Trang Chủ > Suy Niệm > Mùa Phục Sinh

THIÊN CHÚA SÁNG TẠO BẰNG LỜI

Thiên Chúa nói: “Hãy có…”

(St 1, 1-2, 4a)

 St-1-1-2-4a.jpg

 

Theo Tv 139, nhớ lại ơn huệ sự sống là một chuyển động thiêng liêng có sức mạnh “tái sinh” chúng ta. Vì thế, kể từ chiều nay, chúng ta sẽ cầu nguyện với các bản văn Kinh Thánh về công trình sáng tạo, bởi vì sự sống của chúng ta có nguồn từ công trình sáng tạo, gắn liền với thế giới sáng tạo và lệ thuộc vào thế giới sáng tạo. Trong cầu nguyện, ngang qua các trình thuật sáng tạo được hiểu dưới ánh sáng của Đức Ki-tô, chúng ta xin Chúa cho chúng ta hiểu sâu xa hơn nữa về ơn huệ sự sống, để được Người tái sinh, nghĩa là làm cho chúng ta sống sự sống mới.

Và để cầu nguyện với các bản văn Kinh Thánh mặc khải cho chúng ta về ơn tạo dựng, chúng ta được mời gọi thực hiện một hành trình thiêng liêng sau đây:

Điểm cầu nguyện 1 (St 1, 1-25). Ra khỏi mình để chiêm ngắm công trình sáng tạo.

Điểm cầu nguyện 2 (St 1, 26-31). Sau đó quay trở lại:

Ø  Để khám phá ra rằng, bản thân chúng ta như thế đó, là “sáng tạo điểm”: nghĩa là có tương quan đặc biệt và duy nhất với Thiên Chúa (c. 26-28).

Ø  Trong tương quan đặc biệt và duy nhất với Thiên Chúa, Lời Chúa mời gọi nhớ và hiểu tầm mức nhân bản và thiêng liêng của “ơn huệ lương thực”: ƠN HUỆ LƯƠNG THỰC được ban cho mỗi ngày, từ thủa tạo thiên lập địahướng tới ơn huệ “Bánh Hằng Sống” là Đức Ki-tô (c. 29-31)

Điểm cầu nguyện 3 (St 2, 1-4a): Hướng đến “Ngày Thứ Bảy”.

Ø  Xét về công trình sáng tạo, đỉnh cao là tạo dựng con người; nhưng xét về thời gian, đỉnh cao là “tạo dựng” Ngày Thứ Bảy: ngày Thiên Chúa hoàn tất, được Người chúc lành và thánh hóa.

Ø  Ngày thứ bảy là ngày niềm vui ca tụng. Chính vì thế mà “con người được dựng nên để ca tụng Chúa” (Tv 104, 33; Linh Thao, số 23).

*  *  *

1. Sáng tạo trời và đất (c. 1-25)

2. Sáng tạo con người (c. 26-31)

a. Thiên Chúa nói: “Chúng ta hãy làm ra con người” (c. 26-28)

b. Ơn huệ lương thực (c. 29-31)

3. NGÀY THƯ BẢY (2, 1 – 4a)

- Thiên Chúa sáng tạo bằng Lời (Ga 1, 3). Người không chỉ sáng tạo lúc khởi đầu (mọi sự và đời tôi), nhưng mỗi ngày (Tv 104), bởi Đức Giê-su Ki-tô, Ngôi Lời.

- Trong các tạo vật, được sáng tạo bằng Lời, có hai “Đỉnh Cao”: CON NGƯỜI và NGÀY THỨ BẢY

*  *  *

I. Chuẩn bị

Khung cảnh: thế giới tự nhiên mà chúng ta đang nhìn thấy và hưởng dùng, bởi vì đó là môi trường sống của con người và con người không thể sống mà không có thế giới tự nhiên. Vấn đề là, con người hưởng dùng với lòng biết ơn Đấng Tạo Dựng, với tâm tình ca tụng Đấng Tạo Dựng, hay tự biến mình thành chủ nhân để khai thác, để trục lợi. Khi đó sẽ là tai họa: hủy hoại môi trường sống và hủy hoại chính sự sống. Vì thế, Lời Chúa trong sách Sáng Thế, chương 1 về ơn tạo dựng, đặc biệt mang tính thời sự và có một sứ điệp rất mạnh mẽ và rất thuyết phục.

