Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật Tuần XXXI Thường Niên Năm A
HÃY HỌC VỚI TA, VÌ TA HIỀN
LÀNH VÀ KHIÊM NHƯỢNG
Muốn lợi dụng tôn giáo là cám dỗ thường
xuyên đối với mọi ngừoi tín hữu. Thực là êm ái sống trong ý ngay lành khi âm
thầm tự coi mình là Thiên Chúa, đó là sự kiêu căng của những người thường được
gọi là “trí thức”. Thậm chí bằng những lời rất đạo đức, họ thường đè bẹp những
người đơn sơ đói khát một đời sống thiêng liêng đích thực.
Sách tiên tri Ml 1, 14b -- 2, 2b. 8-10
Người do thái từ
nơi lưu đày trở về đã hoàn thành việc tái thiết Đền thờ. Họ tiếp tục nền phụng
tự, nhưng nó trở thành hình thức, các tư tế thì nguội lạnh, luân lí xã hội, sự
trung tín trong đời sống hôn nhân bị coi là đã cổ hủ. Tiên tri Ma la ki đến để lay
động đồng bào ông ra khỏi sự dửng dưng. Ông khẩn cầu họ hãy tìm lại lòng đạo
đức đích thực và chiến đấu chống lại tinh thần tương đối chung quanh.
Thánh Vịnh 130
Người tín hữu đích thực không biết đến sự
tự phụ, nhưng khiêm nhương như một đứa bé đơn sơ, hoàn toàn khác hẳn với tất cả
những người chỉ biết tìm cách đánh bóng mình.
Thư 1 Têxalônica 1 Th 2, 7b-9. 13
Vị tông đồ đích thực không có gì giống như
người đè bẹp người khác bằng cách phán đóan và đòi hỏi của mình. Phao lô hoàn
toàn dấn thân cho bổn phận một người tôi tớ. Ông tạ ơn Thiên Chúa đã nhìn thấy
họ lớn lên trong Đức tin.
Tin mừng Mt 23: 1-12
NGỮ CẢNH
Trước chương 23, Mt đưa ra một cái nhìn
tổng quát về hoạt động của Chúa Giêsu tại đền thờ Giêrusalem: Ngài giảng dạy ở
đó như đấng đầy quyền uy. Thính giả của Ngài chia làm ba nhóm: các môn đồ làm
thành một cộng đoàn chặt chẽ quanh Ngài; nhóm địch thủ thì âm mưu chống lại
Ngài; còn dân chúng thì phấn khởi bảo vệ Ngài (21, 33.46). Đoạn tin mừng của
chúng ta thuộc về phần đầu của trang Tin mừng được gọi là diễn từ chống Biệt
phái, mà trọng tâm là bảy lời trách cứ các thói xấu của họ (13-36), đi sau lời
giáo huấn và khuyến thiện dành cho dân chúng và các môn đồ (2-12).
Có thể đọc theo cấu trúc như sau:
1. Nhập đề: (23, 1)
2. Phần chính khai triển hai ý song đối:
a. về các kinh sư và
người Pharisêu (2-7)
b. về các đám đông và
môn đệ (8-12)
TÌM HIỂU
Bấy giờ Chúa Giêsu nói với dân chúng và
các môn đệ Người rằng: Trong Tin mừng Nhất lãm Chúa Giêsu không bao giờ ngỏ lời trực tiếp với
người Biệt phái, nhưng với dân chúng và các môn đệ. Chi tiết ấy quan trọng, vì
muốn cho thấy rằng Ngài tấn công chính giáo thuyết biệt phái, nhưng đứng trung
gian giữa dân và nhóm thủ lãnh để giải thoát dân khỏi ách nặng nề tinh thần nệ
luật mà các thủ lãnh đặt trên vai họ. Chính việc chống đối nầy đã đưa Ngài đến
chỗ chết. Đối với các thủ lãnh, Ngài là một địch thủ trực tiếp chống lại toàn
thể Dân Thiên Chúa. Tin mừng Mát thêu nhấn mạnh đến điểm nầy để giải thích cho
các Kitô hữu biết tại sao Chúa Giêsu bị đẩy vào chổ chết do chính những người
Biệt phái là những người điều khiển Hội đường vào thời của ngài.
