Trang Chủ > Suy Niệm > Thường Niên 13-25 > Tuần 23

Suy Niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần XXIII Thường Niên – Năm C

thứ 6 tuần XXIII.jpg

Lời Chúa: Lc  6, 39 – 42

39 Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ dụ ngôn này: “Người mù có thể dẫn người mù được chăng? Cả hai lại không sa xuống hố ư? 40 Môn đệ không trọng hơn Thầy; nếu môn đệ được giống như Thầy, thì kể là hoàn hảo rồi. 41 “Sao ngươi nhìn cái rác trong mắt anh em, còn cái đà trong chính mắt ngươi thì lại không thấy? 42 Sao ngươi có thể nói với người anh em: ‘Này anh, hãy để tôi lấy cái rác trong con mắt anh’, trong khi chính ngươi không nhìn thấy cái đà trong mắt ngươi. Hỡi kẻ giả hình, hãy lấy cái đà ra khỏi mắt mình trước đã, rồi bấy giờ ngươi sẽ trông rõ để lấy cái rác khỏi mắt anh em ngươi”.

SUY NIỆM

Người mù có thể dẫn người mù được chăng? Cả hai lại không sa xuống hố ư?” (c. 39) Đối chiếu câu này với Matthêu 15, 14 ta thấy Chúa Giê-su muốn ám chỉ đến những bậc thầy trong dân Do-thái - các Kinh sư và Pha-ri-sêu. Họ là những người dẫn dắt, lãnh đạo tinh thần của dân mà lại bị thói kiêu căng, tự mãn làm cho mù lòa không còn nhận ra đâu là cốt lõi chân lý và cái gì có tính tùy phụ.

“Mù dắt mù, cả hai sẽ lăn cù xuống hố” là một thực tế hiển nhiên, và hơn thế nữa nó có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng khác. Vì vậy mà người mù luôn cần có một người sáng dẫn lối cho mình. Tình trạng mù thể lý là thế. Tình trạng mù tâm linh càng cần phải lưu tâm hơn rất nhiều; bởi vì người mù tâm linh nếu không được dẫn dắt thì có thể không những gây tai họa cho chính mình mà còn cho cả xã hội, tập thể những con người dưới quyền chỉ đạo của họ. Tuy nhiên, thật trớ trêu, trong cuộc sống có rất nhiều những người mù tâm linh mà không biết mình mù. Căn bệnh tự mãn và tính kiêu ngạo khiến người ta thích lấy mình làm trung tâm, lấy quan điểm, ý nghĩ của mình làm chân lý, làm thước đo đánh giá người khác (giả dụ câu chuyện ngụ ngôn ‘năm người mù xem voi’), là căn cớ cho biết bao đau khổ tinh thần và thể chất. Hơn nữa, nếu họ là người lãnh đạo thì hậu quả càng khó lường vì có thể dẫn đến tình trạng biến chất và suy thoái đạo đức trong xã hội. Một Adolf Hitler có tài siêu hùng biện, nhưng với một đầu óc tự mãn, cực đoan bệnh hoạn, cho rằng ‘người Do-thái là nguyên nhân thất bại của nước Đức trong thế chiến thứ nhất’ đã thuyết phục được phần lớn dân Đức ‘đang trong tình trạng khó khăn về kinh tế’ chống lại người Do-thái, dẫn đến đại họa diệt chủng khủng khiếp. Hồ chủ tịch có câu: “Có tài mà không có đức là người vô dụng, có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó.” Tuy nhiên, chúng ta thấy, người có tài mà không có đức không những là vô dụng mà còn tệ hơn, vì có thể trở thành các quan tham, những kẻ độc ác và phá hoại. Người có tài mà kiêu ngạo là một loại khiếm thị chỉ nhìn thấy cái bất toàn nơi tha nhân. Người đã dốt nát mà còn kiêu ngạo thì đúng là mù lòa.

Trong suốt lịch sử cứu độ, chúng ta thấy Thiên Chúa chống lại kẻ kiêu ngạo và luôn yêu thương bênh đỡ người biết khiêm nhường. Người ta định nghĩa: Khiêm nhường là sự thật. Người khiêm nhường thật sự là người có tấm lòng nhân biết yêu thương thực sự. Người khiêm nhường thật thì biết mình, biết người; biết mình có những khả năng để phát huy, biết mình có những giới hạn để biết bao dung trước những giới hạn và khiếm khuyết của người khác đồng thời biết nhìn nhận và tôn trọng những khả năng và khác biệt của tha nhân để giúp nhau cùng tiến, cùng xây dựng cuộc sống thêm tốt, thêm xinh và tràn đầy yêu thương.

