THỨ
BẢY TUẦN XIII THƯỜNG NIÊN
RƯỢU
MỚI TRONG BẦU DA MỚI
LỜI CHÚA: Mt 9,14-17
14 Bấy giờ, các môn đệ ông Gioan tiến lại hỏi Đức Giêsu rằng:
“Tại sao chúng tôi và các người Pharisêu ăn chay, mà môn đệ ông lại không ăn
chay ?” 15 Đức Giêsu trả lời: “Chẳng
lẽ khách dự tiệc cưới lại có thể than khóc, đang khi chàng rể còn ở với họ
? Nhưng khi tới ngày chàng rể bị đem đi
khỏi họ, bấy giờ họ mới ăn chay. 16
Chẳng ai lấy vải mới mà vá vào áo cũ, vì miếng vá sẽ co lại, khiến chỗ rách lại
càng rách thêm. 17 Người ta cũng
không đổ rượu mới vào bầu da cũ, vì như vậy, bầu sẽ bị nứt: rượu chảy ra và bầu
cũng hư. Nhưng rượu mới thì đổ vào bầu mới: thế mới giữ được cả hai”.
SUY NIỆM
Người
dân Dothái, đặc biệt những người Pharisêu thường hay hồi tưởng về quá khứ với
những truyền thống tôn giáo hào hùng, họ ăn chay cầu nguyện giữ luật nghiêm ngặt
để biểu hiện lòng trung thành với tổ tiên. Vì thế khi thấy các môn đệ của Đức
Giêsu không ăn chay, những người nhóm Pharisêu cảm thấy khó chịu, họ đã tiến lại
chất vấn Đức Giêsu: “Tại sao chúng tôi và
các người Pharisêu ăn chay, mà môn đệ ông lại không ăn chay?” (c.14). Bấy
giờ Chúa Giêsu dùng ba hình ảnh để giải thích cho họ hiểu rõ tinh thần của việc
giữ luật ăn chay.
“Chẳng lẽ khách dự tiệc cưới lại có thể than khóc, đang
khi chàng rể còn ở với họ?” (c.15). Khi khẳng định
điều này,
Chúa Giêsu không trực tiếp trả lời câu hỏi nhưng Người so sánh việc giữ chay
giống như niềm vui của thực khách khi dự tiệc cưới. Theo quan niệm của người
phương Đông, hôn lễ là ngày “đại hỷ”, là thời gian đặc biệt chứa chan niềm vui.
Những vị khách cụ thể là những bạn hữu của chú rể phải góp phần tạo niềm vui
cho đôi tân hôn. Vì thế khách mời mà giữ chay khi dự tiệc cưới là không xứng
hợp.
Theo lối nhìn của các nhà chú giải
Kinh Thánh, hình ảnh tiệc cưới có ý chỉ niềm vui cứu độ của Thiên Chúa được nói
trong sách Isaia: “Tôi mừng rỡ muôn phần
nhờ Đức Chúa, nhờ Thiên Chúa tôi thờ, tôi hớn hở biết bao! Vì Người mặc cho tôi
hồng ân cứu độ, choàng cho tôi đức chính trực công minh, như chú rể chỉnh tề
khăn áo, tựa cô dâu lộng lẫy điểm trang” (Is 61,10). Khi thời Cứu Độ đến
mọi người sẽ hớn hở vui mừng, áo quần xúng xính chỉn chu như cô dâu chú rể
trong ngày tân hôn. Chúa Giêsu ví mình như Tân Lang đem đến niềm hạnh phúc tràn
trề cho Tân Nương là Giáo Hội. Người sẽ khải hoàn vinh thắng thiết lập trời mới
đất mới, lúc ấy mọi tạo vật reo vui vì không còn phải rên xiết mong ngóng đợi chờ.
Thánh sử Matthêu nhấn mạnh về thời
cứu độ đó là lúc Thiên Chúa thực hiện lời hứa ban niềm vui và hạnh phúc cho
muôn dân. Chúa Giêsu đến khai mạc thời cánh chung, mở ra chân trời mới đầy hy
vọng. Khi có Chúa Giêsu hiện diện, các môn đệ sẽ tận hưởng được niềm vui và còn
lan tỏa niềm vui ấy cho mọi người nên họ sẽ không ăn chay khóc lóc.
Chúa Giêsu dùng hình ảnh rất quen thuộc
về cách chứa rượu của người Dothái. Thời đó người ta chưa có một loại bình chuyên
dùng để đựng rượu nên họ thường chứa trong một cái bầu làm bằng da thú. Nếu rượu
cũ đổ vào bầu da mới, rượu lên men và thải ra lượng khí carbon
độc hại, túi da sẽ rách và rượu chảy ra ngoài. Trái lại rượu mới phải chứa
trong bầu da mới vì da mới có tính đàn hồi nên sẽ không bị rách.
Chúa Giêsu dùng hình ảnh một người lấy
vải mới vá vào áo cũ, miếng vải mới làm áo dúm lại, và chỗ rách lại càng rách
to hơn. Với lối nói so sánh bằng hình ảnh, Chúa Giêsu mời
gọi chúng ta cần có một cái nhìn đúng đắn để hiểu được những việc Chúa làm,
hiểu được những giá trị của Tin Mừng. Có thể nói đây là một cuộc cách mạng lề
luật giúp người ta không bị héo mòn trong mớ luật nặng nề để vươn lên tầm cao
mới của tình yêu mến. Việc ăn chay, đi lễ, đọc thiên kinh vạn quyển mà thiếu
đức ái thì chẳng có ích gì. Nếu giữ luật mà trong lòng còn chất chứa lòng hận
thù ghen ghét, đối xử bất công với người khác thì việc ăn chay cũng chỉ là thái
độ giả hình.
