Trang Chủ > Suy Niệm > Thường Niên 13-25 > Tuần 18

CHỦ NHẬT 18 THƯỜNG NIÊN C

a lua chon.jpg

Chúng ta đang đứng trước một lựa chọn: Sở hữu hoặc Hiện hữu. Quan tâm lớn nhất của con người là Sở hữu. Trong khi của cải duy nhất tồn tại là Tình yêu tạo trong ta một thực tại thiêng liêng vĩnh cửu. Tình yêu đòi buộc chúng ta phải quên chính mình, và chỉ phát sinh từ sự chết nội tâm của chúng ta mà thôi.

Giảng Viên 1,2; 2,21-23

Sách Giảng Viên chiếm một vị trí quan trọng trong cuộc lữ hành thiêng liêng của Dân Ít ra ên. Nó diễn tả tâm tình của một người chán nản vì theo đuổi sự giàu sang và quyền quí. Khi đặt vấn đề về ý nghĩa của cuộc sống, nó chuẩn bị cho một cuộc tìm kiếm ráo riết niềm hạnh phúc, trong một hướng thiêng liêng hơn.

Thánh vịnh 89

Trước nhan Thiên Chúa, con người, hữu thể đơn thuần, hay chết, tội lỗi là ai? Nó có nhận ra sứ mỏng dòn của mình không! Ước gì Thiên Chúa dẫn con người vào sự Khôn Ngoan của Người để cuối cùng ban cho con người được SỐNG.

Thư Cô lô sê 3,1-5.9-11

Cuộc sống thực sự chỉ có thể được sinh ra từ sự tái định hướng ước mơ bản năng của con người. Nó phải tiến tới một vũ trụ mới hướng về Thiên Chúa. Đó là một cái chết nội tâm, nhưng cũng cho phép tiến tới sự sung mãn của Sự sống, một sự sống được thể hiện ngang qua một tình huynh đệ đại đồng.

Tin mừng  Lc 12, 13-21

Không rời viễn ảnh của phần thứ nhất, diễn từ giờ đây nói tới thái độ của người môn đệ trước sự giàu sang. Chúa Giê su cảnh giác đám đông chống lại mọi thứ thèm muốn (12,15-21). Rồi sau đó, Ngài mời gọi các môn đệ bỏ mình cho Thiên Chúa (12,22-32) và tự trở nên nghèo bằng cách làm phúc (12,33-34).

NGỮ CẢNH

Toàn chương 12 là gồm các bài giảng dài của Chúa Giê su dành cho các môn đệ (12,1-12), rồi cho đám đông (12,13-21), một lần nữa cho các môn đệ (12,22-53), rồi lại với đám đông (12,54-13,21). Thỉnh thỏang có một vài ngắt đọan. Đoạn nầy gồm có các chủ đề như sau:

1. Can đảm làm chứng nhân (12,1-12)

2. Đoạn tuyệt và tin tưởng vào Thiên Chúa Quan Phòng (12,13-34).

3. Tỉnh thức trong tinh thần phục vụ (12,35-48)

4. Các mục tiêu trong sứ vụ của Chúa Giê su (12,49-53).

Đọan văn của chúng ta nói về thái độ của người môn đệ đứng trước mọi thứ của cải trần gian. Chúa Giê su cảnh giác mọi người trước sự mê tham của cải (12,13-21) trước khi mời gọi các môn đệ của Ngài hãy phó thác cho Thiên Chúa (12,22-32), và bố thí để trở nên nghèo (12,33-34).

TÌM HIỂU

Xin Thầy bảo: chúng ta có thể so sánh lời cầu xin và trả lời của Chúa Giê su với lời cầu xin của Matta (“Thầy hãy nói với em con”) và giáo huấn của Chúa Giê su (10,38-42).

Chia phần gia tài: Chúa Giê su từ chối xen mình vào một cuộc tranh chấp của cải trần gian. Ngài không khinh chê thực tại nầy, tuy nhiên sứ mạng của Ngài thuộc lãnh vực khác: đem lại cho các mối tương quan giữa con người ý nghĩa sâu xa nhất.

Của cải: của cải ở đây dĩ nhiên bao hàm không những của cải vật chất mà còn mọi khía cạnh của sự tự mãn. Chẳng hạn như việc sở hữu lề luật – men pha ri sêu (12,1). Luật không chống lại Thiên Chúa, mà chỉ là một con đường đưa tới Người. Con người không được bận tâm đến điều mình sở hữu, nhưng tiếp nhận điều mà Thiên Chúa ban cho.