41 “Sao ngươi nhìn cái rác trong mắt anh em, còn cái đà trong chính mắt ngươi thì lại không thấy? Do ảnh hưởng của ‘tội nguyên tổ’, con người ta thường thích làm “Chúa”, thích ngồi ở ghế quan án để phán xét tha nhân – Đây cũng là một trạng thái của mù lòa. Tuy nhiên quyền xét xử là quyền của Thiên Chúa, như lời thánh Gia-cô-bê dạy trong thư của ngài: “Thưa anh em, anh em đừng nói xấu nhau. Ai nói xấu hoặc xét đoán anh em mình là nói xấu và xét đoán Lề luật. Nếu anh xét đoán Lề luật, thì anh không còn là kẻ vâng giữ mà là kẻ xét đoán Lề luật. Chỉ có một Đấng ra Lề luật và xét xử, đó là Đấng có quyền cứu thoát và tiêu diệt. Còn anh là ai mà dám xét đoán người thân cận.” (Gc 4, 11 – 12). Hơn nữa Đức Giê-su đã dạy chúng ta: “Anh em đừng xét đoán để khỏi bị Thiên Chúa xét đoán, vì anh em xét đoán thế nào, thì anh em cũng bị Thiên Chúa xét đoán như vậy; và anh em đong đấu nào, thì Thiên Chúa cũng đong đấu ấy cho anh em.” (Mt 7, 1 – 2). Vì thế chúng ta cần khiêm tốn học hỏi, biết kiểm điểm mình để có thể “lấy cái đà ra khỏi mắt mình trước đã, rồi bấy giờ sẽ trông rõ để lấy cái rác khỏi mắt anh em” giúp anh em thăng tiến, tránh thái độ tiêu cực của chỉ trích, dèm pha, kết án, nói xấu.

Còn Thánh Phao-lô trong Bài đọc sách thánh hôm nay cũng cho chúng ta thấy phải có cung cách sống và thái độ nào khi rao giảng Tin mừng: “Tôi đã nên mọi sự đối với tất cả mọi người, để làm cho mọi người được cứu rỗi. Tất cả những việc đó, tôi làm vì Tin Mừng để được thông phần vào lợi ích của Tin Mừng… tôi chế ngự thân xác, bắt nó tùng phục tôi, kẻo lỡ ra tôi giảng dạy cho kẻ khác, mà chính tôi phải bị loại ra chăng.” (x. 1 Cr 9, 16-19. 22b-27). Rao giảng Lời Chúa mà không biết sống theo Lời Chúa dạy sẽ trở thành phản chứng và làm mất ánh sáng của Lời – xin Chúa giúp chúng ta biết thức tỉnh để sống đúng bản chất của người Ki-tô hữu.

Lạy Chúa Giê-su là tôn sư và là Đấng Cứu độ chúng con! Xin cho con biết chân nhận chỉ có Chúa là Thầy duy nhất dạy lẽ chân thật; Xin giúp con sống Lời của Chúa: “Lời có ích lợi cho việc dạy dỗ, biện bác, sửa trị và rèn luyện trong công chính: để người của Thiên Chúa trở nên trọn hảo và sẵn sàng thực hiện mọi việc lành.” (2 Tm 1, 16 – 17); Xin cho con con mắt của Chúa, để con nhìn anh chị em con như một hồng ân và quà tặng của Chúa ban với những khả năng khác biệt; Xin cho ban con quả tim của Chúa, để con luôn yêu thương, biết sống bao dung, tha thứ  và xót thương người anh chị em con. Và trong mọi sự, xin cho con biết học nơi Chúa là Đấng hiền hậu và khiêm nhường trong lòng. Amen.

Nt. Maria Chinh Anh

 

 

  

 


Các bài viết mới hơn
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần XXIII Thường Niên_Maria Phạm Thực, OP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần XXIII Thường Niên_Tân Quang
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần XXIII Thường Niên_Nt. Têrêsa Nguyễn Thị Kim Tuyến, OP
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần XXIII Thường Niên_Phêrô_Maria. Mảnh vỡ. FVP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần XXIII Thường Niên - Lm. JP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần XXIII Thường niên - Nt. Maria Nguyễn Thị Anh Thư, OP
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần XXIII Thường Niên - Sưu Tầm
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ SáuTuần XXIII Thường Niên -Nt. M. Anh Thư, OP
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần XXIII Thường Niên - Lm . Duy Khang
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần XXIII Thường Niên - Sưu Tầm

Các bài viết cũ hơn
     Chúa Giêsu là dụng cụ lòng thương xót của Thiên Chúa Cha
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần XXIII Thường Niên Năm C_Lm. Dom Nguyễn Thành Tiến
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần XXIII Thường Niên Năm C_Nt. Anna Têrêxa Thiên Hoàng
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần XXIII Thường Niên Năm C_Tam Thái
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Hai Tuần XXIII Thường Niên C: Chữa lành ngày sa-bát_ Thiên Thảo SJP
     Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật XXIII Thường Niên C: ĐIỀU KIỆN ĐỂ TRỞ NÊN MÔN ĐỆ ĐỨC GIÊSU_ Lm Đan Vinh
     Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật XXIII Thường Niên C: THEO CHÚA LÀ MỘT QUYẾT ĐỊNH DỨT KHOÁT_ Lm. Giuse Đỗ Đức Trí
     CHỦ NHẬT 23 THƯỜNG NIÊN_ Lm. Phaolô Nguyễn Văn Đông
     LỜI NGUYỆN TÍN HỮU CHÚA NHẬT XXIII THƯỜNG NIÊN (C)
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần XXIII Thường Niên B. Nt. Maria Chinh Anh