Trang Chủ > Suy Niệm > Thường Niên 1-12 > Tuần 7

CHỦ NHẬT 7 THƯỜNG NIÊN B

jesus_heart.jpgGiáo huấn của Chúa Giê su và lời loan báo Nước Trời của Ngài khiến cho giới kí lục pha ri sêu và tiến sĩ Luật phẫn nộ. Thật vậy, trước mắt họ, Chúa Giê su đã phá bỏ qui luật hành động rập khuôn theo một bộ luật quá đặt nặng hành vi bên ngoài. Đâu là não trạng ki tô thời nay? Mang sắc thái “tin mừng” hơn không? Thỉnh thoảng chúng ta cũng tức giận vì thấy người khác không giống chúng ta về cách nghĩ, cách sống.. Chúng ta hãy để cho Chúa Giê su dạy chúng ta sống sao cho đúng như “những người thờ lạy Cha trong Thần khí và sự Thật”.

Sách Tiên tri Is 43, 18-19.21-22.24c-25

Tám thế kỉ trước Chúa Giê su, ý thức sự sa đọa của dân tộc mình, tiên tri Isaia lên tiếng tố cáo tội lỗi, và loan báo rằng Chúa sẽ đến để tái tạo một dân tộc biết chúc tụng Thiên Chúa tình yêu, một tình yêu không ngừng tha thứ.

Thánh Vịnh 40

Bị lọt vào tay quân thù, người công chính hướng về Thiên Chúa, là người Bạn đích thực, để thú nhận tội lỗi và xin ơn chữa lành phần hồn phần xác.

Thư thứ 2 Côrintô1, 18-22

Thánh Phao lô trung tín đi trên con đường Đức Ki tô đã vạch ra. Vị Tông đồ thanh minh trước lời cáo buộc Ngài có những toan tính trần tục trong sứ mạng. Ngài giới thiệu Chúa Giê su gắn bó với thánh ý Thiên Chúa Cha đến nỗi trọn cuộc đời Ngài chỉ là Lời Xin Vâng trước bao trở ngại để hoàn thành những lời Thiên Chúa hứa.

Tin mừng Mc 2,1-12

NGỮ CẢNH

Chương 1 Mc cho thấy phần nào sự thành công của Chúa Giê su. Ngài công bố Tin mừng về Nước Chúa, và làm phép lạ minh chứng đã lôi kéo nhiều đám đông tuốn đến với Ngài. Nhưng phép lạ chữa người bất toại tạo một khúc quanh quan trọng: từ đây Chúa Giê su không chỉ có những kẻ thán phục, mà bắt đầu có chống đối. Một cuộc chiến với thù địch nổ ra, trước tiên bằng những cuộc tranh luận (2,1-3,6).

Chúng ta có thể đọc đoạn văn theo bố cục sau đây:

1. Nhập đề (1-2): trở về Capharnaum, Chúa Giê su giảng Lời cho đám đông qui tụ nơi nhà Ngài.

2. Phép lạ (3-5): người bất toại được thả xuống. Chúa Giê su tha tội và chữa lành.

3. Quyền tha tội của Chúa Giê su và phản ứng của các kinh sư Do thái (6-11).

4. Phản ứng của những người chứng kiến phép lạ (12).

TÌM HIỂU

Ở nhà: Mc sắp xếp trình thuật bằng cách xen kẻ các hoạt cảnh bên trong (nhà, hội đường), và các hoạt cảnh ở bên ngoài (ngoài đường, bờ biển). Những nơi chốn nầy có ý nghĩa đặc biệt: ở bên trong, cộng đoàn quây quần chung quanh Chúa. Nhà đang nói tới ở đây có thể là nhà của ông Phê rô ở Capharnaum. Đám đông vây quanh Chúa Giê su mà Mc thường hay ghi chú, có lẽ gợi ý đám đông các tín hữu đầu tiên.

Giảng lời cho họ: sát chữ: Chúa Giê su nói Lời, như người gieo giống đi gieo hạt giống (4,1-20). Kiểu nói đặc trưng ấy của cộng đoàn tiên khởi chỉ giáo huấn và lời rao giảng ban đầu. Khi gán cho Chúa Giê su hành động ấy, Mc muốn khẳng định rằng sứ mạng rao giảng phát xuất từ Ngài.