Đồ ngốc: những dự định của con người không bị đánh giá là ngốc, vì được họach định bởi sự khôn ngoan của con người. Nhưng người nầy khi làm điều đó, ông ta lại đóng kín với riêng mình; và không cần đến Thiên Chúa. Khi muốn coi mình là một người biết sống (x. Gr 17,11; Kn 15,8), người ta tự tách mình ra khỏi nguồn sống. Đây lại không phải là điều mà Giê rê mi a (2,13) tố cáo sao?: “Chúng đã bỏ Ta là mạch nước trường sinh để làm những hồ nứt rạn, không giữ được nước”.

Mạng ngươi: Thiên Chúa ban cho sự sống và Người lấy lại khi Người muốn (12,5). Ai muốn cứu mạng sống thì sẽ mất (9,24). Cần phải chấp nhận chết cho chính mình để sống trong Thiên Chúa.

Thu tích của cải cho mình: x. 12,31. Của cải duy nhất là của cải của Nước Thiên Chúa (6,20).

SỨ ĐIỆP

Các bài đọc chủ nhật hôm nay có thể làm cho chúng ta khó chịu.

Qôhêlết không phải mà triết gia, nhưng là một nhà giảng thuyết, một tín hữu viết cho các tín hữu của mình. Ông nói rằng con người xây dựng cuộc đời mình trên những giá trị hư không. Họ vất vả thu tích của cải. Họ phung phí sức lực để làm giau cho cuộc sống gia đình và xã hội. Rồi đến cuối đời, họ nhận ra rằng tất cả chỉ là phù vân và họ đã lầm đường.

Vì thế bài đọc nầy đặt cho chúng ta câu hỏi nền tảng. Đúng hơn, đó là một lời mời gọi trở về cốt lõi của lòng tin. Điều trước tiên là nhớ rằng Thiên Chúa là đấng Tạo dựng nên chúng ta và Người say mê yêu thương thế gian. Mọi cố gắng tìm kiếm hạnh phúc bên ngòai Thiên Chúa đều như công dã tràng. Tất cả những gì chúng ta có, tất cả những gì chúng ta là đều là ơn ban của Thiên Chúa. Thái độ duy nhất xứng đáng cho một người tín hữu là đặt trọn niềm tin tưởng vào Thiên Chúa và xây dựng cuộc sống của chúng ta trong Người. Chúng ta được qui hướng về hai giới luật yêu mến Thiên Chúa và yêu thương tha nhân. Đó là nơi mà chúng ta tìm ra hạnh phúc đích thực duy nhất.

Bài tin mừng kể lại câu chuyện về người thanh niên đến với Chúa Giê su để xin Ngài làm trọng tài chia gia sản nhà anh. Ai cũng biết rõ đó là kiểu tranh chấp thường thấy khắp nơi, và khiến người ta lo lắng suốt đời. Chúa Giê su mạnh mẽ phản ứng lại. Sứ mạng của Ngài không phải là làm quan án lo chuyện làm ăn thay cho chúng ta. Để giải quyết những chuyện ấy, chúng ta hãy đi đến các nhà chức trách. Còn đối với Ngài, thì ưu tiên lớn nhất chính là làm sao để tin mừng được loan báo cho tất cả mọi người. Toàn bộ Tin mừng nói với chúng ta rằng chúng ta được dựng nên cho Thiên Chúa. Đó là niềm đam mê lớn của Chúa Giê su. Nếu chúng ta tiếp nhận sứ điệp hi vọng ấy, chúng ta có thể thay đổi cuộc sống của mình. Và để giúp mọi người hiểu rõ hơn, Chúa Giê su kể câu chuyện về một địa chủ giàu có muốn khoe cho mọi người thấy mình giàu. Đồng lúa mênh  mong đem lại hoa màu nhiều không chỗ chứa, đặt ra cho ông ta một vấn đề: ông không biết tích trử nó vào đâu vì kho lẫm của ông thì quá nhỏ hẹp.

Bấy giờ ông quyết định xây thêm những kho lớn hơn để chứa tất cả sản nghiệp của mình. Ông nghĩ rằng khi thực hiện xong dự tính ấy, ông có thể an tâm thụ hưởng cuộc sống giàu sang. Có nhiều người cũng có những dự phóng tương tự. Và để làm điều đó, họ chấp nhận làm mọi sự, cả những điều bất chính.

