Suy Niệm
Lời Chúa Chúa Nhật Tuần XXIII Thường Niên Năm B
NGHE, KHẢ NĂNG LẮNG NGHE, VÀ NHÌN NGẮM
Nhìn vào
cuộc sống, con người và vũ trụ, người ta đã có thể nhận ra sự khôn ngoan kỳ diệu
của Thiên Chúa. Nơi con người, Thiên Chúa dựng nên tất cả đều cân đối, đối xứng.
Thiên Chúa dựng nên hai con mắt, hai lỗ tai, nhưng lại chỉ có một cái miệng. Có
người nói rằng: “nếu Thiên Chúa dựng nên
hai cái miệng chắc là cuộc sống chung sẽ nhức đầu lắm vì ai cũng nói gấp đôi; nếu
có hai cái miệng thì tay làm không đủ để nuôi cái miệng, nó ăn sẽ sập nhà, lở
núi”. Phải chăng khi dựng nên như thế, Thiên Chúa muốn mỗi người phải nhìn
và nghe gấp hai lần so với cái miệng. Có lẽ đúng như vậy, con người cần có khả
năng nghe nhiều hơn nói. Tuy nhiên trong thực tế, có nhiều người dù tai không bị
điếc, nhưng họ đã mất khả năng nghe vì họ không muốn lắng nghe.
Trong tiếng
Anh có hai từ khác nhau để chỉ về việc nghe đó là hearing và listening.
Hearing
là nghe: ta vẫn nghe thấy âm thanh, tiếng động xung quanh, nhưng những âm
thanh ấy không đi vào não, không chạm đến tim. Ví dụ: ta có thể nghe tiếng xe
đang chạy ngoài đường, song chúng ta không quan tâm. Trái lại, listening
là lắng nghe tức là: nghe cách chăm chú, nghe có suy nghĩ và để cho lời chạm đến
tâm trí và trái tim của mình. (hearing is
through ears, but listening is through the mind)
Thiên
Chúa đã thực hiện biết bao việc kỳ diệu để bảo vệ dân của Ngài. Ngài đã dùng
cánh tay hùng mạnh và nhiều phép lạ để đưa dân Chúa ra khỏi đất Ai Cập. Phép lạ
cho dân vượt qua Biển Đỏ khô chân là một phép lạ vô cùng lớn lao, người Do Thái
vẫn còn nhắc lại cho con cháu mọi thế hệ. Tại núi Sinai, Thiên Chúa đã hiện ra
ký kết giao ước với Israel qua Môsê, Ngài làm cho ngọn núi Sinai rung chuyển,
khiến cho dân chúng khiếp sợ. Dân cam kết tuân theo giới răn và huấn lệnh của
Thiên Chúa. Tuy nhiên, với thời gian, người Do thái đã đánh mất khả năng nghe -
nhìn này. Họ nhìn mà không thấy, nghe mà không thấm. Nói đúng hơn, họ cố tình
không muốn thấy và không muốn nghe những lời của Thiên Chúa.
Tiên tri
Isaia trong đoạn sách hôm nay, khơi lên cho dân Do thái một niềm hy vọng trong
lúc họ đang bị lưu đày bên Babylon. Israel đã chóng quên các phép lạ Chúa đã
thực hiện trong quá khứ, đã bỏ qua những lời hứa và giới răn lề luật của Thiên
Chúa. Họ buông mình theo lối sống dễ dãi, buông thả của người Babylon. Vị tiên
tri loan báo sẽ đến ngày Thiên Chúa mở mắt cho người mù, mở tai cho người điếc.
Thiên Chúa sẽ cho người què đi được và mở miệng cho người câm có thể reo hò ca
tụng Thiên Chúa. Đó là thời Thiên Chúa sẽ đem lại niềm vui ơn cứu độ cho những
ai mở tai để lắng nghe Lời của Chúa và mở mắt mở lòng cho những ai tin nhận
Chúa.
