Trang Chủ > Suy Niệm > Thường Niên 26-34

Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật Thứ XXVIII Thường Niên Năm A

cn 28a.jpg 

Vương quốc Thiên Chúa được so sánh như một bữa tiệc chiêu đãi tất cả mọi người. Chúng ta đang ở trong một thế giới đóng kín, hầu hết ai cũng đều lo tranh giành của cải trần gian và từ chối chia sẻ với người khác, với người khách lạ, để tìm cho mình phần tốt nhất. Nhưng trong lòng mỗi người có một giấc mơ không ngừng chờ được khẳng định: đó là giấc mơ một thế giới không chia rẽ, không hận thù chủng tộc, không nghèo đói nhưng đầy yêu thương. Đó chính là Nước Trời mà chúng ta được mời gọi đến.

Sách Tiên tri Isaia 25, 6-9

Giêrusalem núi thánh bị người Assyria xâm lăng đe dọa. Vùng ngọai vi đã bị tàn phá. Trong bối cảnh đó, lời sấm Isaia xuất hiện như một lời loan báo không ngờ. Tình thế khốn cùng sẽ chấm dứt. Một ngày kia, người ta sẽ được tham dự một lễ hội long trọng mừng chấm dứt một thế giới cũ và mọi dân sẽ đến tham dự trong y phục đại lễ.

 

Thánh Vịnh 22

Tác giả thánh vịnh hát mừng lòng xác tín hạnh phúc của người biết mình được Chúa hướng dẫn đến bàn tiệc tràn đầy các thức ăn.

 

Thư gửi Philípphê 4, 12-14. 19-20

Thánh Phaolô là tù nhân và vừa nhận lãnh sự giúp đỡ vật chất từ dân thành Philípphê. Ngài cám ơn họ, và thêm rằng Ngài đã quen sống một đời khổ cực và nghèo khó, nên có thể chịu đựng mọi thiếu thốn. Ngài còn quả quyết rằng chính tình yêu của họ đối với Đức Kitô là nguồn phát sinh chứng từ yêu thương thúc đẩy họ chia sẽ với Phaolô tù nhân. 

Tin mừng: Mt 22: 1-14

NGỮ CẢNH

Ba dụ ngôn tiếp theo: Hai người con (21, 28-32), những người thợ vườn nho (21, 33-46) và tiệc cưới hoàng gia (22, 1-14) được Chúa Giêsu gửi đến giới lãnh đạo do thái (21, 23) và mọi người. Ngài muốn cho mọi người hiểu rằng, Thiên Chúa không ép buộc ai phải theo Người, nhưng kiên nhẫn chờ đợi họ đáp lại lời mời gọi của Người.

Có thể đọc bản văn theo cấu trúc sau đây:

1.   Nhập đề (22, 1)

2.   Dụ ngôn tiệc cưới (22, 2-10)

3.   Dụ ngôn áo cưới (22, 11-13)

4.   Kết luận (22, 14) 

TÌM HIỂU

Về Nước Trời cũng giống như vua kia: Nước Trời không giống như một ông vua; nhưng trong Nước Trời được Chúa Ki tô khai mào, sẽ xảy ra điều mà dụ ngôn sắp kể lại (x. 13, 24; 18, 23; 25, 1). CƯ và Do thái giáo thường mô tả Thiên Chúa qua nét họa một vì vua (Tl 8, 23; 1Sm 8, 7; Xh 19, 6).

Mở tiệc cưới cho con mình: Hình ảnh bửa tiệc thiên sai vai mượn từ CƯ (Is 25, 7; 55, 1-3). Nó nói lên tính cách nhưng không của ơn cứu độ Thiên Chúa ban cho dân Người, được tiên trưng qua bữa ăn của Môsê với 70 kì lão, trước sự hiện diện của Đấng Vĩnh cửu trên núi Sinai, sau khi đã dâng hi tế đền tội (Xh 24, 11). Sách Khải Huyền cũng trình bày ngày quang lâm của Nước Thiên Chúa như việc cử hành lễ cưới của Chiên Con (Kh 19).

Nhưng họ không chịu đến: Sự từ chối được diễn tả một cách rõ ràng qua động từ “đến”, rất được Mt ưa dùng (x.11, 14; 16, 24; 18, 30; 19, 17; 23, 27b). Vậy việc đáp lại lời mời không phải là do tự nhiên hay tình cảm, nhưng là chuyện tự ý hoàn toàn quyết định. Ở câu 5, Mt còn cho thấy các thực khách “không thèm đếm xỉa” đến, không hề quan tâm đến lời mời.

