Suy Niệm Lời Chúa
Thứ Ba Tuần VI Phục Sinh
Lời Chúa : Ga 16,
5-11
(5) Bây giờ Thầy đến cùng
Ðấng đã sai Thầy, và không ai trong anh em hỏi: Thầy đi đâu? (6)
Nhưng vì Thầy nói ra các điều ấy, nên lòng anh em tràn ngập nỗi ưu phiền. (7)
Song, Thầy nói thật với anh em: Thầy ra đi thì có lợi cho anh em; Thật vậy, nếu
Thầy không ra đi, Ðấng Bảo Trợ sẽ không đến với anh em, nhưng nếu Thầy đi, Thầy
sẽ sai Ðấng ấy đến với anh em. (8) Và Ngài đến, Ngài sẽ bắt lỗi thế
gian: khi Người đến, Người sẽ chứng minh rằng thế gian sai lầm về tội lỗi, về
sự công chính, và việc xét xử. (9) Về tội: vì họ không tin vào Ta. (10)
Về sự công chính: vì Thầy đến cùng Chúa Cha, và anh em không còn thấy Thầy nữa.
(11) Về việc xét xử: vì thủ lãnh thế gian này đã bị xét xử rồi.
Suy niệm
1. Lòng anh em
tràn ngập ưu phiền (c. 5-6)
a. Chắc chắc, chúng ta cũng đã có
kinh nghiệm ưu phiền này, khi chứng kiến sự ra đi của người thân yêu. Tuy
nhiên, trong cuộc sống, chúng ta được mời gọi vượt qua tương quan bằng sự hiện
diện thể lý, để đi vào tương quan ngay trong sự vắng mặt. Bởi lẽ, sự vắng mặt
là điều không thể tránh, và tương quan trong sự vắng mặt mới là tương quan đích
thực; vì, người kia không còn ở bên ngoài, nhưng hiện diện ngay trong lòng và
trong cuộc sống của mình. Hơn nữa, trong viễn tượng Nước Trời, chúng ta được
mời gọi hướng về niềm hi vọng được xum họp mãi mãi bên nhau trong Thiên Chúa Ba
Ngôi, nguồn sự sống và tình yêu.
Trong trình thuật Hai Môn Đệ Emmau, Thánh Sử Luca kể
rằng: «Mắt họ liền mở ra và họ nhận ra Người,
nhưng Người lại biến mất” (Lc 24, 31). Ngài biến mất về phương diện thể lý,
nhưng Thánh Thần của Người sẽ làm cho các môn đệ sống sự hiện diện vô hình,
nhưng rất sống động của Người trong mọi sự.
2. Đấng Bảo Trợ
(c. 7)
Chính vì thế, trước sự ra đi của Đức Giê-su, các môn đệ
được mời gọi hãy vui lên, như ĐGS đã nói trong bài Tin Mừng của ngày thứ ba
tuần trước: «Nếu anh em yêu mến Thầy, thì hẳn anh em
đã vui mừng vì Thầy đi về cùng Chúa Cha, bởi vì Chúa Cha cao trọng hơn Thầy (Ga
14, 28). Chúa Cha là Cội Nguồn của sự sống và tình yêu, của chính Đức Giê-su,
của loài người và của mỗi người chúng ta; vì thế, trở về với Thiên Chúa Cha
phải là niềm vui.
Ngoài ra,
trong bài Tin Mừng, Đức Giê-su còn đưa ra một lí do khác nữa, để mời gọi của
môn đệ hãy vui lên:
Thầy ra đi thì có lợi
cho anh em. Thật vậy, nếu Thầy không ra đi, Đấng Bảo Trợ sẽ không đến với anh
em; nhưng nếu Thầy đi, Thầy sẽ sai Đấng ấy đến với anh em.
Như thế, sự
ra đi của Đức Giê-su chứa đựng một điều bí ẩn; và điều bí ẩn này là một sự hiện
diện, một sự hiện diện viên mãn. Bởi lẽ, Thánh Thần, được Chúa Con gởi tới từ
cung lòng của Chúa Cha, sẽ đến cư ngụ trong lòng của từng người môn đệ để thông
truyền phẩm giá Người Con duy nhất của Thiên Chúa. Vậy, các môn đệ cần phải làm
gì, nếu không phải là dành chỗ cho Thánh Thần đến cư ngụ trong lòng của mình,
với niềm vui?
3. Tội lỗi, công
chính và xét xử (c. 8-11)
Ngoài ra,
Thánh Thần còn được gọi là “Đấng Bảo Trợ” (Paraclet), bảo trợ các môn đệ chống
lại sự tấn công của Sự Dữ, của Satan, của “Thủ Lãnh Thế Gian”. Một trong những
cách tấn công rất nguy hiểm của Satan là làm cho chúng ta nghi ngờ tình yêu và
lòng thương xót của Thiên Chúa, để giam hãm chúng ta trong tù ngục mặc cảm, sợ
hãi, kêu trách, ham muốn, ghen tị. Vì thế, Thánh Thần sẽ bảo trợ các môn đệ
bằng cách chứng minh Satan sai lầm, đối với Đức Giê-su, và ngang qua Người, đối
với tất cả những ai thuộc về Người:
a. Sai lầm
về tội lỗi: tội trong yếu tính, không phải là lỗi luật, nhưng là không tin nơi Đức
Giê-su, Đấng là Ánh Sáng. Không tin nơi Ánh Sáng, đồng nghĩa với lựa chọn bóng
tối và sự chết: “Ngôi Lời là ánh sáng thật, ánh sáng đến thế gian và chiếu soi
mọi người” (Ga 1, 9; có thể đọc thêm Ga 3, 19-21.36; 8, 21-24; 9, 41; 12, 46;
15, 21-25)
b. Sai lầm
về công chính: trong cuộc Thương Khó, Satan đã lên án, ngang qua những con
người cụ thể, Đức Giê-su nhân danh sự công chính của lề luật. Tuy nhiên, cuộc
Thương Khó lại là con đường Đức Giê-su đến cùng Chúa Cha. Điều này cho thấy,
Satan là bất chính, và Đức Giê-su là Đấng Vô Tội và Công Chính, và toàn bộ lời
nói và hành động của Người là sự thật.
c. Và sai
lầm về xét xử: trong cuộc Thương Khó, chính khi Satan xét xử Đức Giê-su, thì
Satan lại bị xét xử: “Hỡi tử thần, đâu là chiến thắng của ngươi? Hỡi tử thần,
đâu là nọc độc của ngươi?” (1Cor 15, 55)
* * *
Như thế, trong viễn tượng của mầu nhiệm Đức Ki-tô lên
trời và mầu nhiệm Thánh Thần hiện xuống, chúng ta được mời gọi đặt mình trong
niềm vui của Con Thiên Chúa và của Thiên Chúa, khi sai Thánh Thần đến với chúng
ta ; và xin cho chúng ta nhận ra và cảm nếm, niềm vui của Thiên Chúa Ba
Ngôi là niềm vui của chính chúng ta.
Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc