LỄ
THÁNH PHÊ-RÔ VÀ PHAO-LÔ
LÒNG MẾN
CỦA HAI TÔNG ĐỒ PHÊ-RÔ VÀ PHAO-LÔ
I. HỌC LỜI CHÚA
1. TIN MỪNG :
(c 13) Khi Đức Giê-su đến vùng kế
cận thành Xê-da-rê Philípphê, Người hỏi các môn đệ rằng : “Người ta
nói con Người là ai?” (c 14) Các ông thưa : “Kẻ thì nói
là ông Gio-an Tẩy Giả, kẻ thì bảo là ông Ê-li-a, có người lại cho là
ông Giêrêmia hay một trong các vị ngôn sứ”. (c 15) Đức Giê-su lại hỏi : “Còn anh em,
anh em bảo Thầy là ai ?” (c 16) Ông Si-mon Phê-rô thưa : “Thầy là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng
sống”. (c 17) Đức Giê-su nói với ông : “Này anh Si-mon con ông Giô-na, Anh thật
là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều đó,
nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời. (c 18) Còn Thầy, Thầy bảo
cho anh biết : Anh là Phê-rô,
nghĩa là Tảng Đá. Trên Tảng Đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của
Thầy. Và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi. (c 19) Thầy sẽ trao
cho anh chìa khóa Nước Trời. Dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên
trời cũng sẽ cầm buộc như vậy. Dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên
trời cũng sẽ tháo cởi như vậy”.
2. Ý CHÍNH : HỘI THÁNH
ĐƯỢC XÂY TRÊN ĐÁ TẢNG ĐỨC TIN CỦA PHÊ-RÔ.
Sau khi Si-mon đại diện cho Nhóm Mười Hai khẳng
định Người là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống (c 15-16), ông đã
được khen là có phúc (c 17), được đổi tên thành Phê-rô và được hứa xây
Hội Thánh trên nền tảng đức tin mà ông vừa tuyên xưng, tiên báo Hội
Thánh ấy sẽ trường tồn, bất chấp ma quỷ chống phá (c 18). Sau cùng
Người cũng trao cho ông chìa khóa Nước Trời với quyền cầm buộc và
tháo cởi (c 19).
3. HỎI ĐÁP VÀ CHÚ THÍCH :
HỎI 1 : Khi thay mặt
anh em tuyên xưng Đức Giê-su là “Con Thiên Chúa hằng sống”, phải chăng Si-mon
có ý nói về bản tính Thiên Chúa của Người ?
ĐÁP :
Có lẽ khi tuyên xưng Đức Giê-su là “Con Thiên
Chúa hằng sống”, Phê-rô vẫn chưa hiểu rõ ý nghĩa của tước hiệu ông
nói. Ông chỉ muốn giải thích ý nghĩa của tước hiệu Đấng Ki-tô, theo
lời ngôn sứ Na-than tuyên sấm về người con sẽ nối nghiệp vua Đa-vít
như sau : “Khi ngày
đời của ngươi đã mãn và ngươi đã nằm xuống với cha ông, Ta sẽ cho
dòng dõi ngươi đứng lên kế vị ngươi một người do chính ngươi sinh ra,
và Ta sẽ làm cho vương quyền nó được vững bền. Chính nó sẽ xây một
nhà để tôn kính Danh Ta, và Ta sẽ làm cho ngai vàng của nó vững bền
mãi mãi. Đối với nó, Ta sẽ là Cha. Đối với Ta, nó sẽ là con” (2 Sm
7,12-14). Lời ấy đã không ứng nghiệm nơi vua Sa-lô-mon. Từ đó, dân Do thái hằng trông
mong Đấng Thiên Sai thuộc dòng dõi vua Đa-vít sẽ đến. Về sau, trong cuộc
khải hoàn vào Giê-ru-sa-lem, Đức Giê-su cũng được dân chúng ca tụng
bằng tước hiệu “Con Vua Đa-vít” này (x. Mt 21,9). Khi tuyên xưng tước hiệu “Con
Thiên Chúa hằng sống”, Phê-rô chưa hiểu ý nghĩa lời ông nói. Sau đó,
Đức Giê-su đã cho biết ý nghĩa tước hiệu này nói về bản tính Thiên
Chúa, khi khen ông có phúc vì đã được Chúa Cha thương mặc khải sự
thật ấy (x Mt 16,17).
