Trang Chủ > Suy Niệm > Thường Niên 26-34

Suy Niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần XXIX Thường Niên

THÁNH SIMON VÀ GIUĐA TÔNG ĐỒ

t7 tuan 29.jpg

LỜI CHÚA: Lc 6, 12-19

12 Trong những ngày ấy, Đức Giêsu đi ra núi cầu nguyện, và Người đã thức suốt đêm cầu nguyện cùng Thiên Chúa. 13 Đến sáng, Người kêu các môn đệ lại, chọn lấy mười hai ông và gọi là Tông Đồ. 14 Đó là ông Simon mà Người gọi là Phêrô, rồi đến ông Anrê, anh của ông; sau đó là các ông Giacôbê, Gioan, Philípphê, Batôlômêô,15 Matthêu, Tôma, Giacôbê con ông Anphê, Simon biệt danh là Nhiệt Thành, 16 Giuđa con ông Giacôbê, và Giuđa Itcariốt, người đã trở thành kẻ phản bội.

17 Đức Giêsu đi xuống cùng với các ông, Người dừng lại ở một chỗ đất bằng. Tại đó, đông đảo môn đệ của Người, và đoàn lũ dân chúng từ khắp miền Giuđê, Giêrusalem cũng như từ miền duyên hải Tia và Xiđôn 18 đến để nghe Người giảng và để được chữa lành bệnh tật. Những kẻ bị các thần ô uế quấy nhiễu cũng được chữa lành. 19 Tất cả đám đông tìm cách sờ vào Người, vì có một năng lực tự nơi Người phát ra, chữa lành hết mọi người.

SUY NIỆM

Đức Giêsu được Thiên Chúa Cha ủy thác cho sứ mạng cao cả, đó là sinh xuống trần gian cứu chuộc loài người. Khi thực hiện sứ mạng lớn lao này, Đức Giêsu đã tuyển chọn 12 tông đồ để cộng tác với Người. Đây là việc hết sức quan trọng đối với toàn thể lịch sử cứu độ, vì thế trước khi tuyển chọn, Đức Giêsu đã thức suốt đêm để cầu nguyện cùng Thiên Chúa. Người không làm điều gì mà không có sự liên kết với Chúa Cha.

Sau khi tuyển chọn 12 tông đồ, Chúa Giêsu đưa các ông xuống núi và bắt đầu thi hành sứ vụ. Dân chúng từ khắp các vùng lân cận tuôn đến, Chúa Giêsu chữa lành họ khỏi nhiều chứng bệnh, Người xua trừ ma quỷ, giải thoát con người khỏi ách nô lệ của sự dữ.

Theo quan niệm văn hóa Do Thái, 12 là một con số đặc biệt, đó là kết quả của phép nhân 3 với 4 (3 x 4), trong đó 3 là con số hoàn hảo và 4 là bốn hướng Đông-Tây-Nam-Bắc, là bao quát cả thế giới. Còn trong Kinh Thánh, 12 là một con số biểu tượng cho 12 chi tộc Israel. Như vậy, khi chọn gọi các tông đồ, Đức Giêsu muốn quy tụ đoàn dân Israel tản mác khắp nơi về một mối. Vì thế, 12 tông đồ chính là biểu tượng cho tất cả cộng đoàn Kitô hữu. “Nhóm mười hai” còn nhắc cho chúng ta hiểu rằng, nhờ Israel, chứng nhân giao ước giữa Thiên Chúa và nhân loại, mà niềm tin vào Thiên Chúa là Cha duy nhất đã được thực hiện.

Trình thuật Tin Mừng ghi rõ tên 12 tông đồ, trong đó có tông đồ Simon và Giuđa mà hôm nay Giáo hội mừng kính. Tông đồ Simon còn có biệt danh là người nhiệt thành đối với Luật giao ước và hết lòng với Thầy Giêsu. Ông thuộc số những người Do Thái sốt sắng không chấp nhận sự đô hộ của người Rôma với những khoản thuế khắt khe.

Khi chọn các tông đồ, Chúa Giêsu không đưa ra những điều kiện theo kiểu thế gian. Người chọn vì yêu thương, vì muốn chúng ta cộng tác với Chúa thực hiện kế hoạch của Thiên Chúa. Người không chọn các ông dựa trên trình độ, bằng cấp hay những khả năng vượt trội. Người chọn các tông đồ với nhiều hoàn cảnh, với những tính khí và những ưu khuyết điểm khác nhau. Điều này cho thấy, tất cả mọi người đều được mời gọi tham gia và góp phần vào sứ mạng của Chúa. 

Giữa một xã hội phải nô lệ cho một đế quốc Roma tàn bạo, Simon theo Đức Giêsu bằng tất cả sự nhiệt thành hăng say của một người môn đệ đi tìm lẽ sống. Vì thế một truyền thống cho rằng ông chính là người đã hỏi Đức Giêsu một câu hỏi đầy tính thời sự “Thưa Thầy, có phải bây giờ là lúc Thầy khôi phục vương quốc Israel không?” (Cv 1, 6) khi nó sắp bị đế quốc Rôma thâu tóm. Câu hỏi của Simon cho thấy ông hy vọng Thầy Giêsu sẽ làm một điều gì đó như một cuộc cách mạng giải thoát cho Israel. Câu hỏi của Simon cũng chính là câu hỏi chung của nhiều người Do Thái. Họ luôn khát khao một cuộc sống tự do và an bình. Chắc hẳn tông đồ Simon đã tìm thấy nơi Đức Giêsu lẽ sống đích thật. Ông là một trong mười hai chứng nhân quan trọng của Giáo hội Giêrusalem, đã được rửa trong Thánh Thần vào ngày lễ Ngũ Tuần. Sau khi Đức Giêsu sống lại và lên trời, ông đã đi rao giảng Tin Mừng ở vùng Tiểu Á.

