Suy Niệm Lời Chúa Thứ Năm Sau Lễ Hiển
Linh
Lời Chúa: Lc 4, 14-22a
(14)
Ðược quyền năng Thần Khí thúc đẩy, Ðức Giêsu trở về miền Galilê, và tiếng tăm
Người đồn ra khắp vùng lân cận. (15) Người giảng dạy trong các hội
đường của họ, và được mọi người tôn vinh.
(16)
Rồi Ðức Giêsu đến Nadarét, là nơi Người sinh trưởng. Người vào hội đường như
Người vẫn quen làm trong ngày sabát, và đứng lên đọc Sách Thánh. (17)
Họ trao cho Người cuốn sách ngôn sứ Isaia. Người mở ra, gặp đoạn chép rằng:
(18)
Thần Khí Chúa ngự trên tôi,
vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi,
để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo
hèn.
Người đã sai tôi đi công bố
cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha,
cho người mù biết họ được sáng mắt,
trả lại tự do cho người bị áp bức,
(19)
công bố một năm hồng ân của Chúa.
(20)
Ðức Giêsu cuộn sách lại, trả cho người giúp việc hội đường, rồi ngồi xuống. Ai
nấy trong hội đường đều chăm chú nhìn Người. (21) Người bắt đầu nói
với họ: "Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe". (22)
Mọi người đều tán thành và thán phục những lời hay ý đẹp thốt ra từ miệng
Người.
Suy Niệm
Trong
suốt tuần phụng vụ này, Giáo hội cho chúng ta suy niệm và chiêm ngưỡng chân
dung Chúa Hiển Linh. Thiên Chúa biểu lộ tình yêu, lòng xót thương nhưng không của
Người cho toàn nhân loại. Đáp trả lại hồng ân này, con người cần cộng tác, xây
dựng, biến đổi, làm cho thế giới này tốt đẹp hơn, Nước Trời được rạng rỡ hơn.
Ngay từ đầu biến cố Hiển Linh, đã có những nhà chiêm tinh, họ tượng trưng cho
muôn người, muôn miền đã tìm đến, nhận ra và ca rao tình thương của Thiên Chúa.
Hôm nay, theo thánh sử Luca, Đấng Ngôi Hai ấy đã hiện diện, cụ thế hoá và tiếp
tục trình bày kế hoạch yêu thương vô ngàn của Thiên Chúa dành cho nhân loại này
(xc. Lc 4:14-22a).
Theo
thánh Luca, được Thần Khí thúc đẩy, Đức Giê-su đã trở về Ga-li-lê, các vùng lân
cận và đặc biệt quê hương của Ngài là Na-za-rét (xc Lc 4, 14-17). Tại mảnh đất
thân thương này, Ngài đã trình bày về Giáo lý và chương trình Cứu độ. Nội dung
sứ điệp của Ngài là rao giảng Tin mừng, công bố hồng ân của Thiên Chúa và giải
thoát những ai bị tù đày cả về thể xác lẫn tinh thần. Sứ điệp yêu thương của
Ngài rất chi tiết và cụ thể. Trước tiên, Ngài trình bày cho nhân loại thấy,
Ngài đến, Ngài hiện diện là một quà tặng, ân ban, Đấng Cứu độ mà muôn dân đang
trông đợi. Thứ đến, ơn Cứu độ của Ngài không chỉ là những lời giáo huấn suông
nhưng là những hành động cụ thể; tức là Ngài trực tiếp giải phóng, phóng thích
tất cả những ai đang mang gánh nặng nề, những ràng buộc của tội luỵ, những đau
khổ của bệnh tật, chính Ngài sẽ ra tay cứu độ. Sau cùng, tình yêu của Ngài
không chỉ giới hạn vào một con người, một cá nhân cụ thể nào, nhưng trải dài và
bao phủ trên hết muôn người. Ngài công bố năm Hồng ân, tức là con người được
tha nợ, đất đai được nghỉ ngơi, và hết thảy những ràng buộc nơi thân phận con
người được phóng thích, tự do…
Những
người Ki-tô hữu khi lãnh nhận Bí tích Thanh Tẩy, chúng ta cũng được Thần khí
thúc đẩy. Chức năng ngôn sứ với sứ mạng chính là rao giảng Tin Mừng và trình
bày Ơn Cứu Độ cũng như Nước Trời cho tha nhân. Đây thực là một ơn gọi nhưng
cũng là một thách đố cho chính chúng ta. Chính Đức Giê-su, quà tặng cao cả mà
Thiên Chúa dành cho nhân loại, con đường sứ mạng của Ngài đến với nhân loại
không trải bằng hoa hồng nhưng được xây dựng bằng đau khổ và trả giá bằng cái
chết. Với đức vâng phục, Ngài được chính Thần Khí Chúa Cha luôn đồng hành, chỉ
bảo và cuối cùng Ngài đã chiến thắng cái chết và Phục sinh vinh hiển.
Thế
giới ở ngàn năm thứ ba, một thế giới mang bản chất đa nguyên, đa văn hoá. Chiêm
ngắm các trào lưu đa nguyên như thế, các Giám mục Á châu đã chiêm niệm và khẳng
định rằng, thiên niên kỷ thứ ba sẽ là kỷ nguyên Kitô giáo tại vùng đất này. Ơn
gọi và sứ mạng của con người nơi đây phải là một ngôn sứ khiêm nhường và nhiệt
thành. Khiêm nhường, lắng nghe các ý thức hệ khác. Nhiệt thành, đối thoại không
ngừng nghỉ với các niềm tin chung quanh. Dạn dĩ, dấn thân và giải trừ các ý thức
hệ vô thần. Thực vậy, sống giữa một thế giới đang bị bao trùm bởi những triết
thuyết, tư tưởng vô luân, chúng đặt con người vào sự dễ dãi và sẵn sàng thoả hiệp
với những cái xấu. Sứ mạng của người Ki-tô hữu là chứng nhân cho sự thật, là
minh chứng cho sự công bằng. Để làm được như vậy, chúng ta hãy học hỏi và hành
động như Đức Ki-tô. Khiêm nhường trong đời sống, hành động vị tha trong cư xử, lắng
nghe trong kiên trì. Ấy là những vũ khí, sức mạnh, ân sủng mà Thần Khí sẽ ban
ơn, trợ lực. Tin tưởng, phó thác vào Ngài, chúng ta mới can đảm ra đi làm chứng
và trình bày tình yêu Chúa cho thế giới ngày nay, cách riêng tại vùng đất Á
Châu này. Amen.
Lm
Micae Vũ An Lộc