THỨ BA TUẦN BÁT NHẬT PHỤC SINH
TIẾNG GỌI TÌNH YÊU
LỜI CHÚA: Ga 20,11-18
11 Bà Maria Mácđala đứng ở ngoài, gần bên mộ mà
khóc. Bà vừa khóc vừa cúi xuống nhìn vào trong mộ, 12 thì thấy
hai thiên thần mặc áo trắng ngồi ở nơi đã đặt thi hài của Đức Giêsu, một vị ở
phía đầu, một vị ở phía chân. 13 Thiên thần hỏi bà: “Này bà, sao bà khóc?” Bà
thưa: “Người ta đã lấy mất Chúa tôi rồi, và tôi không biết họ để Người ở đâu!” 14 Nói xong,
bà quay lại và thấy Đức Giêsu đứng đó, nhưng bà không biết là Đức Giêsu. 15 Đức Giêsu
nói với bà: “Này bà, sao bà khóc? Bà tìm ai?” Bà Maria tưởng là người làm vườn,
liền nói: “Thưa ông, nếu ông đã đem Người đi, thì xin nói cho tôi biết ông để
Người ở đâu, tôi sẽ đem Người về”. 16 Đức
Giêsu gọi bà: “Maria!” Bà quay lại và nói bằng tiếng Hípri: “Ráp-bu-ni!” (nghĩa
là “Lạy Thầy”). 17 Đức Giêsu
bảo: “Thôi, đừng giữ Thầy lại, vì Thầy chưa lên cùng Chúa Cha. Nhưng hãy đi gặp
anh em Thầy và bảo họ: “Thầy lên cùng Cha của Thầy, cũng là Cha của anh em, lên
cùng Thiên Chúa của Thầy, cũng là Thiên Chúa của anh em”. 18 Bà Maria
Mácđala đi báo cho các môn đệ: “Tôi đã thấy Chúa”, và bà kể lại những điều
Người đã nói với bà.
SUY NIỆM
Có một câu danh ngôn nói rằng: “Khi bạn yêu một ai đó với tất cả trái tim mình, thì tình yêu đó không
bao giờ mất đi, ngay cả lúc hai người phải chia xa”. Đặc tính của tình yêu là
luôn tạo nên một sự gắn kết bền chặt giữa hai tâm hồn. Bởi yêu là đi tới, là hướng
về người mình yêu.
Trong đoạn Tin Mừng hôm nay, Thánh Gioan cho chúng
ta thấy một trong những biểu hiện của tình yêu giữa bà Maria Mácđala và Đấng Phục
Sinh. Một buổi sáng đầy u buồn sau cái chết của Thầy Giêsu, bà Maria Mácđala đi ra mộ một
mình. Bà mang trong lòng mối sầu nặng trĩu, nước mắt còn ngấn trên mi. Có lẽ
không phải ra đến mộ bà mới khóc nhưng đã khóc từ lúc còn ở nhà và khóc suốt
quãng đường dài. Maria khóc là để vơi đi nỗi buồn, cũng có thể là để kéo dài nỗi
buồn. Bà ôm mãi khối “u buồn” ở trong lòng, bà khóc cho đến lúc hai thiên thần
hiện ra hỏi “Này bà, sao bà khóc?” Đức Giêsu cũng hỏi
như thế nhưng bà chưa nhận ra Đấng Phục Sinh. Mãi đến khi Đức Giêsu cất tiếng gọi “Maria!”, bà mới bừng tỉnh và đáp lại bằng tiếng Hípri: “Ráp-bu-ni !” (nghĩa là “Lạy Thầy”).
Thánh Gioan có một cái nhìn tinh tế quan sát thấy Đức Giêsu
gọi đúng tên “Maria” đó là cách gọi thân thiết như thuở xưa Người vẫn từng gọi.
Đấng Phục Sinh đã gọi bằng một cung giọng thân thương trìu mến. Cuộc đời Maria
chắc hẳn đã trải qua nhiều đớn đau, vì những “tai tiếng” nên bà bị người đời
khinh dể. Chỉ có Thầy Giêsu là người dành cho bà nỗi cảm thông sâu sắc nên bà
còn nhớ mãi giọng điệu ấy. Và bây giờ trong lúc thất vọng tột cùng, Maria lại
được nghe tiếng gọi êm đềm ấy. Bà chợt bừng tỉnh và nhận ra Đấng Phục Sinh.