Ngồi trên toà Moisê: Chúa Giêsu không hề
tấn công cơ chế giáo sĩ hay kí lục, nhưng chỉ nhắm vào những thói xấu của họ.
Toà ở đây là ghế dành cho các giáo sĩ, những người tiếp nối Mô sê, có nhiệm vụ
giải thích và áp dụng lề luật. Họ ngồi trên tòa khi thi hành chức năng giảng
dậy. Nghĩa rộng chỉ chức năng giảng dạy.
Họ nói mà không làm: Điều trước tiên mà
Chúa Giêsu trách cứ nơi người Biệt phái là thái độ bất nhất của họ. Giáo huấn
họ dạy có giá trị, nhưng chính họ lại không trung thành. Họ có quyền giảng dạy
dân, và điều họ dạy không sai lầm.
Những việc họ làm: Từ nầy ở số nhiều chỉ
toàn bộ tác phong của người Biệt phái. Cuộc sống của người Biệt phái và Kí lục
không phải là gương mẫu cho đoàn chiên. Dĩ nhiên đây là chân dung tập thể, chứ
không phải của một cá nhân nào.
Họ bó những gánh nặng: “Gánh nặng” mà
người Biệt phái chất lên vai người tín hữu nói đến ở đây đối lại với “gánh
nhẹ nhàng” của Chúa Giêsu, vị thầy khiêm nhu (11,30). “Gánh” gợi lên
hình ảnh một tên nô lệ bị đè bẹp dưới gánh nặng mà anh ta phải vác một mình.
Động từ “bó” theo nghĩa bóng qui chiếu đến những trói buộc lương tâm
theo cách giải thích Thánh Kinh của Biệt phái. Ý định xấu xa của họ bị vạch
trần: đối với mình thì khoan dung, dễ dàng, còn đối với người khác thì nghiêm
khắc, đòi hỏi.
Họ làm mọi việc cốt để cho thiên hạ thấy: Nết xấu thứ hai là
tính phô trương, muốn mọi sự qui về cho bản thân mình.
Hộp kinh (= thủ phù): Đây là những hộp nhỏ
hình vuông bằng da thuộc hoặc da bò đựng những miếng da mỏng, trên đó có chép 4
bản văn Kinh Thánh quan trọng đối với người Do thái (Đnl 11, 13-22; 6, 4-9; Xh
13, 11-16; Xh 13, 2-10). Đây là cách giúp người Do thái luôn luôn ghi nhớ Lề
luật Thiên Chúa và lời cam kết tuân theo Luật đó. Ngoài ra, theo qui định của
Lề luật, người ta cũng ghi lời Chúa trong các tua áo, để mang theo bên mình và
thực hành. Chúa Giêsu không khiển trách việc tốt lành nầy, Ngài chỉ phê bình
thói phô trương. Bản văn nầy ám chỉ đến một thói quen của một số người do thái
quá sùng đạo mang thủ phù cả ngày và nới rộng các giải kinh để người khác dễ
thấy.
Chiếm ghế đầu trong hội đường: Các chỗ ngồi được nói
ở đây đâu lưng lại với tráp chứa đựng các cuộn sách Lề luật và quay mặt về phía
dân chúng.
Ưa được người ta chào hỏi ở những nơi công
cộng: Theo qui luật của các giáo sĩ, “người ta phải bái chào kẻ trổi vượt hơn
mình về kiến thức Lề Luật”, do đó ưa được bái chào là ưa được nhìn nhận như là
trổi trang hơn người khác.
Rabbi: “Rab” (= lớn), vào thời Chúa
Giêsu có nghĩa là “chúa”. Thêm vào tiếp vĩ ngữ chỉ ngôi thứ nhất: Rabbi:
chúa tôi. Dần dần từ nầy trở thành tên gọi chỉ một chức vụ áp dụng cho các thầy
dạy tôn giáo và các nhà chuyên môn nổi tiếng về Lề luật.