Ơn xin:

Ø  Xin cho chúng ta nhận ra vạn vật, trong đó có chúng ta, được tạo thành bởi Ngôi Lời (x. Ga 1. 3; sự hợp lý, hài hòa, trật tự, vẻ đẹp… diễn tả Ngôi Lời-Logos, và đến từ Ngôi Lời),

Ø  và xin cho mở lòng ra để cho Chúa tiếp tục sáng tạo chúng ta bằng Lời và bằng chính Ngôi vị của Đức Ki-tô, nơi bí tích Thánh Thể để chúng ta sống đúng với căn tính của chúng ta là hình ảnh của Thiên Chúa.

Ø  Xin Chúa ban cho chúng ta niềm vui ca tụng Chúa, với tâm tình biết ơn.


II. Lắng nghe

1. « Lúc khởi đầu Thiên Chúa sáng tạo trời và đất » (c. 1-25)

a. Thiên Chúa sáng tạo « nhờ Ngôi Lời »

Thiên Chúa sáng tạo trời và đất như thế nào? Chúng ta hãy để cho Lời Kinh Thánh dẫn chúng ta vào mầu nhiệm sáng tạo. Khi cầu nguyện, chúng ta hãy chú ý đến các động từ. Theo St 1, Thiên Chúa sáng tạo mọi sự bằng Lời của Ngài: “Thiên Chúa nói...” (10 lần : c. 3. 6. 9. 11. 14. 20. 22. 24.26 và 29).

Thiên Chúa nói : « hãy có ánh sáng, ánh sáng liền có ». Thế mà, trong sách Tin Mừng theo thánh Gioan, Lời Thiên Chúa là một ngôi vị, là Ngôi Lời: “Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành” (Ga 1, 3 và Cl 1, 16-17); và Ngôi Lời là ánh sáng. Nơi Đức Ki-tô, Thiên Chúa tiếp tục sáng tạo và tái sáng tạo chúng ta không chỉ bằng Ngôi Lời nhưng còn bằng chính sự sống của Ngôi Lời. Thiên Chúa sáng tạo bằng Lời.

Chúng ta thường nghĩ rằng trước khi Thiên Chúa sáng tạo, chỉ có hư vô mà thôi. Tuy nhiên, Trình thuật St 1, được long trọng công bố đầu tiên trong đêm canh thức Vượt Qua, mặc khải cho chúng ta rằng, trước hành động sáng tạo của Thiên Chúa, đã có cái gì rồi: “Đất còn trống rỗng, chưa có hình dạng, bóng tối bao trùm vực thẳm ». Như vậy là đã có nhiều thứ (đất, vực thẳm, nước…), nhưng tất cả còn ở trong tình trạng hỗn mang và tăm tối. Hỗn mang và tăm tối, là nơi chốn của sự chết, của chết chóc.

Cuộc sống của mỗi chúng ta, đời sống cộng đoàn của chúng ta, thế giới chúng đang sống, nếu không đón nhận Lời Chúa, để cho Lời Chúa soi sáng, dẫn dắt, nuôi sống thì cũng sẽ rơi vào tình trạng hỗn mang và tăm tối như thế, nghĩa là rơi vào tình trạng chết chóc. Chúng ta đã kinh nghiệm và còn đang kinh nghiệm về thực trạng này nơi bản thân, cộng đoàn, xã hội, thế giới hôm nay. Và một trong những mục đích của thời gian cầu nguyện và tĩnh tâm là để cho Lời Chúa sắp xếp, rọi sáng tâm hồn và cuộc đời mình. Và đó chính là kinh nghiệm để cho Thiên Chúa tiếp tục tạo dựng chúng ta. Và Lời và Ngôi Lời Thiên Chúa được ban cho chúng ta cách quảng đại trong thời gian tĩnh tâm, cầu nguyện và mỗi ngày trong Thánh Lễ.

b. Thiên Chúa sáng tạo bằng lời nói và việc làm

Hãy liệt kê ra các động từ, thuộc lời nói và việc làm. Chúng ta có thể làm bảng theo cách của mình với nhiều chi tiết và chúng ta hãy dừng lại ở cách thế sáng tạo đánh động chúng ta nhất, đụng chạm chúng ta nhất.

 

Thiên Chúa sáng tạo nhờ Ngôi Lời như thế nào ?

Qua lời nói

Và việc làm

Ø  Thiên Chúa nói: hãy có, hãy là (c. 3.6.14): Thiên Chúa sáng tạo bằng cách lôi kéo những gì đang hiện hữu, những gì chúng ta đang nhìn ngắm được ra khỏi hư vô, bằng Lời của Ngài.

Ø  Thiên Chúa còn nói: hãy tụ lại (c. 9); hãy lộ ra hay xuất hiện; hãy làm phát sinh (c. 11), hãy sinh sản (c. 20); hãy bay lượn (c. 20); hãy làm phát sinh (c. 24).

