Trang Chủ > Suy Niệm > Thường Niên 26-34 > Tuần 33

Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật Tuần XXXIII Thường Niên Năm B

MỪNG KÍNH CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM:

NOI GƯƠNG SỐNG ĐỨC TIN CỦA CHA ÔNG

CÁC-THÁNH-TỬ-ĐẠO-VIỆT-NAM.jpg

Việt Nam là một quốc gia nhỏ, nghèo, nên không tạo được sự quan tâm cũng như không có tiếng nói mạnh trên trường quốc tế. Tuy nhiên, khi nói đến Việt Nam có hàng trăm ngàn vị tử đạo, trong đó có 117 vị đã được tôn phong cách đây ba mươi năm, họ hết sức ngạc nhiên và muốn tìm hiểu về Giáo hội và con người Việt Nam.

Thưa quý OBACE, hôm nay giáo hội hoàn vũ đang hướng về giáo hội Việt Nam với sự cảm phục về gương sống đức tin của cha ông chúng ta - các thánh Tử đạo Việt Nam. Ba mươi năm trước, khi Đức thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô quyết định tuyên phong 117 vị Tử đạo Việt Nam lên bậc hiển thánh đã khiến cả thế giới biết đến Giáo hội Việt Nam. Lúc bấy giờ ở trong nước chính quyền và báo chí cực lực phản đối. Họ vận động các cá nhân, các tổ chức Mặt trận lên tiếng chỉ trích, cho rằng việc phong thánh là can thiệp vào chuyện nội bộ và khơi lên hận thù nơi dân tộc Việt Nam. Sau đó chính quyền cấm không cho đại diện đoàn Việt Nam đến tham dự sự kiện trọng đại này. Ngày 19/6/1988 buổi lễ tuyên phong đã diễn ra hết sức long trọng trong bầu khí hân hoan vui mừng và ngập tràn yêu thương của hàng trăm ngàn khách hành hương có mặt hôm đó tại quảng trường Thánh Phêrô. Người ta không hề thấy có một lời nói hay dấu hiệu nào mang tính chính trị, thù hận, nhưng tất cả là một bầu khí trang nghiêm cảm động, sốt sắng và ngập tràn niềm vui.

Hàng năm giáo hội hoàn vũ, cách riêng Giáo hội Việt Nam tổ chức hết sức long trọng ngày lễ giỗ tổ của mình. Nhắc lại cuộc tử đạo của tiền nhân và những cái chết kinh khủng của các ngài không làm cho người ta sợ hãi, cũng không gây tức giận oán thù, nhưng khơi lên trong chúng ta niềm tự hào và thúc đẩy chúng ta tiếp nối gương sống đức tin của các ngài. Cái chết đẫm máu của một vụ tai nạn hoặc chém giết khiến cho những người chung quanh sợ hãi không dám đến gần, nhưng cái chết đẫm máu của các vị tử đạo vẫn luôn có sức lôi cuốn nhiều tín hữu. Các tín hữu ngày xưa khi chứng kiến cái chết của các vị tử đạo, họ ùa đến để thấm từng giọt máu của các ngài, họ rước xác các ngài. Cái chết của các ngài khơi lên một sức sống, niềm an vui và có khả năng lôi cuốn nhiều người thuộc mọi thành phần muốn noi gương sống và gương tử đạo của các ngài.

Mừng kính các thánh tử đạo, nhắc đến những đau đớn, khổ nhục của các ngài, không ai cảm thấy một chút thù hận với xã hội, hoặc những người gây ra cái chết cho các ngài. Nhắc đến các ngài, chúng ta cảm thấy bình an thư thái, hãnh diện, tự hào và nhận ra một tình yêu vô cùng lớn lao mà Thiên Chúa tuôn đổ xuống trên cha ông chúng ta. Cuộc sống của các vị cho dù phải trải qua bao đau khổ vẫn dành trọn vẹn tình yêu cho Chúa và cho mọi người. Nếu cứ nhìn theo cái nhìn tự nhiên, với khả năng của con người, không thể nào chịu đựng được những cực hình ghê sợ đó, người thì bị xử trảm, người khác bị lăng trì, kẻ bị thiêu sống và bao nhiêu cực hình dã man khác. Tuy nhiên, các thánh tử đạo đã đón nhận tất cả những cực hình đó trong vui vẻ, lạc quan vì yêu mến Chúa và mọi người: Thánh Anê Lê Thị Thành chỉ vào các vết máu khô còn bết lại trên áo và nói với các con rằng: “Đó là những bông hoa hồng Chúa tặng mẹ”; Thánh Anrê Phú Yên đã thể hiện lòng yêu mến trọn vẹn cho Chúa khi nói với mọi người: “Chúng ta lấy tình yêu để đáp trả tình yêu, lấy mạng sống để đáp đền mạng sống”. Thánh Phaolô Trần Văn Hạnh dù quá khứ như một tay anh chị giang hồ, nhưng trong lòng anh lại thể hiện một khí phách và lòng trung của người quân tử: “Tôi là Kitô hữu và tôi sẽ là Kitô hữu cho đến chết, không bao giờ tôi chối Chúa bỏ đạo”.