Phần anh em: Chúa Giêsu nói với các
môn đệ và qua họ, với những người hướng dẫn các cộng đoàn Kitô hữu. Các câu nầy
có thể được coi là bổ túc cho “bảng hướng dẫn về đời sống tu đức và mục vụ” của
chương 18. Trọng tâm không nhằm vào việc bài bác hay cấm đoán mọi phẩm trật
trong Giáo hội, nhưng nhắm đến sự tự hào không đúng chỗ của các rabbi: các
ngươi đừng muốn người ta coi mình là thầy, đừng tự đặt mình là thầy giữa các
ngươi, vì “Thầy của các ngươi chỉ có một”, và không ai khác hơn là Chúa Kitô
(Ga 13, 13-14).
Anh em cũng đừng gọi ai dưới đất nầy là
cha của anh em: Lời dạy nầy không nhằm lên án thói quen tốt lành trong các cộng đoàn Kitô
giáo, theo đó người ta quen dùng cách gọi “Cha” dưới nhiều hình thức. Đúng hơn,
giáo huấn ấy muốn cảnh giác mối nguy cơ chiếm lấy danh dự là Cha, là Thầy của
Thiên Chúa và Đức Kitô, đồng thời đề cao nguyên tắc của người lãnh đạo cộng
đoàn: phải cho thấy sự hiện diện của Đấng duy nhất và đồng thời là tấm màn
trong suốt không che khuất Ngài.
Ai hạ mình xuống, sẽ được tôn lên: Ý tưởng hạ mình cần
phải được giải thích theo ý tưởng phục vụ ở câu trước. Câu nầy vừa có tính cách
truyền lệnh (c11), vừa có tính cách cánh chung (c.12): các ngươi phải làm điều
đó, và Thiên Chúa sẽ trả lại cho các ngươi vào ngày Chung thẩm.
SỨ ĐIỆP
Bài tin mừng hôm nay kể lại những lời cứng cỏi của Chúa Giêsu tố cáo điều
mà người ta có thể gọi là “những cạm bẫy của quyền bính”.
Cạm bẫy thứ nhất: “Họ nói mà không làm”. Các kí lục và người
Pha-ri-sêu rất giỏi khi nói về lề luật. Họ rất đòi hỏi đối với người khác,
nhưng đời sống của họ không hòa hợp một chút nào với lời họ nói. Đó là một cảnh
báo rõ ràng và là một cảnh giác mạnh mẽ cho những ai có sứ mang loan báo tin
mừng, giám mục, linh mục, các Giáo lí viên và tất cả những nhà giáo dục đức
tin.
Cạm bẫy thứ hai: Thi hành quyền bình bằng cách thống trị chứ không
phục vụ. Cám dỗ thật lớn đối với những người dùng tiền của, học thức và
quyền lực để chế ngự người khác và để áp đặt quyền hành của mình. Lời cảnh giác
đó cũng có giá trị cho mỗi người chúng ta. Chúng ta đừng quên rằng tất cả những
gì mà chúng ta đã lãnh nhận đều được trao phó cho chúng ta với một trách nhiệm
phục vụ mọi người.
Cạm bẫy thứ ba đó là cám dỗ đánh
bóng mình, hành động để cho mọi người thấy, lôi kéo mọi người khác chú ý và
ngưỡng mộ mình. Thay vì nói về Thiên Chúa và tin mừng của Ngài, chúng ta nói về
chúng ta, chúng ta qui mọi sự về chúng ta. Giống như một vị giáo sự lịch sử chỉ
nói về mình thay vì về môn học mà mình phải dạy. Chúng ta là những người Kitô
hữu, chính Lời Thiên Chúa mà chúng ta phải làm chứng. Nước Trời hiện diện và
chúng ta phải loan báo.