Tiếng gọi ấy còn giúp Maria nhận ra không có gì cách biệt
giữa hai thế giới âm – dương. Chính tình yêu đã xóa nhòa và vượt qua mọi ranh
giới giữa sự sống và sự chết. Và điều đó cũng minh chứng rằng Chúa Giêsu đã
chiến thắng tất cả bằng tình yêu. Từ một tiếng gọi thân thương ấy, Maria đã
được thức tỉnh. Tiếng khóc u buồn đã tắt lịm và được thay thế bằng niềm vui
tràn trề. Một
tiếng gọi tình yêu. Tình yêu của Thầy Giêsu đã thức tỉnh trái tim và con mắt
đức tin nơi Maria khiến bà vượt thắng được nỗi buồn bắt đầu chạy về báo cho các
môn đệ. Tiếng gọi tình yêu như giục giã thôi thúc Maria lên đường tiến bước. Tình
yêu có sức biến đổi và lan tỏa mạnh mẽ. Từ một Maria buồn sầu ủ rũ, bà đã được
biến đổi để trở thành nữ môn đệ đầu tiên của Giáo hội.
Maria hành động theo lối suy luận của riêng mình và
mang đầy cảm tính. Đấng Phục Sinh đã thay đổi cái nhìn và hành động của bà. Maria
đi tìm những gì là vật chất cụ thể, Đấng Phục Sinh hướng bà đến điều thánh
thiêng “Thôi, đừng giữ Thầy lại, vì Thầy chưa lên cùng Chúa Cha”. Maria
cầm giữ tình yêu, còn Đấng Phục Sinh thì mở ra, lan tỏa tình yêu đến người
khác. Ngài đề nghị Maria ra đi báo Tin Mừng cho các môn đệ. Maria hướng đến một
con người, một đối tượng. Đấng Phục Sinh hướng đến các tông đồ và nhân loại
rộng lớn. Tác gia William Arthur Ward đã chân nhận rằng “Yêu không
chỉ là một danh từ, nó là động từ; nó không chỉ là cảm xúc, nó là quan tâm,
chia sẻ, giúp đỡ, hy sinh”. Chính tình yêu của Đấng Phục Sinh đã làm thay đổi
con người Maria, làm cho tình yêu của bà lớn lên qua tất cả.
Đôi lúc trong cuộc sống Đấng Phục Sinh cũng gọi
chúng ta như đã gọi Maria. Người gọi chúng ta qua mọi biến cố vui buồn, gọi
trong lúc thênh thang của sự thành công hạnh phúc. Người cũng gọi chúng ta
trong những lúc ê chề thất vọng, gọi trong nỗi chán chường nặng nề của tội lỗi
và những đam mê. Người vẫn gọi chúng ta trong ân sủng và tình yêu, trong nỗi
cheo leo của phận người, gọi trong nỗi khát vọng một chân trời hạnh phúc. Người
vẫn gọi nhưng có thể chúng ta còn mải mê chạy theo tiếng gọi của vật chất, của
tiền tài danh vọng. Chúng ta cần phải được Đấng Phục Sinh biến đổi, để biết lan
tỏa tình yêu thương cho mọi người, biết mở lòng ra cho một sứ vụ lớn lao.
Chúa không ngừng mời gọi và tạo cơ hội để chúng ta
nhận ra sự hiện diện của Chúa. Nhận ra Đấng Phục Sinh không phải là điều dễ
dàng bởi lẽ chúng ta còn khép kín lòng mình, còn chỉ “cúi nhìn vào trong mồ”
mà không chịu ngước mắt lên cao. Chúng ta còn sống trong não trạng và những ý
nghĩ tiêu cực vì chưa xác tín vào Chúa Phục Sinh. Niềm tin nơi chúng ta còn nhạt
nhòa, mong manh, tình yêu nơi chúng ta chưa đủ độ chín để nhận ra Chúa đã phục
sinh.
Đặc tính của tình yêu là lắng nghe và đáp trả. Maria
Mácđala đã nghe được tiếng Chúa gọi và mau mắn đáp trả. Ước gì chúng ta biết mở
lòng ra khao khát tìm gặp Đấng Phục Sinh. Hơn lúc nào hết chúng ta đang sống
trong một xã hội bài thiêng tục hóa, con người ngày nay không còn tin nhận một
Thiên Chúa quyền năng và cũng đầy yêu thương. Xin cho mỗi người chúng ta đón nhận
ơn soi sáng và sức mạnh từ Đấng Phục Sinh để sẵn sàng ra đi loan báo Tin Vui cho
mọi người.
Nt. M. Anh Thư, OP