Trang Chủ > Suy Niệm > Thường Niên 13-25 > Tuần 13

Thứ Bảy Tuần XIII Thường Niên

THÁI ĐỘ DỨT KHOÁT

T7, TUẦN 13 TN.jpg

Tin Mừng   Mt 9,14-17

14 Khi ấy, các môn đệ ông Gio-an tiến lại hỏi Đức Giê-su rằng : “Tại sao chúng tôi và các người Pha-ri-sêu ăn chay, mà môn đệ ông lại không ăn chay ?” 15 Đức Giê-su trả lời : “Chẳng lẽ khách dự tiệc cưới lại có thể than khóc, đang khi chàng rể còn ở với họ ? Nhưng khi tới ngày chàng rể bị đem đi khỏi họ, bấy giờ họ mới ăn chay. 16 Chẳng ai lấy vải mới mà vá áo cũ, vì miếng vá sẽ co lại, khiến chỗ rách lại càng rách thêm. 17 Người ta cũng không đổ rượu mới vào bầu da cũ, vì như vậy, bầu sẽ bị nứt : rượu chảy ra và bầu cũng hư. Nhưng rượu mới thì đổ vào bầu mới : thế là giữ được cả hai.”

Suy niệm

Trên bước đường theo Ngài, Chúa Giêsu không chấp nhận bất cứ thỏa hiệp nào nơi người môn đệ: “Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình”. Nếu chính bản thân mà còn phải từ bỏ, thì huống chi những gì thuộc về thế gian. Thái độ dứt khoát này được Chúa Giêsu làm nổi bật trong cách xử thế của Ngài đối với một số những luật lệ Cựu ước. Trong khi các môn đệ của Gioan Tẩy Giả và những người Biệt phái tuân giữ một số ngày chay tịnh, thì Chúa Giêsu và các môn đệ của Ngài tự miễn chước. Hành động như thế, Chúa Giêsu muốn nói lên sự độc lập của Ngài và của các môn đệ đối với một số truyền thống cũ. Chúa Giêsu đã minh định thái độ của Ngài khi tuyên bố về sự hiện diện của Tân lang. Ngài chính là Tân lang, là Ðấng Cứu Thế mà con người mong đợi.

Theo truyền thống Do thái giáo, việc giữ chay được liên kết chặt chẽ với việc chờ đợi Ðấng Cứu Thế. Ăn chay có nghĩa là nói lên niềm trông đợi Ðấng Cứu Thế. Căn cứ trên ý nghĩa và mục đích của việc giữ chay như thế, Chúa Giêsu muốn cho mọi người thấy rằng Ngài chính là Ðấng Cứu Thế, do đó các môn đệ không cần giữ chay, bởi vì họ không cần phải trông đợi nữa. Ðó là thái độ hợp thời và hợp lý: họ đang sống bên Chúa Giêsu: thái độ của họ không phải là thái độ buồn sầu, khóc lóc. Thời của Ðấng Cứu Thế không phải là thời của tang chế, ủ dột, mà là thời của hân hoan.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, những môn đệ của Thánh Gioan Tẩy Giả đã chất vất Chúa Giêsu về việc ăn chay của Người và các môn đệ Người. Dưới con mắt của những con người bình thường, những người theo Chúa chẳng cần chay tịnh, chẳng cần hãm mình, không đúng với tinh thần chung của tôn giáo. Thế nhưng, Chúa Giêsu đã thức tỉnh họ rằng, tân lang còn ở với khách dự tiệc, cớ sao họ phải buồn rầu.

Chúa Giêsu quả là một người quan sát tinh tế vì ở thời đó người ta chưa có bình đựng rượu nên họ thường chứa trong một cái bầu làm bằng da thú. Nếu rượu cũ đổ vào bầu da mới, rượu lên men và thải ra lượng khí carbon độc hại, túi da sẽ rách và rượu chảy ra ngoài. Trái lại rượu mới phải chứa trong bầu da mới vì da mới có tính đàn hồi nên sẽ không bị rách.

Chúa Giêsu còn dùng một hình ảnh rất quen thuộc với mọi người như việc lấy vải mới vá vào áo cũ, miếng vải mới làm áo dúm lại, và chỗ rách lại càng rách to hơn. Với lối nói so sánh bằng hình ảnh, Chúa Giêsu muốn mời gọi chúng ta cần có một tư tưởng mới, một cái nhìn cởi mở thì mới hiểu được những việc Chúa làm, hiểu được những giá trị của Tin Mừng. Có thể nói đây là một cuộc cách mạng lề luật giúp người ta không bị héo mòn trong mớ lề luật để vươn lên tầm cao mới của tình yêu mến. Việc ăn chay, đi lễ, đọc thiên kinh vạn quyển mà thiếu đức ái thì việc ấy có ích gì. Nếu chỉ giữ lề luật mà trong lòng còn chất chứa sự hận thù ghen ghét, đối xử bất công với người khác thì nào có ích gì.

Trong cuộc sống, không phải cái gì cũ cũng là xấu, trái lại kỷ niệm xưa thì đáng trân trọng, bạn cũ, đồ cổ thì quý. Trái lại cũng có trang vở mới tinh khôi, thanh khiết, có con đường mới thẳng tắp, chiếc cầu mới nối liền nhịp sống hai bên bờ sông…Đó là cái mới đáng trân trọng được xây nền tảng cái cũ, được chắt lọc từ sự tinh túy của cái cũ. Chúa Giêsu đã đến không phải để phá bỏ cái cũ nhưng kiện toàn và khắc lên đó một tinh thần mới, tinh thần khiêm tốn phục vụ và yêu thương trọn vẹn.

