Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật XXII Thường Niên B
SUY THOÁI TRONG
ĐỜI SỐNG ĐỨC TIN
Chúng
ta thấy hiện nay, nhiều hoạt động văn hoá lễ hội tại Việt Nam đang trong tình
trạng hết sức lộn xộn và bị biến thái. Các nhà quản lý hầu như không quản lý nổi
nên họ để mặc các lễ hội tự do tự phát. Vì thế, các lễ hội văn hoá tôn giáo tâm
linh ngày càng mang tính chất kinh doanh và đáp ứng những nhu vật chất, bình
dân mê tín. Người ta chú trọng nhiều đến yếu tố thu lợi hơn là giá trị văn hoá
tôn giáo. Ví dụ, ngày Giỗ tổ Hùng Vương được coi như ngày quốc lễ, nhưng việc tổ
chức nhắm đến kinh doanh hơn là tâm tình biết ơn tổ tiên. Người ta khoe mẽ những
chiếc bánh chưng bánh dày to kỷ lục, nhưng nhân bên trong thì bằng giấy vụn, hoặc
đồ giả. Cùng với hình thức bên ngoài là tình trạng buôn thần bán thánh, cầu lộc
cầu tài để thu tiền.
Tình
trạng suy thoái trong đời sống đạo cũng rất dễ xảy ra khi con người không bám
sát chuẩn mực của Đấng Sáng lập, khi muốn thêm những ý kiến cá nhân vào các chuẩn
mực đó, tạo ra những hình thức dễ dãi đáp ứng cho đám đông. Thời Chúa Giêsu
cũng đã xảy ra tình trạng biến thái trong đời sống đạo nơi những người Do Thái,
đặc biệt nơi những người có trách nhiệm. Hôm nay Tin Mừng cho thấy, Chúa Giêsu
trách những Biệt Phái, luật sĩ, vì họ đã đặt ra quá nhiều chi tiết hình thức
trong đời sống đạo.
Người
Biệt Phái chỉ trích các môn đệ của Chúa không giữ tập tục tiền nhân. Khi chỉ
trích như thế, họ muốn trách cả Chúa Giêsu là người không giữ luật và không biết
dạy các học trò của mình giữ luật. Người Do Thái quan niệm rằng chỉ có họ là
dân thánh, còn các dân khác đều là phàm tục. Vì thế, khi tiếp xúc với người ngoại,
họ phải tắm rửa vì sợ nhiễm ô uế. Khi ăn, họ rửa chén bát, rau thịt mua ở chợ
phải thanh tẩy vì sợ bám bụi ô uế của dân ngoại. Rửa tay trước khi ăn theo tục
lệ do Thái, không phải là việc rửa tay giữ vệ sinh khi ăn, mà là nghi lễ thanh
tẩy.
Người
Pharisiêu chuyên tâm giữ chi tiết của lề luật, nhưng điều chính yếu họ lại
không giữ. Hơn nữa, họ giữ lề luật không phải vì yêu mến Thiên Chúa cho bằng muốn
thể hiện khả năng và sự đạo đức của mình. Họ cho rằng khi chu toàn lề luật chi
tiết như thế, Thiên Chúa sẽ mắc nợ họ và mọi người sẽ khen ngợi họ. Người
Pharisiêu giữ luật không phải vì Thiên Chúa mà vì bản thân. Chúa Giêsu đã không
chấp nhận thái độ như thế, Ngài không muốn một lối sống đạo hình thức bên ngoài
nhưng vô hồn, trống rỗng bên trong. Ngài không muốn con người giữ luật chỉ vì sợ
luật, nhưng Ngài muốn mọi người tôn trọng lề luật vì lòng yêu mến thúc đẩy.
Chúa
Giêsu đã trích lời Isaia để cảnh người Pharisiêu : Dân này tôn kính ta bằng môi
bằng miệng, còn lòng chúng thì xa ta. Thiên Chúa là Cha yêu thương, Ngài muốn
chúng ta đến với Ngài trong tâm tình của người con đến với cha mình. Chúa muốn
chúng ta giữ luật để hoàn thiện bản thân và để sống xứng với tư cách là con
Thiên Chúa, chứ không muốn những hình thức giả trá bên ngoài. Ngài muốn chúng
ta đến với Chúa bằng tấm lòng tin kính mến yêu, chứ không như dân ngoại đến với
thần linh của họ như để đút lót, mua chuộc.
Cũng
dịp này, Chúa Giêsu giải thích cho người Biệt Phái rằng : Điều làm cho người ta
ra ô uế không phải từ cái chén, cái bình hoặc mớ rau con cá, mà là những cái
phát xuất từ bên trong con người. Từ suy nghĩ sai, tư tưởng xấu, sẽ dẫn đến
hành động xấu ; từ những tư tưởng tà dâm, gian tham, độc ác, xảo trá, ganh tị,
kiêu ngạo, ngông cuồng sẽ làm ô uế tâm hồn con người. Khi những tư tưởng này thể
hiện ra bên ngoài qua hành động, nó sẽ là những hành động ô uế và gian ác. Như
thế, Chúa Giêsu cho thấy việc tẩy rửa bên ngoài chén bát hoặc rửa tay trước khi
ăn, không quan trọng cho bằng việc tẩy rửa tâm hồn. Việc đến với Thiên Chúa bằng
tâm hồn đơn sơ, trong sạch thì đẹp lòng Chúa hơn là những nghi lễ rườm rà. Việc
chu toàn giới răn lề luật vì lòng yêu mến Thiên Chúa thì tốt hơn là hình thức
bên ngoài.