Những kẻ đã được mời lại không xứng đáng: Không xứng đáng không phải vì khiếm khuyết, mà vì đã từ chối.

Vậy các ngươi đi ra các ngã đường, gặp ai cũng mời hết vào tiệc cưới: Ơn cứu độ nhưng không của Chúa Kitô, dù bị người do thái khinh chê, vẫn được cống hiến cho bất cứ ai nghe lời mời gọi của những người phục vụ Tin mừng trên khắp thế giới (x. Mt 8, 11). Sự cứng lòng và từ chối của Israel chỉ dẫn đến cơ hội bắt đầu thời gian của Giáo hội, thời gian mà một khi Tin mừng được rao giảng cho mọi dân tộc (24, 14), phòng tiệc sẽ tràn ngập đủ mọi hạng người. Do đó việc sai các gia nhân lần thứ ba tương ứng với việc sai các sứ đồ đến với dân ngoại sau khi Chúa Giê su phục sinh. Ở đây chúng ta gặp lại chiều hướng phổ quát và truyền giáo rất được Mt chú trọng (2, 1-2; 3, 9; 8, 5-10; 8, 38-34; 15, 21-28).

Bất luận tốt xấu: chi tiết nầy làm chúng ta liên tưởng tới dụ ngôn lưới cá (13, 47-50). “Kẻ xấu” bản văn nói tới ở đây là những người có tội, được mời cách nhưng không, sẽ cải thiện đời sống một khi đã vào trong Nước Trời hay Giáo hội, hoặc là “kẻ xấu” theo nghĩa tuyệt đối mà một ngày kia sẽ bị loại ra khỏi Nước Trời (hay ra khỏi Giáo hội). Các câu 11-14 tiếp theo sẽ bàn đến hạng kẻ dữ nầy.

Bấy giờ nhà vua tiến vào quan sát khách dự tiệc: Đây là cuộc phán xét sau cùng. Những câu nầy của riêng Mt, chắc chắn là để sữa lại một lối giải thích quá rộng rãi về các câu 1-10. Việc gia nhập vào Giáo hội là nhưng không, nhưng đừng quên rằng Giáo hội là của Đức Vua. Thiên Chúa “khám xét” dân mới của Người kỹ lưỡng vì ân sủng của Người luôn luôn đòi hỏi. Động từ “quan sát’ (theaomai) nói đến việc các nhân vật quan trọng không ngồi ăn chung với khách mời, nhưng chỉ xuất hiện vào một lúc nào đó để chào quan khách.

Làm sao bạn vào đây mà không mặc y phục lễ cưới: Y phục lễ cưới đây chỉ sự công chính luôn luôn được Tin mừng Mt đòi hỏi nơi tín hữu (x. chương 5). Để vào Nước Trời, cần phải ‘mặc áo cứu độ’ (Is 61, 10), “mặc lấy Chúa Ki tô” (Ep 4, 24; Gl 3, 27). Chỉ những ai đã giặt áo mình trong máu Con Chiên (Kh 7, 9-17) mới có thể đứng vững trước ngai Con Chiên trong ngày lễ cưới (x. Kh 19, 6-8).

Người ấy câm miệng, không nói được gì: Người do thái quan niệm rằng các việc lành phúc đức sẽ bầu cử cho họ trước mặt Thiên Chúa. (Cn 4, 13; Cv 10, 4). Người khách đã không thực thi việc phúc đức nên đã lặng thinh, vì chẳng có ai chuyển cầu biện hộ cho y cả.

Kẻ được gọi thì nhiều, kẻ được chọn thì ít:  Ngôn ngữ Hípri không có cách nói so sánh (tốt = tốt hơn) và cực cấp (tốt nhất), nên phải dùng kiểu nói quanh. Phải dựa vào mạch văn mới xác định được nghĩa so sánh tiềm mặc (Mc 9, 42; Mt 22, 36; 26, 24; Lc 10, 42; 18, 14..).

SỨ ĐIỆP

Hôm nay, Chúa Giê su giới thiệu Thiên Chúa qua hình ảnh một ông vua mời gọi mọi người đến dự tiệc cưới. Bình thường, ít ai dám từ chối lời mời nầy. Không nhận lời mà không có lí do chính đáng là một điều xúc phạm. Làm sao có thể từ chối bạn bè để chia sẻ niềm vui với họ trong ngày kỉ niệm đáng nhớ nhất trong đời? Ở đây, chính Thiên Chúa mời gọi; Ngài sai gia nhân đi mời: “Hãy đi đến các ngả đường, hãy mời tất cả những ai các ngươi gặp vào dự tiệc cưới”.