Nhưng Thiên Chúa cho người ấy hiểu rằng đó là điều ngu dại. Họ xây dựng đời mình bằng việc thu tích của cải. Họ chỉ quan tâm đến việc làm ra càng nhiều của cải càng tốt. Nhưng không chắc sẽ được hưởng dùng, nhất là họ phung phí súc khỏe để ki cóp nó. Và những thứ nầy sẽ không đem lại một ích lợi gì cả sau khi chết. Chúng sẽ qua tay người khác, và có nguy cơ bị phung phí. Thánh Au gu ti nô đã nhắn nhủ: “Bạn đã tạo ra một sản nghiệp; đời của bạn chất chứa đầy sự lo lắng không sinh lợi. Vì thế, cuộc đời không có ý nghĩa gì cả”.

Hôm nay, Chúa Giê su mời gọi chúng ta hãy đảo ngược các giá trị trần thế. Ngài khuyên chúng ta hãy trở nên giàu có cho Thiên Chúa. Thánh Tông đồ Phao lô cũng khuyên bảo chúng ta điều tương tự bằng một kiểu nói khác: “Anh em hãy tìm kiếm những thực tại trên trời”. Nhờ phép Rửa tội, chúng ta đã trở nên những con người mới được tái tạo theo hình ảnh Thiên Chúa. Tuy nhiên chúng ta vẫn còn phải sống giữa những thực tại trần gian. Chính đó là nơi mà chúng ta phải chiến đấu chống lại một những khuynh hướng không thích hợp, đặc biệt là thờ phượng các bục thần. Điều mà Chúa Giê su muốn dạy, đó là cả cuộc sống chúng ta phải hướng về Thiên Chúa. Ở  ngòai Thiên Chúa, tất cả đều là phù vân.

Xây dựng cuộc đời trên Thiên Chúa, điều đó đòi hỏi phải liên kết với Đức Ki tô. Ngài là Đường, là Sự thật và là Sự sống. Chính nhờ Ngài mà chúng ta được mời gọi vượt qua để đến với Thiên Chúa Cha. Nếu chúng ta dành cho Người vị trí ưu tiên, cuộc đời chúng ta sẽ đầy tràn tình yêu của Người. Chúng ta sẽ biết cách yêu thương như Ngài và cùng với Ngài cống hiến những gì tốt đẹp nhất của chúng ta. Nhưng tình yêu ấy đến từ Chúa, cũng giống như ánh sáng. Nếu chúng ta muốn giải sáng và tỏa sáng chung quanh, chúng ta phải để thời giờ mà tiếp nhận nó.

Để chấm dứt, tôi xin kể lại một chứng từ: có một vị Giám mục kia đã được mời đến tham dự một bữa cơm gia đình. Cuối bữa ăn, mấy đứa trẻ khoe với ngài thiên thần của chúng. Nghe nói thế, ngài vô cùng ngạc nhiên, nhưng cũng đi theo chúng cùng với cha mẹ đến một căn phòng. Họ đứng trước một đứa bé trai tàn tật, tứ chi hoàn toàn bị tê bại. Bà mẹ đã nói cho ngài biết rằng bé Mi ca e là một thiên thần mà Thiên Chúa gởi đến để dạy cho cả nhà biết yêu thương. Và khi họ đã học được bài học quan trọng ấy, bé sẽ trở về với Chúa. Vị Giám mục vô cùng xúc động và sau vài giây im lặng ngài đã trả lời: “Các con nói đúng. Và Cha ước mong nhiều người hơn nữa có thể nhận ra các sứ giả mà Thiên Chúa gửi đến để học bài học: Làm sao để yêu thương?

Ước gì chúng ta có thể nhớ mãi sứ điệp nầy: kho tàng của chúng ta ở trong tim chúng ta.

ĐÀO SÂU

LÀM GIÀU NƠI THIÊN CHÚA

Gv 1,2, 2,21-23 Của cải giàu sang chỉ là phù vân          

Tv 94,1-2, 6-7,8-9 Lạy Chúa, xin cho chúng con lắng nghe tiếng Chúa          

Cl 3,1-5, 9-11 Từ con người cũ đến con người mới       

Lc 12,13-21 Dụ ngôn người ngu chỉ biết tích trử của cải cho mình

 

1. HỎI: Ba bài đọc liên kết với nhau theo chủ đề nào?

THƯA: LÀM GIÀU NƠI THIÊN CHÚA. Đừng ngu dại để tất cả mọi sự trong cuộc đời mình thành phù vân mà phải biết khôn ngoan tìm kiếm Thiên Chúa (Bđ1) và làm giàu nơi Người (BTM). Thánh Phao lô khuyên chúng ta đổi mới cuộc đời bằng cách ‘tìm những sự trên trời’ (Bđ 2).

