Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật
XXX Thường Niên Năm C
PHẢI CẦU NGUYỆN THẾ NÀO MỚI
ĐƯỢC CHÚA NHẬN LỜI?
Đến các điểm hành hương như Đức Mẹ
Lavang, Tà Pao chúng ta dễ dàng thấy rất nhiều các bia đá tạ ơn Chúa và Đức Mẹ
của những người có đạo và kể cả những người ngoại đạo. Những người này đã đến
những nơi đó để cầu xin và họ đã được Chúa và Đức Mẹ nhận lời ban ơn, trợ giúp.
Tuy nhiên, cũng có nhiều người thất vọng, chán nản than thở rằng: “Tôi cũng đã
đi khấn khắp nơi, nhiều đền đài, nhiều điểm hành hương mà Chúa và Đức Mẹ vẫn
không nhận lời.” Phải chăng Chúa không nhận lời những người kêu cầu hay Chúa đã
ban ơn và không ngừng trợ giúp nhưng họ không nhận ra và vẫn kêu trách Chúa? Lời
Chúa hôm nay dạy cho chúng ta biết cách phải cầu nguyện thế nào và phải có thái
độ ra sao khi cầu nguyện để được Chúa nhận lời.
Cầu nguyện là hơi thở, là nhịp sống của
người có đạo, không cầu nguyện, đời sống đức tin sẽ khô héo cằn cỗi; một đời sống
đạo không cầu nguyện sẽ chỉ còn là cái xác không hồn. Có nhiều người hiểu sai về
việc cầu nguyện, nên họ cầu nguyện không đúng, chính xác hơn là họ không hề cầu
nguyện, mà chỉ là kể lể nhưng không muốn lắng nghe, không đón nhận sự chỉ dẫn của
Chúa.
Sách Huấn Ca quả quyết với chúng ta rằng:
“Lời cầu nguyện của người nghèo khổ vượt
ngàn mây thẳm. Lời khẩn cầu của kẻ mồ côi goá bụa sẽ được Chúa đoái đến. Những
kẻ phục vụ Đức Chúa và sống theo ý Chúa sẽ được Chúa nhận lời.” Tác giả đã
giải thích: Vì Thiên Chúa không phải là vị thẩm phán lạnh lùng, nhưng luôn lắng
nghe và để ý đến lời kêu cầu của những kẻ khó nghèo và bênh vực những người bị
áp bức. Dĩ nhiên khi quả quyết như thế, tác giả không nói Thiên Chúa bất công
hoặc Thiên Chúa ghét bỏ người giàu có, nhưng kẻ khó nghèo mà tác giả nói ở đây
là những người đơn sơ khiêm nhường trước mặt Chúa. Họ là những người dám trải
lòng ra trước mặt Chúa trong sự tin tưởng phó thác hoàn toàn, không cậy dựa vào
thế lực thế gian cũng không ỷ vào tiền bạc vật chất. Họ là những người luôn dám
làm theo ý Chúa, luôn phục vụ Chúa. Những người nghèo hèn này thành tâm đến với
Chúa với cả con người và tâm hồn khiêm nhường thẳm sâu, trở nên trống rỗng trước
mặt Thiên Chúa và sẵn sàng để cho Chúa đổ đầy sự trợ giúp xuống trong tâm hồn.
Vì như nước mưa chỉ đọng lại chỗ trũng, thì ơn Chúa cũng chỉ đậu lại nơi những
tâm hồn khiêm nhường mà thôi.
Trái lại, những người đến với Chúa,
cầu xin với Chúa nhưng không dám buông bỏ là những người giàu có. Có thể những
người này không giàu tiền bạc của cải, nhưng họ muốn nắm giữ và giải quyết các
khó khăn bằng tiền bạc, của cải, quyền lực theo kiểu thế gian. Những người này
đến với Chúa nhưng vẫn còn mang theo giải pháp và ý muốn riêng của mình. Họ đến
với Chúa không phải để xin Chúa soi sáng trợ giúp, nhưng là muốn Chúa phải chấp
nhận và thực hiện theo giải pháp của họ. Những người đến với Chúa như thế thì
không phải là cầu nguyện mà là đang thương lượng, đặt điều kiện với Chúa. Vì thế,
khi cầu xin mà không được như ý muốn, họ trách Chúa không nhận lời, họ buông
xuôi chán nản.
Bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu kể dụ
ngôn về hai người lên đền thờ cầu nguyện như để minh hoạ cho những gì sách Huấn
Ca đã giải thích. Có hai người lên đền thờ cầu nguyện, một người thu thuế và một
người Biệt Phái. Hai người này cầu nguyện với hai nội dung và có hai thái độ
hoàn toàn trái ngược nhau. Trước hết là người biệt phái: Những người Biệt Phái
trong dân Do Thái thời Chúa Giêsu được kể như một giai cấp tinh hoa trong xã hội.
Họ tự coi mình là những người hoàn hảo cả đạo lẫn đời. Về mặt đạo đức, họ được
coi như những bậc thầy đạo đức, chu toàn mọi bổn phận cầu nguyện và quy định của
lề luật. Về mặt xã hội, họ cũng thuộc thành phần thượng lưu, giàu có và có tiếng
nói, có ảnh hưởng trong xã hội. Chính vì mang trong mình sự tự mãn là thành phần
hoàn hảo trước mặt Chúa và mọi người, người biệt phái đã rơi vào sự tự kiêu,
coi thường khinh miệt người khác. Câu chuyện kể lại thái độ của người biệt phái
khi lên đền thờ: Ông đứng thẳng hiên ngang trước mặt Chúa và mọi người, đồng thời
tuyên bố rằng: “Tôi cảm tạ Chúa vì tôi
không như bao người khác: tham lam, bất chính, ngoại tình.” Những lời này
không phải là lời cầu nguyện, không phải là tâm tình nói với Chúa, mà chỉ là những
lời khoe khoang tự hào tự mãn nói cho những người chung quanh nghe thấy. Người
biệt phái vì thấy mình quá hoàn hảo, nên tỏ ra coi thường và khinh bỉ người
khác. Anh so sánh: “Tôi không như tên thu
thuế kia.” Anh tiếp tục liệt kê thành tích của mình như một bản báo cáo
hay đúng hơn như một bản ghi nợ để đòi Chúa: “Tôi ăn chay mỗi tuần hai lần, tôi dâng cho Chúa một phần mười thu nhập.”
Anh sống và thực hành vượt chỉ tiêu và quy định của lề luật. Anh cảm thấy rất đầy
đủ và không cần Chúa phải trợ giúp cho anh ta điều gì nữa, mà trái lại anh cho
rằng: Chúa nợ anh việc ăn chay và việc đóng góp.
Trong khi đó, người thu thuế ý thức rằng,
anh chẳng có gì để kể lể, anh chỉ là một kẻ tội lỗi trước mặt Chúa và trước mặt
mọi người. Mặc dù làm nghề thu thuế anh không phải là người nghèo của cải, trái
lại, có thể anh là người giàu có, có rất nhiều tiền bạc của cải. Nhưng trước mặt
Thiên Chúa, anh cảm thấy mình bất xứng, nhìn nhận sự giới hạn nhỏ bé của mình.
Anh ý thức rằng tiền bạc của cải vật chất chẳng có ý nghĩa gì trước mặt Thiên
Chúa, điều quan trọng là tâm hồn và thái độ của anh trước mặt Chúa. Vì thế, bước
vào đền thờ, anh chỉ dám quỳ gối từ đàng xa, không dám ngẩng mặt lên trời vì nhận
ra thân phận tội lỗi đáng thương của mình. Anh không khoe tiền bạc của cải, địa
vị trong xã hội, anh cũng không kể lể về những việc anh đã làm như người biệt
phái đang đứng phía trên. Anh đến với Chúa trong sự khiêm tốn trong tâm hồn, với
đôi bàn tay trống rỗng nghèo nàn, để cầu xin sự thương xót của Thiên Chúa. Anh
vừa đấm ngực vừa bày tỏ thái độ hối hận về hành vi và quá khứ của mình. Anh
thưa lên cùng Chúa bằng lời cầu xin phát xuất từ tấm lòng sám hối thực sự: “Lạy Chúa xin thương xót con là kẻ tội lỗi.”