Một kẻ bại liệt: bại liệt thì không thể làm tư tế (Lv 21,17-23) và không được vào đền thờ. X. lệnh của vua Đa vít trong 2Sm 5,8. Vì lẽ đó các tiên tri loan báo việc chữa lành những người bệnh tật và đui mù là đặc điểm của thời cánh chung (Is 35,3-6: “Bấy giờ kẻ què sẽ nhảy nhót như nai, miệng lưỡi người câm sẽ rao hò”. X. Gr 31,8).

Chõng: vào thời Chúa Giê su, người ta làm nhà bằng cách lấy đất trộn với rơm, và lợp mái bằng đất bện với nhiều cành lá kết lại. Do đó, bốn người trèo lên sân thượng chỉ cần khoét một mảng trần nhà và lấy một vài cành lá đi cũng đủ mở ra một lổ trống để thòng giường người bất toại xuống.

Lòng tin: đây nói tới lòng tin của bốn người khiêng và người bệnh. Cả khi Chúa Giê su chỉ nói với bệnh nhân thôi, thì đức tin của mấy người bạn kia cũng được xác nhận. Đó là đức tin của cả một cộng đoàn nâng đỡ người bệnh và đến với Đức Ki tô.

Con đã được tha tội rồi: Chúa Giê su không nói: “Ta tha tội cho con”. Kiểu nói thụ động trên miệng Ngài cho thấy Thiên Chúa Cha thực sự là tác giả của ơn tha thứ. Khi liên kết sự tha tội và và chữa bệnh, dường như Chúa Giê su chia sẻ não trạng phổ thông thời đó như trong CƯ, trực tiếp liên kết tội lỗi và bệnh tật.

Ông ta nói phạm thượng!: trong khi câu 5 chỉ là sự xác nhận, thì phản ứng của các kí lục và sự tổng quát hoá trong câu 10 cho thấy có những khai triển nhấn mạnh đến quyền năng của Đức Ki tô phục sinh, nhưng đã được áp dụng một cách hợp lí cho đấng Messia còn ẩn danh. Nói cho cùng, thì ngoài vấn đề nầy còn có cả một quan niệm về Thiên Chúa và đấng Thiên sai của Người.

Điều nào dễ hơn: với câu hỏi nầy, Chúa Giê su dồn các đối thủ của Ngài vào chân tường. Rõ ràng là sở dĩ họ kết án lời tha tội của Chúa Giê su bởi vì con người không thể nào tha tội như thế. Nhưng nếu như Chúa Giê su thực hiện sự chữa bệnh thì họ sẽ nói như thế nào? Đối với não trạng các kí lục, khao khát các dấu chỉ, thì có lẽ thực hiện dấu hiệu hữu hình nầy (= chữa bệnh) thì khó hơn là nói một vài lời đơn giản như: “Tội con đã được tha”, vì không có một dấu chỉ nhỏ nào có thể kiểm chứng được. Chúa Giê su, đấng liên kết hành động với lời nói, đã vượt qua sự mâu thuẫn đó và cho thấy đối với Thiên Chúa việc tha tội và việc chữa lành chỉ là một điều duy nhất mà thôi.

Con Người: kiểu nói nầy xuất hiện ở đây là lần đầu tiên trong Mc, và sẽ trở lại thường xuyên hơn trong phần tiếp sau và luôn  luôn trên miệng của Đức Ki tô. Ý nghĩa của nó như thế nào thì chưa rõ ràng và còn tranh luận. Trong tiếng Hipri cũng như Aramây thì kiểu nói “con người” chỉ đơn giản là một người. Tuy nhiên trong sách Đaniên, kiểu nói ấy đã mặc lấy một ý nghĩa mạnh hơn và mang màu sắc thiên sai, trình bày “một nhân vật giống như một Con Người xuất hiện trên mây trời”, lãnh nhận mọi quyền năng (Đn 7,13-14). Chúa Giê su và Mc sau Ngài, đã khai thác ý nghĩa mầu nhiệm của kiểu nói nầy. (x. 14,62)

Quyền: trong Hi ngữ từ nầy cũng được dùng trong các câu 1,22.27 để chỉ “uy quyền” mà đám đông dân chúng nhìn nhận nơi Chúa Giê su. Sau khi đã tha tội cho người bất toại Chúa Giê su công bố quyền năng phổ quát mà Ngài đã nhận lãnh từ Thiên Chúa. Một ‘uy quyền’ như thế được bày tỏ trong lệnh truyền cho người bất toại, một lệnh truyền đã trở thành hiện thực ngay lập tức.

Tôn vinh Thiên Chúa: một loạt các cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giê su và đám đông cuối cùng đưa đến sự kinh ngạc và tôn vinh Thiên Chúa. Trái lại, các cuộc gặp gỡ với những người Biệt phái lại kết thúc trong mưu tính giết Chúa Giê su (3,6).