Người đời, nhất là nhà cầm quyền lúc đó vu khống cho các thánh tử đạo nhiều điều xấu xa, để lấy cớ hành quyết họ. Dù vậy, các thánh vẫn một lòng bình thản, ôn hòa vì một hy vọng lớn lao là nước trời. Các Ngài không oán hận, nhưng vẫn vui và tha thứ cho những người làm khổ mình theo gương Chúa Giêsu, ôn hòa để giải thích về niềm tin của mình. Các thánh đã dám từ bỏ mọi sự để bước theo lời mời gọi của Chúa Giêsu: “Ai muốn theo Tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo tôi”. Thánh Giuse Hoàng Lương Cảnh khi bị dụ dỗ bỏ đạo kèm với những hứa hẹn bổng lộc của triều đình, Ngài đã trả lời: “Tôi giữ đạo từ nhỏ, nay các quan bảo bỏ đạo thì dứt khoát không thể được. Dù phải trăm ngàn sự đau đớn đòn vọt hay phải chết thì tôi xin sẵn lòng cam chịu”.

Thánh Vinhsơn Phạm Văn Dương là một nhân viên của triều đình, các quan nói với ngài: “Là người làm việc thu thuế cho triều đình, mi phải làm gương tuân lệnh mà từ bỏ đạo Giatô, sao lại ngoan cố chống lại lệnh triều đình?” Ngài đáp: “Thưa quan, tôi luôn tuân phục lệnh vua quan trong những điều phải lẽ, còn việc bắt tôi phải từ bỏ việc thờ phượng Thiên Chúa của tôi thì tôi không thể vâng lệnh vua mà chối bỏ Chúa tôi được”.

Thánh Laurensô Hưởng khi giải thích cho những người vu cáo những người có đạo khoét mắt người bệnh và không thờ cúng tổ tiên, ngài đáp: “Xin quan đừng nghe những lời đồn đại sai sự thật. Chúng tôi chỉ xức dầu trên mặt, mũi, miệng, tay chân để xin Chúa tha các tội mà bệnh nhân đã dùng mà phạm tội. Còn với tổ tiên ông bà, chúng tôi hằng cầu nguyện và làm những việc lành phúc đức. Chỉ có điều là chúng tôi không cúng quả, vì biết chắc rằng cha mẹ, ông bà chẳng bao giờ trở về ăn uống thứ gì nữa”.

Qua những câu đối đáp, trả lời nêu trên cho thấy các thánh có một tâm hồn hết sức bình an của những con người ý thức mình thuộc về Chúa. Sách Khải Huyền đã mô tả các ngài như những người đã trải qua đau khổ lớn lao mà đến. Các ngài đã giặt tẩy áo của mình trong máu Con Chiên là Chúa Giêsu. Các ngài đã trở thành những con người chiến thắng thế gian, ma quỷ và những lôi kéo của xã hội, giờ đây các ngài được chầu hầu trước tòa Thiên Chúa.

Thưa quý OBACE, nhiều người trong chúng ta ngày nay bị cám dỗ sử dụng bạo lực để đáp lại bạo lực. Nhưng phương thế đó không phải là cách chọn lựa của các thánh và cũng không phải là phương thế của Tin Mừng. Mừng lễ các vị Tử đạo tại Việt Nam, chúng ta được mời gọi noi gương tiền nhân sống một lòng gắn bó với Chúa và dùng tình yêu thương để đối xử với nhau.

