Suy niệm Lời
Chúa thứ Hai Tuần XXXI Thường Niên B
LỄ
CÁC ĐẲNG LINH HỒN
Lời Chúa: Lc 23, 33.39-43
33 Khi đến nơi gọi là “Đồi Sọ”, họ đóng đinh Người vào thập giá,
cùng lúc với hai tên gian phi, một tên bên phải, một tên bên trái. 39 Một trong hai tên gian phi bị treo trên thập giá cũng nhục
mạ Người: “Ông không phải là Đấng Ki-tô sao? Hãy tự cứu mình đi, và cứu cả
chúng tôi với!” 40 Nhưng tên kia mắng nó: “Mày đang chịu
chung một hình phạt, vậy mà cả Thiên Chúa, mày cũng không biết sợ! 41 Chúng ta chịu như thế này là đích đáng, vì xứng với việc
đã làm. Chứ ông này đâu có làm điều gì trái!” 42 Rồi anh
ta thưa với Đức Giê-su: “Ông Giê-su ơi, khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến
tôi!” 43 Và Người nói với anh ta: “Tôi bảo thật anh, hôm
nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng.”
Suy niệm:
Hôm
nay là ngày lễ Các Đẳng, chúng ta tưởng nhớ và cầu nguyện cách đặc biệt cho những
người thân yêu cũng như những người quá cố, đã ra đi trước chúng ta. Đó là một
truyền thống quý báu của Giáo Hội hơn một ngàn năm qua, nó rất phù hợp với nền
lễ giáo Đạo Hiếu của người dân Việt Nam, một tương giao gắn bó với những người
đã khuất, với lòng thành kính khi nhớ về Tổ tiên nguồn cội.
Trong
văn hóa Việt nam, con người mất đi không phải là hết nhưng trở về một nơi nào
đó của thế giới bên kia, nơi ấy có thể gọi là “Suối vàng”, “Chín Suối”, “Miền cực
lạc”, “Âm ty – địa phủ”… và khi đến lượt mình từ giả cõi đời, người ta thường
nói là “về với ông bà tổ tiên”. Như vậy, rõ ràng tâm thức tâm linh, tôn giáo
nơi người Việt có thật lâu đời, và niềm tin vào Thiên Đàng của đạo Công Giáo
như một sự tiếp nối, làm rõ hơn sự sống vĩnh cửu của linh hồn vốn được Đấng Tạo
Hóa trao ban nơi họ.
Trong
bài Tin Mừng hôm nay, một trong hai tên gian phi cũng bộc lộ rất rõ niềm xác
tín của mình về nơi mà con người vẫn mong mõi được trở về. Anh ta thưa với Đức
Giê-su: “Ông Giê-su ơi, khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi!” Và Người
nói với anh ta: “Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên
Đàng.” Qua lời đối thoại này, cho chúng ta có một niềm xác tín mạnh mẽ, Thiên
Đàng là nơi Thiên Chúa ngự trị, đó là Nước Thiên Chúa và là Vương quốc của sự
vĩnh hằng, của hoan lạc và niềm hạnh phúc.
Tuy
nhiên, để đi đến Vương quốc ấy chúng ta không phải dùng tài năng, tiền của để đổi
lấy, nhưng cần một phương thế khác, đó là tin vào Đức Giêsu Kitô, tức là tin
vào mầu nhiệm chịu nạn và Phục sinh của Ngài; và nhờ Ngài là đường, là sự thật
và là sự sống đưa dẫn ta đến đó. Điều này, đoạn Tin mừng Lu-ca giúp ta khám phá
cách chân thật. Cả hai tên gian phi đều đáng tội phải chịu cực hình thập giá,
đó là cái giá phải trả cho những tính hư tật xấu của họ. Chắc hẵn, người thứ nhất
đã từng nghe biết về Đức Giêsu, và những dấu lạ điềm thiêng mà Ngài đã làm nơi
dân chúng; nhưng trước thân thể tan nát, lõa lồ trên thập giá của Đức Giêsu, niềm
tin của anh vào Con Thiên Chúa bị lung lay. Anh không thể tin được một Đấng đầy
quyền năng, có thể làm cho kẻ chết sống lại mà lại bị sĩ nhục đến cùng cực như
vậy. Thế nên anh ta mới trắc nghiệm lại niềm tin của mình: “Nếu ông là Đấng
Ki-tô, thì hãy tự cứu mình đi, và cứu tôi nữa”, chính thái độ “nếu”, tức là nghi
hoặc và thiếu chân thành ấy đã khiến anh ta chết thêm một lần nữa, là “mất luôn
niềm hy vọng”.
Khác
hẵn với thái độ của người thứ nhất, chàng trai thứ hai nhận ra thân phận yếu đuối
tội lỗi của mình, và anh ta nhìn thấy Đấng Vô tội chịu sĩ nhục mà không ca
thán, hay sinh lòng hận thù; con người ấy chỉ có thể là Con Thiên Chúa. Vì thế,
anh ta như được hồi sinh bởi nhờ “niềm hy vọng” được cứu rỗi, một ánh sáng lóe
lên nơi tâm hồn và thân xác tối mịt của anh ta bởi những hố sâu của sự tội. Anh
ta thốt lên với Đức Giêsu, bằng chính tận sâu thẳm cõi lòng mình mà không nghi
hoặc trước một người đang trần truồng chung một cực hình như mình “Ông Giê-su
ơi, khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi!”. Chính niềm tin ấy đã tái sinh
anh ta, và Đức Giêsu Kitô đã đưa anh vào cõi hằng sống với Ngài.
Cuộc
đời mỗi người tín hữu chúng ta cũng vậy, ai cũng có thể nhận ra sự yếu đuối tội
lỗi nơi mình, nhưng không phải tất cả đều khiêm tốn phó dâng sự yếu đuối lên
Thiên Chúa giàu lòng xót thương để được ơn cứu độ. Sự cứng lòng tin, làm cho ta
luôn đòi hỏi một dấu lạ hữu hình từ Thiên Chúa, và rồi ta không được đáp ứng
thì đâm ra nghi hoặc và mất niềm hy vọng cậy trông. Ước gì, mỗi người chúng ta
ý thức luôn tình trạng bất xứng của mình, để rồi biết tin tưởng kêu lên với
Chúa như anh gian phi thứ hai “Lạy Chúa, con tin Chúa, xin Ngài nhớ đến con nơi
Vương quốc của Ngài”. Đó là một tâm thế cần thiết, để ta luôn biết cầu nguyện
cho mình và cho những người quá cố thân yêu của ta được Chúa thương đón nhận
vào Quê Trời hằng sống. Amen.
(Xuân Hạ,
OMI)