Suy
Niệm Lời Chúa Chúa Nhật Tuần XI Thường Niên Năm B
LỄ CHÚA BA NGÔI
CHÚA BA NGÔI - TÌNH YÊU HY SINH VÀ TRAO TẶNG
Vào ngày 22/5 vừa qua, một
ca sinh mổ của một bệnh nhân ung thư đã gây xúc động cho nhiều người. Chuyện xảy
ra tại bệnh viện K - Hà Nội: Người mẹ này tên Liên, chị đi khám bệnh, bác sĩ
cho biết chị bị ung thư giai đoạn cuối. Lúc đó chị đang mang thai đứa con đầu lòng,
được bốn tháng tuổi. Các bác sĩ chỉ định chị phải đình chỉ thai kỳ để chữa trị
căn bệnh ung thư bằng phương pháp xạ trị. Chị nhất định từ chối vì thương đứa
con bé bỏng trong bụng và vì không muốn làm gì có thể gây hại cho đứa trẻ. Chị
đã cầm cự để chống chọi lại với căn bệnh ngày càng di căn trầm trọng. Ngày 22/5
vừa qua, sức khỏe của chị không thể chịu được nữa, bào thai mỗi ngày một lớn
khiến chị không thể thở được. Các bác sĩ đã quyết định giải phẫu để cứu lấy đứa
bé. Ca mổ đã thành công, nhưng sức khỏe của người mẹ ngày càng xấu đi. Người mẹ
trẻ này gây xúc động cho nhiều người vì chị đã thể hiện một tình yêu lớn lao đến
hy sinh thân mình để trao tặng sự sống cho đứa con của chị. Một tình yêu thật sự
sẽ không có bóng dáng của ích kỷ, nhưng là hướng tới người khác, là trao ban,
là chấp nhận hy sinh để cho người mình yêu hạnh phúc.
Hôm nay mừng lễ Chúa Ba
Ngôi là Thiên Chúa Tình Yêu, là mầu nhiệm chính yếu trong đạo của chúng ta. Khi
tuyên xưng mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi là mầu nhiệm Tình Yêu, chúng ta tuyên
xưng Thiên Chúa Ba Ngôi chính là nguồn gốc của mọi tình yêu và là mẫu mực cho mọi
tình yêu trên trần gian này. Vì thế, tình yêu đích thực của vợ chồng hay của
cha mẹ, anh em, bạn hữu đều phản ảnh tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa.
Tình yêu của Thiên Chúa là
một tình yêu trao ban sự sống. Đoạn sách Khôn Ngoan hôm nay nhắc đến công trình
tạo dựng của Thiên Chúa như là kết quả tuôn trào từ tình yêu của Ngài. Ngay từ
khi vũ trụ chưa được tạo thành thì Đức Khôn Ngoan của Thiên Chúa đã hiện diện
và hoạt động như tác phẩm đầu tay của Thiên Chúa. Đức Khôn Ngoan không chỉ là một
đặc tính nơi Thiên Chúa, mà trở thành như nhân chứng trước công trình tạo dựng
của Ngài, là người chứng kiến từ những giây phút ban đầu khi những hạt bụi được
Thiên Chúa quy tụ lại để làm nên vũ trụ và con người. Đức Khôn Ngoan đã chứng
kiến việc Thiên Chúa làm nên vũ trụ, trang điểm cho nó có một vẻ đẹp huy hoàng.
Sách Khôn Ngoan khẳng định: “Từ cõi trời
cao đến vực thẳm sâu, từ tinh tú đến những hoa cỏ cây cối muôn màu và mọi loài
mọi vật tất cả đều phát sinh từ tình yêu của Thiên Chúa”.