HỎI 2 : Tại sao Đức Giê-su
đổi tên Si-mon thành Phê-rô ? Việc đổi tên chính xác xảy ra vào lúc nào : Khi vừa gặp
mặt (x Ga 1,42), khi thành lập Nhóm Mười Hai (x Mc 3,16; Lc 6,14) hay sau
khi Phê-rô tuyên xưng đức tin (x Mt 16,18) ?
ĐÁP :
Có thể Đức Giê-su đã đặt tên Phê-rô cho Si-mon
khi vừa gặp mặt (x. Ga 1,42), hay khi thành lập Nhóm Mười Hai (x. Mc
3,16; Lc 6,14). Tuy nhiên có lẽ việc đổi tên xảy ra sau lời tuyên xưng
đức tin của Si-mon là hợp lý nhất (x. Mt 16,18), vì sau khi đổi tên,
Đức Giê-su đã nhấn mạnh vai trò quan trọng của ông trong Hội Thánh : Đức tin của Phê-rô vào Đức Giê-su
chính là tảng đá vững chắc mà trên đó Người xây dựng Hội Thánh. Ngoài ra
Đức Giê-su còn trao tối thượng quyền để cầm buộc và tháo cởi (x. Mt
16,18-19). Người cũng cho Phê-rô đứng đầu Nhóm Mười Hai (x Mt 10,2), và
hứa sẽ cầu nguyện để ông kiên vững đức tin, hầu củng cố đức tin cho
các anh em (x. Lc 22,32). Cuối cùng, Chúa còn trao quyền chăn dắt đoàn
chiên Hội Thánh cho ông (x.Ga 21,15-17).
HỎI 3 : Một số
người cho rằng: Si-mon Phê-rô là một người đầy khuyết điểm và đã
từng phạm tội chối Thầy ba lần, thì làm sao xứng đáng lãnh đạo Hội
Thánh và thi hành quyền cầm buộc và tháo cởi được ?
ĐÁP :
Từ ngày được Đức Giê-su gọi đi theo làm môn
đệ, Si-mon đã phạm nhiều sai lầm. Chẳng hạn : Ông bị Thầy quở trách vì đã suy
nghĩ theo kiểu khôn ngoan của loài người (x. Mt 16,23); Bị trách là kẻ
hèn tin khi đang đi trên mặt nước (x. Mt 14,31); Bị Thầy đe không cho dự
phần với Thầy, vì đã từ chối được Thầy rửa chân (x. Ga 13,8-10); Nhất
là quá tự tin vào sức riêng nên cuối cùng đã phạm tội hèn nhát chối
Thầy ba lần, dù đã được Thầy cảnh báo trước (x. Mc 14,30.66-72).
Nhưng Si-mon Phê-rô cũng có những ưu điểm xứng
đáng được Đức Giê-su tín nhiệm trao quyền lãnh đạo Hội Thánh. Chẳng
hạn: tại thành Xê-da-rê Phi-líp-phê, ông đã
tuyên xưng đức tin : “Thầy là
Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống”, nên đã được Thầy đổi tên thành Phê-rô,
và được trao quyền tối thượng là cầm buộc và tháo cởi (x. Mt 16,18-19). Có
lần ông được Đức Giê-su hứa sẽ cầu nguyện cho để luôn kiên vững đức
tin, và trao
cho ông sứ mệnh củng cố đức tin cho các anh em (x. Lc 22,32). Phê-rô cũng rất nhiệt
tình, thường đại diện anh em trả lời những vấn nạn của Thầy (x. Lc
5,3-10), đại diện Nhóm 12 tuyên xưng đức tin vào lời Chúa dạy về Bánh
Thánh Thể, đang khi nhiều môn đệ khác chán nản rút lui (x. Ga 6,68).
Nhờ kiên vững đức tin, nên ông đã được Đức Giê-su đặt đứng đầu Nhóm
Mười Hai (x. Mt 10,2), được đi trên mặt nước (x Mt 14,28-32), trở thành
một trong ba môn đệ thân tín nhất được chứng kiến cuộc hiển dung của
Người (x. Mt 17,1), phép lạ bé gái đã chết được sống lại (x. Mt
5,37), và nhất là chứng kiến Thầy hấp hối trong vườn Cây Dầu (x. Mt
26,37).
Tuy có lần sa ngã phạm tội, nhưng Phê-rô đã
lập tức sám hối (x. Mt 26,69-75). Nhờ yêu Chúa nhiều hơn anh em, nên ông
đã được Người tha thứ và còn trao nhiệm vụ lãnh đạo đoàn chiên (x.
Ga 21,15-17). Chính lòng yêu mến Đức Giê-su đã thúc bách Phê-rô chạy
thi với Gio-an ra mồ và đã sớm tin Thầy sống lại (x. Ga 20,1-9). Phê-rô
cũng được Chúa Phục Sinh hiện ra (x. Lc 24,34), được cùng anh em lãnh
nhận ơn Thánh Thần và đi rao giảng Tin Mừng khắp nơi (x. Cv 2,14-36),
chữa lành nhiều bệnh nhân (x. Cv 9,33-35.40-41), chủ tọa công nghị Giê-ru-sa-lem
năm 49 (x. Cv 15,5-29). Cuối cùng ông đã can đảm trở lại thành Rô-ma để bị bắt
và chịu khổ hình thập giá thời hoàng đế Nê-rô (năm 64-67). Cái chết của Phê-rô
chứng tỏ lòng mến Chúa, và nêu gương đức tin vững chắc như đá tảng,
để các tín hữu noi theo.
II. SỐNG LỜI CHÚA
1. LỜI CHÚA : “Còn Thầy,
Thầy bảo cho anh biết : Anh là Phê-rô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây
Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi. Thầy
sẽ trao cho anh chìa khóa Nước Trời. Dưới đất, anh cầm buộc điều gì,
trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy. Dưới đất, anh tháo cởi điều gì,
trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy” (Mt 16,18-19).
2. CÂU CHUYỆN : PHẢI LÀM GÌ
ĐỂ NÊN GIỐNG CHÚA GIÊ-SU ?
Ngày xưa, một vị vua nước Hy Lạp tổ chức một
cuộc thi làm tượng ảnh nghệ thuật. Các nghệ nhân
sẽ tạc tượng hoặc làm tranh tượng chân dung của nhà vua. Vua hứa sẽ
ban thưởng lớn cho những tác phẩm nào giống ngài nhất. Nghe thông
báo, các nghệ nhân từ khắp các nước đã ùn ùn đến Hy Lạp ứng thí.
Nghệ nhân Ấn-độ thì mang theo dụng cụ để chạm trổ đồ kim hoàn vàng
bạc và các loại ngọc trai quý giá. Nghệ nhân Ai Cập thì mang theo đồ
nghề đục đẽo đá quý và một khối cẩm thập rất đẹp. Ai cũng quyết
tâm dành giải thưởng. Riêng nghệ nhân nước chủ nhà Hy Lạp chỉ đến
ứng thí với bộ đồ gọt dũa đánh bóng đơn giản.