Trong nhóm mười hai còn có ông Giuđa cũng là một tông đồ nhiệt thành với Đức Giêsu. Để phân biệt với Giuđa Itcariốt, tác giả Luca ghi rõ Giuđa là con ông Giacôbê, còn Tin Mừng Matthêu và Matcô cho biết Giuđa còn có biệt danh là Tađêô, nghĩa là “người can đảm”. Trong bức thư của mình, thánh tông đồ Giuđa ghi rõ ông là anh em với ông Giacôbê. Ông viết thư để khuyên nhủ các tín hữu chiến đấu cho đức tin thể hiện qua việc khước từ lối sống vô luân để đạt đến ơn cứu độ (x. Gđ 3). Có lẽ tông đồ Giuđa đã từng chứng kiến một số người tự xưng mình là kitô hữu nhưng lại có cách cư xử trái với Lề luật và đạo lý của Đức Kitô. Họ là những kẻ gian tà, ăn nói lộng ngôn, sống theo tính tự nhiên không có Thần Khí. Giuđa đúng là “người can đảm”, ông dám nhìn thẳng vào sự thật để có một quyết tâm tiến tới đức ái Kitô giáo. Trong bức thư của mình, thánh tông đồ Giuđa nhấn mạnh “Hãy xây dựng đời mình trên nền tảng đức tin rất thánh của anh em, hãy cầu nguyện nhờ Thánh Thần, hãy cố gắng sống mãi trong tình thương của Thiên Chúa, hãy chờ đợi lòng thương xót của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, để được sự sống đời đời” (Gđ 20).

Thánh Giuđa khuyên nhủ hãy sống đức tin thể hiện qua những việc làm cụ thể của đức ái: Thương xót người do dự, hãy lo cứu họ, kéo họ ra khỏi lửa thiêu. Còn với một số người khác thì phải vừa thương xót vừa sợ hãi, gớm ghét ngay cả chiếc áo đã bị thân xác họ làm cho ra ô uế (x. Gđ 22-23). 

Mừng kính hai thánh tông đồ Simon và Giuđa hôm nay, chúng ta được mời gọi ý thức ơn gọi của mình trong toàn nhiệm cục cứu độ. Chúng ta hãy cộng tác với ơn Chúa để sống trọn ơn gọi của người Kitô hữu. Hãy thể hiện niềm tin của mình trong tư tưởng, lời nói và việc làm với một lòng mến sâu xa. Chúng ta hãy trở thành cánh tay nối dài của Chúa để xoa dịu những nỗi thương đau của nhân loại, giải gỡ cho con người khỏi sự ràng buộc của thế gian. Hãy nhiệt thành rao giảng Lời Chúa và làm cho Lời ấy thấm sâu vào mảnh đất tâm hồn con người, thấm sâu vào thế giới đầy nghi kỵ và đối kháng, đầy bất công nghèo đói. Hãy để cho Lời Chúa biến đổi tâm hồn con người và thế giới, hầu biến đổi thế giới ngày một nhân bản và thấm đẫm tình yêu thương.

Nt. M. Anh Thư, OP

 

 

 


Các bài viết mới hơn
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần XXVI Thường Niên_Lm. Giuse Nguyễn Duy Khang
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần XXVI Thường Niên_Lm Micae Vũ An Lộc
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Hai Tuần XXVI Thường Niên_Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần XXXIV Thường Niên-Lm.Giuse Nguyễn Duy Khang
     Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật Tuần XXXIV Thường Niên Năm A -LM ĐAN VINH - HHTM
     Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật Tuần XXXIV Thường Niên Năm A_ Lễ Chúa Kitô Vua_ Lm. Phaolô Nguyễn Văn Đông
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần XXXIII Thường Niên - Lm Micae Vũ An Lộc
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Hai Tuần XXXIII Thường Niên - Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật Tuần XXXIII Thường Niên Năm A LỄ CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM - LM ĐAN VINH - HHTM
     Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật Tuần XXXIII Thường Niên Năm A _Lm. Giuse Đỗ Đức Trí

Các bài viết cũ hơn
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần XXIX Thường Niên-Nt. Maria Thúy An SSS.
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần XXIX Thường Niên
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Hai Tuần XXIX Thường Niên- Nt Maria Chinh Anh op
     SUY NIỆM LỜI CHÚA CHÚA NHẬT XXIX THƯỜNG NIÊN NĂM A KHÁNH NHẬT TRUYỀN GIÁO-LM ĐAN VINH - HHTM
     SUY NIỆM LỜI CHÚA CHÚA NHẬT XXIX THƯỜNG NIÊN NĂM A KHÁNH NHẬT TRUYỀN GIÁO-LM. PAUL NGUYỄN VĂN ĐÔNG
     SUY NIỆM LỜI CHÚA CHÚA NHẬT XXIX THƯỜNG NIÊN NĂM A KHÁNH NHẬT TRUYỀN GIÁO- LM. GIUSE ĐỖ ĐỨC TRÍ
     Suy Niệm lời Chúa Thứ Bảy Tuần XXVIII Thường Niên -Nt. Anna Têrêxa Thiên Hoàng Dòng Đa Minh Thánh Tâm
     Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật Thứ XXVIII thường niên năm A - LM ĐAN VINH - HHTM
     Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật Thứ XXVIII Thường Niên Năm A-Lm. Paul Nguyễn Văn Đông
     Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật Thứ XXVIII Thường Niên Năm A- Lm. Đỗ Đức Trí