Suy Niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần XII Thường
Niên
Lễ Thánh Phê-Rô và Phao-Lô
THÁNH PHÊRÔ VÀ PHAOLÔ
LỜI CHÚA: Mt 16, 13-19
Khi ấy, Chúa Giêsu đến địa hạt thành
Cêsarêa Philipphê, và hỏi các môn đệ rằng: "Người ta bảo Con Người là
ai?" Các ông thưa: "Người thì bảo là Gioan Tẩy Giả, kẻ thì bảo là
Êlia, kẻ khác lại bảo là Giêrêmia hay một tiên tri nào đó". Chúa Giêsu nói
với các ông: "Phần các con, các con bảo Thầy là ai?" Simon Phêrô thưa
rằng: "Thầy là Ðức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống".
Chúa Giêsu trả lời rằng: "Hỡi Simon
con ông Giona, con có phúc, vì chẳng phải xác thịt hay máu huyết mạc khải cho
con, nhưng là Cha Thầy, Ðấng ngự trên trời. Vậy Thầy bảo cho con biết: Con là
Ðá, trên đá này Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và cửa địa ngục sẽ không thắng
được. Thầy sẽ trao cho con chìa khoá nước trời. Sự gì con cầm buộc dưới đất,
trên trời cũng cầm buộc; và sự gì con cởi mở dưới đất, trên trời cũng cởi
mở".
SUY NIỆM
Khi người ta làm những bức tượng để thờ
kính hay mừng kính, người ta muốn qua bức tượng cho người khác thấy những nét
nổi bật của vị thánh mà mình tôn kính. Chẳng hạn, tượng Thánh Tâm Chúa Giêsu,
chúng ta thấy có trái tim rực lửa cháy được đặt lộ ra ngoài. Hay tượng thánh
Giuse, ngài cầm 1 cành bông huệ khiết trinh trên tay và 1 cây thước của một thơ
mộc. Hoặc tượng Đức Mẹ của họ Mẹ Lên Trời luôn ở trong tư thế bay lên và hướng
về trời cao. Hay tượng thánh Stephano người ta tạc ngài với một cục đá cầm ở tay. Hôm
nay, chúng ta cùng với Giáo Hội mừng lễ 2 thánh Phêrô và Phaolo và
chúng ta cũng thấy có 2 bức tượng. Phêrô cầm chìa khóa và Phaolo cầm thanh
gươm. Vậy hôm nay, chúng ta cùng nhau tìm hiểu ý nghĩa của 2 hình ảnh này.
Trước hết, tin mừng hôm nay
đã cho chúng ta biết, Phêrô cầm chìa khóa tượng trưng cho
quyền cầm buộc và tháo cởi của Hội Thánh. Bởi vì ông là người được Chúa Giêsu
đặt lên làm đầu, làm vị giáo hoàng tiên khởi của Hội Thánh. Tuy nhiên, ông có
thể chu toàn sứ mạng đứng đầu Hội Thánh không phải nhờ tài lãnh đạo của mình,
cũng không nhờ uy quyền tài trí khôn ngoan của bản thân. Nhưng Phêrô nên thánh,
nên người cầm chìa khóa, nên trụ cột của Giáo Hội bằng con đường của những lần
sai lỗi và vấp ngã trong đời ông. Thực vậy không?
Đúng thế, ông là một trong những người
theo Chúa ngay từ đầu. Nhưng ông lại là người nhiều sai lỗi nhất. Và Chúa
Giêsu đã từng chỉnh sửa ông nhiều nhất. Bởi đã có lần ông ngăn cản thầy
Giêsu lên Giêrusalem để rồi phải nhận lấy lời quở trách: ‘Satan, lui
lại đằng sau thầy vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà
là của loài người’. Có lần ông hung hăng tuyên bố sẵn sàng thí cả mạng sống
vì thầy nhưng lại bỏ chạy lúc thầy gặp nguy hiểm.