Tin Mừng
cho thấy, Đức Giêsu là Đấng đã thực hiện lời tiên báo của Isaia năm xưa. Thánh
Marcô thuật lại việc người ta đem đến cho Chúa Giêsu một người vừa điếc vừa ngọng
và xin Ngài chữa anh. Thánh Marcô muốn nhấn mạnh cho chúng ta một số chi tiết
trong phép lạ này. Trước hết là đám đông dân chúng: Những người dân ngoại này
chắc chắn đã nghe nói về Đức Giêsu, nay họ có dịp tận tai nghe, tận mắt được
nhìn thấy Ngài, họ đã mở lòng để tin Ngài. Con mắt, lỗ tai và tâm hồn của họ
đã mở. Vì thế họ đem người điếc và ngọng này đến để xin Chúa đặt tay chữa lành
cho anh.
Chúa
Giêsu đã thực hiện những việc hết sức đặc biệt trên người bệnh này. Trước hết,
Ngài kéo riêng anh ra khỏi đám đông. Việc làm này cũng có nghĩa là Chúa đã muốn
kéo riêng anh về phía Chúa để anh được ở gần Chúa hơn và để anh được thuộc về
Chúa chứ không thuộc về đám đông dân ngoại nữa. Ngài đặt tay vào tai anh và bôi
nước miếng vào lưỡi anh: Việc làm này có vẻ giống các thầy lang thời đó, nhưng
sâu xa hơn, việc làm này cho thấy Chúa Giêsu đã thực sự đụng chạm không chỉ đến
tai, đến miệng của anh, mà Chúa còn đụng chạm đến con người, trái tim và tâm hồn
của anh nữa. Từ đây, Chúa không chỉ chữa anh khỏi câm, ngọng, mà Chúa mở tai, mở
mắt tâm hồn để anh có thể nhận ra Ngài là Thiên Chúa quyền năng và có thể lắng
nghe Lời của Chúa. Được Chúa chạm đến tâm hồn và cuộc đời, chắc chắn sẽ có một
sự biến đổi lớn lao. Không dừng lại ở việc làm, Chúa Giêsu còn ngước mắt lên trời
để cầu nguyện cho anh và đồng thời Ngài thực hiện một phép lạ lớn trong cuộc đời
của anh đó là mở toang tất cả những gì còn bị đóng kín, chôn chặt trong cuộc đời
anh qua một mệnh lệnh: “Epphata – Hãy mở
ra”. Thánh Marcô diễn tả: “lập tức,
tai anh ta mở ra, lưỡi hết bị trói buộc. Anh ta nói được rõ ràng”.
Qua phép
lạ này, Chúa Giêsu không chỉ mở tai, mở miệng cho người bị câm điếc, nhưng Ngài
còn mở lòng, mở trí cho đám đông dân chúng. Tin Mừng ghi lại: việc này xảy ra tại
miền Tirô và Siđon tức là vùng của những dân ngoại. Khi Đức Giêsu chữa lành cho
người câm điếc, Ngài căn dặn anh và dân chúng chung quanh đừng nói với ai. Nhưng
càng cấm thì dân chúng càng loan truyền rộng rãi, khiến cho mọi người đều ngạc
nhiên thán phục mà rằng: Ông ấy làm việc gì cũng tốt đẹp. Ông làm cho kẻ điếc
nghe được và kẻ câm nói được. Trước các việc tốt lành Đức Giêsu đã thực hiện,
những người dân ngoại này đã được mở mắt để tin Ngài là một Vị Ngôn Sứ. Họ đã mở
tai đón nhận lời giáo huấn của Chúa Giêsu và cũng là Lời Quyền Năng có thể biến
đổi hoàn toàn con người, xua trừ mọi bệnh tật, vốn được coi như hậu quả của ma
quỷ và tội lỗi. Họ mở miệng để ca ngợi Chúa Giêsu: “Ông ấy làm việc gì cũng tốt đẹp”.