Ø  Ngoài ra, Thiên Chúa còn sáng tạo bằng cách đặt tên (c. 5.8.10), chúc phúc (c. 1, 22. 28; 2, 3). Như thế, Ngài còn sáng tạo bằng cách cho nó một căn tính, làm cho nó khác với những sự vật khác, và đặt để sự sống và tình yêu của Ngài nơi tạo vật khi chúc phúc; bởi lẽ chúc phúc là muốn nó tồn tại, sinh xôi nẩy nở.

Ø  Ngoài ra, Thiên Chúa cũng sáng tạo bằng cách làm việc, lao tác (c. 7.16.25); đặt để (c. 17), ban phát (c. 29), phân rẽ (c. 1, 4.6.7.14.18).

 

 

Sáng tạo không chỉ là làm ra các sự vật từ hư vô, hay làm ra sản phẩm, nhưng còn là nhưng còn bằng cách làm cho các sự vật và sinh vật đã hiện hữu tự điều chỉnh, tự sắp xếp, tự thích ứng, để có khả năng sinh sản, phát sinh, còn là làm cho thoát khỏi tình trạng vô-hữu qua việc đặt tên, là tháo gỡ khỏi cái rối ren, là xếp đặt cái hỗn mang, là soi sáng điều tối tăm.

Vì thế, khi nhìn ngắm tạo vật xoay vần, phát sinh và sinh sản chúng ta được mời gọi không chỉ nhìn tiến trình này như một tiến trình tự nhiên, nhưng còn là một tiến trình siêu nhiên: các tạo vật xoay vần và phát sinh theo Lời của Thiên Chúa (x. Hc 16, 28). Thiên nhiên mà chúng ta chiêm ngưỡng hiện hữu từ Lời Chúa; có thể nói thiên nhiên đầy Lời Chúa. Xin cho đôi tai của chúng ta biết nghe như Thánh Vịnh 19 (18A) diễn tả:

Trời cao tường thuật vinh quang Thiên Chúa,
không trung kể lại việc tay Người làm.

Đặc biệt, xin Chúa cho chúng ta nhận ra ân huệ sáng tạo bằng Lời Chúa, vẫn đang diễn ra với tất cả ý nghĩa của hành động sáng tạo, trong thiên nhiên, trong lịch sử, trong cuộc đời chúng ta, và nhất là trong thời gian tĩnh tâm cầu nguyện với Lời Chúa. Bởi lẽ, hơn lúc nào hết, chúng ta hiện hữu và sống bằng Lời Chúa trong thời gian đặc biệt này.

2. Con người: “sáng tạo điểm” (v. 26-31)

a. “Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta” (c. 26-28)

Thiên Chúa nói: “Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta”, đây là cách nói đặc biệt và duy nhất của Chúa, khi tạo dựng con người chúng ta. Thiên Chúa không một mình, bởi vì Ngài là tình yêu. Ở đây Chúa vừa nói vừa làm, vừa bằng giọng nói vừa bằng bàn tay. Ngoài ra, Thiên Chúa còn nói với con người (c. 28). Trong khi, các loài và vật khác không được Thiên Chúa ngỏ lời, nghĩa là không có tương quan. Như vậy, con người được tạo dựng có khả năng ngôn ngữ (nghe, nói) để đi vào tương quan với Thiên Chúa.

Như thế, nơi con người, hội tụ tất cả các cách sáng tạo của Thiên Chúa. Hãy chiêm ngắm chính mình như mình là để khám ra giọng nói sáng tạo của Chúa, bàn tay sáng tạo của Chúa, sự đặt để, sự phân rẽ, sự ban phát của Chúa, lời chúc phúc của Chúa, và hành vi tạo dựng nhưng không của Chúa (x. Tv 139).

Và một cách duy nhất, “loài người được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa”; “theo hình ảnh của Thiên Chúa”, thường được hiều là con người được Thiên Chúa chia sẻ một trong các phẩm tính của Ngài, chẳng hạn như trí khôn, linh hồn… Hiểu như thế là đúng. Tuy nhiên, cách hiểu này lại không được nói đến trong bản văn Kinh Thánh này (x. St 1). Vì thế, chúng ta được mời gọi để cho chính Lời Chúa dẫn dắt và làm cho chúng ta hiểu “Loài người được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa” có nghĩa là gì. Đọc kĩ trình thuật sáng tạo, chúng ta sẽ nhận ra rằng tất cả loài vật đều được tạo dựng theo loại:

