Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật Thứ XXVIII Thường Niên Năm A
ĐÁP LẠI LỜI MỜI VÀO DỰ TIỆC NƯỚC TRỜI
Mỗi lần tổ
chức tiệc cưới, một trong những điều gia chủ lo lắng nhất là vấn đề cỗ bàn: Làm
bao nhiêu cho vừa? Vì làm dư thì xấu hổ, làm thiếu thì ngại. Thật khó xử cho
gia chủ khi một đám cưới mà khách mời không đến, cỗ bàn dư thừa. Ngày xưa, việc
cưới hỏi là dịp vui cho gia đình, họ hàng và cho cả xóm. Đi đám cưới là dịp gặp
gỡ trò chuyện, hỏi thăm, tâm sự. Ngày nay, đi đám cưới có quá nhiều âm thanh, đến
nỗi không thể nói chuyện. Các thực khách ngày nay, có người đi dự đám cưới chỉ
để trả nợ, để khoe quần áo, có người vì lý do sức khỏe, đến đám cưới chỉ ăn tượng
trưng. Vì thế, thức ăn từ các bàn cỗ dọn xuống, có những món hầu như chưa đụng
đũa, hoặc chi mới gắp một hai miếng, đành đổ bỏ gây phí phạm.
Hôm nay,
Chúa Giêsu kể dụ ngôn về Nước Trời giống như một vua kia mở tiệc cưới cho hoàng
tử. Nhà vua sai người đi đón các quan khách đã được mời đến dự tiệc, nhưng họ
không đến. Thông thường trong xã hội, người được mời rất vinh dự và không bao
giờ vắng mặt khi chủ tiệc là quan chức cấp cao, là thủ trưởng cơ quan hoặc là
thủ tướng. Những người được mời trong những bữa tiệc như thế thường đến sớm để
gặp gỡ và kèm theo những món quà mừng đắt tiền. Nhưng trong câu chuyện dụ ngôn này,
những người đã được mời hầu như không quan tâm đến lời mời, họ tỏ ra khinh thường
lời mời của Đức vua, khinh thường những người được sai đi mời. Nhà vua trong
câu chuyện đã phải hạ mình xuống một lần nữa, sai người đi năn nỉ khách đến dự
tiệc. Nhà vua còn đưa ra lý do: Mọi thứ đã xong, bò tơ đã thịt, cỗ bàn đã sẵn,
mời quý vị đến dự tiệc cưới. Nếu như nhóm người được mời trước đây cố tình làm
ngơ trước lời mời của nhà vua, thì nhóm người thứ hai đã có những phản ứng tiêu
cực, khước từ, chống đối rõ ràng. Họ không đếm xỉa gì đến lời mời và lấy lý do
kẻ đi thăm ruộng, người thì đi buôn. Chứng tỏ rằng, những người này xem những lợi
lộc vật chất hơn lời mời và thế giá, địa vị của nhà vua. Những kẻ khác còn tỏ
thái độ chống lại nhà vua, họ bắt bớ, nhục mạ và giết các đầy tớ nhà vua. Sự
kiên nhẫn của nhà vua cũng đã tới hạn cuối cùng. Nhà vua thịnh nộ sai người đi
tiêu diệt bọn sát nhân và tiêu hủy thành phố của chúng.
Đức vua
không muốn để bữa tiệc cưới hoàng tử trở nên tẻ nhạt lạnh lẽo, ông đã mở cửa
cung điện cho mời tất cả mọi người giàu nghèo, sang hèn vào dự tiệc cưới hoàng
tử. Nhà vua còn hào phóng chuẩn bị áo đẹp cho mọi thực khách với điều kiện những
ai vào dự tiệc cưới đều phải mặc bộ y phục xứng đáng này. Tuy nhiên đã có những
người cố chấp, muốn thể hiện sự ngang bướng của mình, anh ta vào dự tiệc nhưng
nhất định không mặc áo đẹp vua đã chuẩn bị. Khi vua đi thăm các thực khách, đã
phát hiện một người không mặc áo cưới. Nhà vua đã trách anh ta: Này anh, sao
anh vào đây mà không mặc áo cưới? Nhà vua trách anh vì anh cố chấp theo lối sống
ngang tàng của mình, gia nhập bữa tiệc của hoàng cung nhưng lại từ chối phẩm
giá và điều kiện quy định của hoàng cung. Thay vì được chung niềm vui với mọi
người trong cung điện, anh bị ném ra ngoài; thay vì được đầy ắp niềm vui tiếng
cười cùng với rượu mừng thì anh bị ném vào nơi khóc lóc nghiến răng.
Ngày xưa,
Kinh Thánh thường dùng hình ảnh bữa tiệc hoặc tiệc cưới để diễn tả niềm vui hạnh
phúc Nước Trời. Vì trong bữa tiệc, người ta không chỉ ăn no uống say, mà còn được
sống trong bầu khí vui tươi, huynh đệ, gặp gỡ trò chuyện với nhau và nhất là được
chiêm ngắm cô dâu và chú rể. Bài đọc một tiên tri Isaia đã dùng hình ảnh một buổi
đại tiệc để diễn tả niềm vui và hạnh phúc mà Thiên Chúa thiết đãi dân Người:
Ngày ấy, trên núi này, Đức Chúa các đạo binh sẽ đãi muôn dân một bữa tiệc, tiệc
thịt béo, tiệc rượu ngon. Người sẽ xé bỏ chiếc khăn tang bao trùm muôn dân và vứt
bỏ chiếc khăn liệm phủ trên mọi nước.
