Trang Chủ > Suy Niệm > Thường Niên 1-12 > Tuần 11

Suy Niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần X Thường Niên

Đức Giêsu và luật “chớ bội thề”

thu 7 tuan 11.jpg

LỜI CHÚA: Mt 5, 33-37

33 "Anh em còn nghe Luật dạy người xưa rằng: Chớ bội thề, nhưng hãy trọn lời thề với Đức Chúa.

34 Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: đừng thề chi cả. Đừng chỉ trời mà thề, vì trời là ngai Thiên Chúa.35 Đừng chỉ đất mà thề, vì đất là bệ dưới chân Người. Đừng chỉ Giê-ru-sa-lem mà thề, vì đó là thành của Đức Vua cao cả.36 Đừng chỉ lên đầu mà thề, vì anh không thể làm cho một sợi tóc hoá trắng hay đen được.

37 Nhưng hễ "có" thì phải nói "có", "không" thì phải nói "không". Thêm thắt điều gì là do ác quỷ.

SUY NIỆM

Đức Ki-tô đến là để cho con người được sống và sống dồi dào (Ga 10, 10); thế mà con người không thể sống mà không có Lề Luật: Lề Luật cần thiết cho sự sống con người, nhưng cũng có thể gây ra bầu khí chết chóc và chính sự chết, khi trở thành phương tiện, thậm chí “vũ khí” của sự dữ. Vì thế, Đức Ki-tô không thể nào không có lập trường đối với Lề Luật. Và cái chết của Ngài trên Thập Giá, cũng là một cái chết được mệnh danh là công lí của Lề Luật.

1. Đức Ki-tô và Lề Luật

Trong “Bài Giảng trên Núi”, sau khi công bố các mối phúc, Đức Giê-su trình bày lập trường của mình đối với Lề Luật: “Thầy đến không phải để bãi bỏ, nhưng là hoàn tất lề luật”. Để giải thích cách Ngài hoàn tất Lề Luật, Đức Giêsu đặt mình đối diện với Mười Điều Răn, vốn là trung tâm của toàn bộ Lề Luật: “Anh em đã nghe Luật dạy người xưa rằng…Còn thầy, thầy nói…”. Ngày nay, Mười Điều Răn vẫn còn hiện diện như bộ luật căn bản của Giáo Hội. Dĩ nhiên, ngoài Mười Điều Răn ra, còn vô số những luật lệ khác mà người giáo dân vẫn đọc lại vào ngày Chúa Nhật. Tuy nhiên, Đó không phải là những điều luật thêm vào, nhưng là một giải thích hay chi tiết hóa Mười Điều Răn. Mười Điều Răn chi phối tất cả các lề luật khác như ngọn núi vượt trên đồng bằng, hay đúng hơn, chứa đựng tất cả những lề luật này. Chúng xuất phát từ Mười Điều Răn và trở về với Mười Điều Răn. Chính vì thế, lề luật được Đức Giê-su hoàn tất không chỉ là “luật cũ” của Cựu Ước, nhưng là mọi lề luật của loài người, thuộc mọi thời.

Đức Giêsu mời gọi chúng ta giữ Lề Luật, không chỉ ở bề ngoài, nghĩa là ở mức độ hành vi có thể quan sát được, nhưng giữ Luật Lề khởi đi từ chốn vô hình không ai thấy được: đó là con tim của chúng ta, là cõi lòng chúng ta, là chốn thâm sâu nhất của chúng ta. Và như thế mới là giữ Lề Luật một cách đích thật, mới là sống Lề Luật trong sự thật, mới là “hoàn tất Lề Luật”. Hoàn tất lề luật theo Đức Kitô, không phải là giữ luật thật chặt chẽ hết mức, nhưng là sống tối đa theo năng động của tình yêu Thiên Chúa, có ở nơi sâu thẳm của chúng ta, vì chúng ta được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa.

Khởi đầu

Thiên Chúa, là Cha nhân hậu

↑↓

Con người, là con Thiên Chúa,
là anh chị của nhau

↑↓

Hình ảnh Thiên Chúa
được ghi khắc ở trong tim

LỀ LUẬT
ở mức độ chữ viết

(Mười Điều Răn
và mọi Lề Luật ở mọi nơi và mọi thời)

Cùng đích:

sự sống/sự sống chung/
sự sống trong
Giao Ước

 

Theo Đức Giê-su, hoàn tất Lề Luật đẩy Lề Luật đi đến cùng đích của nó và để đi đến cùng, phải khởi đi từ đầu: đó là một chuyển động của Thần Khí vượt qua Lề Luật, từ khởi đầu đến cùng đích. Như thế, sự công chính đích thực mà Đức Giêsu mời gọi chúng ta sống, không hệ ở việc giữ luật thật chi li, bởi vì nơi của sự công chính đúng hơn nằm ở trung tâm vô hình sâu thẳm của con người. Chính con người cũng chẳng đạt tới đó được nếu chỉ với nỗ lực riêng của mình. Chỉ có một mình Thiên Chúa mới “thanh tẩy” được chốn thâm sâu đó của con người mà thôi, như lời Thánh Vịnh diễn tả: “Nhưng nào ai nhận định được các lầm lỗi của mình? Xin thanh tẩy con khỏi những lầm lỗi vuột khỏi con” (Tv 19, 13). Như thế, sống theo lời của Đức Giêsu sẽ dẫn chúng ta đến đến tâm tình khiêm tốn đích thật.