Sự gắn bó với Chúa được thể hiện qua việc chúng ta trung thành với Chúa và Giáo Hội, trung thành với giáo huấn của Tin Mừng. Giống như các vị tử đạo, chúng ta phải dám lội ngược dòng. Người đời có thể sống dễ dãi, nhưng chúng ta phải sống theo khuôn phép của luật Chúa và Tin Mừng. Người đời có thể bắt tay thỏa hiệp với cái xấu, dung túng cho cái xấu, nhưng là người Công Giáo, chúng ta phải sống theo sự thật và bênh vực bảo vệ công lý. Người đời có thể gian dối trong làm ăn và trong cách sống, nhưng là người Công Giáo chúng ta không thể gian dối. Người khác có thể vì lợi nhuận, tiền bạc, địa vị mà xa Chúa, bỏ Chúa, chúng ta là con Chúa, chúng ta phải theo Chúa và trung thành với Chúa cho đến cùng.

Cũng vậy, noi gương các vị tử đạo, chúng ta phải sống tình yêu thương chan hòa với mọi người. Chúng ta không chỉ là người Công Giáo, người Kitô hữu trong nhà thờ, mà phải là Kitô hữu ở khắp mọi nơi, trong mọi lãnh vực sống. Tình yêu thương của người tín hữu cần được biểu lộ cách cụ thể từ nơi gia đình, xóm ngõ, nơi phố chợ, trường học, trong công ty. Chúng ta cần thể hiện qua sự khiêm nhường, hiền hòa, bao dung quảng đại, yêu thương và tha thứ với những người chung quanh. Sống chan hòa tình yêu bằng cách cùng nhau xây dựng và làm cho gia đình, xóm ngõ thêm tốt hơn, đẹp hơn, đầm ấm hơn. Chúng ta phải sống làm sao để cho xóm ngõ, xứ đạo trở thành nơi đáng sống; để người có đạo trở thành những con người đáng mến; để tất cả việc làm của chúng ta từ kinh doanh, sản xuất, buôn bán đều là những việc làm đáng tin.

Xin Chúa cho chúng ta là con cháu các vị tử đạo, biết noi gương cha ông, kiên trì, một lòng một dạ với Chúa Kitô và Tin Mừng, và xin cho chúng ta biết sống và nhiệt tâm tuyên xưng Chúa Kitô là Đấng chúng ta tôn thờ. Amen.

Lm. Giuse Đỗ Đức Trí


Các bài viết mới hơn
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần XXXIII Thường Niên_Lm Giuse Phạm Hoàng Vũ
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần XXXIII Thường Niên_Nt. Maria Nguyễn Thị Quỳnh Tiên, OP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần XXXIII Thường Niên B_Lm. Antôn Maria Vũ Quốc Thịnh
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần XXXIII Thường Niên Năm B_Lm Antôn Maria Vũ Quốc Thịnh
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần XXXIII Thường Niên B_Lm. Antôn Maria Vũ Quốc Thịnh
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần XXXIII Thường Niên B_Nt. Anna Têrêsa Thiên Hoàng, OP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần XXXIII Thường Niên B_Lm. Giuse Nguyễn Duy Khang
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần XXXIII Thường Niên B_Lm. Antôn Maria Vũ Quốc Thịnh
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Hai Tuần XXXIII Thường Niên B_Nt. Maria Nguyễn Thị Anh Thư, OP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Hai Tuần XXXIII Thường Niên B_Lm. Antôn Maria Vũ Quốc Thịnh

Các bài viết cũ hơn
     Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật Tuần XXXIII Thường Niên Năm B-LM ĐAN VINH - HHTM
     LỄ CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM
     LỜI NGUYỆN TÍN HỮU CHÚA NHẬT XXXIII THƯỜNG NIÊN NĂM B LỄ CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần XXXIII Thường Niên_Tam Thái
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần XXXIII Thường Niên_Lm. JP
     Suy Niệm Tin Mừng Thứ Tư Tuần XXXIII Thường Niên A_Nt. Maria Chinh Anh, OP
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần XXXIII Quanh Năm_Nt. Anna Têrêxa Thiên Hoàng
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Bảy tuần 33 Thường Niên C: TÔI TIN MỘT CUỘC SỐNG ĐỜI ĐỜI_ Nt. Anna Têrêxa Thiên Hoàng
     Suy Niệm lời Chúa Thứ Sáu Tuần XXXIII thường Niên Năm C. Lm. Jos Tạ Duy Tuyền
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần XXXIII Thường Niên C_Tam Thái