Chúng ta ngạc nhiên, thậm chí bị sốc trước thái độ khinh thường của những người được mời dự tiệc cưới trong dụ ngôn nầy. Người ta đề nghị cho họ một điều kì diệu sẽ thay đổi cuộc sống của họ; thế mà họ lại khước từ, viện đủ mọi lí do: nào là không có giờ, quá bận bịu công việc, nào là có quá nhiều điều phải toan tính. Tệ hơn hết, họ quay lại chống các sứ giả mang tin mừng và đối xử dã man với họ. Hình ảnh ấy ám chỉ đến tất cả các vị tử đạo mọi thời đại, các tiên tri Cựu Ước và cũng như tất cả các tiên tri trong lịch sử Giáo Hội.

Khi kể cho chúng ta nghe dụ ngôn nầy, Chúa Giê su gửi đến chúng ta một sứ điệp quan trọng. Đám cưới đó chính là Giao Ước của Thiên Chúa với nhân loại. Toàn bộ Kinh thánh cho chúng ta thấy Thiên Chúa nói với loài người bằng ngôn ngữ yêu thương và giao ước. Tình yêu một khi đã lên đến tột đỉnh thì cũng giống như một trận cuồng phong, không gì có thể ngăn cản được, Không một tôn giáo nào có thể tưởng tượng một sự điên rồ như thế. Và sự điên rồ lớn nhất của Tình yêu, đó chính là Thiên Chúa đã sai Con một Người đến với loài người. Khi chết trên thánh giá, Chúa Giê su đã trao cho loài người tất cả mọi khả năng đáp lại tình yêu của Ngài và đi vào Giao Ước đề nghị với nhân loại.

Thiên Chúa là tình yêu, Người không thể không yêu thương. Thông thường người yêu dùng sự ghen tương để đánh thức tình yêu đang mê ngủ. Chính bằng cách đó mà Thiên Chúa  bày tỏ tình yêu của mình cho các dân khác. Họ sẽ đến từ tất cả các quốc gia, vì Thiên Chúa không thể không yêu thương. Trên toàn thế giới, các nhà truyền rao Tin mừng đi loan báo cho tất cả các dân tộc rằng Thiên Chúa yêu thương họ. Giáo Hội của chúng ta phải được coi như là Giáo Hội của tất cả mợi người. Sứ mạng của Giáo hội, sứ mạng của chúng ta là làm chứng cho tình yêu phổ quát của Thiên Chúa mời gọi tất cả mọi người không phân biệt.

Chúng ta bị ấn tượng bởi thái độ khẩn khoản van nài của Thiên Chúa khi Người đề nghị một sự thăng tiến như thế cho loài người. Chúng ta thấy Ngài giận dữ trước sự dửng dưng và ngu ngốc của những người được mời đã không thấy sự lợi ích đích thực của họ. Thiên Chúa là đấng say mê tình yêu và Người làm mọi sự để đạt được một lời đáp trả tình yêu của Người: Ngài van nài, Ngài giận dữ, Ngài mặc cả. Thiên Chúa không muốn chúng ta đánh mất cơ hội kì diệu ban cho chúng ta. Người biết rằng cuộc sống ngắn ngủi và sau đó, sẽ quá trễ. Do vậy thật khẩn thiết cho mỗi người chúng ta để đáp trả lời mời gọi đó.

Thế mà rất thường chúng ta luôn có sẵn muôn ngàn lí do để từ chối đáp trả Người. Chúa Giê su đến đề nghị chúng ta một kho tàng vô giá, thế mà chúng ta không quan tâm. Bấy giờ, Người tiếp tục mời gọi chúng ta không mệt mõi. Đừng lần lữa chờ đợi. Ngày mai có lẽ đã quá trể.

Phần thứ hai của tin mừng cho chúng ta thấy khách mời được qui tụ trong phòng cưới. Khi Nhà Vua ngự vào, một chuyện đã xảy ra. Một trong những thực khác không mặc áo cưới. Bấy giờ người ta đặt ra một câu hỏi: Làm sao trách một người được mời ở ngoài đường không thể mặc y phục lễ cưới? Nếu Chúa Giê su đã thêm vào chi tiết thái quá ấy, chính vì Ngài có một sứ điệp quan trọng muốn gửi đến chúng ta.

