ĐỒNG BÀN VỚI NGƯỜI TỘI LỖI
THỨ SÁU XIII
THƯỜNG NIÊN
LỜI CHÚA: Mt
9,9-13
9 Khi ấy, Đức Giêsu đi ngang qua trạm thu thuế, thì thấy một người tên là Matthêu đang ngồi
tại trạm. Người bảo ông: “Anh hãy theo tôi!”. Ông đứng dậy đi theo
Người. 10
Khi Đức Giêsu đang dùng bữa tại nhà ông ấy, có nhiều người thu thuế
và tội lỗi kéo đến, cùng ăn với Người và các môn đệ.
11 Thấy vậy, những người Pharisêu nói
với các môn đệ Người rằng: “Sao Thầy các anh lại ăn uống với bọn thu thuế
và quân tội lỗi như vậy?” 12 Nghe thấy thế, Đức Giêsu nói: “Người khỏe mạnh không cần thầy
thuốc, người đau ốm mới cần. 13 Hãy về học cho biết ý nghĩa của câu này: Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế. Vì tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi.
SUY NIỆM
Trích đoạn Tin Mừng hôm nay cho
chúng ta thấy hai thái độ đáng gọi là anh hùng đó là thái độ của Matthêu và
Chúa Giêsu. Thánh sử Matthêu thuật lại rằng Chúa Giêsu đi ngang qua, thấy một
người ngồi ở bàn thu thuế, tên là Matthêu. Người phán bảo ông: "Hãy theo Ta". Ông ấy đứng dậy đi
theo Người. Thái độ của viên thu thuế làm cho mọi người ngạc nhiên vì ông đã
bất chấp mọi sự “đứng dậy đi theo” Chúa
Giêsu.
Thời
bấy giờ, người làm nghề thu thuế người thường bị xã hội khinh miệt và xa lánh,
đó là công việc chỉ dành cho dân ngoại, một công việc đáng lên án vì đục khoét tiền của người dân và làm giàu cho đế quốc.
Chúa Giêsu đã vượt qua biên giới, mọi
quan niệm, mọi rào cản mà đến với người thu thuế. Người đã nhìn ông bằng ánh
mắt cảm thông và tha thứ, Người đến với người tội lỗi bằng sự kiếm tìm chân
thành, bằng tất cả sự trân trọng của một con người, một bệnh nhân đang cần thầy
thuốc chữa trị. Nhằm đánh đổ mọi cái nhìn khinh miệt của đám biệt phái đang xầm
xì, Chúa Giêsu đã đến ngồi đồng bàn ăn uống với người thu thuế và tội lỗi.
Đối với người Do Thái, bữa ăn có tính thiêng liêng. Đó
là lúc người ta thông hiệp với nhau trong tình bạn và cùng chia sẻ
với nhau một thứ đồ ăn, thức uống. Chính vì thế ăn uống với người tội lỗi là
điều không được phép, vì điều ấy sẽ khiến mình có thể bị nhiễm uế. Thái độ của Chúa Giêsu mang đầy
tính nhân văn cao đẹp biểu hiện ở chỗ Ngài luôn tôn trọng phẩm giá con người
mặc dù tội lỗi thì xấu xa và đáng trách. Một
lần nữa Chúa Giêsu khẳng định rõ về sứ mạng của mình “Ta không đến để kêu gọi người công chính, nhưng kêu gọi
người tội lỗi".
Lời Chúa mời gọi chúng ta nhìn lại thân phận con
người của mình là hữu hạn và đầy khiếm khuyết. Vì thế chúng ta rất cần ân sủng và ơn
cứu độ của Thiên Chúa. Chỉ có Thiên Chúa mới làm cho ta được tròn đầy viên mãn. Chỉ có tình yêu
mới khỏa lấp được khoảng trống trong tâm hồn ta. Ai chưa một lần lầm lỗi, vấp
ngã thì không hiểu được sự cần thiết của ơn tha thứ. Ai chưa từng nếm trải đau
khổ mất mát, không thể trưởng thành. Bởi vì không đau khổ lấy chi làm chất liệu
sống, không buồn thương làm sao biết chuyện con người.