Mỗi đoàn dự thi được ban tổ chức bố trí ở
và làm việc tại một phòng trong khu vực hoàng cung. Tới ngày thi,
nhà vua ra lệnh mỗi đoàn phải hoàn thành tác phẩm trong thời gian
một tuần lễ. Thế là các nghệ nhân vội vàng bắt tay vào việc. Họ
đục đẽo, chà sát, đánh bóng để khắc họa chân dung của nhà vua Hy
Lạp cho giống như người thật. Sau một tuần, nhà vua truyền đem các tác phẩm
đến trưng bày tại một đại sảnh lớn trong hoàng cung để nhà vua và
bá quan trong triều đến chấm điểm. Khi thấy những tác phẩm dự thi
họa lại chân dung của mình do các nghệ nhân Ấn Độ, Ai Cập và nhiều
nước khác sáng tác, vua hết sức hài lòng. Theo ngài thì mỗi bức
tượng, tranh tượng phù điêu đều có những đường nét tinh vi sắc sảo,
nhìn thấy giống hệt khuôn mặt của ngài. Các tác phẩm ấy được tạc
vẽ từ đất nung, từ đá cẩm thạch, hay các loại vàng bạc quý kim
khác. Cuối cùng khi đến chỗ trưng bày tác phẩm của các nghệ nhân Hy
Lạp thì ngài lấy làm ngạc nhiên vì không thấy bất cứ bức tượng hay
tranh tượng nào, mà chỉ thấy một phiến đá cẩm thạch trắng, được
các nghệ nhân đánh bóng. Nhà vua liền hỏi xem tác phẩm đâu, thì một
người đưa ngài đến đứng trước phiến đá và chỉ vào chân dung của
ngài hiện ra trong phiến đá đó. Nhìn thấy hình ảnh trung thực của mình,
nhà vua đã hiểu ra và hết sức cảm động. Ngài nhận xét các bức
tranh hay tượng khác, dù có giống ngài nhưng chúng không sống động và
trung thực như hình ảnh trong phiến đá được phản chiếu từ chính con người
thật của ngài. Nhà vua đã chấm cho tác phẩm của đoàn nghệ thuật Hy
Lạp hạng nhất. Còn các tác phẩm khác cũng được xếp hạng và đều
có phần thưởng tương xứng với giá trị của chúng. Sau đó, tất cả
các tác phẩm đều được trưng bày tại viện bảo tàng quốc gia cho dân
chúng tự do chiêm ngưỡng.
3. THẢO LUẬN : Đối với
bạn, Đức Giê-su là ai ? Người là một vị ngôn sứ, nên ta có thể xin Người cầu bầu cùng Thiên Chúa cho ta;
hay là một thần tượng để ta thán phục; hay chính là Đấng Thiên Sai
Con Thiên Chúa, để ta tin và sẵn sàng bỏ mọi sự mà đi theo làm môn
đệ Người, sẵn sàng vác thập giá là những đau khổ phải chịu để kết
hiệp với Người cứu rỗi tha nhân ?
4. SUY NIỆM :
1.
SO SÁNH GIỮA HAI TÔNG ĐỒ PHÊ-RÔ VÀ PHAO-LÔ :
a)
Về sự giống nhau:
- Về đức khiêm nhường và
thành tâm sám hối :
Cả hai vị đều là những người yếu đuối và tội lỗi nhưng đã biết khiêm nhường và
hoán cải. Tông đồ Phê-rô đã chối Thầy ba lần, nhưng đã hết lòng ăn năn và trung
thành với Thầy đến chết. Tông đồ Phao-lô đã quyết tâm tiêu diệt Hội Thánh ngay
từ khi còn phôi thai, nhưng khi đã trở lại, đã hiến dâng trọn cuộc đời để đi loan báo Tin Mừng, làm cho Hội Thánh
được lan rộng đi khắp thế giới, bất chấp đói khát, hiểm nguy, tù đầy, kể cả cái
chết.
- Về đức tin vào Chúa Giê-su
là Đức Ki-tô và là Con Thiên Chúa :
Trong khi những người Do Thái đồng thời đang mong chờ một Đấng Mê-si-a thế tục, đến để giải phóng họ khỏi
ách nô lệ cho ngoại bang, còn hai vị Tông đồ đã nhận ra Đức Giê-su chính là Đấng
Ki-tô của Thiên Chúa sai đến. Tông đồ Phê-rô là người đầu tiên đã tuyên xưng đức
tin ấy :
“Thầy là Đức Ki-tô, Con Thiên Chúa Hằng Sống” (Mt 16,16 ). Còn Tông đồ Phao-lô
luôn gọi Thầy Giê-su là “Chúa” hay là “Đức Ki-tô”, hay là “Con Thiên Chúa” (x.