Đúng thế, tất cả những người được mời một cách nhưng không, hoàn toàn không do công nghiệp của mình. Nhưng để vào phòng tiệc, cần phải mang theo áo cưới. Điều đó muốn nói rằng chúng ta phải tiếp nhận ơn Thiên Chúa trong đức tin. Chúng ta phải sung sướng tiếp nhận Thiên Chúa yêu thương chúng ta. Chúng ta phải mặc cho tâm hồn chúng ta tấm áo tình yêu của chính Thiên Chúa. Chiếc áo lễ cưới khiến chúng ta nghĩ đến chiếc áo của người con trai hoang đàng khi anh trở về với Cha mình. Đối với người cha nầy, chỉ cần có thái độ của đứa con, chỉ cần anh ta chịu để cho ông mặc chiếc áo cưới ấy. Điều anh ta bị chê bai, trước tiên không phải là sự thiếu chiếc áo đó, mà là thái độ im lặng. Và sự im lặng đó được cắt nghĩa như một thái độ kiêu căng. Đó là thái độ của người đóng kín tâm hồn đối với tình yêu được ban tặng.

Bài tin mừng nầy cũng đuọc viết cho chúng ta. Tất cả thuộc vào số những người được mời của Chúa đồng thời cũng là những người mời người khác đến dự tiệc. Thiên Chúa tin tưởng chúng ta nên cho chúng ta làm những người sứ giả của Tin Mừng. Và trong vai trò sứ giả của Tin mừng, không phải lúc nào chúng ta cũng sẽ được tiếp đón. Chúng ta sẽ vấp phải thái độ dửng dưng, thậm chí sự thù nghịch. Mời gọi, trình bày đức tin, đó là sứ mạng của tất cả những người đã được rửa tội, là sứ mạng của tất cả chúng ta. Vấn đề không phải là tìm cách ép buộc hay chiêu mộ, nhưng là loan báo một lời mời gọi đến từ nơi xa hơn chúng ta. Chúng ta được sai đi trên những con đường loài người; những người được mời gọi đến cơ may cuối cùng nầy có nguy cơ không tìm gặp trong các nhà thờ của chúng ta. Họ ở rất xa. Họ sẽ không đến một mình. Phải đi tìm họ nơi họ đang ở. Điều mà Thiên Chúa chờ đợi nơi chúng ta không phải thứ mục vụ chờ đợi mà là một mục vụ tìm kiếm.

Thánh Thể qui tụ chúng ta mỗi tuần chính là bữa ăn của Giao Ước mới. Đó là lễ Tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta. Cũng thế, tất cả những người được mời đã không trả lời vì không có giờ, vì không muốn; vì quá bận rộn. Nhưng Chúa tiếp tục mời gọi chúng ta. Phúc cho chúng ta vì được nuôi bằng Lời và Mình Thánh Ngài. Với Ngài chúng ta sẽ mạnh mẽ hơn cho sứ mạng mà chúng ta được trao phó.

ĐÀO SÂU

DỰ TIỆC CÁNH CHUNG 

Is 25, 6-10a Bữa tiệc cánh chung

Ps 23, 1 Lạy Chúa, bên Chúa chúng con sẽ được sống muôn đời

Pl 4, 12-20 Sự giàu có đích thực trong Đức Ki tô

Mt 22, 1-14 Mt 22, 1-10 Dụ ngôn những người dự tiệc cưới 

1. HỎI: Các bài đọc được liên kết theo chủ đề gì?

THƯA: DỰ TIỆC CÁNH CHUNG. Tiên tri I-sai-a mơ đến ngày mà Thiên Chúa mời tất cả mọi người dự tiệc cánh chung (Bđ1), đó là niềm vui ơn cứu độ mà chính Đức Giê-su sẽ mang đến (BTM). Thánh Phao-lô nhắc lại ý của Thiên Chúa là muốn cho mọi người được phong phú theo sự giàu sang của Người trong Đức Ki-tô Giê-su (Bđ2).

2. HỎI: Bối cảnh bài đọc một (Is 25, 6-10a) như thế nào?

THƯA: Bốn chương 24-27 sách tiên tri I-sai-a được gọi là “Khải huyền I-sai-a” hướng về lúc cuối cùng của thế gian trong đó, tiên tri mạc khải các biến cố xảy ra vào lúc tận cùng của lịch sử. Trong giờ phút khó khăn của dân tộc, tiên tri mời gọi mọi người hãy đặt trọn niềm tin tưởng vào Thiên Chúa là Đấng muốn thiết lập một giao ước tình yêu với họ. Chương 25, trong đó có bài đọc một, bắt đầu bằng một hành động tạ ơn: “Lạy Đức Chúa, Ngài là Thiên Chúa của con, con suy tôn Ngài, con xưng tụng danh Ngài vì Ngài thực hiện những kì công, những chương trình thực hiện từ ngàn xưa thật là bền vững” (25, 1).