Sách Sáng Thế cho chúng ta
thấy rõ hơn về một Thiên Chúa quyền năng là Cha yêu thương. Vì là Thiên Chúa
quyền năng, Ngài đã dựng nên tất cả mọi loài chỉ bằng một lời tuyên bố: Hãy có,
thì mọi loài mọi vật liền có. Nhưng khi sáng tạo con người, Thiên Chúa đã thể
hiện mình như một người Cha khôn ngoan và như một người mẹ ân cần. Sách Sáng Thế
cho thấy, Thiên Chúa không dùng lời tuyên bố “hãy có” để tạo dựng nên con người, nhưng Ngài đã trân trọng và đặt
hết tình yêu thương vào tác phẩm của mình: “Thiên
Chúa đã lấy bùn đất để nắn nên con người, Ngài thổi sinh khí vào lỗ mũi và ban
cho con người sự sống”. Hơi thở chính là sự sống, vậy mà Thiên Chúa đã chia
sẻ hơi thở của Ngài cho con người, trao cho con người sự sống thần linh của
chính Thiên Chúa. Thiên Chúa ân cần yêu thương con người như người cha chăm lo
cho con cái. Ngài đem con người đặt vào Vườn Địa Đàng và còn tín nhiệm trao cho
con người làm chủ tất cả vũ trụ và mọi loài mọi vật. Tình yêu nơi Thiên Chúa là
một tình yêu hy sinh. Con người tự nhiên thường yêu những gì mình thích, hoặc
yêu những người yêu thích mình. Nhưng khi yêu con người, Thiên Chúa chẳng được
lợi gì, trái lại Ngài đã chấp nhận một tình yêu hoàn toàn hy sinh vì con người.
Ngay từ đầu có thể nói, Thiên Chúa còn đang vui với sự tốt đẹp của công trình tạo
dựng, thì con người đã công khai chối bỏ tình yêu của Thiên Chúa. Thiên Chúa đã
liều lĩnh, dứt ruột của mình ra, khi thực hiện kế hoạch cho Con Chúa xuống thế
làm người để cứu chuộc nhân loại. Người Con ấy chính là Đức Giêsu, là hiện thân
của Thiên Chúa Cha để đến với con người, tìm kiếm và đưa con người trở về với
đường lối ban đầu của Thiên Chúa muốn, đó là làm cho con người hạnh phúc. Khi
xuống thế làm người, Chúa Giêsu đã chấp nhận một sự hy sinh lớn lao, Ngài từ bỏ
vinh quang, địa vị, quyền năng của một Thiên Chúa, để mang vào mình sự giới hạn
bất toàn, yếu đuối. Ngài đến thế gian để cứu con người, nhưng nhân loại không
chấp nhận Ngài, từ chối và tìm cách loại trừ Ngài. Cuối cùng con người đã tìm
cách giết Ngài bằng cái chết đóng đinh Ngài trên cây thập giá. Trước sự đối xử
phũ phàng tệ bạc của con người, Chúa Giêsu vẫn một lòng hy sinh đón nhận tất cả,
chịu đựng tất cả. Ngài không nổi nóng, không oán trách không loại trừ con người,
nhưng vẫn một lòng yêu thương tha thứ và còn đón nhận con người trở nên anh em
ruột thịt của Ngài. Thiên Chúa không mất kiên nhẫn, không chịu thua trước sự dữ,
sự ác, Ngài vẫn để cho tình yêu của Ngài thắng thế khi dùng quyền năng của mình
mà làm cho Đức Giêsu chỗi dậy từ cõi chết, để tiêu diệt sự chết, đem lại sự sống
mới cho nhân loại. Thiên Chúa Cha đã đón nhận tình yêu và sự hy sinh của Chúa
Giêsu, để ban tặng lại ơn cứu độ cho con người.