Và lần vấp ngã nặng nề nhất lại là giây
phút quan trọng nhất. Khi Chúa Giêsu bị bắt trong vườn dầu và sau đó
trong dinh vị thượng tế, ông đã chối thầy 3 lần. Ngay lúc mà Chúa cần ông nhất,
ông đã vấp ngã. Ngay lúc Chúa cảnh giác ông, ông lại vấp phạm vì lời thầy căn
dặn. Rõ ràng, Phêrô sai lỗi rất nhiều, vấp ngã rất nhiều. Tuy
nhiên, sau những lần vấp ngã đó, ông đã thành tâm sám hối và trở nên khiêm tốn
hơn. Ông không còn dám cậy vào sức mình nhưng biết tín thác vào sức mạnh của
Chúa. Ông biết đưa tay ra để kêu cứu Chúa khi gặp nguy hiểm. Ông can đảm thưa 3
lần ‘Thầy biết, con yêu mến thầy’ để đón nhận tình yêu và sứ
mạng của Chúa. Hay nói cách khác, ông đã đụng chạm và nhận lấy lòng
thương xót của Chúa bằng chìa khóa là lòng khiêm nhường và mến Chúa của ông.
Như thế, chìa khóa mà Phêrô cầm trên tay
không chỉ để mở cửa nước trời, mà còn mở ra cho người ta con đường để kín múc
lòng thương xót của Chúa.
Còn Phaolô, ông cầm một thanh gươm
trong tay. Nhưng không phải để đôi co, gây chiến, hay để đánh nhau nhưng chỉ vì
2 mục đích này:
Thứ nhất, như bài đọc 2 trong thư gởi ông Timôthê,
ngài đã nói rõ: ‘tôi đã chiến đấu trong cuộc thi đấu cao đẹp, đã chạy
hết chặng đường và giữ vững niềm tin’. Vậy ra, Phaolo sử dụng thanh gươm để
một khi cậy dựa vào sức mạnh của Chúa, ông có thể chiến đấu với con người yếu
đuối, tội lỗi của mình, chỉ để mong sao giữ vững niềm tin với Chúa và có được
vòng hoa dành cho người công chính.
Và mục đích thứ hai, Phaolo dùng thanh
gươm để sẵn sàng khai phá những nơi chưa một ai biết Chúa Kito. Quả thật là như
vậy. Ba cuộc truyền giáo vĩ đại cho dân ngoại mang tên của Phaolo. Hơn môt nửa
cuốn Tông đồ công vụ nói về ông. 14 thánh thư do ông viết chiếm 85% số thánh
thư trong Tân Ước. Những điều đó đủ để nói đến tầm mức vĩ đại của Phaolo. Và
rõ ràng, ông là người đã nhiệt thành khai phá và mở mang Nước Chúa
nhiều nhất, để tin mừng Đức Giêsu Kitô được loan đến tận cùng trái
đất.
Kính thưa …, hôm nay, khi mừng lễ hai
thánh tông đồ Phêrô Phaolô, cột trụ của Giáo Hội, ước gì mỗi người chúng
ta dù ở trong bất cứ hoàn cảnh nào, xin cũng hãy trở nên một Phêrô, biết
đóng lại những quá khứ lỗi tội để mở ra tương lai ân sủng cho cuộc đời mình nhờ
chùm chìa khóa là sự khiêm nhường và lòng yêu mến;
và mỗi chúng ta, dù ở trong bất cứ địa vị
nào, xin cũng hãy là một Phaolô với thanh gươm của nhiệt thành và quảng đại, để
khai quang tâm hồn và giới thiệu Chúa Giesu cho anh chị em chưa nhận biết Chúa.
Ước mong và cầu chúc mỗi người chúng ta sẽ
là những Phêrô và Phaolo của ngàn năm thứ ba này, sẽ luôn nắm chắc chìa khóa và
thanh gươm của mình, để không chỉ giúp cho bản thân mà còn giúp cho mọi người
được hưởng ơn cứu độ. Amen.
Lm. Phêrô Trần Anh Khôi