CHÚA NHẬT PHỤC SINH
MỘT THẾ GIỚI MỚI ĐÃ MỞ RA
Lời Chúa Ga 20, 1-9
Ngày đầu tuần, Maria Mađalêna đi
ra mồ từ sáng sớm khi trời còn tối và bà thấy tảng đá đã được lăn ra khỏi mồ,
bà liền chạy về tìm Simon-Phêrô và người môn đệ kia được Chúa Giêsu yêu mến, bà
nói với các ông rằng: “Người ta đã lấy xác Thầy khỏi mồ, và chúng tôi không
biết người ta đã để Thầy ở đâu”. Phêrô và môn đệ kia ra đi đến mồ. Cả hai cùng
chạy, nhưng môn đệ kia chạy nhanh hơn Phêrô, và đến mồ trước. Ông cúi mình
xuống thấy những khăn liệm để đó, nhưng ông không vào trong. Vậy Simon-Phêrô
theo sau cũng tới nơi, ông vào trong mồ và thấy những dây băng nhỏ để đó, và
khăn liệm che đầu Người trước đây, khăn này không để lẫn với dây băng, nhưng
cuộn lại để riêng một chỗ. Bấy giờ môn đệ kia mới vào, dù ông đã tới mồ trước.
Ông thấy và ông tin, vì chưng các ông còn chưa hiểu rằng, theo Kinh Thánh, thì
Người phải sống lại từ cõi chết.
Suy niệm
Những ngày cao điểm nắng nóng trong tháng ba vừa qua, nhiệt độ tại Biên
Hòa lên đến 37 độ, khí trời nóng nực oi bức, gây cảm giác khó chịu, cây cối,
súc vật như chết khô. Vậy mà chỉ sau một cơn mưa đầu mùa, thời tiết thay đổi
hoàn toàn, đem lại cảm giác mát mẻ dễ chịu, cây cỏ bắt đầu nhú lên những mầm
xanh mới, cả mặt đất như được hồi sinh. Cũng vậy, những ngày Tuần Thánh vừa qua
mang lại cho chúng ta cảm giác u buồn bởi cuộc thương khó và cái chết của Chúa
Giêsu. Nhưng bước vào Ngày Thứ Nhất trong tuần mới này, phụng vụ của Giáo Hội mang
đến cho chúng ta một bầu khí tưng bừng hân hoan. Thay cho cảnh sầu thương và
màu tím u buồn là lời hoan ca reo mừng: Alleluia - Chúa đã sống lại thật rồi.
Cuộc phục sinh của Chúa Giêsu quả thật như cơn mưa sau ngày nắng hạn, là
bình minh khai mở cho một thời đại mới, thời đại của tự do và ơn cứu độ. Chết
chóc và u buồn, sợ hãi và trốn tránh, khóc lóc và than van đã qua đi, để nhường
chỗ cho niềm vui hân hoan và hy vọng lớn lao vì Chúa đã sống lại thật. Các bài
đọc Lời Chúa hôm nay cho thấy tin vui Phục Sinh đã thay đổi các môn đệ và mở ra
một thời đại mới, một cuộc sống mới ngập tràn niềm vui.
Sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, lúc trời còn tối, bà Maria Mađalêna ra
thăm mộ, thì thấy tảng đá đã lăn ra khỏi mồ. Bà chạy về báo cho các Tông đồ: “Người ta đã lấy xác Chúa khỏi mồ rồi, chúng
tôi không biết họ để Người ở đâu.” Tác giả Tin Mừng cho thấy rằng bà Maria
chưa đón nhận được niềm vui phục sinh bởi vì bà chưa chịu bước ra khỏi bóng tối
của đau khổ và sợ hãi. Sự tối tăm của bầu trời lúc đó cũng là bóng tối trong
tâm hồn của bà. Bà không chủ ý để đi tìm Chúa Phục Sinh, nhưng chỉ tìm nấm mồ
và tìm một Chúa Giêsu đã chết và được chôn trong đó. Vì thế, khi thấy tảng đá
đã được lăn ra khỏi mộ, điều bà nghĩ ngay lúc ấy là: “Người ta đã lấy xác Chúa khỏi mồ.” Bà bị giằng co và hoài nghi
trong đức tin khi chứng kiến ngôi mồ trống, bà nói: “Chúng tôi không biết người ta để xác Người ở đâu.”
