại Giêrusalem khi đó. Chúa
Thánh Thần làm tan vỡ những tảng băng giá lạnh của sự sợ hãi chết chóc trong
tâm hồn các tông đồ và thắp lên ngọn lửa yêu mến nhiệt thành trong các ông. Tiếng
động cũng làm rung chuyển tâm hồn cứng cỏi của những người Do Thái, giúp họ dễ
dàng đón nhận Đức Kitô và Tin Mừng của Người.
Các tông đồ, đặc biệt là
Phêrô trong vai trò là thủ lãnh của Giáo Hội, người hướng dẫn đoàn dân mới của Thiên
Chúa, đã mở toang cánh cửa căn phòng, không một chút sợ hãi, đứng ra rao giảng
về Chúa Giêsu cho mọi người đang tụ họp tại Giêrusalem. Mọi người nghe các ông
nói đều sửng sốt kinh ngạc và thán phục, vì họ nghe các ông nói về Chúa Giêsu
cách rõ ràng như nói tiếng mẹ đẻ của mình. Họ sửng sốt vì những con người này mới
cách đây không lâu, vẫn còn nhút nhát sợ hãi, nay trở nên manh dạn tự tin. Họ
thán phục vì các tông đồ trước đây chỉ là những ngư phủ bình dân, nay lại trở
nên thông thái uyên bác, rao truyền về Tin Mừng của Chúa Giêsu.
Thưa quý Ông bà anh chị em, Thánh
Phaolô trong thư Côrintô cho thấy Chúa Thánh Thần vẫn đang tiếp tục hoạt động
nơi các tín hữu, là những người đã được lãnh nhận phép rửa và được tái sinh bởi
Thánh Thần. Chính Chúa Thánh Thần vẫn đang hoạt động để giúp mỗi người đón nhận
Đức Kitô là Thiên Chúa và sống theo giáo huấn của Người. Thánh Thần vẫn đang thực
hiện những điều kỳ diệu trong Giáo Hội và thế giới, Ngài làm cho Giáo Hội tuy
có nhiều thành phần dân tộc khác nhau nhưng vẫn đồng tâm hiệp ý, hiệp nhất với
nhau trong cùng một đức tin và một việc phụng thờ Thiên Chúa. Thánh thần cũng vẫn
đang hoạt động nơi mỗi tín hữu cách khác nhau, nhưng tất cả cùng chung một mục
đích là xây dựng nên một thân thể duy nhất của Đức Kitô là Giáo Hội: “Có nhiều người khác nhau nhưng chỉ có một Thần
Khí. Có nhiều chức vụ khác nhau nhưng chỉ có một Chúa. Có nhiều hoạt đông khác
nhau nhưng chỉ có một Thiên Chúa.”
Mỗi người đã được lãnh nhận Chúa
Thánh Thần trong ngày Rửa Tội, đặc biệt trong ngày lãnh Bí tích Thêm Sức, Thánh
Thần được ban đầy tràn trong mỗi người. Chúng ta được mời gọi để cho Chúa Thánh
Thần hoạt động trong chúng ta. Chúa Thánh Thần sẽ phá vỡ tảng băng lạnh lùng,
lười biếng và thắp lên trong chúng ta ngọn lửa yêu mến Chúa và Giáo Hội. Thánh
Thần sẽ nối kết chúng ta với mọi thành phần khác trong Giáo Hội, giáo xứ, để
cùng nhau xây dựng nên một cộng đoàn hiệp nhất yêu thương. Chúa Thánh Thần cũng
sẽ giúp chúng ta trở nên những người dám sống Tin Mừng của Đức Kitô và nhiệt
tâm rao giảng Chúa Kitô cho mọi người.
Tuy nhiên, mỗi người cần
không ngừng mở lòng và trở nên sẵn sàng trước sự thúc đẩy của Ngài, trở nên những
học trò ngoan ngoãn dễ bảo của Chúa Thánh Thần, Ngài sẽ dạy dỗ, uốn nắn và giúp
chúng ta sống đúng với ơn gọi là Kitô hữu, làm con Chúa. Chúng ta năng cầu nguyện
với Chúa Thánh Thần để Ngài soi sáng giúp chúng ta biết sống và chu toàn nhiệm
vụ hiện tại của mỗi người trong tinh thần hiệp nhất. Cho dù mỗi người là ông
bà, cha mẹ trong gia đình, hay là linh mục, tu sĩ, chúng ta đều có nhiệm vụ xây
dựng Giáo Hội và làm chứng cho Chúa theo bổn phận của mình.
Lạy Chúa Thánh Thần! Xin ngự
đến trong mỗi chúng con, canh tân biến đổi và làm cho chúng con trở nên những
con người mới, thuộc về Chúa Kitô và Hội Thánh của Người. Amen.
Lm. Giuse Đỗ Đức Trí