SỨ ĐIỆP

Trong suốt sứ vụ của mình, Chúa Giê su không bao giờ ngừng lặp đi lặp lại rằng: “Nước Thiên Chúa đã đến gần”. Ngài trở về Ca phac na um, nơi mà Ngài đã giải thoát cho một người bị quỉ ám, nơi căn nhà quen thuộc, có lẽ là nhà của ông Phê rô và An rê. Quá đông người tụ tập ngay trước cửa nhà đến nỗi phải vất vả lắm mới có  thể lách mình vào trong được. Việc đầu tiên là tiếp tục loan báo tin Mừng. Đó là sứ mạng của Ngài mà Ngài luôn luôn dành ưu tiên. Ngày hôm nay cũng như ngày xưa, cũng cấp thiết như thế. Giáo hội được sai đi để loan báo Lời. Chính Lời đó mà chúng ta được mời gọi lãnh nhận.

Có mấy người mang đến cho Ngài một người bị bại liệt nằm trên cáng. Một người không thể cử động, hoàn toàn tùy thuộc vào người khác. Những người khiên anh ta muốn đến gần Chúa Giê su, nhưng họ không thể, vì người ta chen lấn tứ phía. Bấy giờ họ đem người bất toại lên mái nhà. Mái nhà đó giống như một sân thượng. Chỉ cần phá một mảng trần nhà, và tháo gỡ một vài thanh cây là có thể thòng người bệnh xuống.

Chúa Giê su ngưỡng mộ đức tin của họ, không chỉ đức tin của người bất toại mà của cả những người khiêng. Điều mang lại phép lạ chữa lành cho người bệnh, không chỉ là đức tin của họ mà còn đức tin của những người chung quanh. Chúng ta cũng thế, chúng ta phải dìu nhau đến với Chúa Giê su. Có khi những người khỏe mạnh, lên mặt khinh bỉ và tạo nên chướng ngại cho việc gặp gỡ nầy. Chính chúng ta, thỉnh thoảng chúng ta cũng thuộc thành phần của những người như thế. Nhưng đừng quên rằng sứ mạng của chúng ta, những người ki tô hữu chính là mang người yếu đuối đến với Chúa Giê su.

Cử chỉ giải thoát đầu tiên của Chúa Giê su là tha thứ tội lỗi, vì tội chính là căn nguyên gây ra mọi điều bất hạnh. Vì thế, muốn thực sự được giải thoát, con người cần phải được tha thứ tội lỗi. Khi tha thứ tội lỗi, Chúa Giê su canh tân chúng ta từ tận thâm tâm. Ngài “nâng chúng ta lên”. Chỗi dậy là từ chỉ sự phục sinh. Chúa Giê su đã chỗi dậy từ cõi chết để chúng ta một ngày nào đó có thể chổi dậy trong sự sống Vĩnh cửu. Người bất toại trong tin mừng đã đi đến đời sống mới. Những bức tường ngăn cách anh ta đã sụp đỗ. Đức tin chớm nở trong tự do. Đó là ơn ban của Thiên Chúa Giải phóng. Đức tin vào sự tha thứ giải thoát người vừa là « nô lệ cho tội lỗi và sự chết » (Rm 6).

Ơn tha thứ của Chúa trong bí tích hòa giải không chỉ là một sự xóa sạch tội lỗi. Nó còn là một sự tái thiết để trả lại phẩm chất và động năng sống cho con người. Tất cả chúng ta cần phải tái khám phá niềm vui và nghị lực của bí tích khi ơn tha thứ đem lại đời sống vĩnh cửu. Nhờ Ngài, chúng ta có thể đi lại con đường theo chân Đức Ki tô với nhiều tình yêu hơn, nhiều tin tưởng và sẵn sàng hơn.

Sứ điệp giải phóng đã được tiếp nhận bằng nhiều cách: tin mừng cho chúng ta thấy những người chứng kiến phép lạ đã lớn tiếng tôn vinh Thiên Chúa. Làm sao không tạ ơn khi người ta hưởng được phúc lành của Chúa. Tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta vượt xa tất cả những gì mà chúng ta có thể tưởng tưởng được và chúng ta không bao giờ tạ ơn cho đủ. Đối đầu với Chúa Giê su và tất cả những người khác, có các kí lục và người pha ri siêu là những kẻ đóng cửa tâm hồn trước dấu chỉ.  Chúng ta không phải là những người phê phán họ. Chính chúng ta nhiều khi cũng cảm thấy sốc khi những người khác không chia sẻ cùng với chúng ta cách thức chúng ta nói về Thiên Chúa. Nhiều khi chúng ta nhốt Thiên Chúa trong những ý tưởng cứng nhắc của chúng ta, và quên rằng Ngài luôn ở bên kia những gì mà chúng ta nói hay nghĩ tưởng về Ngài.