Cạm bẫy thứ tư, đó là cám dỗ tin rằng mình
là người quan trọng nhất, tìm kiếm hư danh, những chỗ nhất, những
hạng nhất. Bấy giờ Chúa Giêsu muốn nhắc cho chúng ta nhớ các giá trị của đức
khiêm nhường. Các tước hiệu và danh dự tự bản chất không xấu. Nhưng mang lấy
những tước hiệu luôn bao hàm một trách nhiệm, một chứng từ phải thực hiện, một
sứ mạng phục vụ người khác. Chúng ta không ở trên họ, những với họ để là những
chứng nhân cho đấng là Tình yêu. Một ngày nào đó, chúng ta sẽ phải trả lẽ cho
sứ mạng ấy.
Nếu chúng ta muốn đón nhận Tin Mừng và làm
chứng, đời sống chúng ta ăn khớp với những gì chúng ta tin. Chúa Giêsu không
thích kiểu chơi hai mặt hay giả hình. Chắc hẳn không ai có thể khẳng định rằng
lời mình nói hoàn tòan ăn khớp với hành động của mình. Chúng ta có thể có những
lời nói rất hay đẹp về tình yêu, về sự chia sẻ và về sự liên đới nhưng thực tế
lại là những người ích kỉ số một, và có thể buông ra những lời xúc phạm và gây
thiệt hại anh em mình. Nếu Chúa Giêsu tố cáo những cách hành động ấy, không
phải để lên án chúng ta mà để mời gọi chúng ta hãy biến đổi cuộc sống của mình.
Chúng ta sống trong một thế giới quan sát
nhiều các người Kitô hữu. Nhiều người lấy làm thích thú chỉ tìm xem những điều
xấu, các nhà thờ trống rỗng, sự giảm sút việc giữ đạo và nhất làm gương xấu.
Luôn dễ dàng trách những Kitô hữu đã không tốt hơn những người khác. Nhưng
những người khẳng định điều đó quên rằng cũng có nơi người Kitô hữu sống trong
tình liên đới, và rộng tay đóng góp phục vụ người nghèo.
Ngày nay, Đức Kitô mời gọi chúng ta tiến
thêm một bước nữa. Thỉnh thoảng bố thí giúp đỡ người nghèo là điều tốt, nhưng
quan tâm đến người khác, kính trọng họ và gặp gỡ họ trong điều kiện họ đang
sống, thì tốt hơn. Chính nhờ đó mà người ta sống tình liên đới đích thật. Chủ
nhật tuần trước, tin mừng mời gọi chúng ta yêu mến như Chúa Giêsu. Đó là một
lời mời gọi đi vào trong dòng chảy tình yêu nối liền chúng ta với Thiên Chúa và
với người khác. Sứ điệp ấy trước tiên phải biến đổi người loan báo nếu không đó
sẽ là một phản chứng.
Cám dỗ thật lớn khi muốn làm cho đức tin
vào Đức Kitô trở nên nặng nề và phức tạp và lên mặt đòi hỏi đối với người khác.
Chúng ta phải để ý đến những người đơn sơ, những người sống những hoàn cảnh
phức tạp, nếu không họ sẽ thất vọng. Đừng quên rằng tin mừng chính là tin vui
loan báo cho những người nghèo, đó là một sứ điệp giai phóng.
Các lãnh đạo tôn giáo thời Chúa Giêsu đã
tự biến thành quan án. Ngày nay, Chúa Giêsu cũng nhắc cho chúng ta rằng chúng
ta không phải là kẻ xét xử người khác nhưng là anh em. Vấn đề không phải là chế
ngự, mà là phục vụ với tất cả lòng thành thực. Đức Kitô đã muốn rằng người lớn
nhất phải là người phục vụ. Chỉ với điều kiện đó, chứng từ của người Kitô mới
có thể mang lại hoa trái. Nếu chúng ta muốn làm chứng cho tình yêu Thiên Chúa,
thì chứng từ đó phải ăn khớp với điều mà chúng ta sống gần những người chung
quanh chúng ta.
Từ công đồng Vatican II, người giáo dân
đảm nhận một phần tích cực trong đời sống Giáo hội, và điều đó rất đúng. Nó đòi
buộc chúng ta duyệt xét lại những tương quan của chúng ta giữa linh mục và giáo
dân, và làm cho bầu khí sống chung trở nên huynh đệ hơn. Chính tình huynh đệ đó
sẽ cấu trúc chúng ta như là cộng đoàn. Ba lần Chúa Giêsu đòi chúng ta đừng gán
cho mình những tước hiệu: “Đừng để người ta gọi mình là thầy dạy, hay chủ,
hay Cha”. Đó là cách nói rằng chúng ta tất cả là anh em và ngang hàng với
nhau.