3. HỎI: Các chương trình Thiên Chúa thực hiện từ ngàn xưa là gì?

THƯA: Đó là qui tụ nhân loại thành một để cùng tham dự một bàn tiệc, cùng cử hành một lễ hội lớn trên núi thánh của Thiên Chúa. Hình ảnh ấy đáp ứng ước vọng của mọi người là được hưởng một nền hòa bình viên mãn, không còn chiến tranh, đau khổ và bất công.

4. HỎI: Đâu là nền tảng của tương lai đầy lạc quan ấy?

THƯA: Đó là lời Thiên Chúa hứa như lời tiên tri xác quyết dựa vào kinh nghiệm về những gì Người đã thực hiện: “Chính Người đã hứa như thế” (Is 25, 8). Thiên Chúa đã hứa thì thế nào Người cũng sẽ thực hiện điều Người đã hứa.

5. HỎI: “Ngài sẽ vĩnh viễn tiêu diệt tử thần” (Is 25, 8) có nghĩa là gì?

THƯA: Đối với người đương thời với tiên tri, sống viên mãn là sống trong Giao Ước với Thiên Chúa trên trần gian nầy. Và chết tức là cắt đứt Giao Ước với Người. Vì thế, điều mà I-sai-a loan báo là sẽ đến ngày con người được sống trong bình an với Thiên Chúa và bản thân mình khi bạo lực, hận thù, bất công, chiến tranh và sự chết sẽ bị tiêu diệt.

6. HỎI: Bài đọc thứ nhất (Is 25, 6-10) cho chúng ta thấy Thiên Chúa là đấng nào?

THƯA: Bài đọc thứ 1 cho chúng ta khám phá Thiên Chúa là Đức Chúa các đạo binh, là Đấng quan tâm đến những nỗi buồn khổ của nhân loại nên sẽ đứng ra tổ chức một bữa tiệc linh đình, đầy thịt béo và rượu ngon cho muôn dân. Nói theo Thánh Phao-lô (Pl 4, 12-14. 19-20), Thiên Chúa “sẽ thoả mãn mọi nhu cầu của anh em một cách tuyệt vời, theo sự giàu sang của Người trong Đức Ki-tô Giê-su” (bải đọc 2).

7. HỎI: Trong Is 25, 6-10, tiên tri I-sai-a mô tả một bữa tiệc thịnh soạn trong đó tất cả mọi dân tộc trên mặt đất đều được mời gọi tham dự. Bữa tiệc ấy biểu tượng điều gì?

THƯA: Hình ảnh bữa tiệc cánh chung là biểu tượng cho thấy các ân sủng thời thiên sai dành cho tất cả mọi người được Đức Ki tô cứu chuộc; ngòai ra đó là hình ảnh cõi phúc vĩnh cữu, khi Thiên Chúa lau sạch nước mắt của con người.

8. HỎI: Nội dung bài đọc hai (Pl 4, 12-20) như thế nào?

THƯA: Thánh Phao-lô nhắc lại ý của Thiên Chúa là muốn thoả mãn mọi nhu cầu của con người một cách tuyệt vời, theo sự giàu sang của Người trong Đức Ki-tô Giê-su

9. HỎI: Ngữ cảnh bài tin mừng (Mt 22, 1-14) như thế nào?

THƯA: Dụ ngôn Tiệc cưới Hoàng gia (22, 1-14) đi liền sau dụ ngôn những người Thợ Vườn Nho (21, 33-46) và là dụ ngôn cuối cùng trong loạt ba dụ ngôn liên quan với nhau. Dụ ngôn những người Thợ Vườn nho nói đến việc chuyển giao Nước Trời cho một dân tộc biết sinh hoa trái cho Thiên Chúa (21, 43). Dụ ngôn Tiệc cưới Hoàng gia tiếp tục đề tài ấy: những người “tốt và xấu ở các ngả ba đường” được mời vào dự tiệc cưới. Họ thế chỗ những người đã được mời mà không đến. Có 4 ý chính su đây : 1) Mở (22, 1); 2) Dụ ngôn Tiệc cưới không thành vì những người được mời không đến (22, 2-7); 3) Dụ ngôn Tiệc cưới với những khác đến dự (22, 8-13); 4) Kết luận: Lời dạy của Đức Giê-su (22, 14).