Chúa Giêsu đã đưa ra kết luận: “Tôi bảo cho các ông biết, người thu thuế ra
về thì được trở nên công chính, còn người kia thì không.” Điều đó có nghĩa
là khi trở về, người thu thuế đã đón nhận được lòng thương xót của Thiên Chúa,
được chữa lành trong tâm hồn và được ơn trợ giúp để biến đổi nên người tốt, nên
người công chính. Trái lại, người biệt phái thì không được gì, vì anh đã có quá
nhiều, quá dư thừa, anh tỏ ra không cần đến sự trợ giúp của Thiên Chúa nữa. Vì
thế, anh ra về mà không được biến đổi. Chúa Giêsu còn khẳng đinh: “Vì ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai tự
hạ mình xuống sẽ được tôn lên.” Và vì “Thiên
Chúa hạ bệ những ai quyền thế, Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường.”
Thưa quý OBACE, Lời Chúa hôm nay như lời
nhắc nhở để mỗi người đánh giá lại thái độ, nội dung và tâm tình của mình khi cầu
nguyện với Chúa, đồng thời cũng là câu trả lời cho những người thường kêu
trách Chúa: “Tại sao tôi cầu nguyện mà Chúa không nhận lời?”.
Chúng ta chưa được Chúa nhận lời có
thể là vì ta chưa đủ khiêm tốn khi đến trước mặt Chúa, ta chưa đủ thành tâm để
cầu xin với Chúa, nhất là chúng ta chưa chịu buông bỏ ý riêng và cái tôi của
mình, khiến Chúa không thể đặt thêm ơn Chúa vào tay ta được. Có thể nhiều người
đến với Chúa với một tâm hồn đầy tràn sự kiêu ngạo tự mãn, kể lể công trạng trước
mặt Chúa, đòi Chúa phải trả công hoặc đòi Chúa làm theo ý mình giống như người
biệt phái, khiến cho Chúa không thể đổ ơn Chúa vào tâm hồn ta, cũng không thể
trợ giúp ta cách nào được.
Thiên Chúa là Cha giàu lòng thương
xót, Ngài yêu thích những tâm hồn đơn sơ khiêm nhường, Ngài sẵn sàng mở rộng
vòng tay để ôm chúng ta vào lòng như người cha ôm lấy trẻ thơ. Vì thế, chúng ta
được mời gọi sống với Chúa bằng tâm hồn, thái độ của trẻ thơ: không kể lể,
không kiểu cách, chỉ một lòng tin tưởng cầu xin phó thác nơi Chúa, sẵn sàng để
cho Chúa cầm tay dẫn chúng ta đi, để cho Chúa soi sáng giúp giải quyết mọi công
việc, để cho Chúa an ủi vỗ về và để cho Chúa chữa lành những vết thương trong
tâm hồn.
Xin cho mỗi người trong chúng ta noi
gương Đức Maria sống và cầu nguyện cách khiêm nhường trong mọi hoàn cảnh. Dù
giàu hay nghèo, sướng hay khổ, thành công hay thất bại, dù gia đình hạnh phúc
hay đang gặp thử thách, Chúa đều biết và thấu hiểu tâm trạng của chúng ta. Hãy
đến với Chúa với tất cả sự chân thành để thưa lên với Chúa như người thu thuế: “Lạy Chúa xin thương xót con là kẻ tội lỗi”;
Lạy Chúa xin thương xót gia đình chúng con đang cận kề đổ vỡ! Xin thương trợ giúp
con trong cơn bĩ cực này! Chắc chắn những lời cầu xin tha thiết cùng với sự
khiêm nhường như thế sẽ thấu đến Thiên Chúa và sẽ lay động lòng thương xót của Ngài.
Amen.
Lm. Giuse Đỗ Đức Trí