Trang Chủ > Suy Niệm > Thường Niên 26-34 > Tuần 33

Suy Nim Li Chúa Chúa Nht Tun XXXIII

CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM 2019: TỬ ĐẠO BẰNG VIỆC SỐNG KIÊN TRÌ VỚI TIN MỪNG

lễ các thánh tử đạo việt nam.jpg

Trong Tông huấn Niềm Vui Hân Hoan Đức Thánh Cha Phanxicô đã đưa ra những đặc tính của việc sống thánh và trở nên thánh trong thời đại hôm nay. Một trong những đặc tính đó là: “Sống Kiên Trì, Nhẫn Nại và Hiền Lành”. Chúng ta đang sống trong một thế giới mà con người rất mau chán, thích thay đổi. Cũng chính vì thế nên con người đánh mất đi một đức tính quan trọng đó là sự kiên trì, hay còn gọi là chữ Nhẫn. Con người dường như không đủ kiên nhẫn để giải quyết vấn đề khó khăn, không đủ nhẫn nại để chờ đợi, không kiên trì để theo đuổi mục tiêu cuộc đời. Trong đời sống gia đình, chỉ sau vài năm kết hôn, người ta đã cảm thấy chán nhau; khi vợ chồng gặp khó khăn thử thách, họ muốn chọn giải pháp dễ dãi là chia tay thay vì kiên trì bảo vệ khế ước hôn nhân; khi con cái ngỗ nghịch quậy phá, họ không đủ kiên nhẫn để giáo dục. Trong đời sống đức tin cũng vậy, nhiều người dễ nản chí khi cầu nguyện, không kiên trì với đòi hỏi của Tin Mừng, muốn chạy theo lối sống dễ dãi của người đời; khi không được như ý họ dễ dàng bỏ Chúa và Giáo Hội. Có những người để đức tin của mình vật vờ như ngọn lau, gió thổi chiều nào nghiêng theo chiều đó.

Mừng lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam hôm nay, chúng ta nhìn vào đời sống của các Ngài để thấy rằng cha ông của chúng ta trước khi chịu đổ máu vì đạo đã phải trải qua một cuộc tử đạo không đổ máu, đó là sống kiên trì với Chúa và hiền lành với mọi người.

Đặt mình trở lại trong bầu khí bắt bớ gay gắt, các chỉ dụ cấm đạo của các vua được yết thị khắp nơi, người Kitô hữu bị xếp vào công dân hạng hai, bị khinh miệt và loại trừ. Lợi dụng các sắc chỉ cấm đạo, các quan quân mặc sức truy bắt, hành hạ các Kitô hữu, những người bên lương cũng nhìn những người theo đạo như những kẻ ngoại lai. Các vua quan còn bắt những người có đạo, lấy dấu nung đỏ đóng trên trán họ hai chữ “tả đạo” như một sự phân biệt kỳ thị và làm nhục. Trong hoàn cảnh như thế, cha ông chúng ta không hề sợ hãi trước sự đàn áp bắt bớ, không mặc cảm trước sự phân biệt đối xử của người khác. Cha ông chúng ta vẫn vui vẻ đón nhận tất cả, không một lời than van cũng không oán trách. Họ vẫn sống yêu thương và bác ái, vẫn giúp đỡ những người kỳ thị mình, vẫn cùng nhau đọc kinh cầu nguyện, cùng nhau lén lút tham dự những thánh lễ. Dù trong hoàn cảnh khó khăn như thế, nhưng qua đời sống gương sáng, khiến nhiều người tin vào Chúa Kitô.

Giai đoạn cấm đạo là một thời kỳ tăm tối cho Giáo Hội Việt Nam lúc sơ khai. Các linh mục phải lẩn trốn để có thể ở lại an ủi đoàn chiên, chấp nhận nguy hiểm đến tính mạng, chấp nhận cái chết cho đoàn chiên được yên ổn. Các tín hữu lúc bấy giờ tản mác khắp nơi, một số bị đưa vào sống giữa những người dân ngoại như bị quản chế, số khác bị đày ải ra vùng biên giới, số khác nữa phải trốn vào những vùng rừng thiêng nước độc. Tất cả những khó khăn đó không làm cho cha ông chúng ta nản chí hay thất vọng. Họ cũng không than vãn hay hối tiếc vì đã tin Chúa, nhưng trong hoàn cảnh đó, họ vẫn kiên trì giữ đạo và sống đạo. Giữ đạo để truyền lại đức tin cho con cháu, sống đạo để đem Chúa đến cho những anh chị em lương dân chung quanh. Vì vậy, mặc dầu bị bách hại khốc liệt, nhưng con số các tín hữu vẫn không ngừng gia tăng.

Tại sao các thánh tử đạo cha ông chúng ta lại có thể kiên trì với đức tin, nhẫn nại chịu đựng gian khổ đến như thế? Thưa là vì các Ngài đã đặt cuộc đời của mình trên một nền tảng vững chắc đó là lòng yêu mến Thiên Chúa. Các Ngài tin rằng Thiên Chúa là Đấng nâng đỡ và bảo vệ các Ngài, là sức mạnh giúp cha ông chúng ta kiên trì chịu đựng mọi nghịch cảnh, thăng trầm của cuộc sống trong niềm vui và tin tưởng. Các Ngài không để trong lòng sự hận thù oán trách cho dù bị phản bội hoặc bị đối xử tệ bạc, vì tin rằng: “Có Chúa bênh đỡ thì không ai có thể chống lại chúng ta”. Vì hoàn toàn tin thác nơi Chúa, nên cha ông chúng ta luôn cảm thấy bình an cho dù bị cấm cách, cảm thấy vui mừng khi bị bắt bớ và chịu khổ hình vì Chúa Kitô.

Một đặc tính khác trong đời sống đạo của cha ông chúng ta đó là sự hiền lành yêu thương. Trước khi được phúc tử vì đạo, cha ông chúng ta đã được phúc sống lời mời gọi nên thánh đó là sống hiền lành và yêu thương. Đọc lại cuộc đời của các vị Tử Đạo Việt Nam, chúng ta có thể thấy cha ông chúng ta không để lòng thù hận với vua quan, không kêu la phản kháng, không tức tối với những người đã gây khổ cho mình. Các Ngài đã thực hiện đúng với lời mời gọi sống mối phúc: “Phúc cho ai sống hiền lành”, không lấy ác báo ác, không báo oán báo thù, nhưng lấy sự thiện thắng sự ác, lấy tha thứ thắng báo thù, lấy hiền hòa thắng bạo lực. Các Ngài không chua cay gắt gỏng giận hờn cũng không la lối thóa mạ lại những kẻ làm khổ mình. Sống như thế không phải là yếu hèn, nhu nhược, cam chịu, nhưng để sống và cư xử được như vậy là vì cha ông chúng ta đã có được sức mạnh từ nơi Thiên Chúa là Đấng “chậm giận và giàu tình thương.”

Chúng ta có thể nhìn vào đời sống của các vị tử đạo để thấy các Ngài đã sống đặc tính kiên trì và hiền lành này như thế nào: Thánh Annê Lê Thị Thành là một người mẹ của sáu đứa con. Bà đã kiên trì nuôi dạy các con nên người và nhất là dạy các con kiên trì với đời sống đạo đức. Bà không biết nhiều giáo lý để dạy cho các con, nhưng bà dạy các con bằng các giờ kinh sớm tối trong gia đình, bằng việc siêng năng lần hạt, nhất là bằng gương sáng của chính bà. Mặc dù một tay nuôi dạy sáu người con rất vất vả, bà còn quan tâm đến việc phục vụ các linh mục, đón tiếp các ngài đến nhà, gọi hàng xóm đến cùng dâng lễ, che giấu các ngài khi bị truy lùng. Bà không ngại khó, ngại khổ, không sợ sẽ bị liên lụy khi che giấu các linh mục. Cuối cùng, bà đã bị bắt. Lúc này, bà càng thể hiện sự mạnh mẽ của đức tin khi chấp nhận tù đày roi vọt. Là thân phụ nữ, bà đón nhận những trận đòn dã man của các quan quân mà không hề than trách. Khi các con đến thăm, bà vẫn còn hài hước chỉ vào các vết máu trên áo và vết thương trên người và nói với các con: “mẹ mặc áo thêu hoa hồng đó.”

Chúng ta cũng có thể nhìn vào tấm gương của thánh Đaminh Phạm Trọng Khảm người Quần Cống, Bùi Chu, là một Chánh Án. Với địa vị xã hội như thế, Ngài có thể có một đời sống sung sướng, nhàn hạ, nhưng ông Chánh Khảm đã không màng đến địa vị, danh lợi, Ngài chuyên tâm giữ đạo và còn khuyên nhủ mọi người trung thành khi gặp bách hại. Ông đã giáo dục các con nên những người đạo đức nết na. Người con cả của ông sau này làm Cai Tổng và cùng hy sinh mạng sống vì Chúa, đó là thánh Luca Phạm Trọng Thìn. Theo gương cụ thánh Khảm, người em của ông cũng là Cai Tổng Giuse Phạm Trọng Tả đã chấp nhận hy sinh vì đức tin, không màng danh vọng. Đọc tiểu sử ba vị thánh này, chúng ta thấy, mặc dù là quan chức triều đình, nhưng các vị đã không lợi dụng chức quyền để hà hiếp dân chúng, không tham nhũng, bất công, không lơ là việc đạo. Các Ngài một lòng sống theo sự ngay thẳng, thật thà của Tin Mừng, giáo dục con cháu trong đời sống đức tin, kiên trì sống đạo cho dù bị bắt bớ và dám liều mạng sống vì Nước Trời.