Bài tin mừng hôm nay, do đó, là một lời mời gọi đức tin vào Đức Ki tô. Chúng ta không được bằng lòng với việc cầu xin Ngài thực hiện những chương trình cá nhân, những dự phóng của chúng ta. Thiên Chúa có cái nhìn bào quát và xa hơn chúng ta. Khi Ngài nói với chúng ta: « Hãy đứng dậy và đi », Ngài cũng nhắm đến việc chữa lành nội tâm và sự phục sinh cuối cùng. Ngài nâng chúng ta lên khỏi những yếu đuối của chúng ta và muốn chúng ta vững chắc trong đức tin, để trở thành những người chứng nhân đích thực nơi những người đang bị thử thách vì đau khổ thể xác hoăc tinh thần.

Chứng từ mà Chúa Giê su đang chờ đợi, chúng ta dâng cho Ngài trong lời cầu nguyện. Như những người mang tin mừng, trước tiên chúng ta hãy làm hết sức mình, rồi sau đó, tin tưởng cầu xin Chúa giúp sức thực hiện những gì mà chỉ có Ngài mới có thể làm nơi các tâm hồn.

ĐÀO SÂU

1. HỎI:Tại sao có thể coi câu truyện chữa người bất toại là một khúc quanh trong cuộc đời Chúa Giê su?

THƯA: Chương thứ nhất tin mừng thánh Mác cô cho thấy những bước đường đầu trong đời rao giảng thật dễ dãi, gặt hái nhiều thành công: trong lúc chịu phép rửa, có Chúa Cha và Thần khí chứng giám. Trong sa mạc, Ngài đã chiến thắng ma quỉ, và các thiên thần đến hầu hạ. Ngài kêu gọi bốn môn đệ đầu tiên và họ dứt khoát từ bỏ mọi sự và đi theo Ngài. Lời rao giảng đầy ấn tượng khiến ai nghe cũng ngạc nhiên thích thú. Phép lạ Ngài lại thu hút đám đông. Thế nhưng sang chương 2, tình hình thay đổi hẳn. Từ đây, bắt đầu xuất hiện tranh luận, chống đối. Bầu khí nóng dần lên, căng thẳng lên cao. Con đường Chúa Giê su đi hướng dần tới Thập giá.

2. HỎI: Chúa Giê su có nhà riêng ở Ca phác naum chăng (câu 2,1)?

THƯA: Chúa Giê su đã từng nói rằng con cáo có hang, chim trời có tổ, nhưng Ngài không có nơi gối đầu. Nên chắc chắn đó không phải là nhà của Ngài, mà hầu chắc là nhà của ông Simon và Anrê (1,29). Đó có lẽ là nơi Chúa Giê su hay lui tới khi lìa bỏ Na gia rét lên đường rao giảng. Cũng có thể coi “nhà” đây có tính biểu tượng, chỉ nơi Chúa Giê su giảng dạy và tha thứ tôi lỗi, hoặc nơi Ngài tập họp những người làm theo ý Thiên Chúa, làm thành gia đình thiêng liêng của Ngài (3,29.31-35).

3. HỎI: “Giảng Lời” trong Mc có nghĩa gì?

THƯA: Đây là kiểu nói đặc biệt Mác cô dùng để chi Lời tuyệt diệu, Lời tối thượng là Tin Mừng. Kiểu nói “Lời” mà không có bổ ngữ (= Thiên Chúa, Đức Ki tô..) còn được ông dùng nhiều lần trong đoạn giải thích dụ ngôn người gieo giống (4,14-20).

4. HỎI: Tại sao các kí lục lại cho rằng chỉ có Thiên Chúa mới có quyền tha tội?

THƯA: Bởi vì tội lỗi là một điều xúc phạm tới Thiên Chúa. Chính vua Đa vít đã kêu lên sau khi đã phạm tội ngoại tình: “Tôi đã phạm tội nghịch với Gia vê!” (2 Sm 12,13). Vì bị xúc phạm nên chỉ có Thiên Chúa mới có thể tha thứ sự xúc phạm (x.Is 43,25).