Qua ba hình ảnh tiệc cưới, bầu da và việc vá áo, Chúa
Giêsu muốn các môn đệ tiến xa hơn trong việc giữ luật để đi vào sự kết hợp thâm
sâu thân tình với Thiên Chúa, thao thức tìm kiếm ý nghĩa đích thực của Tin Mừng
giữa những điều luật buộc phải giữ. “Rượu
mới, bầu cũng phải mới”, cái “mới” ở đây không phá bỏ cái “cũ” nhưng đã
được chắt lọc từ tinh hoa của cái cũ. Tin Mừng của Chúa phải được đón nhận bằng
tất cả lòng quảng đại và yêu mến. Nếu luật cũ là “mắt đền mắt, răng đền răng”
thì luật mới phải vượt lên sự hiềm thù đền trả “1 với 1” mà là “nếu bị ai vả má bên phải thì hãy giơ cả má
bên trái ra nữa. Nếu ai muốn lấy áo trong của anh thì hãy để cho nó lấy cả áo
ngoài. Nếu có người bắt anh đi một dặm thì hãy đi với người ấy hai dặm. Ai xin
thì hãy cho; ai muốn vay mượn thì đừng ngoảnh mặt đi” (Mt 5,39-42).
Nếu luật cũ là phải trả thù thì luật mới là biến thù
thành bạn. Nếu luật cũ khi ăn chay là sống trong than van khóc lóc, thì luật
mới là sống trong niềm tin và hy vọng, là cất đi chiếc khăn tang u buồn, là mặc
áo mới, xức dầu thơm trên đầu...Thiên Chúa là một ngôi vị, Người không bị lệ
thuộc vào thời gian và không gian. Người là khởi nguyên và cùng đích, hôm qua
hôm nay và mãi mãi cho đến muôn đời. Khi sống kết hợp mật thiết với Thiên Chúa,
con người sẽ được hoán cải, được đổi mới bằng ân sủng và tình yêu. Chính ân
sủng và tình yêu tinh ròng của Thiên Chúa tôi luyện chúng ta trở nên mạnh mẽ
vượt thắng con người hèn yếu tội lỗi. Thời ăn chay chính là lúc chờ đợi. Khi đã
gặp được Đức Lang Quân lòng chúng ta sẽ vui mừng hớn hở, sẽ không còn bị lệ
thuộc vào luật lệ mà quảng đại dấn thân cho sứ vụ loan báo Tin Mừng.
Trong cuộc sống, không phải cái gì cũ cũng là xấu,
trái lại kỷ niệm xưa thì đáng trân trọng, bạn cũ thì thân tình, đồ cổ thì quý.
Trái lại cũng có trang vở mới tinh khôi, thanh khiết, có con đường mới thẳng
tắp, chiếc cầu mới nối liền nhịp sống hai bên bờ sông...Đó là cái mới đáng trân
trọng được xây trên nền tảng cái cũ, được chắt lọc từ sự tinh túy của cái cũ.
Chúa Giêsu đã đến không phải để phá bỏ cái cũ nhưng kiện toàn và thổi vào đó
một tinh thần mới, tinh thần khiêm tốn phục vụ và yêu thương trọn vẹn.
Đời sống xã hội hôm nay đang từng ngày đổi thay, vì
thế Giáo Hội cũng luôn trăn trở đi tìm cách thế hữu hiệu nhất để loan báo Tin
Mừng hầu cho đời sống đạo có chiều sâu vững vàng và phải bén rễ vào Đức Kitô,
nếu không chúng ta sẽ bị đánh bật bởi những cái mới, trào lưu sống vội mà đánh
mất căn tính của mình. Giáo Hội Chúa Kitô phải là giáo hội của niềm vui và hy
vọng, luôn lắng nghe và đồng cảm với người nghèo. Sở dĩ Tin Mừng Chúa Kitô chưa
được nhiều người đón nhận vì cách rao giảng của chúng ta chưa đáp ứng nỗi khát
vọng tâm linh nơi con người. Ước gì mỗi Kitô hữu biết đến với mọi người bằng
cung cách phục vụ khiêm tốn như Chúa Giêsu, bằng niềm hân hoan của thực khách
trong đại tiệc hôn lễ, bằng nỗi khao khát hướng đến điều trọn lành.
Đối với Thiên Chúa, cũ và mới không phải là vấn đề thời gian nhưng ở lòng
yêu mến. Chúa Giêsu đã đến giải thoát chúng ta khỏi sự trói
buộc cũ kỹ của thói hư tật xấu và tội lỗi. Xin cho chúng ta được biến đổi nên
những người biết lắng nghe những gợi hứng của Chúa Thánh Thần mà có thái độ
sống đạo linh hoạt, phù hợp với chân lý đức tin và đạo hiếu con người. Xin tình
yêu Thiên Chúa thánh hóa con tim và suy nghĩ của chúng ta, để mỗi ngày chúng ta
khám phá ra vẻ đẹp của Thiên Chúa chan hòa nơi những người xung quanh, để mỗi
ngày chúng ta sống tin yêu phó thác, quảng đại dấn thân làm chứng cho Tin Mừng.
Nt. M. Anh Thư,
OP