2. HỎI: Sách Giảng viên là sách gì?

THƯA: Sách Giảng viên thường được gán cho vua Sa-lô-môn là tác giả, được biên soạn vào khoảng thế kỉ thứ 3 trước Công Nguyên. Sách được xếp vào loại sách Khôn Ngoan, gồm những suy tư về cuộc sống phù vân ở đời nầy, để cuối cùng mời gọi sống khiêm tốn vâng phục Thiên Chúa.

3. HỎI: Nội dung bài đọc một (Gv 1,2, 2,21-23) như thế nào?

THƯA: Tác giả là nhà khôn ngoan cổ đại hiểu rằng tất cả mọi thứ trong thế giới này là tạm bợ, trôi qua nhanh chóng như phù vân. Đó là điều vô lý đối với những người chỉ sống cho đời nầy, nhưng đối với các tín hữu lại là nguồn gốc của sự khôn ngoan. Chân lí ấy giúp chúng ta xác định tầm quan trọng đích thực của tất cả mọi sự.

4. HỎI: Phù vân là gì?

THƯA: Ý nghĩa từ ‘Phù vân’ ở đây không mang màu sắc luân lí. ‘Phù vân’ có nghĩa là một cái gì đó dễ biến tan, dễ bay hơi, chóng tàn. Tác giả sách Giảng viên nghiệm ra rằng tất cả trên đời nầy chỉ là phù vân, mau qua chóng tàn, trừ ra một điều duy nhất là tìm kiếm Thiên Chúa.

5. HỎI: Tác giả đã viết về vị vua nào? Và tại sao?

THƯA: Tác giả đã dựa vào cuộc đời vua Sa-lô-môn để đưa ra suy tư của mình. Lý do của sự lựa chọn ấy có lẽ vì Sa-lô-môn là nhân vật điển hình: một người nắm trong tay mọi quyền hành để thực hiện khát vọng đến tột đỉnh vinh quang, nhưng là một thứ vinh quang không trường tồn. Khi mới làm vua, ông được mọi người ngưỡng mộ vì khôn ngoan và khiêm tốn. Nhưng về cuối đời, vì đã mắc nhiều sai lầm như thờ lạy bụt thần và chìm đắm trong dục vọng giàu sang nên vinh quang rời xa ông. Vì thế, tác giả nói thay ông: ‘Tôi đã chán ghét mọi gian lao vất vả tôi phải chịu dưới ánh mặt trời, những gì tôi để lại cho người đến sau tôi. Nào ai biết được người ấy khôn hay dại?’ (Gv 2, 18-19).

6. HỎI: Tác giả rút ta bài học gì?

THƯA: Từ cái nhìn về cuộc đời vua Sa-lô-môn, tác giả kết luận: ‘Tất cả là phù vân’ ngoại trừ một mình Thiên Chúa. Người là Đấng Tạo dựng mọi sự, chỉ mình Người biết tất cả mọi mầu nhiệm, nên tìm kiếm hạnh phúc ở ngoài Người là vô ích. Chí có Người nắm giữ chìa khóa của sự khôn ngoan nên mới mang lại hạnh phúc đích thực cho con người.

7. HỎI: Sự khôn ngoan cần phải có là gì?

THƯA: Đó là sự khiêm nhường, là sống cuộc sống hiện tại như một quà tặng Thiên Chúa ban cho: ‘Ngay cả chuyện ăn uống và hưởng thụ những thành quả do công lao khó nhọc mình làm ra, thì đó đã là một món quà Thiên Chúa ban tặng rồi’ (Gv 3,13).

8. HỎI: Bài đọc 2 (Cl 3,1-5.9-11) có nội dung như thế nào?

THƯA: Thánh Phao-lô khuyên các tín hữu Cô-lô-sê không được tìm kiếm những gì hư nát mà phải tìm kiếm những gì tồn tại vĩnh cửu trong Vương quốc của Thiên Chúa.