Chính Đức
Giêsu dù là Con Thiên Chúa đã mặc lấy thân phận con người để cảm thông và chia
sẻ những yếu đuối của kiếp người. Cũng trong ý hướng ấy, Giáo hội khẳng định “con
người là con đường của Giáo hội”. Con người cần được tôn trọng phẩm giá,
cần được yêu thương vì con người là đối tượng của Giáo Hội, là tạo vật được cứu
chuộc bằng giá máu châu báu của Đức Giêsu.
Thế giới hôm
nay đang cần được yêu thương, được chăm sóc và chữa lành. Nhưng vấn đề là phải
bắt đầu từ đâu và như thế nào? Chúng ta chỉ có được câu trả lời đó khi biết tin
tưởng vào tình thương của Thiên Chúa. Đức Giêsu đã đến chia sẻ thân phận con
người như chúng ta. Người đã dạy ta luôn sống hy vọng giữa những mất mát, đau
khổ, giữa cảnh tối tăm sợ hãi. Chính Chúa còn làm gương cho chúng ta khi Chúa đón tiếp
người tội lỗi. Đi đến đâu Chúa đều cứu chữa những thương tật của con người, kẻ
què đi được, người điếc được nghe, người mù được xem thấy và kẻ nghèo được đón
nhận Tin Mừng.
Yêu là cho đi, là chấp nhận tất cả, là phục vụ và dấn
thân. Trên thập giá, Chúa Giêsu định nghĩa về tình yêu là hy sinh cả mạng sống
mình. Khi yêu, con người ta mở lòng ra đón nhận tất cả. Hãy yêu nhau vì yêu chứ
đừng vì sắc đẹp, tiền bạc hay danh vọng. Yêu nhau vì yêu chứ đừng yêu vì được
yêu lại. Đừng chỉ trao tặng nhau những đồ vật quý giá mà hãy đem tình yêu hiến
dâng cho nhau. Ngày nào chúng ta không sống chữ yêu, ngày đó trôi đi một cách
vô nghĩa. Ơn gọi đích thực của Kitô hữu là sống chữ yêu cho trọn vẹn, nếu ngày
nào ta không sống yêu thương ngày đó ta đánh mất ơn gọi của mình.
Những lý do khiến chúng ta khó yêu thương người khác là
tính ích kỷ, ganh ghét, sợ thua thiệt, sợ phải hy sinh...Hãy vượt qua con người
của mình để học yêu tất cả mọi người dù họ là ai, dù họ giàu hay nghèo, giỏi
hay dốt. Ước mong mỗi ngày chúng ta biết sống và viết lên chữ yêu cho đẹp hơn.
Trong thông điệp Fratelli
Tutti (số 32), Đức Thánh Cha Phanxicô cho chúng ta một cái nhìn tích cực về
tình liên đới giữa mọi người, nhất là giữa đại dịch Covid-19. Nó khơi lại cảm
thức rằng chúng ta là một cộng đồng, tất cả ở trên cùng một con thuyền, trong
đó những vấn đề của một người là những vấn đề của mọi người. Không ai được cứu
một mình, chúng ta chỉ có thể được cứu cùng với nhau. Chúng ta không được phép
loại trừ một ai, dù họ đầy những đam mê tội lỗi.
Nhìn ở một khía cạnh nào đó, chúng ta cũng là những người
tội lỗi. Mỗi ngày Chúa cũng mời gọi và cho ta được chung niềm vui trong bàn
tiệc Thánh Thể. Hãy cảm tạ Chúa về hồng ân này. Đồng thời chúng ta cũng quảng
đại đón nhận người khác với tất cả sự giới hạn, vì họ là hình ảnh của Chúa, là
chi thể trong thân thể nhiệm mầu của Đức Kitô.
Lạy Chúa Giêsu là Đấng
giàu lòng thương xót, Chúa đã đến mang lấy mọi tội lỗi của con người mà đưa lên
thập giá, xin đừng chê tấm lòng tan nát khiêm cung của chúng con. Xin ân sủng
và tình thương Chúa rửa sạch chúng con khỏi mọi tội lỗi, để mai sau chúng con được
chung hưởng phần phúc với Chúa trong bàn tiệc Nước Trời. Amen.
Nt. M. Anh Thư, OP