Trang Chủ > Suy Niệm > Mùa Phục Sinh

NĂM CHIẾC BÁNH

thu 6 tuan II PS.jpg

LỜI CHÚA: Ga 6, 1-15

1 Bấy giờ, Đức Giêsu sang bên kia biển hồ Galilê, cũng gọi là biển hồ Tibêria. 2 Có đông đảo dân chúng đi theo Người, bởi họ từng được chứng kiến những dấu lạ Người đã làm cho những kẻ đau ốm. 3 Đức Giêsu lên núi và ngồi đó với các môn đệ. 4 Lúc ấy, sắp đến lễ Vượt Qua là đại lễ của người Do Thái. 5 Ngước mắt lên, Đức Giêsu nhìn thấy đông đảo dân chúng đến với mình. Người hỏi ông Philipphê: “Ta mua đâu ra bánh cho họ ăn đây?” 6 Người nói thế là để thử ông, chứ Người biết mình sắp làm gì rồi. 7 Ông Philipphê đáp: “Thưa, có mua đến hai trăm quan tiền bánh cũng chẳng đủ cho mỗi người một chút”. 8 Một trong các môn đệ là ông Anrê, anh ông Simon Phêrô, thưa với Người: 9 “Ở đây có một em bé có năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá, nhưng ngần ấy người thì thấm vào đâu!” 10 Đức Giêsu nói: “Anh em cứ bảo người ta ngồi xuống đi”. Chỗ ấy có nhiều cỏ. Người ta ngồi xuống, nguyên số đàn ông đã tới khoảng năm ngàn. 11 Vậy, Đức Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, rồi phân phát cho những người ngồi đó. Cá nhỏ, Người cũng phân phát như vậy, ai muốn ăn bao nhiêu tùy ý. 12 Khi họ đã no nê rồi, Người bảo các môn đệ: “Anh em thu lại những miếng thừa kẻo phí đi”. 13 Họ liền đi thu những miếng thừa của năm chiếc bánh lúa mạch người ta ăn còn lại, và chất đầy được mười hai thúng. 14 Dân chúng thấy dấu lạ Đức Giêsu làm thì nói: “Hẳn ông này là vị ngôn sứ, Đấng phải đến thế gian!” 15 Nhưng Đức Giêsu biết họ sắp đến bắt mình đem đi mà tôn làm vua, nên Người lại lánh mặt, đi lên núi một mình.

SUY NIỆM

Có một người nghèo đến xin thỉnh vấn vị đạo sĩ, ông nói: “Thưa thầy, tại sao cuộc đời con nghèo mãi như thế này?” Vị đạo sĩ nói: “Vì con chưa học cách trao tặng cho người khác”. Người nghèo nói: “Con không có một thứ gì đáng giá để mà trao tặng”. Vị đạo sĩ ân cần đáp lại: “Một người không có một thứ gì đáng giá cũng có thể cho người khác những điều này, đó là: tươi cười khi xử sự với người, nói những lời động viên an ủi, cởi mở tấm lòng hòa ái với người, nhìn người khác với ánh mắt thiện lương và ra tay giúp đỡ họ”.

Phụng vụ Giáo hội chọn đoạn Tin mừng của thánh Gioan nói về bánh trường sinh đặt trong mùa Phục Sinh nhằm nhấn mạnh sứ mạng của Chúa Giêsu là Đấng đã đến trong thế gian để đem lại sự sống đời đời cho con người. Với phép lạ hóa bánh ra nhiều, Chúa Giêsu cho chúng ta hưởng nếm trước bàn tiệc Nước Trời. Nơi ấy, mọi người cùng ngồi bên nhau chia sẻ lương thực thần linh. Trong Nước Trời, chúng ta không chỉ ăn bánh vật chất nhưng là nuốt lấy bí mật Thần Linh để trở thành bất tử.

Dân gian ta từng nói “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”. Ăn uống là nhu cầu thiết yếu để duy trì sự sống của con người. Trước kia người ta chỉ cần “ăn no mặc ấm” nhưng ngày nay với đà tiến của xã hội, người ta chọn “ăn ngon mặc đẹp”, rồi đến giai đoạn “ăn kiêng mặc mốt”.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã dọn cho đám đông dân chúng 5000 người một bữa tiệc buffet no nê từ năm chiếc bánh và hai con cá. Một bữa tiệc không hề được chuẩn bị trước vì dân chúng đi theo Chúa quá đông.

Chúa Giêsu quả là người có lòng quảng đại và thương xót. Người đã lo liệu cho họ có cả của ăn tinh thần lẫn vật chất. Người đã gợi ý để các môn đệ lo cho đám dân có bữa ăn. Thế nhưng, các ông tỏ ra ái ngại vì không biết tìm đâu ra thức ăn giữa nơi đồng hoang vắng vẻ. Chúa Giêsu biết các môn đệ có khả năng và ít nhiều trong túi cũng mang theo chút bánh nên mới hỏi: “Ta mua đâu ra bánh cho họ ăn đây?” (c. 5). Chúa Giêsu có ý mời gọi ông Philipphê tham gia vào cuộc chăm sóc đoàn dân. Thiên Chúa không ép buộc, Người luôn mời gọi và tôn trọng sự đáp trả tự do của con người. Thái độ của Philipphê lúc đầu có vẻ lưỡng lự nhưng ông đã kịp thời tìm thấy cậu bé có năm chiếc bánh và hai con cá. Cậu bé này có lẽ là đi cùng với người lớn, cha mẹ hoặc người thân đến để nghe Đức Giêsu giảng dạy. Giữa 5000 người chẳng lẽ chỉ có một cậu bé biết chuẩn bị lương thực đi đường, còn 4.999 người kia thì sao? Câu hỏi gợi lên cho ta đôi điều suy nghĩ. Có lẽ những người kia vì say mê nghe Chúa nói mà không kịp chuẩn bị lương thực đi đường, hay vì họ tin tưởng Chúa sẽ lo cho họ mọi sự, kể cả bữa ăn. Cậu bé đã không giữ lại một chiếc bánh cho riêng mình nhưng đã quảng đại chia sẻ hết, cậu cũng là người hạnh phúc nhất. Thiên Chúa có thể tạo dựng mọi điều từ con số không, nhưng Người vẫn cần năm chiếc bánh của cậu bé, cần sự cộng tác của con người.