10. HỎI: Bài tin mừng có thể gồm mấy dụ ngôn?

THƯA: Bài tin mừng được cho là có hai dụ ngôn được ghép chung lại. Một dụ ngôn nói về những người được mời dự tiệc cưới (22, 2-10), và một dụ ngôn nói về việc mặc y phục lễ cưới cho xứng đáng (2, 11-13).

11. HỎI: Bài tin mừng có dùng hình ảnh ‘tiệc cưới’ trong Cựu Ước không?

THƯA: Có. Hình ảnh tiệc cưới trong Cựu Ước gợi lên giao ước giữa Thiên Chúa và dân của Người. Giao Ước mới được hoàn thành trong Đức Giê su Ki tô, hôn phu trung tín của Hội Thánh.

12. HỎI: Các nhân vật trong Dụ ngôn tượng trưng cho ai?

THƯA: Trong dụ ngôn, nhà Vua tượng trưng cho Thiên Chúa, hoàng tử tượng trưng cho Đức Giê-su, các người được mời dự tiệc cưới tượng trưng cho dân Ít-ra-ên, và các gia nhân tượng trưng cho các tiên tri và sau đó là các tông đồ. Còn tất cả những người mà các gia nhân tìm thấy và mời giữa đường tượng trưng cho các dân ngoại và tất cả chúng ta.  

13. HỎI: Bài Tin mừng gửi đến sứ điệp gì?

THƯA: Tin mừng mà Thiên Chúa gửi đến cho chúng ta là lời mời gọi từng người tham dự vào tiệc cưới Nước Trời. Tin mừng ấy hệ tại ở việc Thiên Chúa không chọn những người dự tiệc theo công trạng của họ, nhưng theo tình yêu của Ngài. Đức Giê-su không đến cho những người lành mạnh mà cho những người đau yếu.

14. HỎI: Tại sao Đức Giê-su lựa chọn hình ảnh tiệc cưới?

THƯA: Đức Giê-su lựa chọn hình ảnh tiệc cưới vì đó là lễ hội của tình yêu và tình yêu ấy được tự do lựa chọn. Thiên Chúa mời gọi chúng ta tham dự một tiệc cưới tình yêu không bao giờ chấm dứt.

15. HỎI: “Vua kia làm tiệc cưới cho hoàng tử” chỉ điều gì?

THƯA: Tiệc cưới cho hoàng tử chỉ Giao Ước giữa Thiên Chúa và loài người được thực hiện nơi Đức Giê-su Kitô. Chính Ngài trong các sách Tin Mừng nhất lãm đã tự gọi mình là hôn phu.

16. HỎI: Tại sao những người trước tiên được mời dự tiệc cưới là người Do thái?

THƯA: Vì Thiên Chúa đã dành ưu tiên cho dân Ít-ra-ên như lời Người phán với ông Abraham: “Nhờ ngươi mọi gia tộc trên mặt đất sẽ được chúc phúc” (Stk 12, 3). Như thế, theo thánh ý Thiên Chúa, toàn thể nhân loại được cứu độ qua dân Ít-ra-ên.

17. HỎI: Thái độ từ khước đến dự tiệc nói lên điều gì?

THƯA: Thái độ từ khước đến dự tiệc cho thấy đa số người Do thái đã từ chối chấp nhận tin vào Đức Giê-su là Đấng Mê-si-a. Cũng như sự từ khước của những người được mời đã là cơ hội cho những người khác được mời thế chỗ, thì chính sự từ khước của người Do thái đã mở đường cho dân ngoại được vào Nước Trời.

18. HỎI: “Y phục lễ cưới” là gì?

THƯA: “Y phục lễ cưới” là cụm từ chỉ y phục của những người đã được rửa tội. Vậy phần hai của dụ ngôn liên quan đến những người đã chịu phép rửa tội. Họ là những người đã được vào phòng cưới. Và điều Đức Giê-su nhắc lại ở đây chính là những đòi hỏi của của bí tích rửa tội. “Không phải những người nói: lạy Chúa, lạy Chúa được vào Nước Trời, nhưng phải thi hành thánh ý của Cha trên trời” (Mt 7, 22).