Hình ảnh
tiệc cưới hoàng tử Chúa Giêsu nói đến chính là hình ảnh của hạnh phúc Nước Trời
mà Thiên Chúa đã mở ra để mời gọi mọi người vào chung hưởng. Những luật sĩ, thượng
tế và dân Do Thái là những người được ưu ái mời trước, nhưng họ đã làm ngơ trước
lời mời gọi của Thiên Chúa, không muốn bước vào nhà của Thiên Chúa. Thiên Chúa
đã nhiều lần sai các tổ phụ, các tiên tri đến để kêu gọi, năn nỉ dân Do Thái trở
về chung hưởng niềm vui và hạnh phúc với Chúa, nhưng họ đã mải mê chạy theo lối
sống dân ngoại, của cải vất chất và đã giết hại các ngôn sứ. Sau cùng, qua Chúa
Giêsu, Thiên Chúa đã mở toang cánh cửa Nước Trời để mời gọi mọi người, mọi dân
tộc không phân biệt giàu nghèo, sang hèn cùng vào dự tiệc Nước Trời.
Tiệc cưới
hoàng tử còn là hình ảnh của Giáo Hội. Qua Giáo Hội, Thiên Chúa đang dọn tiệc Lời
Chúa và Thánh Thể mỗi ngày và mời gọi mọi người gia nhập vào Giáo Hội để cùng dự
tiệc với Hoàng Tử Giêsu. Chính trong Giáo Hội, chúng ta sẽ trở nên anh em với
nhau, cùng chia sẻ cho nhau những ân phúc của Chúa và nâng đỡ nhau trong những
khó khăn của cuộc sống. Cũng từ nơi bàn tiệc Thánh Lễ mỗi ngày, chúng ta được gặp
chính chàng rể Giêsu, được nghe lời dạy bảo của Ngài, được nuôi dưỡng bằng
lương thực thần linh là chính máu thịt của Ngài. Ai đến lãnh nhận sẽ thoát khỏi
sự buồn chán, tìm lại được niềm vui và nhất là Ngài sẽ cất khỏi chúng ta sự đau
khổ và chết chóc.
Trong cuộc
sống, nhiều người hãnh diện khoe mình quen với quan chức này, với cán bộ kia,
nhưng lại không bao giờ cảm thấy hãnh diện vì là người nhà của Vua Giêsu. Nhiều
người hãnh diện vì được cùng đi ăn uống với người có quyền lực, dự đám cưới con
quan chức, nhưng lại không cảm thấy vinh dự vì Thiên Chúa đang mời mỗi người
vào dự tiệc cưới Nước Trời. Thánh lễ mỗi ngày, đặc biệt mỗi Chúa nhật là bữa tiệc
được Giáo Hội dọn ra và Thiên Chúa mời gọi chúng ta đến dự. Khi được mời đám cưới,
người được mời không đến vì tình, thì cũng đến vì quan hệ xã hội, vậy mà khi được
Chúa mời, nhiều người vì lý do vật chất, hoặc một lý do bận rộn nào đó, đã bỏ
qua việc tham dự tiệc của Chúa.
Không ai
đi dám cưới mà chỉ đứng nhìn, vậy mà có người đến dự tiệc Thánh Thể, dự Thánh lễ
một cách hờ hững, đứng bên ngoài hoặc từ xa, như là người không có liên quan,
không trách nhiệm. Nhiều người đi dự tiệc Thánh Thể mà không ăn uống, không lắng
nghe, họ tham dự cách thụ động cho hết giờ rồi ra về. Cứ đặt mình vào tâm trạng
của người chủ mời tiệc, chúng ta sẽ cảm thấy buồn thế nào khi người được mời đối
xử với ta như thế.
Chúa vẫn
ban ơn trợ giúp chúng ta từng giờ từng phút, một tuần chúng ta chỉ có một giờ đến
với Chúa, như con cái về bên cha mẹ, như người đi xa trở về gia đình. Vì thế,
hãy cố gắng làm cho việc trở về với Chúa mỗi ngày Chúa nhật thật sự trở thành
ngày hân hoan, gặp gỡ với Thiên Chúa là Cha, kể cho Chúa nghe những ưu tư khắc
khoải và biến cố đã xảy ra trong tuần sống. Đến với tiệc Thánh Thể mỗi ngày
Chúa nhật, chúng ta còn được nghe những lời an ủi chỉ bảo của Chúa, được cùng
anh chị em xum họp chung quanh bàn tiệc của Chúa và sống tình gia đình trong
nhà của Chúa.
Trong ngày
lãnh Bí tích Rửa Tội, chúng ta được Giáo Hội trao cho chiếc áo cưới. Mỗi người có
quyền tự hào mình là người thân của Chúa, được Chúa mời gọi vào cung điện của
Ngài là Nước Trời. Xin cho chúng ta luôn biết gìn giữ chiếc áo linh hồn luôn
trong trắng sạch sẽ, tránh bị vấy bẩn bởi tội lỗi, dục vọng, đam mê và những
hành động xấu. Nếu vì yếu đuối khiến cho chiếc áo linh hồn bị vấy bẩn, xin cho
chúng ta mạnh dạn giặt và tẩy rửa vết nhơ qua Bí tích Giải Tội, chúng ta sẽ được
tẩy sạch bởi lòng thương xót và tha thứ của Chúa. Amen.
Lm Đỗ Đức Trí