Thiên Chúa sáng tạo các thủy quái khổng lồ, cùng mọi sinh vật vẫy vùng lúc nhúc dưới nước tuỳ theo loại, và mọi giống chim bay tuỳ theo loại (c. 21); Thiên Chúa phán: “Đất phải sinh ra các sinh vật tuỳ theo loại: gia súc, loài bò sát và dã thú tuỳ theo loại”(c. 24); Thiên Chúa làm ra dã thú tuỳ theo loại, gia súc tuỳ theo loại và loài bò sát dưới đất tuỳ theo loại. Thiên Chúa thấy thế là tốt đẹp. (c. 25)

Qua những câu chúng ta vừa trích dẫn, toàn thể loài vật, trên trời, dưới đất và trong biển cả đều được tạo dựng theo những “loại” khác nhau. Lời Chúa lập đi lập lại sự đa phức về loài của thế giới loài vật (7 lần), chính là để làm cho chúng ta nhận ra sự ưu việt của con người, và sự ưu việt của con người chính là ơn huệ hiệp nhất: Con người được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa, nghĩa là con người được dựng nên không giống như thế giới loài vật, gồm vô số các loài khác nhau, nhưng được Thiên Chúa dựng nên là một, là hiệp nhất, giống như Thiên Chúa Ba Ngôi là một, là hiệp nhất. Thiên Chúa là một; loài người được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa, cũng là một; thay vì là “đa” như loài vật. Như thế, con người có một tương quan duy nhất với Thiên Chúa mà các loài khác không có; và chính tương quan này làm cho con người trở thành con Thiên Chúa: “Adam con Thiên Chúa” (Lc 3, 38)

Nhưng “là một” cũng là ơn gọi của con người. Một ơn gọi khó thực hiện biết bao. Chính vì thế Đức Giêsu đã cầu nguyện: “xin cho chúng nên một, như chúng ta là một”. Như vậy, "Con người được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa ", đó vừa là căn tính và cũng vừa là ơn gọi. Tương tự như sự kiện chúng ta sinh ra là con người, nhưng còn phải sống ơn gọi làm người, còn phải sống nhân tính. Chúng ta có một khuôn mẫu hoàn hảo, để sống căn tính của mình, đó là Ðức Giêsu-Kitô.

b. Ơn huệ “Lương Thực” (c. 29-31)

Trong trình thuật “Sáng Tạo Bảy Ngày”, hành động ban lương thực của Thiên Chúa, là điểm tới, là mục đích, hay ít nhất là hành động cuối cùng trong quá trình sáng tạo, vì thế sau đó, Thiên Chúa nói: “Rất tốt đẹp” (c. 31). Có thể nói, Thiên Chúa dựng nên muôn loài và con người là để “cho ăn”! Nghĩa là để làm cho sống.

Chúng ta hãy dành nhiều thời giờ để suy niệm và cảm nếm ơn huệ lương thực. Của ăn của uống hằng ngày, nhất là các bữa ăn: chúng ta có đón nhận như ơn huệ của Thiên Chúa không? Bởi vì, ơn lương thực được Thiên Chúa ban cho loài người từ thủa tạo thiên địa và được hiện tại hóa mỗi ngày; thực vậy, chính khi chúng ta cầu nguyện: “Xin cho chúng con lương thực hàng ngày” và quả thực, thì của ăn đã được ban cho chúng ta trên bàn ăn rồi. Chúng ta, có lẽ cũng giống như người Do Thái, muốn có “bánh rơi xuống từ trời cách trực tiếp”; vì thế, họ trở nên mù lòa với ơn lương thực đến từ đất trời, vốn cũng hiện hữu từ hành động sáng tạo của Thiên Chúa.

a. Lương thực hằng ngày chính là ơn huệ Thiên Chúa ban; như thế, chúng ta được mời gọi đón nhận sự sống của mình ở mức độ căn bản nhất, từ bàn tay của Thiên Chúa. Đó chính là cách sống của “hình ảnh”: hình ảnh chỉ là hình ảnh khi đón nhận hiện hữu của mình từ Thực Tại, là chính Chúa. Chúng ta sẽ không còn là hình ảnh Thiên Chúa, khi xây dựng sự sống tự chính mình (x. Tv 104).

b. Và trong ơn huệ sự sống, đã chất chứa lời hứa trao ban sự sống, “sự sống dồi dào” rồi. Bởi vì Thiên Chúa là Đấng hằng sống; vì thế, khi ban cho chúng ta sự sống này, Ngài mời gọi chúng ta hướng tới sự sống mới, tới sáng tạo mới; và khi chúng ta khát khao, Người sẽ trao ban. “Sự sống mới” không phải là sự sống “ăn no mặc ấm”, nhưng là sự sống mạnh hơn sự chết, là chính Chúa. Đức Ki-tô đến để làm rõ và thực hiện lời hứa này (x. Ga 10, 10) nơi Bí Tích Thánh Thể.