19. HỎI: Tại sao nhà vua giận dữ như thế?

THƯA: Bởi vì áo cưới cũng chính là biểu tượng cho đời sống mới mà người ki tô hữu phải bắt đầu. Khách mời tỏ ra là một người giả dối, một người nói rằng mình là người ki tô hữu mà sống như một người không tin có Thiên Chúa. Nếu gặp gỡ Thiên Chúa rồi mà không có một đời sống mới phù hợp, thì dù có gặp gỡ Ngài trong các Bí tích, có làm nhiều việc đạo đức, thờ phượng, thì cũng giống như người không mặc áo cưới. Thiên Chúa tự hiến thân trở nên ‘Hôn phu’ (Chồng) của nhân lọai, nhưng nhân loại lại không biết hiến thân cho Thiên Chúa.

20. HỎI: Dụ ngôn của Đức Giê-su dạy cho chúng ta biết Thiên Chúa là ai?

THƯA: Thiên Chúa là Nhà Vua tổ chức tiệc cưới cho hoàng tử là Đức Giê-su. Dân Ít-ra-en đã được Thiên Chúa ưu tiên mời tham dự tiệc cưới của Ngôi Lời nhập thể, nhưng họ đã coi thường lòng ưu ái của Thiên Chúa và khước từ lời mời của Ngài. Vì thế, Thiên Chúa trừng phạt họ và chuyển lời mời đến hết mọi người mọi dân vào dự tiệc cưới.

21. HỎI: Mục đích của Đức Giê-su khi kể dụ ngôn Tiệc cưới?

THƯA: Chúa Giê-su dùng dụ ngôn tiệc cưới để giúp những người đồng hương Ít-ra-en (và nhiều người khác trong mọi thời đại) nhận ra tội lỗi của họ là đã xem thường lòng ưu ái và lời mời trân trọng của Thiên Chúa, và mời gọi họ mau mắn đáp lại tấm lòng ưu ái và lời mời trân trọng của Ngài mà đến tham dự tiệc cưới với y phục tương xứng.

22. HỎI: Chúng ta phải làm gì để đáp lại lời mời gọi than dự tiệc cưới?

THƯA: Trước hết chúng ta phải hiểu ý nghĩa của dụ ngôn: Tiệc Cưới của Hoàng Tử là Nước Thiên Chúa, là Vương Quốc Tình Yêu mà Thiên Chúa muốn thiết lập cho muôn dân nhờ Chúa Giê-su Ki-tô, Con Chí Ái của Người. Kế đến, phải biết trân trọng tấm lòng ưu ái và niềm vinh dự mà Thiên Chúa dành các Ki-tô hữu chúng ta, và sau cùng là biết gác lại tất cả những bận tâm lo lắng trần gian mà đến tham dự Tiệc Cưới Nước Trời với y phục lễ cưới đàng hoàng.

23. HỎI: Thế nào là y phục tương xứng?

THƯA: Chúng ta phải tăng cường đời sống đức tin bằng cách củng cố lòng tin-cậy-mến mà Thiên Chúa đã ban cho chúng ta ngày chúng ta chịu phép rửa qua những việc làm cụ thể, như quan tâm giúp đỡ yêu thương người khác nhất là người nghèo, hay tích cực góp công xây dựng một xã hội công bằng và yêu thương.

24. HỎI: Dụ ngôn nầy có phải lời kêu gọi tất cả mọi người đến ơn Cứu độ không?

THƯA: Đúng, dụ ngôn trình bày nội dung chính yếu của lời Rao giảng Đức Kitô là: “Ơn cứu độ được ban cho tất cả mọi người (Phổ quát tính của ơn cứu độ)”, qua hình ảnh một ông vua mời mọi người đến dự tiệc cưới của hoàng tử. Đám cưới vương giả nầy được chuẩn bị kĩ lưỡng và phong phú, không thiếu những con vật béo mập để làm hài lòng mọi thực khách. Tuy nhiên, các thực khác khinh dễ nhà vua, từ chối đến dự tiệc. Họ quan tâm đến công việc của mình hơn là đáp lại lời mời gọi của nhà vua. Vì đám cưới không thể bị hủy bỏ, cũng không thể dời lại nên vua sai gia nhân đi mời tất cả những người họ gặp trên đường. Khi phòng tiệc đã đầy, vua đi thăm các khách mời, xem họ có ăn mặc đúng phép không. Khi thấy một người không mặc “y phục lễ cưới”, nghĩa là không có áo được rửa sạch trong máu Con Chiên, hay nói cách khác, không có áo biểu tượng của hiền thê con chiên. Đó là chiếc áo mà thánh Phao lô ám chỉ đến khi nói rằng: “Anh em hãy mặc lấy Đức Kitô” (Gl 3, 27; Ep 4, 24). Nhà Vua liền nổi giận.