Tất cả chúng ta là con cái của cùng một
Cha. Do đó, Tin mừng ấy thúc đẩy chúng ta đặt lại vấn đề. Nhưng Chúa không phải
là một quan án tìm cách bắt bẻ chúng ta. Như các môn đệ làng Em mau, Ngài là
bạn đồng hành và cùng chung đường với chúng ta. Không có gì có thể tách chúng
ta xa rời tình yêu của Ngài.
ĐÀO SÂU
LÃNH ĐẠO LÀ PHỤC VỤ
Ml 1, 14 .2,2 . 8-10 Thiên Chúa khiển
trách các tư tế đền thờ vì sự bất trung của họ
Tv 131, 1 Lạy Chúa, xin cho linh
hồn con được bình an bên Chúa
1Tx 2, 7-13 Thánh Phao-lô và
cộng đoàn
Mt 23, 1-12 Đức Giê-su trách
nhóm Kinh sư và Pha-ri-sêu
1. HỎI: Các bài đọc được liên kết theo chủ
đề gì?
THƯA: LÃNH ĐẠO LÀ PHỤC VỤ. Như
Thiên Chúa đã khiển trách các tư tế đền thờ không phục vụ dân Chúa (Bđ1), Đức
Giê-su cũng đã phê bình nhóm Kinh sư và Pha-ri-sêu vì đã sao lãng nhiệm vụ của
mình (BTM).
2. HỎI: Tiên tri
Ma-la-ki là ai?
THƯA: Sách Ma-la-ki là một
trong những quyển sách cuối cùng của Cựu Ước. Tên
gọi Ma-la-ki có nghĩa là “Người được sai đi”. Trong thực tế thì đó là
một tiên tri vô danh thi hành sứ vụ sau khi dân trở về từ Lưu đày Ba-by-lon vào
khoảng năm 480-460.
3. HỎI: Nội dung bài đọc một (Ml 1, 14 . 2, 2 . 8-10) như thế nào?
THƯA: Bài đọc một ghi lại những lời sấm tiên tri nói thay Thiên Chúa để chống lại
các tư tế đương thời. Người trách các tư tế đền thờ đã thi hành một lối thờ
phượng hoàn toàn hình thức và không tuân giữ Lề luật và Giao ước của Người.
4. HỎI: “Kính sợ Thiên Chúa” có
nghĩa gì?
THƯA: Lòng “kính sợ Thiên
Chúa” không có nghĩa là sợ hãi khi ra trước nhan Thiên Chúa. Trái lại, nó diễn
tả lòng tôn kính và tin tưởng của người tín hữu cảm thấy mình nhỏ bé và yếu
đuối trước nhan Thiên Chúa
5. HỎI: Tiên tri
Ma-la-ki nhắc lại điều gì?
THƯA: Trước tiên, tiên tri gợi lại tình
yêu Thiên Chúa: “Ta yêu mến các người” (Ml 1,6). Và trên nền tảng yêu
thương đó, tiên tri nhắc lại cho các tư tế và dân nhớ lại và thực thi những đòi
hỏi phải có vì lòng tín trung với tình yêu Thiên Chúa. Tư Tế là thì phải trung
thành loan báo Lời Chúa. Còn các tín hữu thì phải trung thành với tình yêu
Thiên Chúa bằng cách yêu thương nhau.
6. HỎI: “Ta là Đức Vua cao cả (= Đại
Vương)” (Ml 1, 14) có nghĩa gì?
THƯA: ‘Đại Vương’ là tước hiệu mà
các vua Át-si-ri tự xưng trong những giờ phút vinh quang. Đó cũng là tước hiệu
mà các tư tế dủng trong các Thánh Vịnh để hằng ngày tôn vinh Thiên Chúa. Tiếc
thay đời sống của họ không đi đôi với lời cầu nguyện: họ đã sống bất trung với
Thiên Chúa đã hết lòng yêu thương họ.