Thưa quý
OBACE, có thể chúng ta cũng giống như người Do Thái, dù không bị điếc, mù hay
câm, nhưng chúng ta đã đánh mất khả năng nghe - nhìn và nói về Thiên Chúa. Chúng
ta mất khả năng nghe vì chúng ta đã cố tình không muốn nghe và không chăm chú lắng
nghe. Vì thế Lời dạy bảo của Chúa không thể lọt vào tim vào trí chúng ta được.
Chúng ta đang sống trong môi trường có quá nhiều âm thanh ồn ào, khiến chúng ta
giảm khả năng nghe Lời của Thiên Chúa. Những tiếng ồn này không chỉ là những tiếng
ồn của âm thanh chung quanh, mà có cả sự ồn ào trong tâm hồn. Nhiều người đang
để trong mình sự ồn ào gào thét của dục vọng, âm thanh của sự gian dối và cả những
lời lôi kéo của sự lười biếng vv… khiến chúng ta không nghe được Lời Chúa. Ngoài
ra còn có các thứ âm thanh khác trong tâm hồn cản trở khả năng nghe của chúng
ta, như âm thanh của tiền bạc, danh vọng và các thú vui. Các thứ âm thanh đó
khiến cho lòng chúng ta bị khô cứng, tâm hồn bị đóng băng, khiến cho Lời của
Chúa và Tin Mừng không thấm vào tim vào hồn chúng ta được.
Trong cuộc
sống cộng đoàn và cuộc sống gia đình, nhiều người cũng đánh mất khả năng lắng
nghe nhau bởi vì họ nói nhiều hơn nghe, đổ lỗi cho người khác nhiều hơn nhận
trách nhiệm về mình. Vì thế cuộc sống chung của cộng đoàn và gia đình thường
xuyên bị căng thẳng cãi vã, đưa đến đổ vỡ. Nhiều người mất khả năng lắng nghe
là vì họ để trong mình sự kiêu căng, tự mãn khiến cho tâm hồn không thể tĩnh lặng
để có thể lắng nghe nhau và xét lại những hành vi của mình.
Nguy hiểm
hơn nữa đó là tình trạng câm điếc trong tâm hồn đang xảy ra nơi chúng ta, khiến
ta không nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa, không nhìn thấy những việc Chúa
đang thực hiện cho mình và gia đình; cố tình không muốn nghe Lời Chúa nhắc bảo
qua tiếng nói lương tâm, qua luật Chúa và Giáo Hội. Có nhiều người bị điếc khi
làm ngơ trước lời kêu cứu của anh chị em đang gặp khổ đau. Có người bị câm vì sợ
hãi không dám nói lên sự thật và không dám bênh vực cho sự thật. Có nhiều người
vì quyền lợi, địa vị hoặc vì một thứ bổng lộc nào đó của xã hội, mà chấp nhận
biến mình thành kẻ điếc, thành người câm hoặc mù lòa.
Muốn được chữa khỏi sự câm điếc trong tâm hồn,
chúng ta cần phải có những bước đi của người câm điếc trong Tin Mừng hôm nay.
Đó là: để cho Chúa kéo ra khỏi đám đông là những thói quen cũ, cùng những thói
xấu và sự lười biếng để ở riêng một mình với Chúa trong cầu nguyện và gặp gỡ
Chúa mỗi ngày. Hãy để cho Lời Chúa đụng chạm đến đôi tai, môi miệng và con mắt
tâm hồn, để Ngài tháo gỡ những gì cản trở, trói buộc ta và thanh tẩy môi miệng
chúng ta.
Xin cho
chúng ta luôn sẵn sàng lắng nghe tiếng Chúa và mở rộng tâm hồn để đón nhận
giáo huấn của Chúa. Xin cho chúng ta không ngừng nhận ra quyền năng của Chúa và
dùng môi miệng mình để ca tụng tôn vinh danh Chúa luôn mãi. Amen.
Lm. Giuse
Đỗ Đức Trí