Khác với bà Maria Mađalêna, Phêrô và môn đệ kia khi nghe báo tin, các ông
vô cùng vui mừng phấn khởi. “Cả hai ông
cùng chạy”, với một tâm trạng hoàn toàn khác với những ngày trước đây. Mấy
ngày trước, các ông ủ rũ, lẩn trốn mọi người, ngôi mộ như một dấu chấm hết ám ảnh
các ông. Nhưng hôm nay, các ông đã chạy ra mộ với một tâm trạng hoàn toàn khác,
đó là tâm trạng của hy vọng và tin tưởng. “Người
môn đệ kia đã tới mộ trước. Ông cúi xuống và nhìn thấy những băng vải để ở đó,
nhưng không vào.” Với chi tiết này, tác giả cho thấy, mặc dù chưa được gặp
Đức Giêsu Phục Sinh, nhưng khi chứng kiến ngôi mộ trống, ông đã nhận ra quyền
năng của Thiên Chúa nơi biến cố này. Ông tin rằng Thiên Chúa vừa mới thực hiện
một công trình vĩ đại cho nhân loại qua việc cho Đức Giêsu trỗi dậy ra khỏi mồ.
Vì thế, ông cúi xuống với thái độ cung kính thờ lạy, khiêm nhường suy gẫm.
Khi Simon Phêrô theo sau cũng đã đến. Ông vào thẳng trong mộ và thấy “những băng vải còn ở đó và khăn che đầu Đức
Giêsu. Khăn này không để lẫn với các băng vải, nhưng cuộn lại, xếp riêng ra một
nơi.” Simon lúc này không còn lấm lét sợ hãi nữa, nhưng với tư cách là người
đứng đầu trong anh em, là thủ lãnh Giáo Hội, người có tiếng nói quyết định
chung cuộc, bước đi của ông mạnh mẽ và hiên ngang: “Ông vào thẳng trong mộ” và thấy những dấu vết còn lại, đó là các khăn
được gấp lại cẩn thận và để gọn gàng vào một chỗ. Theo cảm nhận trực giác của
người môn đệ được Chúa Yêu, và người môn đệ yêu Chúa nhất, Simon và Gioan
tin một cách chắc chắn đó là những dấu hiệu của Thầy mình, không thể lẫn với ai
khác được. Đồng thời, chi tiết này cũng hoàn toàn phủ nhận suy nghĩ của mấy phụ
nữ và của nhiều người sau này, cho rằng đã có ai lấy trộm xác Chúa. Vì theo
Gioan, không ai lấy xác của Thầy làm gì. Nếu là một vụ trộm, chúng sẽ ôm cả cái
xác đi, không bao giờ kẻ trộm lại có thời giờ để gấp gọn các khăn che mặt, băng
vải liệm và để gọn gàng như thế. Qua đó, Gioan quả quyết rằng những dấu vết tại
ngôi mộ không có dấu hiệu gì là một vụ trộm.
Cả hai Tông đồ Simon và Gioan đứng trước một kỳ công Thiên Chúa đã thực
hiện, các ông đã thấy và đã tin cách
chắc chắn Đức Giêsu đã trỗi dậy và ra khỏi mồ. Khi viết lại những chi tiết của
câu chuyện xảy ra vào buổi sáng sớm ngày thứ nhất năm ấy, Gioan và các Tông đồ
đã rút ra được một kết luận hết sức quan trọng: “Thật vậy, trước đó hai ông chưa hiểu rằng, theo Kinh Thánh Đức Giêsu
phải trỗi dậy từ cõi chết.” Điều này các Tông đồ muốn nói cho chúng ta là
những người không được nhìn thấy ngôi mộ đã trống, cũng không thấy những khăn
liệm Chúa để lại, chúng ta có một chứng cứ đáng tin đó là Kinh Thánh. Chính
Kinh Thánh sẽ nói cho chúng ta về Đức Giêsu và làm chứng về Đức Giêsu đã chết
và sống lại. Tin vào Kinh Thánh chúng ta sẽ đón nhận được niềm vui và Tin Mừng
Phục Sinh của Chúa.