5. HỎI: Quyền năng mà Chúa Giê su nói tới là quyền gì?

THƯA: Chúa Giê su nhắc lại sấm ngôn Đa niên, mô tả Con Người đến trên mây trời, tiến gần ngai Thiên Chúa và nhận lấy quyền năng trên mọi dân tộc trần gian. Đó là quyền thẩm phán cánh chung. Ngài sẽ trở lại để xét xử muôn dân, có quyền lên án hay tha thứ tội nhân. Dực vào lời sấm nầy, Chúa Giê su quả quyết, Ngài có quyền năng ấy ngay từ giờ.

6. HỎI: Quyền tha tội đem lại niềm tin gì cho các Ki tô hữu?

THƯA: Trong khi lời tha tội của Chúa Giê su cho người bất toại khiến cho các kí lục và biệt phái phẫn nộ dữ dội, thì lại là điều căn bản của niềm tin vào Chúa Giê su đối với các Ki tô hữu. Thật vậy, họ đã thấy việc tha tội là công trình tuyệt hảo của Đấng Cứu độ thực hiện cho loài người: “Thiên Chúa Cha đã kéo chúng ta ra khỏi quyền lực tối tăm và đã đưa chúng ta vào vương quốc của Con yêu dấu Ngài, trong ngài, ta có ơn cứu chuộc, ơn tha tội” (Cl 1,13-14); x. Ma 1,21; 26,28; Lc 1,77; 4,47; Cv 2,38; 5,31; 10,43; Ep 1,7).

7. HỎI: Thái độ sửng sốt, ngạc nhiên của người chứng kiến các việc Chúa Giê su làm có ý nghĩa gì?

THƯA: Đó là thái độ của của những tâm hồn đơn sơ, trẻ thơ, khiêm tốn, cởi mở, sẵn sàng khám phá ra các dấu chỉ Chúa thực hiện và mau mắn nhận ra lời mời gọi của Ngài để nhiệt thành đáp trả. Họ ngợi khen Thiên Chúa vì cảm nhận diễm phúc được Ngài viếng thăm dù hãy còn nhiều bất xứng. Cỏn những kẻ kiêu căng thì trái lại, họ không thể và cũng không muốn cảm nhận được các việc kì diệu của Thiên Chúa trong đời của họ. Thật đúng như lời tán tụng của Đức Maira: “Chúa hạ bệ những kẻ kiêu căng, và nâng cao những người phận nhỏ”.

 


Các bài viết mới hơn
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần VII Thường Niên_Lm. Giuse Nguyễn Duy Khang
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần VII Thường Niên_Nt. Thiên Thảo SJP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần VII Thường Niên_Lm. Giuse Mai Văn Điệp, OP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần VII Thường Niên_Lm. Giuse Phạm Hoàng Vũ
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần VII Thường Niên_ Nt. Anna Têrêxa Thiên Hoàng, O.P
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần VII Thường Niên_Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Hai Tuần VII Thường Niên_Nt. M. Anh Thư, OP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Hai Tuần VII Thường Niên_Lm. Antôn Maria Vũ Quốc Thịnh
     Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật VII Thường Niên_Lm. Đan Vinh - HSTM
     Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật VII Thường Niên_Lm. Giuse Đỗ Đức Trí

Các bài viết cũ hơn
     SUY NIỆM LỜI CHÚA CHÚA NHẬT VII THƯỜNG NIÊN NĂM B: " SỰ KIỆN TIÊN LÃNG" . Jos Tạ Duy Tuyền
     SUY NIỆM THỨ BẢY TUẦN VII THƯỜNG NIÊN NĂM A- ĐỪNG NGĂN CẤM CHÚNG. Lm Dom Hiển
     SUY NIỆM CHÚA NHẬT VII THƯỜNG NIÊN NĂM A-TÌNH YÊU XÂY DỰNG HÒA BÌNH. Lm HK
     SUY NIỆM LỄ LẬP TÔNG TÒA THÁNH PHÊRÔ. Lm GioanB Lại Anh Tuấn
     SUY NIỆM CHÚA NHẬT VII THƯỜNG NIÊN NĂM A. Lm Phao Lô Nguyễn Văn Đông
     SUY NIỆM CHÚA NHẬT TUẦN VII THƯỜNG NIÊN NĂM A. Lm Jos Tạ Duy Tuyền
     SUY NIỆM CHÚA NHẬT TUẦN VII THƯỜNG NIÊN NĂM A-YÊU “KẺ THÙ” NHƯ THẾ NÀO ĐÂY?.Lm Giuse Nguyễn Văn Nghĩa