Con số 12 thúng đầy bánh còn dư lại cho thấy Thiên Chúa rộng lượng ban phát cho con người không có giới hạn. Có thể hiểu con số 12 tượng trưng cho 12 chi tộc Ítraen, 12 tháng của một năm. Dấu lạ hóa bánh có nhiều tầng ý nghĩa quan trọng, con người đóng góp một phần nhỏ bé nhưng Thiên Chúa đã làm cho số ấy nhân lên gấp bội. Từ năm chiếc bánh và hai con cá của một em bé, Thiên Chúa đã cho mọi người nhận biết tình thương và danh xưng của Thiên Chúa. Thiên Chúa không đòi hỏi gì nhiều, chỉ cần con người cộng tác hết sức mình vào công cuộc tốt đẹp của Thiên Chúa.

Trong dân gian, số 5 có nghĩa là “ngũ”, con số tượng trưng cho những điều tốt đẹp, ngũ đức của người quân tử. Mỗi người chúng ta đều có năm chiếc bánh, đó là thời giờ, sức khỏe và những khả năng Chúa ban. Chúng ta hãy quảng đại chia sẻ cộng tác trong cuộc cứu độ của Thiên Chúa. Thiên Chúa cho mỗi người có những khả năng khác nhau để chúng ta chia sẻ, chung tay hỗ trợ người khác làm cho cuộc sống phong phú. Ước mong, mỗi người đều ý thức đóng góp phần nhỏ bé của mình vào công cuộc xây dựng cuộc sống tốt đẹp theo như ý muốn của Thiên Chúa.

Tình thương của Thiên Chúa không có giới hạn, luôn trải dài trong từng ngày sống và suốt cuộc đời chúng ta. Tiếc thay, có lúc chúng ta chỉ chú trọng của ăn vật chất, lo bồi dưỡng thân xác mà quên đi những giá trị thiêng liêng. Tâm hồn chúng ta cũng cần phải được bồi dưỡng bằng những “vitamin” của ân sủng và bình an, của chia sẻ yêu thương, của cảm thông tha thứ. Tâm hồn chúng ta sẽ có được sức sống dồi dào nếu biết kín múc nguồn ân sủng từ Thiên Chúa, đặc biệt nơi bàn tiệc Thánh Thể.

Hiện nay, ở một số nơi trên thế giới vẫn còn nhiều người chịu cảnh đói khát của ăn thiêng liêng lẫn vật chất. Không những thế, họ còn phải chịu cơn khát về sự công bằng bác ái, sự tự do thể hiện và sống niềm tin của mình. Hơn lúc nào hết, chúng ta được mời gọi hãy chia sẻ cho nhau tấm bánh yêu thương hiệp nhất, tấm bánh của cảm thông tha thứ, bánh của niềm an ủi đỡ nâng trước những đau khổ trong cuộc sống. Hãy trao cho nhau dù chỉ là chút bánh và mấy con cá nhỏ để góp vào bữa đại tiệc của Thiên Chúa.

Nt. M. Anh Thư, OP

 

 

 

 

 


Các bài viết mới hơn
     Suy niệm Lời Chúa Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống_Lm Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy niệm Lời Chúa Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống_Lm Đan Vinh - HSTM
     Suy niệm Lời Chúa Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống_Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần VII Phục Sinh_Nt. M. Anh Thư, OP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần VII Phục Sinh_Tân Quang
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần VII Phục Sinh_Lm Giuse Nguyễn Duy Khang
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Ba Sau Tuần VII Phục Sinh_Thầy Phêrô_Maria. Mảnh vỡ. FVP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Hai Tuần VII Phục Sinh_ Nt. Têrêsa Nguyễn Thị Kim Tuyến, OP
     Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật Lễ Chúa Thăng Thiên_Lm Đan Vinh - HSTM
     Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật Lễ Chúa Thăng Thiên_Lm Giuse Đỗ Đức Trí

Các bài viết cũ hơn
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần II Phục Sinh - Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần II Mùa Phục Sinh - Lm. Minh Anh, Tgp. Huế
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần II Mùa Phục Sinh - Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Hai Tuần II Phục Sinh - Lm . Tam Thái
     Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật Tuần II Phục Sinh - Lm ĐAN VINH - HHTM
     Lời Chúa - Chúa Nhật Tuần II Phục Sinh Năm B - Lm Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần Bát Nhật Phục Sinh - Thiên Thảo SJP
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Sau Tuần Bát Nhật Phụng Sinh - Lm Giuse Nguyễn Duy Khang
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần Bát Nhật Phục Sinh - Nt. Anna Têrêxa Thiên Hoàng, O.P.
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần Bát Nhật Phục Sinh_Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc