Trang Chủ > Suy Niệm > Thường Niên 13-25 > Tuần 23

Suy Niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần XXIII Thường Niên

LỄ SUY TÔN THÁNH GIÁ

thứ 5 tuan XXIII.jpg

Lời Chúa: Ga 3, 13-17

(13) Không ai đã lên trời,

ngoại trừ Con Người, Ðấng từ trời xuống.

(14) Như ông Môsê đã giương cao con rắn trong sa mạc,

Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy,

(15) để ai tin vào Người

thì được sống muôn đời.

(16) Thiên Chúa yêu thế gian

đến nỗi đã ban Con Một,

để ai tin vào Con của Người

thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời.

(17) Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian,

không phải để lên án thế gian,

nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người,

mà được cứu độ.

Suy Niệm

Thập giá minh chứng tình yêu, ôi thập giá là tiếng nói yêu thương vô cùng, là người bạn tín trung, là lương tâm nhân loại, là niềm tình đưa mến, là đỉnh cao dâng hiến vinh quang. Xin mỗi ngày, đón nhận thập giá Giê-su, để làm bằng chứng tình yêu, tình yêu bất diệt, tình yêu, tình yêu duy nhất... Nhạc sĩ Ngọc Linh đã gửi gắm, minh chứng tình yêu, niềm tin của mình vào công trạng và sức sống của cây thập giá. Quả thật, với những ca từ gần gũi, thân thương, thế nhưng người nhạc sĩ đã diễn tả được hai chiều kích của một thực tại: ý nghĩa của cây thập giá. Thứ nhất đó là tình yêu hy hiến, vô bờ bến của Đức Giê-su dành cho nhân loại, thứ hai đó là lời gọi mọi mỗi người Ki-tô hữu hãy biết đón nhận, biểu lộ và sống tình yêu này mỗi ngày nơi cuộc sống nhân gian của mình.

Hôm nay, cùng với toàn thể Giáo hội, chúng ta mừng lễ suy tôn thánh giá, Hội thánh không có ý ca tụng, biểu dương biểu tượng của sự chết nhưng suy tôn và thờ lạy Đấng ngự trên cây thập giá đó. Đức Giê-su vì yêu thương nhân loại, sẵn sàng từ bỏ trời cao, hạ mình xuống, đón nhận cái chết, giúp con người thoát ra khỏi tử thần và được phục sinh vinh quang của Ngài. Quả thật, chỉ có tình yêu hy hiến, chỉ có tình yêu nhưng không mà Thiên Chúa dám trao gửi, ban tặng nhưng không con Một cho nhân loại như vậy. Tình yêu mà Đức Giê-su dành cho chúng ta được coi là mẫu mực, chuẩn mực của sự hy sinh, trao ban. Hay nói cách khác, tình yêu của một người cha hết lòng tận tụy vì con vì cái. Thiên Chúa Cha vì quá yêu thương nhân loại phàm nhân này, chúng ta không đáng được Chúa xót thương, nhưng vì quý trọng thân phận con người tội lỗi, nhưng vì muốn kéo chúng ta ra khỏi vũng lầy của sự nhơ nhớp, yếu hèn mà Ngài sẵn sàng từ bỏ, rứt ruột rứt gan ra để trao tặng con Một của Ngài cho nhân loại này.

Ngược chiều dòng chảy của lịch sử cứu độ, trong Cựu ước, tác giả sách Xuất hành kể cho chúng ta thấy tình yêu nhưng không mà Thiên Chúa đã tặng ban cách riêng cho chúng ta. Vì vâng lệnh Thiên Chúa, tổ phụ Abraham không giữ gì cho riêng mình, ngay cả đứa con một của ngài là Isaac, ngài cũng dám sát tế để dâng cho Chúa. Phải có tình yêu mãnh liệt, phải có niềm tin sâu sắc lắm thì Abraham mới can đảm, mạnh mẽ hiến tế đứa con độc tôn của mình như vậy. Hay trong Tân ước, thánh sử Luca trình bày cho chúng ta thấy tấm lòng bao dung, độ lượng vô ngần của người cha dành cho đứa con hoang đàng của mình. Xét về nhân bản, người con như thế là táng tận lương tâm, vô luân và đáng bị nguyền rủa, lên án. Thay vì từ khước, thay vì đoạn tuyệt đứa con bất tín, bất trung như vậy, người cha đã vứt bỏ tất cả, gạt mọi khoảng cách, mở rộng con tim, đón nhận đứa con trở về một cách nhưng không. Người cha ấy còn làm một bữa tiệc linh đình như một lời minh chứng rằng, tình yêu của cha đã mất, nay cha đã tìm được, tình yêu ấy là vĩnh cửu và bất tận.

Mang thiên chức của bậc làm cha, hẳn tổ phụ Abraham đã phải xé lòng, xé dạ ra sao khi dám lìa bỏ khúc ruột của mình như vậy; hay người cha nhân hậu đã phải lặn xuống tận cùng của sự tha thứ, quên mình đến mang tiếng để được lại đứa con ngỗ ngược như vậy. Hai con người ấy đã và đang phảng phất hình ảnh và hành động mà Thiên Chúa đang dành cho nhân loại tội lỗi chúng ta. Nếu như Abraham và người cha nhân hậu đã trải qua kinh nghiệm đau xót nhưng chưa kinh qua “cái chết” là mất con, xa con thì Thiên Chúa của chúng ta đã phải “máu chảy ruột mềm”, đã phải “xé lòng xé áo” khi chứng kiến người con duy nhất của mình chết tức tưởi trên cây thập tự. Vâng, chỉ có tình yêu nhưng không, chỉ có sự hy hiến tận cùng mà Thiên Chúa đã quảng đại, trao ban và làm cho nhân loại chúng ta được sống và sống dồi dào như thế.

Như thế, hôm nay chúng ta suy tôn Thánh giá, là chúng ta làm cho vinh quang của Thiên Chúa được tỏ rạng, làm cho tình yêu của Ngài được thực tại hóa nơi mỗi người chúng ta. Sở dĩ con người chúng ta được “đồng hình đồng dạng”, được mang hình ảnh của Ngài nơi con người mình là vì ân sủng và tình yêu Thiên Chúa dành cho chúng ta. Tình yêu ấy không đòi hỏi gì khác hơn là chúng ta có nhiệm vụ “tín trung cùng đáp trả” một cách mau mắn. Thế nhưng, vốn mang trong mình bản tính mỏng giòn, mỗi khi chúng ta phạm tội là chúng ta đã không trung thành với tình yêu mà chúng ta đã hứa khi lãnh nhận Bí tích Thanh Tẩy. Vốn mang thân phận tham sân si, nhiều lúc chúng ta đã để cho sự xấu, cái ác nấn ná và vượt lên trên sự thiện, cái tốt. Thiên Chúa biết những giới hạn đó, Ngài thấu hiểu và ban cho con người các ân sủng, các Bí tích để chúng ta có cơ hội lập công, chuộc tội và đáp trả tình yêu hy hiến ấy. Chúa Giê-su ban Bí tích giao hòa để con người chúng ta làm hòa với Chúa. Chúa ban trí thông minh là để chúng ta biết trình bày Lời Chúa cho anh chị em của mình. Chúa ban sự can đảm để chúng ta biết vượt qua những khó khăn của cuộc sống. Chúa ban sức khỏe để chúng ta biết lãnh nhận những trách vụ của gia đình và xã hội. Chúa ban sự thiện chí để chúng ta nhiệt thành đến với tha nhân.

Tất cả những ân ban ấy mà Chúa ban cho chúng ta cũng là mục đích để chúng ta ca tụng và tôn vinh tình yêu Thiên Chúa trong đời sống hàng ngày. Hơn thế nữa, tất cả những ân ban ấy mà Chúa ban cho chúng ta còn để giúp chúng ta vượt thắng những nghịch cảnh, yếu hèn, cái ác, sự tội nơi thân phận con người. Nói cách khác, tình yêu mà chúng ta dành cho Chúa, cho anh em đồng loại cũng phảng phất, họa lại hành động mà Thiên Chúa dành cho nhân loại này: hy sinh, tự hiến, sẻ chia và dám chết cho người mình yêu, để vinh quang của Thiên Chúa được tỏ lộ khắp nhân gian. Amen.

Lm Micae Vũ An Lộc.

 


Các bài viết mới hơn
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần XXIII Thường Niên_Maria Phạm Thực, OP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần XXIII Thường Niên_Tân Quang
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần XXIII Thường Niên_Nt. Têrêsa Nguyễn Thị Kim Tuyến, OP
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần XXIII Thường Niên_Phêrô_Maria. Mảnh vỡ. FVP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần XXIII Thường Niên - Lm. JP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần XXIII Thường niên - Nt. Maria Nguyễn Thị Anh Thư, OP
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần XXIII Thường Niên - Sưu Tầm
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ SáuTuần XXIII Thường Niên -Nt. M. Anh Thư, OP
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần XXIII Thường Niên - Lm . Duy Khang
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần XXIII Thường Niên - Sưu Tầm

Các bài viết cũ hơn
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần XXIII Thường Niên_Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Hai Tuần XXIII Thường Niên: "Vì lợi ích cho thân thể Người là Hội Thánh" - Lm. Tam Thái
     Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật Tuần XXIII Thường Niên Năm A - Lm. Phaolô Nguyễn Văn Đông
     Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật Tuần XXIII Thường Niên Năm A: "SỬA LỖI TRONG CỘNG ĐOÀN" - Lm. Đan Vinh
     Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật Tuần XXIII Thường Niên Năm A: "SỐNG LIÊN ĐỚI VÀ CÓ TRÁCH NHIỆM VỚI ANH EM"- Lm. Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần XXIII Thường Niên Năm C_Lm. Jos Tạ Duy Tuyền
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần XXIII Thường Niên Năm C_Nt. Maria Chinh Anh
     Chúa Giêsu là dụng cụ lòng thương xót của Thiên Chúa Cha
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần XXIII Thường Niên Năm C_Lm. Dom Nguyễn Thành Tiến
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần XXIII Thường Niên Năm C_Nt. Anna Têrêxa Thiên Hoàng