Thưa quý OBACE, Tin Mừng Phục Sinh quả thực đã mở ra một thời đại mới, một
trang sử mới, đem lại hy vọng và niềm vui ơn cứu độ cho nhân loại. Chính Tin Mừng
này đã biến đổi và trở thành động lực thúc đẩy các Tông đồ nhiệt thành loan báo
Đức Giêsu đã chết và sống lại cho thế giới. Sau biến cố Phục Sinh, Phêrô đã thể
hiện vai trò thủ lãnh Giáo Hội khi ông miệt mài rao giảng về Chúa Phục Sinh
không một chút sợ hãi. Phêrô hôm nay đã hoàn toàn khác với Simon Phêrô nhát sợ
trước đây, ông đi khắp nơi để chỉ nói về Chúa Giêsu Phục Sinh mà thôi: “Đức Giêsu Nazaret, Thiên Chúa đã dùng quyền
năng và Thánh Thần xức dầu cho Người… Họ đã treo Người lên cây gỗ và giết đi,
nhưng Thiên Chúa đã cho Người sống lại.”
Là những người tin vào Chúa Giêsu Phục Sinh, chúng ta đang sống trong thế
giới mới của Ngài. Chúng ta được mời gọi sống con người mới, cuộc đời mới.
Thánh Phaolô đã dạy chúng ta như thế: “Anh
em đã cùng sống lại với Đức Kitô, thì hãy tìm kiếm những sự trên trời, hướng
lòng trí về trời, đừng chú tâm vào những gì thuộc hạ giới.” Hướng lòng trí
về trời để tâm hồn được thanh thoát khỏi những dục vọng đam mê và lôi cuốn của thế
gian. Tránh xa những điều thuộc hạ giới là các thứ lôi cuốn của vật chất, của
tham, sân, si.
Là những bậc làm cha mẹ, chúng ta được mời gọi làm cho gia đình mình thực
sự sống lại với Chúa Giêsu. Vì thực ra, nhiều cha mẹ đã để cho gia đình của
mình trở nên u ám, buồn bã, chết chóc. Nhiều gia đình đã mất niềm vui, thiếu tiếng
cười và mất cả sức sống, khiến cho gia đình chỉ còn chiến tranh, cãi vã. Chúng
ta được mời gọi làm cho gia đình mình sống lại với Đức Giêsu bằng một tinh thần
mới, bầu khí mới qua sự quan tâm, cảm thông, tha thứ của từng thành viên dành
cho nhau.
Chúa Giêsu Phục Sinh cũng đang hiện ra trong từng gia đình, từng nhà.
Ngài cũng đang nói với các gia đình: “Bình
an cho các con! Thầy đây đừng sợ!” Xin Chúa trợ giúp đỡ nâng để cho sự sợ
hãi chán nản hay đau khổ thất vọng không làm chúng ta quỵ ngã, nhưng chúng ta
tin Chúa không bao giờ bỏ rơi chúng ta, để mỗi khi gặp thử thách, chúng ta can
đảm chiến đấu, mỗi khi bị té ngã, chúng ta mạnh mẽ đứng dậy.
Xin cho chúng ta nhận ra sự hiện diện yêu thương tha thứ của Chúa, đón nhận
ơn phục sinh của Chúa trong tâm hồn, tìm lại được niềm vui, để chúng ta cũng có
thể dễ dàng tha thứ cảm thông, dễ dàng đến với nhau, cư xử với nhau trong niềm
vui và an bình. Amen.
Lm. Giuse Đỗ Đức Trí