Suy Niệm Lời Chúa Thứ tư
Tuần II Thường Niên
CUỘC XUNG ĐỘT GIỮA CHÚA GIÊSU VÀ NGƯỜI PHARISIEU
Lời Chúa : Mc 3,1-6
(1) Ðức Giêsu
lại vào hội đường. Ở đó có một người bị bại tay. (2) Họ rình xem Ðức
Giêsu có chữa người ấy ngày sabát không, để tố cáo Người. (3) Ðức
Giêsu bảo người bại tay: "Anh chỗi dậy, ra giữa đây!" (4)
Rồi Người nói với họ: "Ngày sabát, được phép làm điều lành hay điều dữ,
cứu mạng người hay giết đi?" Nhưng họ làm thinh. (5) Ðức Giêsu
giận dữ rảo mắt nhìn họ, buồn khổ vì lòng họ chai đá. Người bảo anh bại tay:
"Anh giơ tay ra!" Người ấy giơ ra, và tay liền trở lại bình thường. (6)
Ra khỏi đó, nhóm Pharisêu lập tức bàn tính với phe Hêrôđê, để tìm cách giết Ðức
Giêsu.
Suy Niệm
Ở đời, có những kẻ thường đi xem xét, bới móc việc
làm của người không cùng quan điểm, không có lối sống như họ …, để bêu xấu danh
dự người ấy, thậm chí còn muốn loại trừ. Đức Giê-su trong bài Tin Mừng hôm nay
cũng bị rơi vào tình trạng ấy. Dưới quan điểm của quần chúng thì Ngài là vị
ngôn sứ cao cả, đúng hơn Ngài là hiện thân của Đấng Mêsia mà dân Do Thái đang
mong chờ. Nhưng trong lòng người Pharisieu, Ngài lại bị coi là kẻ phạm pháp, vì
đã không dạy dỗ kỹ lưỡng các môn đệ mình khi các ông bứt lúa trong ngày sabát.
Ngài cũng là kẻ bị xem là ăn nói phạm thượng khi tự cho mình là ngang hàng với
Thiên Chúa : "Con Người làm chủ ngày
sabát". Chúng ta cùng bước vào trình thuật hôm nay như một vở tuồng đầy
kịch tính và đó cũng là cuộc tranh luận cuối cùng của Chúa Giê-su với nhóm biệt
phái với cường độ ngày càng gay gắt.
“Đức Giê-su
lại vào hội đường. Ở đó có người bại tay" (1). Ngay câu đầu tiên,
thánh sử đã giới thiệu nơi chốn xảy ra cuộc xung đột và vấn đề sẽ tranh luận. Hội
đường vẫn là nơi người Do thái họp nhau cầu nguyện và đọc sách luật. Nhưng lần
này, người Pharisieu vào hội đường có mục đích : "rình xem Đức Giêsu có chữa bệnh trong ngày sabát để tố cáo Ngài" (2). Với hai hành động "rình xem và
tố cáo", chúng ta thấy rõ sự mâu thuẫn, đối đầu của Chúa Giêsu và đối thủ
của Ngài lên đến cực điểm. Hành vi chữa bệnh của Chúa Giêsu lúc này bị gán vào
tội vi phạm luật Mô-sê, luật của cha ông truyền lại, luật từ Môse : kiêng việc
trong ngày sabát. Nhưng họ không biết rằng sự tinh tuyền, bản chất của luật đã
bị biến chất do sự ích kỷ và ghen ghét của con người. Tuy vậy, Chúa Giê-su đã
biến trường hợp này thành tấm gương sống động của ơn cứu độ. Ngài gọi đích danh
người bệnh : "Anh chỗi dậy, ra giữa
đây" (3). Bị kêu tên bất ngờ, chắc anh không khỏi lúng túng. Không để
anh phải chờ đợi lâu, Ngài nêu một vấn nạn cho người Pharisieu khiến họ phải lựa
chọn, phải phân định dứt khoát "Ngày
sabát, được phép làm điều lành hay điều
dữ, cứu mạng người hay giết đi ?". Câu trả lời như đã rõ khi họ chỉ là