Ngày
xưa, biết lòng dân hay thay đổi, ông Môsê cũng đã từng cảnh báo Israel : Anh em
hãy nghe những thánh chỉ của Thiên Chúa và đem ra thực hành để được sống và được
vào đất Chúa hứa. Đừng thêm gì cũng đừng bớt gì, nhưng phải giữ những mệnh lệnh
của Đức Chúa. Hãy giữ và đem ra thực hành, nhờ đó anh em được các dân tộc coi
là khôn ngoan. Cũng cùng tư tưởng ấy, thư Giacôbê nhắn nhủ : Anh em hãy khiêm tốn
đón nhận lời đã được gieo vào lòng anh em, lời ấy có sức cứu độ linh hồn anh
em. Hãy đem lời ấy ra thực hành, chứ đừng nghe suông mà lừa dối chính mình.
Lời
Chúa hôm nay cảnh báo chúng ta về sự suy thoái trong đời sống đức tin. Chúng ta
thường tự hào mình là đạo gốc, đạo dòng, nhưng nhiều người đã chỉ còn sống đạo
hình thức như các người biệt phái. Nhiều người mang tên là người có đạo, nhưng
không thực hành đạo. Nhiều người sống đạo theo thói quen mà không hề hiểu ý
nghĩa của việc mình làm, nhiều người khác lại coi trọng những điều tuỳ phụ mà bỏ
qua những điều chính yếu. Nhiều tín hữu tin Chúa, theo đạo do cha truyền con nối,
nhưng đời sống kém xa các tân tòng và người ngoại đạo. Nhiều Kitô hữu tin Chúa
nhưng không hiểu biết giáo lý và Tin Mừng, vì thế, họ sống đạo cách vô hồn
không có lòng yêu mến bên trong. Nhiều tín hữu thích những cuộc kiệu linh đình
nhưng bỏ qua việc cầu nguyện, dâng lễ và rước lễ. Bên cạnh đó, nhiều Kitô hữu
cho rằng đạo mình khó, nên họ đi tìm một lối sống đạo dễ dãi, chấp nhận bắt tay
thoả hiệp với các hình thức ngoại giáo, an phận với một vài thói quen nào đó.
Sự
suy thoái trong đời sống đạo còn thể hiện nơi đời sống cộng đoàn, khi chúng ta
chỉ chú tâm vào những phô trương cờ quạt, kèn trống, nhưng lại quên việc canh
tân, chỉnh sửa đời sống, lơ là trong việc xây dựng đời sống đạo trưởng thành
và tình bác ái. Nhiều cộng đoàn bên
ngoài sinh hoạt rất rầm rộ, nhưng bên trong thiếu sức sống và nhiệt tâm loan
báo Tin Mừng, thiếu tình bác ái và sự sẻ chia. Nhiều người thích đứng ngoài chỉ
trích cộng đoàn nhưng lại không chung tay xây dựng.
Chúng
ta sống trong một vùng nhiều người Công giáo, nhưng trong đời sống gia đình,
trong xóm ngõ, chúng ta không thể hiện được vẻ đẹp của Tin Mừng. Khi phải chọn
lựa giữa lề luật Thiên Chúa và tiền bạc danh vọng, nhiều người đã nhắm mắt bước
qua luật Thiên Chúa, bỏ Thiên Chúa qua một bên chỉ vì một chút lợi lộc hoặc một
chút khó khăn. Nhiều người vẫn đến nhà thờ, vẫn đọc kinh dâng lễ, nhưng ra khỏi
nhà thờ thì sống chanh chua lươn lẹo, nuôi trong mình sự thù ghét, oán hận
không xứng là người Công giáo.
Lời
cảnh báo của Chúa Giêsu cũng là lời cảnh báo các linh mục chúng tôi. Chúng tôi
thường bị cám dỗ chạy theo những hình thức tổ chức bên ngoài mà quên xây dựng đời
sống tâm hồn của mình và của tín hữu. Chúng tôi cũng bị cám dỗ thích những cuộc
lễ hoành tráng bên ngoài nhưng không đọng lại gì bên trong tâm hồn sau buổi lễ.
Chúng tôi còn bị cám dỗ ghi danh, ghi công của mình trên các công trình, mà
quên làm cho danh Chúa được vinh quang. Có khi chúng tôi lo kêu gọi người khác
sám hối nhưng bản thân lại ngại thay đổi. Nhiều người trong anh em linh mục tu
sĩ, vẻ bên ngoài rất đạo mạo, giảng dạy rất hùng hồn, nhưng đời sống thì khác
xa với lời rao giảng.
Lời
Chúa hôm nay nhắc nhở cho từng người, cần xem xét và điều chỉnh lại tương quan
của mình đối với Chúa. Chúng ta đang theo Chúa vì mục đích gì ? Chúng ta chu
toàn luật Chúa vì yêu mến Chúa hay vì lý do nào khác ? Chúng ta đang sống, đang
làm việc và phục vụ vì động lực nào thúc đẩy ? Có phải vì tình yêu đối với
Thiên Chúa hay vì danh tiếng cá nhân ? Amen.
Lm. Giuse Đỗ Đức Trí – Gp. Xuân Lộc