9. HỎI: Ngữ cảnh bài Tin mừng (Lc 12,13-21) như thế nào?

THƯA: Trên đường lên Giê-ru-sa-lem (9,51-19,28), Chúa Giê su giảng dạy các môn đệ trước mặt đám đông dân chúng (12,1-12.22-34). Chợt có một người đến xin Ngài can thiệp vào một vụ tranh tụng giữa anh ta và người anh liên hệ đến chuyện gia tài (12,13-15). Sự kiện ấy lại là dịp để Đức Giêsu kể ‘dụ ngôn ông phú hộ’ giàu có nhưng ngu dại chỉ biết tích trử của cải cho mình (cc. 16-21). Giáo huấn lại tiếp tục (22-34).

10. HỎI: Tại sao có người đến xin Chúa Giê su can thiệp vào chuyện chia gia tài?

THƯA: Lề luật Mô-sê qui định rõ ràng về việc thừa kế, nhưng có lẽ vì bị đối xử bất công, nên người ấy mới đến nhờ Chúa Giê su dùng tài năng và uy tín của một bậc Thầy để đem lại công bằng trong việc chia gia tài cho anh ta.

11. HỎI: Chúa Giê su có nhận lời không?

THƯA: Không. Câu trả lời của Chúa Giê su khiến chúng ta ngạc nhiên vì nó có vẻ thẳng thừng từ chối: ‘Ai đặt ta làm quan án phân chia gia tài cho các ngươi?’ Nhưng qua đó, Chúa muốn nói rằng: ‘Ta không đến để làm việc ấy, đó không phải là sứ mạng của Ta’.

12. HỎI: Tại sao Chúa Giê su từ chối can thiệp?

THƯA: Chúa Giê su từ chối vì Ngài không muốn làm quan án xét xử những bất công thuộc trần thế, đặc biệt về tiền bạc của cải. Dĩ nhiên Ngài không chấp nhận bất công, nhưng Ngài đến là để giải phóng con người khỏi mọi ràng buộc làm con người mất tự do.

13. HỎI: Chúa Giêsu đã dạy gì?

THƯA: Trước hết Ngài dạy đừng tham lam: ‘Anh em phải coi chừng, phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam, không phải vì dư giả mà mạng sống con người được bảo đảm nhờ của cải đâu’ (Lc 12,15). Và hoàn toàn tin tưởng vào sự quan phòng của Thiên Chúa: ‘Vì vậy Thầy bảo cho anh em biết, đừng lo cho mạng sống: lấy gì mà ăn, cũng đừng lo cho thân thể lấy gì mà mặc; vì mạng sống thì hơn của ăn, và thân thể thì hơn áo mặc’ (Lc 12,22-23).

14. HỎI: Giáo huấn ấy có gì mới không?

THƯA: Giáo huấn của Chúa Giêsu không mới: Ngài lặp lại những điều quen thuộc đã có trong Cựu Ước. Như sách Huấn ca đã nói: ‘Có kẻ giàu vì vun quén và keo kiệt, và đây là phần thưởng của nó: khi nó nói: ‘tôi đã tìm được an nhàn, của tôi làm ra, bây giờ tôi hưởng’, thì nó đâu biết thời gian mình sống còn bao lâu; nó sẽ bỏ lại của cải cho người khác và sẽ chết’ (Hc 11,18-19). Điều mới là Ngài đặt vấn đề trong tương quan với Nước Thiên Chúa.

15. HỎI: Dụ ngôn về người phú hộ dạy ta điều gì?

THƯA: Dụ ngôn về người phú hộ dạy ta không nên đồng hóa cuộc sống mình với của cải, cũng đừng an tâm cậy dựa vào một điều gì khác ngoài một mình Thiên Chúa.

16. HỎI: Tại sao Chúa Giê su cảnh giác mọi người chống lại tính tham lam?

THƯA: Những lời ấy cảnh tỉnh và nhắc chúng ta nhờ rằng đời sống chúng ta là một thoáng phù du, mau qua chóng tàn.

17. HỎI: Tại sao Chúa Giêsu gọi cách sống dựa vào của cải tiền bạc là ngu ngốc?

THƯA: Cựu Ước dùng từ ‘ngu ngốc’ để chỉ người từ chối không tin có Thiên Chúa (x. Tv 13, 1: ‘Người ngốc nói trong lòng rằng không có Thiên Chúa đâu’). Người giàu có trong dụ ngôn bị coi là ngu ngốc vì quá lo lắng tích trử của cải tiền bạc mà quên mất Thiên Chúa.