*  *  *

Thật vậy, nếu bánh ăn hằng ngày không làm cho chúng ta chiến thắng sự chết, thì Bánh Hằng Sống, là chính Đức Giê-su, sẽ làm cho chúng ta chiến thắng sự chết, bởi vì chính Ngài đã vượt qua và chiến thắng cả tiến trình dẫn đến sự chết và chính cái chết trong cuộc Thương Khó. Bánh Thánh Thể chính là điểm tới của ơn huệ lương thực:

Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống.
Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời.
Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây,
để cho thế gian được sống.
(Ga 6, 51)

3. Ngày thứ bảy (2, 1 – 4a)

Ngày thứ bảy được nói đến 5 lần trong bản văn (c. 1-3); vào ngày này, Thiên Chúa hoàn thành công trình sáng tạo, “Người đã nghỉ, ngưng làm mọi công việc sáng tạo của Người”. Ngày này là “tạo vật” duy nhất vừa được ban phúc lành và vừa được thánh hóa (c. 3), vì thế, ngày này là “ngày thánh” (x. Xh 20, 11).

Sau khi hoàn thành mỗi ngày, Thiên Chúa đều “thấy thế là tốt đẹp” và riêng ngày thứ sáu: “Thiên Chúa thấy mọi sự Người đã làm ra quả là rất tốt đẹp!” (c. 31). “Thật là tốt đẹp!” Đó là yếu tính của lời ca tụng. Vì thế, chúng ta được mời gọi hướng niềm vui ca tụng sau khi hoàn tất mỗi ngày đến ngày thứ bảy, thời gian của niềm vui ca tụng lớn lao, sau khi hoàn tất mọi sự.

Ngày thứ bảy là ngày thánh, ngày của Thiên Chúa, là ngày “Người đã hoàn thành công việc Người làm” và Người hẳn đã thốt lên trong niềm vui: “Thật là rất rất tốt đẹp!”. Đó chính là ý nghĩa của ngày Sá-bát hằng tuần, ngày con người được mời gọi ngưng mọi việc, để thông hiệp vào niềm vui ca tụng của chính Thiên Chúa, qua đó trở nên “giống như chính Thiên Chúa”, vốn là căn tính của con người khi được Thiên Chúa tạo dựng.

Và ngày Sa-bát hướng chúng ta đến ngày “Sa-bát” cánh chung, khi đó Thiên Chúa hoàn tất công trình sáng tạo mới, Người ngưng làm việc và mọi tạo vật cùng với Người đi vào Niềm Vui Ca Tụng Vĩnh Hằng.

Đó chính là công trình của CHÚA,
công trình kỳ diệu trước mắt chúng ta.
(Tv 118, 23)

 

Lm Giuse Nguyễn Văn Lộ
c


Các bài viết mới hơn
     Suy niệm Lời Chúa Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống_Lm Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy niệm Lời Chúa Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống_Lm Đan Vinh - HSTM
     Suy niệm Lời Chúa Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống_Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần VII Phục Sinh_Nt. M. Anh Thư, OP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần VII Phục Sinh_Tân Quang
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần VII Phục Sinh_Lm Giuse Nguyễn Duy Khang
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Ba Sau Tuần VII Phục Sinh_Thầy Phêrô_Maria. Mảnh vỡ. FVP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Hai Tuần VII Phục Sinh_ Nt. Têrêsa Nguyễn Thị Kim Tuyến, OP
     Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật Lễ Chúa Thăng Thiên_Lm Đan Vinh - HSTM
     Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật Lễ Chúa Thăng Thiên_Lm Giuse Đỗ Đức Trí

Các bài viết cũ hơn
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần VII Mùa Phục Sinh_Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần VII Mùa Phục Sinh_Tam Thái
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần VII Phục Sinh_Nt. Anna Têrêxa Thiên Hoàng, O.P.
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Hai Tuần VII Phục Sinh_Bertrand Nguyễn Thanh Hoài, CSF
     Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật Lễ Chúa Thăng Thiên_Lm. Đan Vinh
     Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật Lễ Chúa Thăng Thiên_Lm. Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần VI Mùa Phục Sinh_Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần VI Phục Sinh_Lm.Giuse Nguyễn Duy Khang
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần VI Phục Sinh_Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần VI Phục Sinh_Thiên Thảo SJP