7. HỎI: Các tư tế bất trung về điều gì?
THƯA: Về hai điểm: họ không
sám hối nên lời cầu nguyện của họ chỉ mang đến lời chúc dữ (cc 1-2) và bỏ bê
việc giảng dạy đúng đường lối của Thiên Chúa. Và như thế họ tỏ ra bất trung với
Giao Ước với Lê-vi (Ds 25, 10-13).
8. HỎI: Còn các tín hữu?
THƯA: Tiên tri trách những
người đàn ông vì họ đã phản bội vợ của mình khi rẫy vợ (c.10). Ông còn lên án
những người đã cưới vợ ngoại giáo vì như thế họ phản bội Giao Ước với Thiên
Chúa (c.11).
9. HỎI: Nội dung bài đọc hai (1Tx 2, 7-13) như thế nào?
THƯA: Thánh Phao-lô bày tỏ tâm
tình yêu thương và tận tụy của Ngài đối với đàn chiên Tê-xa-lô-ni-ca.
10. HỎI: Ngữ cảnh bài tin mừng (Mt 23, 1-12) như thế nào?
THƯA: Bài tin mừng thuộc phần đầu chương
23 sách tin mừng Mát-thêu, thường được gọi là ‘Diễn từ chống Pha-ri-sêu’. Diễn
từ nầy qui tụ các lời Đức Giê-su phê phán các nết xấu của người Pha-ri-sêu. Tuy
nhiên, phần đầu (2-12) là những lời giảng dạy và khuyến thiện nói với đám đông
và các môn đệ cảnh giác họ đề phòng lối sống không ăn khớp với lời giảng dạy
của người Pha ri sêu. Có hai ý chính: Sau câu dẫn nhập (c. 1): 1. Chúa Giêsu
nói về nhóm Pha-ri-sêu và kinh sư (cc. 2-7); 2. Chúa Giêsu dạy cách hành xử cho
các môn đệ của Người (cc. 8-12).
11. HỎI: Nội dung bài tin mừng như thế nào?
THƯA: Trong bài tin mừng Đức Giê-su nói đến “những cạm bẫy cho những kẻ quyền
thế” hay “những lời khuyên cho giới hữu trách” mà bậc cha mẹ, những
nhà lãnh đạo tôn giáo, hay chính trị thường gặp.
12. HỎI: Đâu là những cạm bẫy cho quyền
thế?
THƯA: Cạm bẫy thứ nhất là “Họ nói mà không làm”. Cạm bẫy thứ hai “Thi
hành quyền thế như cai trị chứ không như phục vụ”. Cạm bẫy thứ ba: “Muốn
phô trương”. Cạm bẫy thứ tư: “Cho mình là quan trọng”.
13. HỎI: Đức Giê-su dạy gì về cạm bẫy thứ
nhất?
THƯA: Đức Giê-su cho biết cảm bẫy thứ nhất là “Họ nói mà không làm”. Đó là
sự sai lầm thường gặp đến nỗi Đức Giê-su cảnh giác các môn đệ: “Không phải
người nói với Thầy, lạy Chúa lạy Chúa mà được vào Nước trời đâu, nhưng phải thi
hành ý muốn của Cha Thầy đấng ngự trên trời” (Mt 7, 21).
14. HỎI: Cạm bẫy thứ hai là gì?
THƯA: Cạm bẫy thứ hai là “Thi
hành quyền thế như cai trị chứ không như phục vụ”: “Họ bó những gánh nặng mà
chất lên vai người ta., nhưng chính họ thì lại không buồn động ngón tay vào”.
Của cải, kiến thức, quyền bính thường là cái cớ khiến cho nhiều người chế ngự
người khác. Trong khi chúng lại là những phương tiện để phục vụ người
khác.