 

2. Luật “chớ bội thề”

Luật “chớ bội thề” giả định lời thề, như Đức Giê-su nói: “Thầy bảo cho anh em biết: đừng thề chi cả. Đừng chỉ trời mà thề, vì trời là ngai Thiên Chúa. Đừng chỉ đất mà thề, vì đất là bệ dưới chân Người. Đừng chỉ Giê-ru-sa-lem mà thề, vì đó là thành của Đức Vua cao cả. Đừng chỉ lên đầu mà thề, vì anh không thể làm cho một sợi tóc hoá trắng hay đen được”. Vậy tại sao Đức Giê-su thay vì nói về cách “hoàn tất” lời thề Người đề nghị chúng ta thực hành, Người lại mời gọi chúng ta trở về tận gốc rễ của lời nói, để rốt cuộc: “Đừng thề chi cả”?

Đó là bởi vì, lời thề là một khu vực dành riêng (tương tự như khu vực thánh thiêng dành riêng), trong lãnh vực lời nói của con người, ở đó người ta buộc phải nói sự thật. Như thế, ở bên ngoài khu vực dành riêng này (tương tự như khu vực không thánh thiêng, đời thường), tôi có quyền nói ít nhiều không đúng với sự thật! Vậy, với cơ chế lời thề, người ta không nhận ra rằng, để cứu sự thật, người ta lại mặc nhiên nhìn nhận chỗ dành cho gian dối!

Cơ chế lời thề có chức năng ngăn chặn người ta nói dối, nhưng trong thực tế có thể xẩy ra là, một người bị buộc phải chọn lựa nói sự thật, trong khi người này trong thâm tâm vẫn chưa sẵn sàng, vì thế chọn lựa là “không chọn lựa nói sự thật” và nói “không có cũng chẳng không”. Như thế, cơ chế lời thề không chỉ không loại trừ được gian dối, vì mặc nhiên cho phép nói ít sự thật ở bên ngoài phạm vi lời thề, nhưng còn đẩy người ta đến chỗ chọn lựa giải pháp “không có cũng chẳng không”, khi bị ép phải đưa ra lời thề. Và gian dối nhiều nhất không phải là người ta nói có thay vì không hay nói không thay vì có, nhưng người ta lại chọn giải pháp “không có và cũng chẳng không”, hay không phải điều này và cũng không phải điều kia (tiếng La-tinh là neutrum, trung tính). Về phương diện ngôn ngữ, đó là khoảng trống giữa có và không, như trong thực tế, khoảng trống này được lấp đầy bởi “mọi thứ thêm thắt”! 

3. Hoàn tất luật chớ bội thề

Đức Giê-su cũng mời gọi chúng ta: “có” thì phải nói “có”, “không” thì phải nói “không” nhưng không phải chỉ trong khu vực được bảo vệ của ngôn ngữ là lời thể, nhưng mọi nơi mọi lúc. Ngài giải phóng lời nói của chúng ta, bằng cách mời gọi chúng ta mọi nơi mọi lúc từ bỏ giải pháp “trung tính” và khởi đi từ đầu. Và “điểm khởi đầu” ở đây là sự chọn lựa của con tim, nơi mà tôi nói lên chính mình, nghĩa là tôi liều lĩnh phô bày mình ra cho “nguy cơ” của cái đúng. Lựa chọn này cũng mời gọi tôi không buộc người khác phải thề, để tránh thái độ tiên thiên coi người khác như kẻ nói dối tiềm ẩn!

Điều này cũng đúng, khi chúng ta được mời gọi, đến một lúc nào đó, liều lĩnh làm cuộc lựa chọn và sống theo lựa chọn, chẳng hạn lựa chọn ơn gọi, để thoát ra khỏi tình trạng “không có và cũng chẳng không”.

 

Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc


Các bài viết mới hơn
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần XI Thường Niên_Nt. Anna Têrêxa Thiên Hoàng, O.P
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần XI Thường Niên_Tân Quang
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần XI Thường Niên - Lm J.P
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần XI Mùa Thường Niên - Lm Duy Khang
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần XI - Mùa Thường Niên - Lm J.P
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Hai Tuần XI Thường Niên - Nt. M. Anh Thư, OP
     Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật Tuần XI Thường Niên Năm B - LM ĐAN VINH - HHTM
     Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật Tuần XI Thường Niên Năm B - Lm. Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Hai Tuần XII Thường Niên_Lm.Giuse Nguyễn Duy Khang
     Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật XII Thường Niên Năm A_Lm. Đan Vinh

Các bài viết cũ hơn
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần XI Thường Niên- Lm. Phêrô Nguyễn Bùi Quốc Khánh SDB
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần XI Thường Niên- Lm. Tam Thái
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần XI Thường Niên-Lm Duy Khang
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần XI Thường Niên
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần XI Thường Niên_Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Hai Tuần XI Thường Niên- Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật Tuần XI Thường Niên Năm B- LM ĐAN VINH - HHTM
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần XI Thường Niên A: ĐỪNG LO LẮNG_ Lm. Thiên Phước
     Suy Niệm Tin Mừng Thứ Sáu Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu_Nt. Maria Vũ Thị Chinh Anh, OP
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần XI Quanh Năm_Nt. Anna Têrêxa Thiên Hoàng. OP