Thưa cộng đoàn, ngày nay Giáo Hội vẫn đang bị bách hại tại nhiều nơi trên thế giới, các tín hữu đã vì Chúa Kitô và Tin Mừng mà phải chấp nhận thiệt thòi, bị phân biệt đối xử. Trong những năm gần đây có hàng trăm các linh mục tu sĩ bị bắt cóc, hành hạ, bị giết chết bởi các nhóm quá khích, có khi bởi các chính quyền gây ra. Cả trăm ngàn các tín hữu tại Iraq đang bị đàn áp bởi những anh em Hồi Giáo, Giáo Hội tại Sirya đang bị những người Hồi Giáo quá khích tàn sát, tại Trung Quốc, các linh mục và các tín hữu đang trải qua một thời kỳ hết sức khó khăn. Các nhà thờ bị đập phá, các tín hữu bị khủng bố, các linh mục bị đàn áp bắt bớ, những giám mục, linh mục và tín hữu trung thành với Giáo Hội Công Giáo Rôma bị coi như thế lực thù địch. Tại Việt Nam nhiều nơi cũng bị những hoàn cảnh tương tự như tại Trung Quốc, các linh mục bị đem ra đấu tố, các giáo dân bị khủng bố tinh thần.

Trước những khó khăn đó, nhiều người đã chấp nhận sống câm lặng cho nó lành, tránh phiền phức, không dám sống và thể hiện đức tin. Nhiều người Công Giáo ngày nay đã chấp nhận một sự thỏa hiệp với lối sống dễ dãi của người đời: người ta làm sao, tôi làm vậy, không dám sống khác, không kiên trì với đức tin và Tin Mừng. Nhiều người Công Giáo khác để mình bị lôi kéo vào lối sống bạo lực, trả thù, cư xử với nhau thiếu lòng nhân ái bao dung, không chấp nhận cảm thông và tha thứ.

Tử đạo ngày nay không đòi chúng ta đổ máu, nhưng đòi chúng ta dám hy sinh, dám chấp nhận thiệt thòi, dám sống trung thành với luật Chúa và Giáo Hội trong làm ăn và trong đời sống hôn nhân gia đình. Tử đạo ngày nay không đòi chúng ta phải chết, nhưng đòi chúng ta phải dám sống kiên trì nhẫn nại, hiền lành tha thứ, chấp nhận mọi nghịch cảnh vì lòng yêu mến Chúa Kitô. Xin Chúa giúp chúng ta biết noi gương cha ông sống đức tin trong xã hội hiện đại hôm nay. Amen.

Lm. Giuse Đỗ Đức Trí

 

 

 

 


Các bài viết mới hơn
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần XXXIII Thường Niên_Lm Giuse Phạm Hoàng Vũ
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần XXXIII Thường Niên_Nt. Maria Nguyễn Thị Quỳnh Tiên, OP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần XXXIII Thường Niên B_Lm. Antôn Maria Vũ Quốc Thịnh
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần XXXIII Thường Niên Năm B_Lm Antôn Maria Vũ Quốc Thịnh
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần XXXIII Thường Niên B_Lm. Antôn Maria Vũ Quốc Thịnh
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần XXXIII Thường Niên B_Nt. Anna Têrêsa Thiên Hoàng, OP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần XXXIII Thường Niên B_Lm. Giuse Nguyễn Duy Khang
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần XXXIII Thường Niên B_Lm. Antôn Maria Vũ Quốc Thịnh
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Hai Tuần XXXIII Thường Niên B_Nt. Maria Nguyễn Thị Anh Thư, OP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Hai Tuần XXXIII Thường Niên B_Lm. Antôn Maria Vũ Quốc Thịnh

Các bài viết cũ hơn
     Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật Tuần XXXIII_LM ĐAN VINH
     Suy Niệm Thứ Ba Tuần XXXII Thường Niên_Lm. Giuse Nguyễn Duy Khang
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần XXX Thường Niên_Lm Micae Vũ An Lộc
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần XXXIII Thường Niên Các thánh Tử đạo Việt Nam- Nt. Anna Têrêxa Thiên Hoàng Dòng Đa Minh Thánh Tâm
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần XXXIII Thường Niên- Lm. Nguyễn Cao Siêu, SJ.
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần XXXIII Thường Niên_Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần XXXIII Thường Niên_Lm. Giuse Nguyễn Duy Khang
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Hai Tuần XXXIII Thường niên- Lm. Anton Nguyễn Cao Siêu,SJ.
     Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật Tuần XXXIII Thường Niên Năm B MỪNG KÍNH CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM- Lm. Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật Tuần XXXIII Thường Niên Năm B-LM ĐAN VINH - HHTM