những kẻ nệ luật, nhưng hành vi lặng thinh đã tố cáo sự vô trách nhiệm của kẻ cứ
khăng khăng giữ luật theo mặt chữ mà sống thiếu bác ái, thông cảm với nỗi đau của
anh em đồng loại. Thấy họ im lặng một cách thảm thương như vậy, lòng Chúa Giêsu
đầy căm giận và muộn phiền, cơn giận bùng sôi "Ngài giận dữ rảo mắt nhìn họ" (5a). Ở đây, thánh sử muốn diễn
tả hành động "rảo mắt" của vị quan tòa muốn soi xét, quở trách kẻ cứng
lòng, chai lì trước lời mời gọi yêu thương của Ngài và "Ngài buồn khổ vì lòng họ chai đá" (5b). Thánh sử nói rõ :
Chúa buồn khổ trước sự cố chấp của con người. Họ cố tình đóng cửa lòng, từ chối
đón nhận Tin Mừng. Chúa buồn khổ vì đó là sứ vụ của Ngài : Ta đến để cứu chữa những gì đã hư mất. Và tình thương của Ngài đã phải
"câm lặng, bó tay" trước sự cứng lòng ấy, vì Ngài tôn trọng tự do,
cái quyền mà Ngài đã ban cho con người : Chúa dựng nên tôi, không cần hỏi ý
tôi. Nhưng để cứu độ tôi, Ngài cần tôi cộng tác.
"Ngài bảo
anh bại tay : Anh giơ tay ra ! Người ấy giơ ra và tay anh liền trở lại bình thường" (5c). Đây là lúc Chúa biểu
lộ uy quyền của Đấng Mêsia, Đấng phải đến để cứu độ. Chỉ một lời Ngài phán ra đủ
cho kẻ bại tay trở lại bình thường. Với tư cách Con Người làm chủ ngày sabát,
Chúa Giêsu hòa giải toàn vẹn giữa hành vi nghỉ ngơi của ngày sabát và hành vi cứu
độ - là sứ mạng mà Chúa Cha đã trao cho Ngài. Nếu ở đây Ngài có vi phạm luật
thì cũng chỉ nhằm khôi phục lại tình trạng nguyên tuyền của luật. Ngài đã thực
hiện một hành vi giải phóng với kẻ bại liệt. Ngài lập ra một trật tự mới, trong đó con người được phục
hồi phẩm giá mà tổ tiên xưa đã đánh mất trong vườn địa đàng.
"Ra khỏi
đó, nhóm Pharisieu lập tức bàn tính với phe Hêrôđê tìm cách giết Chúa
Giêsu" (6).
Thánh sử muốn phác họa cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu đang lấp ló ở chân trời, qua
các cuộc đụng độ với những nhà chức sắc trong dân Do Thái. Vụ án và cái chết của
Chúa Giê-su được khơi mào ngay trong cách thức Ngài "đụng chạm" với
trật tự của hệ thống mà nhóm người đương thời đã xếp đặt. Mọi sự mạc khải về thân
thế và sứ mạng của Ngài khiến các nhà tôn giáo của Israel lập mưu giết Ngài.
Tuy nhiên, chúng ta vững tâm khi thấy Chúa Giê-su đặt ý định cứu độ của Thiên
Chúa đối nghịch với thâm ý "tiêu diệt" của loài người.
Lạy Chúa, đã bao lần trong lời nói, hành vi, cử chỉ
của chúng con… đã lên án, tố cáo Chúa khi chúng con xúc phạm đến người anh em.
Xin cho chúng con biết xét mình hằng ngày để hối lỗi về những điều xấu, hơn nữa
xin cho chúng con biết sống tinh thần cốt lõi của Ki-tô giáo, để cuộc sống này
bớt đi những bóng tối hận thù, ghen ghét, chia rẽ … và thắp lên đốm lửa yêu
thương, tha thứ, hiệp nhất, hầu mọi người nhận ra khuôn mặt của Chúa trong cuộc
sống đời thường của chúng con. Amen
Nữ Tỳ Thánh Thể