1 Ts 1,10; Rm 5,10; 8,3; 2 Cr 1,19).
- Về lòng yêu mến Chúa và
Hội Thánh :
Sau khi đã trở lại, hai vị đã hoàn toàn quên mình và hiến trọn đời cho Chúa. Cả
cuộc đời còn lại của Tông đồ Phao-lô được tóm tắt như sau : “Tôi sống, nhưng không còn là tôi,
nhưng là Ðức Ki-tô sống trong tôi” (Gl 2,20). Ngài khuyên các tín hữu : “dù anh em ăn, uống, hoặc
làm bất cứ việc gì, hãy làm tất cả vì vinh danh Thiên Chúa” (1 Cr 10,31). Còn
Tông đồ Phê-rô thì nhắc nhở :
“Hãy tôn thờ Ðức Ki-tô là Chúa trong lòng anh em, và luôn luôn sẵn sàng trả lời
cho bất cứ người nào hỏi anh em về lý do của niềm hy vọng nơi anh em” (1 Pr
3,15), và “vì chính Ðức Ki-tô đã chịu đau khổ trong thân xác, nên anh em cũng
hãy tự trang bị bằng cùng một tâm tưởng ấy, vì ai chịu đau khổ về thể xác thì
ngừng phạm tội, để thời gian còn lại trong thân xác, người ấy không còn sống
theo những tình dục con người, nhưng theo thánh ý của Thiên Chúa” (1 Pr 4,1-2).
Cả hai vị đã nêu gương hy sinh mạng sống cho Chúa và cho Hội Thánh.
b)
Khác nhau về ơn gọi và sứ vụ :
- Tông đồ Phê-rô : được gọi theo Thầy ngay từ khi Đức Giê-su mới
ra giảng đạo. Tông đồ Phê-rô là một trong những người được gọi trước hết và được
Đức Giê-su trao nhiệm vụ lãnh đạo Hội Thánh (x. Mt 6,19) và phải nâng đỡ đức tin của các anh em khác (x. Lc
22,32 ).
- Tông đồ Phao-lô :
được Chúa gọi sau cùng sau khi Người đã tử nạn và phục sinh và Phao-lô cũng được
trao sứ vụ tông đồ rao giảng Tin Mừng cho dân ngoại.
Việc Chúa chọn hai
vị tông đồ Phê-rô và Phao-lô cho thấy Thiên Chúa thật mầu nhiệm và quyền năng
vô biên trong việc biến đổi những người tầm thường hoặc cứng đầu nhất trở thành
những tông đồ nhiệt thành của Người nếu họ thành tâm đón nhận ân sủng của Người.
2.
BÀI HỌC TỪ HAI THÁNH PHÊ-RÔ VÀ PHAO-LÔ :
a)
Học tập gương nhân đức của các ngài : Thánh Phao-lô đã dạy các tín hữu noi gương bắt
chước ngài như ngài đã bắt chước Đức Ki-tô (x.1 Cr 4,16; 11,1). Còn thánh Phê-rô
thì khuyên các mục tử :
“Ðừng thi thố quyền hành, nhưng hãy nêu gương sáng cho đoàn chiên” (1 Pr
5,3).
- Gương khiêm
nhường :
Khi chịu kết án tử hình, thánh Phê-rô đã xin được đóng đinh ngược đầu vì thấy mình không xứng đáng chịu
đóng đinh giống như Thầy Giê-su. Còn thánh Phao-lô thì công khai nhận mình là
“một tên phạm thượng, khủng bố và ngạo mạn.” Ngài cũng khiêm tốn coi mình chỉ
là “một đứa bé sinh non, là người bé nhỏ nhất trong số các Tông đồ, không đáng
được gọi là Tông đồ” (x. 1 Cr 15,8-9). Thánh Phê-rô khuyên các tín hữu chúng ta : “Tất cả anh em hãy mặc lấy đức
khiêm nhường trong cách đối xử với nhau, vì ‘Thiên Chúa chống lại kẻ kiêu ngạo,
nhưng ban ơn cho người khiêm nhường.’” (1 Pr 5,5). Thánh Phao-lô thì nói : “Nếu tôi phải khoe khoang, thì tôi
sẽ khoe về những gì liên quan đến sự yếu đuối của tôi” (2 Cr 11,30).
- Gương nhẫn
nhịn chịu đựng nhau và xây dựng tình hiệp thông huynh đệ : Tuy có nhiều kiến thức hơn Phê-rô,
nhưng thánh Phao-lô đã đến ở với Phê-rô 15 ngày để học cùng Phê-rô những gì Phê-rô
đã học từ Đức Ki-tô (x. Gal 1,18). Ngài khuyên chúng ta : “Ðừng làm gì vì ganh tị hay hư
danh, nhưng trong tinh thần khiêm nhường, mỗi người hãy coi người khác hơn
mình” (Phil 2,3). Còn thánh Phê-rô khi bị Phao-lô chỉ trích công khai, đã giữ
thái độ bình thản không tranh cãi (x. Gal 2,11-14). Dù có những bất đồng ý kiến,
nhưng các ngài luôn thể hiện sự hiệp thông :
Thánh Phê-rô đã cùng với Gia-cô-bê và Gio-an bắt tay Phao-lô (x.