25. HỎI: Vậy trước lời mời gọi đó, con người có thể từ chối không?

THƯA: Có. Sự từ chối của những người được mời đầu tiên, hoặc sự từ chối gián tiếp của những người không sẵn sàng chấp nhận các điều kiện của nhà vua (nghĩa là của Thiên Chúa) để có thể tham dự. Thật vậy, nhà vua (Thiên Chúa không lấy mất sự tự do của chúng ta và để cho chúng ta hoàn toàn có trách nhiệm) chỉ xác nhận sự sai lầm và gọi người đồng bàn bằng một cách gọi tế nhị: “Nầy bạn..”. Cũng bằng cách xử sự ấy, Đức Giê-su gọi người môn đệ phản bội trong buổi tối ở vườn cây dầu.

GLCG 546 2613 542. Đức Giê-su đã dùng các dụ ngôn kêu gọi mọi người vào Nước Trời. Dụ ngôn là nét tiêu biểu trong cách giảng dạy của Người (x. Mc 4, 33-34). Qua các dụ ngôn, Người mời họ dự tiệc Nước Trời (x. Mt 22, 1-14), nhưng cũng đòi họ phải có một chọn lựa triệt để : phải "cho đi tất cả" để có được Nước Trời (x. Mt 13, 44-45); lời nói suông chưa đủ, cần phải hành động (x. Mt 2l, 28-32). Các dụ ngôn như những tấm gương nhờ đó con người nhận diện chính mình : đón nhận Lời như mảnh đất khô khan hay mảnh đất mầu mỡ? (x. Mt 13, 3-9) làm gì với những nén bạc đã nhận? (x. Mt 25, 14-30). Đức Giê-su và sự hiện diện của Nước Trời giữa thế gian là trọng tâm của các dụ ngôn. Phải trở nên môn đệ Đức Ki-tô mới "thấu hiểu các mầu nhiệm Nước Trời" (Mt 13, 11); còn đối với "người ngoài" (Mc 4, 11) mọi sự đều bí ẩn (Mt 13, 10-15).

 Lm. Paul Nguyễn văn Đông

 


Các bài viết mới hơn
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần XXVI Thường Niên_Lm. Giuse Nguyễn Duy Khang
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần XXVI Thường Niên_Lm Micae Vũ An Lộc
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Hai Tuần XXVI Thường Niên_Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần XXXIV Thường Niên-Lm.Giuse Nguyễn Duy Khang
     Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật Tuần XXXIV Thường Niên Năm A -LM ĐAN VINH - HHTM
     Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật Tuần XXXIV Thường Niên Năm A_ Lễ Chúa Kitô Vua_ Lm. Phaolô Nguyễn Văn Đông
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần XXXIII Thường Niên - Lm Micae Vũ An Lộc
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Hai Tuần XXXIII Thường Niên - Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật Tuần XXXIII Thường Niên Năm A LỄ CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM - LM ĐAN VINH - HHTM
     Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật Tuần XXXIII Thường Niên Năm A _Lm. Giuse Đỗ Đức Trí

Các bài viết cũ hơn
     Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật Thứ XXVIII Thường Niên Năm A- Lm. Đỗ Đức Trí
     Suy Niệm lời Chúa Thứ Hai Tuần XXVII Thường Niên-Lm. PX Vũ Phan Long, ofm
     Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật Thứ XXVII Thường niên Năm A-LM ĐAN VINH - HHTM
     Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật Thứ XXVII Thường Niên Năm A_Lm. Giuse Đỗ Đức trí
     Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật Thứ XXVII Thường Niên Năm A- Lm. Paul Nguyễn Văn Đông.
     Suy Niệm lời Chúa Thứ Bảy Tuần XXVI Thường Niên_ Lm Giuse Nguyễn Ngọc Quốc Huy
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Ba tuần XXVI Thường Niên-Lm. Giuse Nguyễn Duy Khang
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Hai Tuần XXVI Thường Niên_Lm. Gioan. B Nguyễn Trường Sơn
     Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật tuần XXVI Thường Niên Năm A Lễ Mẹ Mân Côi_ Lm Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật tuần XXVI Thường Niên Năm A-LM ĐAN VINH – HHTM