Cuộc sống xã hội đang từng ngày đổi thay vì thế Giáo Hội cũng luôn trăn trở để tìm ra cách thế hữu hiệu nhất để loan báoTin Mừng sao cho đời sống đạo có chiều sâu vững vàng và phải bén rễ vào Đức Kitô, nếu không chúng ta sẽ bị đánh bật bởi những cái mới, trào lưu sống “hời hợt, ào ào, vội vã” mà đánh mất căn tính của mình. Xin Chúa Thánh Thần canh tân biến đổi chúng ta nên những người biết sẵn sàng lắng nghe những gợi hứng của Chúa Thánh Thần mà có thái độ sống đức tin linh hoạt, sống động phù hợp với chân lý đức tin và đạo hiếu con người.

Làm môn đệ Chúa Giêsu, sống với Chúa Giêsu, thái độ của người theo Chúa phải là sống tất cả cho Ngài và vì Ngài. Ðưa ra dụ ngôn chiếc áo và bình rượu, Chúa Giêsu muốn nói rằng thái độ của người môn đệ phải là thái độ dứt khoát tận căn, một thái độ không pha lẫn Tin Mừng với tinh thần thế tục.

Hình ảnh áo vá và rượu trong bầu da hình như không còn quen thuộc lắm nữa. Nếu Chúa nói chuyện với thính giả hôm nay, hẳn Ngài sẽ dùng những hình ảnh khác. Dù sao, cốt lõi sứ điệp vẫn rất rõ: Cần thích nghi để phù hợp! Ngữ cảnh ở đây là sự giải thích của Chúa Giê-su: Vì chàng rể đang hiện diện, nên các bạn hữu không ăn chay. Như vậy, chính sự hiện diện của Chúa Giê-su, tức của Tin Mừng, của Nước Trời, làm nên yếu tố mới mẻ và đòi người ta phải ứng xử phù hợp với yếu tố mới mẻ này. Tin Mừng Mát-thêu giới thiệu một loạt những cái mới nơi Chúa Giê-su và nơi giáo huấn của Ngài: yêu kẻ thù và cầu nguyện cho họ (chương 5), không phô trương khi làm việc lành phúc đức (chương 6)… Người ta chống Chúa Giê-su vì họ thích yên ổn trong nếp sống nếp nghĩ cũ hơn là chấp nhận bị xáo trộn để thay đổi cho phù hợp với tính mới mẻ mà Ngài đem lại!

Có thể cái nhìn của các môn đệ Thánh Gioan chỉ mang yếu tố thắc mắc đơn thuần, có chăng cũng chỉ là nhắc khéo Chúa Giêsu và các tông đồ không giữ truyền thống ăn chay hãm mình. Tuy nhiên, không phải ai cũng mang cái nhìn như họ. Ngày nay, tuy khoa học phát triển nhưng niềm tin của con người vào tôn giáo vẫn không bị mất đi. Thế nên, ăn chay vẫn rất phổ biến trong xã hội hiện đại. Dù vậy, không phải ai ăn chay cũng mang thiện chí trong lòng.

Thật vậy, xã hội ngày nay không ít người “khẩu Phật tâm xà”, “miệng nam mô bụng một bồ dao găm”… Họ chú trọng hình thức hơn nội dung, chỉ ăn chay mà không tĩnh tâm, hãm mình, ăn chay nhưng lại mang lòng đố kị, ganh ghét người khác, ăn chay nhưng lại mưu mô, xảo trá, nghĩ cách hãm hại người khác… Chính những thành phần như thế đã khiến người khác nghĩ không hay về tôn giáo.

Là người Kitô hữu, chúng ta nhận biết được tầm quan trọng của việc chay tịnh cả hình thức bên ngoài lẫn nội dung cốt lõi bên trong. Giữ chay không chỉ là tĩnh tâm, hãm mình mà còn là một việc làm bác ái. Thế nên, chúng ta phải biết trở nên gương sáng cho anh chị em lương dân nhìn thấy để có thiện cảm với đạo Công giáo; biết sống yêu thương, phục vụ mọi người, biết tha thứ những lỗi lầm thiếu sót của tha nhân… Chúng ta phải biết sống thật tâm, thật lòng, đừng vì sự hào nhoáng bên ngoài khiến chúng ta trở thành những kẻ đạo đức giả.

Huệ Minh

 

 


Các bài viết mới hơn
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần XIII Thường Niên_Nt. M. Anh Thư, OP

Các bài viết cũ hơn
     Suy niệm Thứ Sáu Tuần XIII Thường Niên_Tân Quang
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần XIII Thường Niên_Lm. Giuse Nguyễn Duy Khang
     Suy niệm Lời Chúa Lễ Thánh Phêrô và Phaolô_Lm. Đan Vinh - HSTM
     Suy Niệm Lời Chúa Lễ Thánh Phêrô Và Phaolô_Nt. Maria Trần Thị Thu Trang, OP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần XIII Thường Niên_Nt. Têrêsa Nguyễn Thị Kim Tuyến, OP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Hai Tuần XIII Thường Niên_Lm Giuse Phạm Hoàng Vũ
     Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật Tuần XIII Thường Niên_Lm Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật Tuần XIII Thường Niên_Lm Đan Vinh - HSTM
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần XIII Thường Niên - Nt. Maria Nguyễn Thị Anh Thư, OP
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần XIII Thường Niên - Lm. Ant Nguyễn Cao Siêu, SJ