Galat 2,9-10). Còn thánh Phao-lô thì tổ chức quyên góp tiền gửi về giúp giáo
đoàn Giê-ru-sa-lem.
- Gương can đảm
làm chứng cho Đức Ki-tô :
Thánh Phê-rô đã đứng trước Công Nghị Do thái tuyên bố : “Chúng tôi không thể không nói ra
những gì chúng tôi đã nghe, và đã thấy.” (Cv 4,19-20). Còn thánh Phao-lô thì
nêu gương “chịu đựng trong gian khổ, cùng quẫn, lo âu, đòn đánh, tù ngục, lao
nhọc, đói khát” (x. 2 Cr 6,4-5), để giữ vững đức tin (x. 2 Tm 4,7).
b)
Sống và loan báo Tin Mừng trong thế giới hôm nay ? :
- Tội lỗi của thế giới hôm nay : Cũng như thời các
Tông đồ, con người ngày nay đang tôn thờ ngẫu tượng là tiền tài, danh
vọng và những thú vui xác thịt. Họ đang “theo những dục vọng của lòng họ, theo
những điều ô uế, để họ cùng nhau làm nhục thân thể của họ. Họ đã đổi chân lý của
Thiên Chúa để lấy sự giả trá. Họ đã tôn kính và thờ phượng những loài thụ tạo,
thay vì Ðấng Tạo Hoá” (Rm 1,24-25). Họ cũng “theo dục tình đồi bại.
Phụ nữ của họ đã đổi những quan
hệ
tự nhiên lấy những quan hệ
trái tự nhiên. Ðàn ông cũng thế, bỏ quan hệ tự nhiên với phụ nữ để nôn nao thèm muốn lẫn nhau.
Ðàn ông làm việc tồi bại với đàn ông” (Rom 1,26-27). Họ đang tìm cách đạp đổ
gia đình là nền tảng của xã hội bằng cách gán cho nó một định nghĩa mới.
Họ đang nhân danh “quyền chọn lựa của phụ nữ” để phá thai, giết hại hàng
triêu thai nhi mỗi năm. Không những thế họ còn muốn dạy những điều này cho trẻ
em, và thay đổi luật pháp để biến những điều này thành những quyền căn bản,
hầu bịt miệng những ai muốn đề
cao chân
lý.
-
Loan báo Tin Mừng là can đảm chống lại nền văn hóa sự chết : Là Ki-tô hữu
chúng ta có nhiệm vụ đoàn kết với nhau và đoàn kết với các tổ chức tốt khác chống
lại “nền văn hoá sự chết này” dù phải chịu mọi thiệt thòi hay phải chết như các
Tông đồ khi xưa.
5. NGUYỆN CẦU :
LẠY CHÚA GIÊ-SU. Chúng con cũng muốn
được góp phần xây dựng Hội Thánh. Nhưng muốn được như vậy, chúng con
phải có đức tin mạnh mẽ như hai thánh Phê-rô và Phao-lô. Xin Chúa cho
chúng con trở thành những viên đá đức tin sống động vững chắc, làm
thành nền móng xây nên tòa nhà Hội Thánh như thánh Phê-rô. Xin Chúa
giúp chúng con tránh những lời nói khó ưa, những hành động vụ lợi
ích kỷ, để sống bác ái hiệp thông như thánh Phao-lô. Xin giúp chúng con
loại bỏ những đam mê bất chính và các tính hư tật xấu, loại trừ thói háo danh, thói
ưa châm chọc chỉ trích kẻ khác, bỏ các tư tưởng tự mãn và hẹp hòi... Nhờ
đó, chúng con có thể trở thành chứng nhân hữu hiệu của Chúa giữa xã
hội Việt Nam hôm nay.- AMEN.
LM ĐAN VINH – HHTM