15. HỎI: Cạm bẫy thứ ba là gì?
THƯA: Cạm bẫy thứ ba là khoe
khoang: “Họ làm mọi việc cốt để cho thiên hạ thấy”. Đây là cạm bẫy nhiều
người mắc phải, vì ai lại không muốn khoe mình, thích người khác kính trọng
mình. Nhưng điều quan trọng không phải là danh tiếng mình đạt được mà là Lời
Chúa được rao giảng.
16. HỎI: Cạm bẫy thứ tư là gì?
THƯA: Cạm bẫy thứ tư là tự cho
mình quan trọng, thích được vinh quang. “Họ ưa ngồi chỗ danh tự trong đám
tiệc, chiếm hàng ghế đàu trong hội đường”. Dĩ nhiên, tước hiệu có giá trị,
nhưng giá trị mà người mang biểu hiện mới quan trong.
17. HỎI: Tại sao: “Đừng để ai gọi mình
là ráp-bi (=Thầy)”?
THƯA: Vì “anh em chỉ có một Thầy; còn tất cả anh em đều là anh em với
nhau” (23, 8). Là anh em với nhau vì biết mình nghèo, luôn cần đến Thiên
Chúa và người khác, luôn tùy thuộc vào tình yêu thương của Ngài. Không ai là
Thầy bởi vì chúng ta không có gì để dạy dỗ người khác ngoài sự nghèo khó của
chúng ta.
18. HỎI: Tại sao: “Đừng gọi ai dưới đất
này là cha của anh em”?
THƯA: Chúng ta vẫn có thể tiếp tục dùng tước hiệu ‘Cha’ hoặc ‘Thầy’, nhưng
gán cho chúng ý nghĩa đích thực. Người mang danh hiệu ấy phải là người nhắc nhớ
chúng ta rằng chỉ có Cha duy nhất là đấng ngự trên trời.
19. HỎI: Đức Giê-su muốn dạy gì khi nói: “Ai
tôn mình lên, sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống, sẽ được tôn lên”?
THƯA: Đức Giê-su không dạy các
môn đồ của Ngài phải coi việc hạ mình như là mục tiêu sống. Điều Ngài muốn dạy
là phải nhìn nhận mình nhỏ bé thấp hèn nên phải luôn cậy dựa vào sức mạnh và ơn
sủng của Thiên Chúa.
20. HỎI: Sứ điệp Lời Chúa như thế nào?
THƯA: “Tất cả là anh em với
nhau”: một khi niềm xác tín này ăn sâu vào tâm hồn chúng
ta thì không ai còn có thể cư xử tàn nhẫn đối
với người khác, thậm chí đạo đức giả không thể nảy mầm. Điều cấp bách
nhất và quan trọng nhất mà các Kitô hữu có thể làm là nỗ lực không
mệt mỏi để xây dựng các mối quan hệ của tình anh em: không thể thực
hiện việc rao giảng Tin Mừng mà không có tiền đề này, và không thể đạt hiệu
quả mà không có kết quả này. Và mọi thứ khác sẽ đến sau.
GLCG 526."Trở nên trẻ
nhỏ" trong tương quan với Thiên Chúa là điều kiện để vào Nứơc Trời (x.Mt
l8, 3-4). Muốn thế, cần phải tự hạ (x Mt 23, l2), phải trở nên bé mọn; hơn nữa,
còn phải "sinh ra từ trên cao" (Ga 3, 7) "do chính Thiên Chúa
sinh ra" (Ga l, l3) để "trở nên con cái Thiên Chúa" (Ga l, l2).
Mầu nhiệm Giáng Sinh được thực
hiện nơi chúng ta khi Đức Ki-tô
"thành hình" nơi chúng ta (Ga 4, l9). Giáng Sinh là mầu nhiệm của
việc "trao đổi kỳ diệu" này. 460. Ôi việc
trao đổi diệu kỳ! Đấng sáng tạo loài người, đã đoái thương sinh làm con một
Trinh Nữ, đảm nhận một xác thể và một linh hồn, và đã ban cho chúng ta thiên
tính của Người khi làm người mà không cần đến sự can thiệp của con người !
(Tiền xướng tuần bát nhật Giáng Sinh).
Lm. Paul Nguyễn Văn Đông