Tình yêu của Thiên Chúa là
quà tặng được trao ban cho nhân loại qua Chúa Thánh Thần. Thiên Chúa không ngừng
yêu thương nhân loại, Ngài đã không tiếc việc trao ban Con Một là Chúa Giêsu
cho nhân loại, thì Ngài cũng không giữ Thánh Thần cho riêng Ngài mà Ngài trao cả
Thánh Thần cho nhân loại. Chúa Thánh Thần là sự Khôn Ngoan, là Quyền Năng là Tình
Yêu của Thiên Chúa được gửi đến cho toàn thể nhân loại. Chúa Thánh Thần đã hoạt
động từ khi được ban tặng cho nhân loại và còn hiện diện hoạt động nơi thế giới này cho đến tận
thế. Chúa Thánh Thần là sự Khôn Ngoan của Thiên Chúa giúp cho chúng ta biết chọn
lựa cách sống khôn ngoan, đó là chọn sống theo ý Chúa. Ngày xưa Adam Eva đã chọn
lựa dại dột, sai lầm. Họ đã chọn theo ma quỷ, chọn để thỏa mãn khát vọng cá
nhân, chiều theo dục vọng và hậu quả là chọn phải cái chết. Khi Thánh Thần Khôn
Ngoan của Thiên Chúa hoạt động trong chúng ta, Ngài sẽ giúp chúng ta chọn sống
sao cho đẹp lòng Chúa, đi đúng con đường của Chúa và làm theo ý Chúa. Chọn như
thế là chọn Chúa làm ưu tiên và là chọn con đường đưa tới sự sống. Chúa Thánh
Thần là Quyền Năng của Thiên Chúa được ban cho nhân loại, Ngài sẽ dùng quyền
năng của mình để đổi mới toàn thể vũ trụ và con người. Thánh Thần biến con người
trở nên những con người mới, biết phụng thờ Thiên Chúa cho phải đạo, biết yêu
thương như Chúa dạy bảo. Chúa Thánh Thần còn dùng quyền năng để thánh hóa mọi
người mọi loài và cả vũ trụ này nên thánh. Tất cả chúng ta và vũ trụ đều được
phát xuất từ Thiên Chúa là Đấng Thánh, thì chúng ta phải sống xứng đáng là những
con người thánh và phải trở lại với nguồn gốc của mình là Thiên Chúa Đấng vô
cùng thánh thiện, đồng thời biến vũ trụ này nên nơi thánh.
Mừng Chúa Ba Ngôi, chúng ta không chỉ tuyên xưng mầu nhiệm này
trên môi miệng, nhưng là cảm nhận sự hiện diện và hoạt động của Ba Ngôi Thiên
Chúa trong cuộc đời và vũ trụ. Chúa Ba Ngôi vẫn không ngừng hoạt động, sáng tạo,
quan phòng, bảo vệ con người và vũ trụ này là tác phẩm của Ngài. Ngài liên tục
trao ban cho con người và vũ trụ hơi thở sự sống thần linh của Ngài. Mỗi nhịp đập
của trái tim, mỗi hơi thở của con người và vũ trụ tạo vật này, đều là hơi thở
thần linh từ Thiên Chúa đang không ngừng trao ban sự sống. Vì thế, chúng ta phải
cùng cả vũ trụ vạn vật không ngừng ca ngợi quyền năng của Thiên Chúa và cảm tạ
về món quà sự sống mà chúng ta đang được lúc này. Thiên Chúa Ba Ngôi vẫn không
ngừng hy sinh cứu chuộc nhân loại; Thiên Chúa Cha vẫn liên tục trao ban Chúa
Con và Chúa Thánh Thần cho nhân loại để chúng ta được ơn cứu độ bởi Chúa Con và
được thánh hóa đổi mới nhờ Chúa Thánh Thần. Vì thế, chúng ta và vũ trụ vạn vật
cũng phải không ngừng đưa tay đón nhận, mở lòng, mở trí để cho Chúa Con cứu chuộc
và Chúa Thánh Thần thánh hóa chúng ta nên những con người mới.
Tuyên xưng mầu nhiệm Thiên
Chúa Ba Ngôi, chúng ta phải sống và loan báo tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa
cho tất cả mọi người, mọi vật. Chúa Ba Ngôi hằng hiện diện và điều khiển dẫn dắt
cuộc đời của ta, vì thế ta phải sẵn sàng vâng nghe. Mỗi khi làm dấu thánh giá
là chúng ta tuyên xưng Chúa Ba Ngôi, vì vậy chúng ta cần làm dấu cách nghiêm
trang sốt sắng và ý thức. Chúa Ba Ngôi là khuôn mẫu cho các gia đình, do đó,
chúng ta cần phải làm cho gia đình mỗi ngày thực sự ngập tràn tình yêu thương, sự
lắng nghe, cảm thông, hy sinh và chia sẻ cho nhau, giống như Thiên Chúa Ba Ngôi
đã hy sinh, trao ban sự sống cho chúng ta. Amen.
Giuse Đỗ Đức Trí