18. HỎI: ‘Làm giàu cho Thiên Chúa’ là gì?

THƯA: ‘Làm giàu cho Thiên Chúa’ có nghĩa là làm giàu theo cái nhìn của Thiên Chúa, làm lời cho Nước Thiên Chúa. Thiên Chúa không bao giờ làm giàu cho mình, mà chỉ ban phát của cải, tạo hạnh phúc và làm giàu cho người khác (Rm 10,12). Như thế ‘làm giàu cho Thiên Chúa’ là bắt chước Người mà chia sẻ, bố thí của cải mình cho kẻ khác.

19. HỎI: Vậy kho tàng duy nhất phải tạo nên là gì?

THƯA: Kho tàng duy nhất mà chúng ta phải tìm kiếm là kho tàng ở trên trời. Điều đó giả thiết hai điều: thứ nhất đừng quên rằng, của cải do Thiên Chúa ban cho, thứ hai, trong mọi hoàn cảnh phải nhớ rằng của cải tiếp tục thuộc về Thiên Chúa và Người giao cho chúng ta quản lí để chúng ta làm lợi cho tất cả con cái của Ngài.

20. HỎI: Thực thi sứ điệp Lời Chúa như thế nào?

THƯA: 1. Diệt trừ con người cũ tham lam và mặc lấy con người mới sống nhân ái công bằng. 2. Phải lao nhọc và trổ tài khôn ngoan ra trong đời sống, để xây dựng cuộc đời trong sự trong sạch và hòa thuận. Cuộc đời như vậy chắc chắn sẽ không phù vân. Sự nghiệp chúng ta xây dựng sẽ tồn tại và vinh quang.

GLCG 2459 Con người là tác giả, trung tâm và cứu cánh của toàn bộ đời sống kinh tế và xã hội. Mấu chốt của vấn đề xã hội là làm thế nào để của cải Thiên Chúa sáng tạo cho mọi người hưởng dùng, được đến tận tay mọi người theo lẽ công bằng và tương trợ bác ái. (x. Chúa Giê su đến cứu con người khỏi tội lỗi 549. Thiên Chúa ban cho con người quyền sở hữu 2402-2406 nhưng phải biết cách sử dụng 2407-2414).

 

 

 

 


Các bài viết mới hơn
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần XVIII Thường Niên_Nt. Maria Nguyễn Thị Quỳnh Tiên, OP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần XVIII Thường Niên_Nt. Anna Têrêxa Thiên Hoàng, O.P
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần XVIII Thường Niên_Lm. Phêrô Trần Lê Thành Nhân
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần XVIII Thường Niên_Nt. M. Anh Thư, OP
     Suy niệm Thứ Ba Tuần XVIII Thường Niên_Nt. Thiên Thảo SJP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Hai Tuần XVIII Thường Niên_Nt. M. Anh Thư, OP
     Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật Tuần XVIII Thường Niên C_Lm Đan Vinh - HSTM
     Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật Tuần XVIII Thường Niên C_Lm Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần XVIII Thường niên - Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần XVIII Thường Niên - Nt. Thiên Thảo SJP

Các bài viết cũ hơn
     Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật Tuần XVIII Thường Niên C: BẠN NÊN GỬI TIẾT KIỆM Ở ĐÂU?_ Lm. Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần XVIII Thường Niên: "Lòng Tin"_ Thiên Thảo SJP
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần XVIII Thường Niên: "HÃY TỰ HỎI"_Thiên An
     Suy Niệm lời Chúa Thứ Năm Tuần XVIII: "Xin Ðược Chiêm Ngưỡng Vinh Quang Nước Chúa"_Lm Trần Bình Trọng
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần XVIII Thường Niên: "Lạy Ngài, xin cứu giúp tôi !"_Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần XVIII Thường Niên: "CỨ AN TÂM, ĐỪNG SỢ!"_Nt. Maria Anh Thư. OP
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Hai Tuần XVIII Thường Niên B: SỰ NHẠY BÉN CỦA LÒNG CẢM THƯƠNG. Xuân Hạ, OMI
     Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật XVIII Thường Niên B. Lm. Phaolô Nguyễn Văn Đông
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Bảy tuần XVIII Thường niên A. Lm. Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần XVIII Thường Niên: TỪ BỎ MÌNH. Lm. Duy Khang